Gợi ý phương pháp làm mục vụ giới trẻ theo Tông huấn Christus Vivit

1182 lượt xem

Làm mục vụ giới trẻ luôn là thách thức lớn ở mọi nơi và mọi thời. Vì thế khi nghe tin Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập Thượng Hội Đồng Giám mục để bàn về Mục vụ giới trẻ, ai cũng mong được nghe những chia sẻ kinh nghiệm và gợi ý phương pháp làm việc để mục vụ giới trẻ được phong phú và hiệu quả hơn. Tông huấn Chúa Kitô đang sống chính là kết quả làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục vì “lấy cảm hứng từ rất nhiều suy tư và thảo luận diễn ra tại Thượng Hội Đồng”, và khi biên soạn Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cố gắng đưa vào những đề nghị mà ngài cho là có ý nghĩa nhất của Thượng Hội Đồng (số 4). Như thế Tông huấn này là tài liệu phong phú hướng dẫn việc làm mục vụ cho giới trẻ trong thời đại hiện nay. Nói riêng về phương pháp làm mục vụ giới trẻ, Tông huấn không trực tiếp đưa ra một phương pháp phải theo, dù vậy trong Tông huấn có nhiều gợi ý về định hướng cũng như thực hành mục vụ. Bài viết này cố gắng rút ra những suy tư và chỉ dẫn từ Tông huấn, từ đó gợi ý một đường hướng và phương pháp làm mục vụ cho giới trẻ trong hoàn cảnh hiện nay.

1. Mục đích của Mục vụ giới trẻ

a. Những ghi nhận từ Tông huấn

– Khơi dậy và đào sâu kinh nghiệm đức tin: “Đừng quá lo lắng truyền đạt thật nhiều nội dung giáo thuyết, nhưng trước hết, hãy cố gắng đánh thức và giúp các bạn đào sâu những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu” (212). “Ở một số nơi… thay vì được tạo điều kiện để gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã chạm đến trái tim họ, người trẻ chỉ được tham dự những cuộc gặp gỡ “huấn luyện” lên lớp về những vấn đề đạo lý và luân lý, về những sự dữ trong thế giới ngày nay, về Hội Thánh, về học thuyết xã hội, về đức khiết tịnh, về hôn nhân, về kiểm soát sinh sản và những chủ đề khác. Kết quả là nhiều người trẻ chán ngán, mất đi lửa nhiệt thành gặp gỡ Chúa Kitô và niềm vui bước theo Người. Nhiều người bỏ cuộc, còn những người khác thì buồn chán và tiêu cực” (212).

– Hai trục chính trong việc đào tạo giáo lý và luân lý cho giới trẻ là (1) “Đào sâu lời rao giảng tiên khởi (kerygma), vốn là kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu… vì thế mục vụ giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của Đức Giêsu Kitô đang sống”; (2) “Sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục vụ”, “giúp người trẻ triển nở trong tình huynh đệ, sống như anh em với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo” (213-214).

b. Gợi ý suy nghĩ

– Tông huấn mời gọi một sự thay đổi sâu xa trong cách nhìn và cách làm mục vụ giới trẻ, từ chỗ áp đặt chương trình đào tạo có sẵn (tín lý, luân lý, phụng vụ…) đến chỗ khơi dậy và đào sâu kinh nghiệm đức tin nơi người trẻ. Trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã không “lên lớp” hai môn đệ trước nhưng Người đồng hành với họ, khơi dậy những thao thức và băn khoăn của họ, lắng nghe họ tâm sự, rồi mới giúp họ khám phá ý nghĩa của các sự kiện trong chương trình của Thiên Chúa.

– Tông huấn nói đến việc phải đánh thức và đào sâu kinh nghiệm đức tin nơi người trẻ hơn là hấp thụ kiến thức. Thông thường, những kinh nghiệm này được khơi dậy không phải bằng những bài học lý thuyết nhưng qua những con người, biến cố, sự kiện cụ thể. Vì thế, chuyện kể, chia sẻ chứng từ, gương sống là những cách thế đem lại hiệu quả nhiều hơn các bài giáo lý.

– Tông huấn đề nghị phải quan tâm nhiều hơn đến chiều kích cộng đoàn và phục vụ trong mục vụ giới trẻ, vì thế sinh hoạt nhóm nhỏ, cùng với những chuyến hành hương, dã ngoại, làm công tác xã hội… là những cách thế rất tốt trong mục vụ giới trẻ.

2. Nhân sự của Mục vụ giới trẻ: Người trẻ là tác nhân của Mục vụ giới trẻ và là tông đồ cho người trẻ

a. Những ghi nhận từ Tông huấn

– “Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo” (số 203).

– “Chính người trẻ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc Âm hóa những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh… Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác” (210).

– “Trong nhiều bối cảnh khác nhau, có những nhóm bạn trẻ, thường là từ các phong trào và hội đoàn Công giáo, tích cực tham gia vào việc Phúc-âm-hóa các bạn cùng trang lứa qua chứng tá đời sống trong sáng của mình, qua ngôn ngữ dễ hiểu và khả năng thiết lập những mối dây thân hữu. Việc tông đồ này giúp đem Tin Mừng đến với những người trẻ mà mục vụ giới trẻ thông thường không chạm tới được, đồng thời giúp cho các bạn trẻ làm tông đồ được trưởng thành hơn trong đức tin. Như thế, việc tông đồ này xứng đáng được trân trọng, nâng đỡ, đồng hành cách khôn ngoan và hội nhập đời sống các cộng đoàn” (Final Document, số 56).

b. Gợi ý suy nghĩ

– Ở đây cũng thế, Tông huấn mời gọi một sự thay đổi sâu xa trong cách nhìn và cách làm mục vụ giới trẻ (paradigm shift), từ chỗ nhìn người trẻ như đối tượng đến chỗ nhìn người trẻ như chủ thể của mục vụ giới trẻ (là tác nhân, có những cách thức mới, sáng tạo và táo bạo). Do đó người trẻ không chỉ đóng vai trò thụ động trong mục vụ giới trẻ (chỉ biết đón nhận và tuân theo những gì người hướng dẫn chỉ bảo), nhưng đóng vai trò chủ động (biết cách nào là tốt nhất để quy tụ các bạn trẻ, tổ chức các sự kiện, loan báo Tin Mừng qua mạng xã hội). Các nghị phụ khẳng định, “Người trẻ Công giáo không chỉ là người đón nhận hoạt động mục vụ, họ là những chi thể sống động trong cùng một Thân thể là Hội Thánh, là những người đã chịu Phép Rửa và Thánh Thần đang sống, hoạt động trong họ. Người trẻ giúp cho Hội Thánh phong phú trong chính hiện hữu của mình chứ không chỉ trong những hoạt động. Người trẻ là hiện tại chứ không chỉ là tương lai của Hội Thánh” (Final Document, số 54).

– Điều cần thiết là người làm mục vụ phải để cho giới trẻ có không gian tự do để người trẻ có thể phát huy khả năng. “Người trẻ tích cực tham gia nhiều hoạt động của Hội Thánh bằng sự phục vụ quảng đại, nhất là qua việc dạy Giáo lý, cử hành phụng vụ, chăm sóc người đau yếu, việc từ thiện cho người nghèo. Các phong trào, hội đoàn tôn giáo cũng tạo cho người trẻ cơ hội phát huy sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm. Đôi khi sự sẵn sàng của người trẻ lại gặp phải sự độc đoán và không tin tưởng từ phía người lớn tuổi hoặc các cha xứ, vì họ không nhận ra cách đầy đủ tính sáng tạo nơi người trẻ, hoặc vì họ không muốn chia sẻ trách nhiệm” (Final Document, số 54).

– Người hướng dẫn đóng vai trò đồng hành, lắng nghe, chia sẻ… như Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus.

3. Những lãnh vực cần quan tâm trong Mục vụ giới trẻ

a. Ghi nhận từ Tông huấn

– Mục vụ giới trẻ và mục vụ gia đình: “Người trẻ cần được tôn trọng sự tự do nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình phải là nơi đồng hành đầu tiên… Vì thế, Mục vụ giới trẻ và Mục vụ gia đình cần phải phối kết với nhau, để bảo đảm sự đồng hành liên tục và thích hợp trong tiến trình ơn gọi” (242).

– Mục vụ giới trẻ và mục vụ truyền giáo: “Nếu biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đang nói với mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mục vụ giới trẻ phải luôn là mục vụ truyền giáo. Người trẻ sẽ được phong phú hóa rất nhiều khi họ vượt qua tính rụt rè và dám đến thăm các gia đình” (240).

– Đời sống nội tâm: “Nhiều người trẻ đã học biết nếm hưởng sự thinh lặng và sống thân mật với Chúa. Ngày càng có nhiều nhóm tập họp để tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa” (224); “Thật quan trọng nếu biết quý trọng những thời nhịp mạnh nhất của Năm Phụng vụ, đặc biệt là Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và Giáng Sinh” (224).

– Việc đạo đức bình dân: “Những biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, nhất là những cuộc hành hương, hấp dẫn người trẻ… Không được khinh thường những cách thức ấy, nhưng hãy khuyến khích và thúc đẩy” (238).

– Internet và mạng xã hội: “Tại nhiều quốc gia, Internet và các mạng xã hội hiện nay là nơi không thể thiếu để tiếp cận giới trẻ và mời gọi họ tham gia, đặc biệt là vào những sáng kiến và hoạt động mục vụ… Các trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin về tri thức” (số 87). Tuy nhiên cũng cần quan tâm đến những mặt tiêu cực của internet: người trẻ ngày nay có “khuynh hướng chú trọng đến nhìn hơn là nghe và đọc, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách học hỏi cũng như sự phát triển óc phê bình” (số 86); “thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, bị thao túng, bị khai thác, và mang tính bạo lực, cho đến cực điểm là các trang web đen” (88); “tình trạng tin giả ngày càng sinh sôi nảy nở, là biểu hiện của một nền văn hóa đã mất ý thức về sự thật và lèo lái các sự kiện theo những lợi ích riêng tư. Danh dự của nhiều người bị đe dọa qua những cuộc xét xử sơ sài trực tuyến trên mạng. Hiện tượng này cũng liên quan đến Hội Thánh và các mục tử” (số 89).

b. Gợi ý suy nghĩ

– Có thể làm gì để nối kết hoạt động của Mục vụ giới trẻ với các ban mục vụ khác, ví dụ, Truyền thông, Gia đình, Truyền giáo?

– Linh mục có nên hiện diện trên mạng xã hội để đồng hành với giới trẻ? Hiện diện như thế nào?

4. Ngôn ngữ tiếp cận giới trẻ

a. Ghi nhận từ Tông huấn

– Nhận diện khuôn mặt người trẻ ngày nay: “Cách thế các thế hệ trẻ tiếp cận thực tại có những đặc tính riêng…Trong số những đặc tính nổi bật nhất của văn hóa giới trẻ, cần ghi nhận những điểm sau: (1) họ ưa chuộng hình ảnh hơn những hình thái truyền thông khác (đọc, nghe); (2) tầm quan trọng của cảm giác và cảm xúc như một cách tiếp cận thực tại, và dành ưu tiên cho những gì cụ thể hơn là phân tích lý thuyết; (3) đề cao tình bạn, ví dụ thuộc về một nhóm hoặc nối kết với nhau qua mạng xã hội; (4) người trẻ thường hồn nhiên và cởi mở với tính đa dạng, do đó họ quan tâm đến hòa bình, sự đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo” (Final Document, số 45). Nhận xét này rất đáng quan tâm vì giúp người làm mục vụ biết cách nào có thể đồng hành và tác động lên người trẻ tốt nhất.

– Ngôn ngữ tình yêu: “Người trẻ cần được tiếp cận qua văn phạm của tình yêu, chứ không phải bằng cách thuyết giảng chiêu dụ. Người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những người sống với họ và cho họ, và cả những ai, dù còn đầy giới hạn và yếu đuối, cố gắng sống đức tin chân thành” (211).

– Linh hoạt và sống động: “Mục vụ giới trẻ cần được linh động hơn và mời người trẻ đến với các sự kiện mà nơi đó, người trẻ không chỉ có cơ hội để học hỏi, nhưng còn để chia sẻ cuộc sống, liên hoan, hát múa, nghe những câu chuyện thực của các chứng từ và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong cộng đoàn” (204).

– Những việc phục vụ: “Nhiều người trẻ được lôi cuốn bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo… Nhiều người trẻ mệt mỏi với những chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng, và đôi khi họ yêu cầu có cơ hội được tham gia tích cực vào các hoạt động giúp ích cho tha nhân” (225).

– Âm nhạc: “Tầm quan trọng của âm nhạc vô cùng đặc biệt; âm nhạc là một môi trường thực sự và giới trẻ thường xuyên ngụp lặn trong đó, như một loại văn hóa và ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính” (226).

– Thể thao: “Việc tập luyện thể thao nơi giới trẻ cũng có tầm quan trọng không kém… Ở tâm điểm của kinh nghiệm thể thao là niềm vui: niềm vui được vận động, niềm vui quy tụ với nhau, niềm vui sống và đón nhận những quà tặng mà Đấng Tạo Hóa ban cho ta mỗi ngày” (227).

– Thiên nhiên: “Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên… Đó chính là trường hợp của phong trào hướng đạo và một số nhóm khác đang tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và các chiến dịch cải thiện môi trường” (228).

– Các cuộc quy tụ: “Thượng Hội Đồng thường xuyên nhắc tới Ngày Giới Trẻ thế giới và những sự kiện liên hệ ở tầm châu lục, quốc gia, giáo phận, cũng như những sự kiện do các phong trào, hội đoàn, dòng tu tổ chức. Những thời điểm gặp gỡ và chia sẻ này được đánh giá cao vì tạo điều kiện cho người trẻ đồng hành với nhau (vd. hành hương), cảm nghiệm tình huynh đệ, chia sẻ đức tin cách vui tươi và gần gũi với Hội Thánh hơn. Với nhiều người trẻ, những thời điểm trên đã đem lại kinh nghiệm về sự biến đổi, vì họ cảm nghiệm được vẻ đẹp của dung nhan Chúa và có những quyết định quan trọng trong đời sống” (Final Document, số 144).

b. Gợi ý suy nghĩ

– Những buổi gặp gỡ của người trẻ phải linh hoạt và sống động: chia sẻ chứng từ, ca hát, sinh hoạt cộng đồng.

– Công tác xã hội: tạo cơ hội cho người trẻ tham gia các hoạt động bác ái, xã hội, ví dụ thăm viếng và giúp đỡ người nghèo, làm sạch môi trường, dạy học cho trẻ nghèo… “Nếu có những người trẻ thờ ơ thì cũng có nhiều người trẻ khác sẵn sàng dấn thân vào các việc thiện nguyện và liên đới xã hội. Họ cần được đồng hành và khích lệ để phát huy tài năng, kỹ năng và tính sáng tạo. Dấn thân xã hội và trực tiếp gặp gỡ người nghèo vẫn là cơ hội tốt cho việc khám phá hoặc đào sâu đức tin và phân định ơn gọi (Final Document, số 46).

– Tham gia những ngày hội lớn của giới trẻ ở cấp Giáo hạt, Giáo phận; ở đó các bạn trẻ có cơ hội làm quen, kết thân với nhau, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau trong hành trình đức tin.

– Vai trò của âm nhạc: Trong nhiều thế kỷ, “Cái Đẹp” vẫn là một trong những cách thế diễn tả đức tin và là nẻo đường Phúc-âm-hóa. Âm nhạc là một trong những diễn tả nghệ thuật và tôn vinh cái đẹp, nhất là trong thời đại hiện nay, nhiều người trẻ chìm đắm trong âm nhạc (Final Document, số 47). Có nên tổ chức thi hát Thánh ca ở cấp Giáo hạt, Giáo phận?

– Thể thao: Giáo xứ nào có không gian rộng rãi, nên tạo điều kiện cho các hoạt động thể thao của người trẻ (bóng bàn, cầu lông, bóng đá). Có thể tổ chức thi thể thao?

– Hành hương, Dã ngoại: thay vì chỉ học Giáo lý trong phòng kín, có nên thỉnh thoảng tổ chức những buổi hành hương, dã ngoại?

5. Gợi ý thực hành

Đề nghị một phương pháp làm mục vụ giới trẻ:

(1) Hình thành nhóm nhỏ. Những ích lợi của nhóm nhỏ:

– Kiến tạo những tương quan gần gũi, thân tình, không những trong sinh hoạt nhóm mà còn có thể kéo dài trong cuộc sống thường ngày.

– Cảm nhận mình thuộc về một cộng đoàn, ở đây là cộng đoàn Hội Thánh. Đây là điều quan trọng đối với người trẻ trong thời đại ngày càng mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa. Cách riêng đây cũng là nhu cầu cần thiết với những người trẻ xa quê.

– Vì là nhóm nhỏ nên mỗi người có thể được nói và được lắng nghe cũng như lắng nghe người khác, nhờ đó giúp bản thân phong phú hơn.

(2) Họp nhóm:

– Mỗi tháng 1 lần.

– Đề tài do chính các bạn trẻ trong nhóm đề nghị, liên hệ đến những gì người trẻ đang quan tâm trong cuộc sống của họ.

– Trưởng nhóm tạo điều kiện để mỗi người có thể nói lên suy nghĩ, kinh nghiệm, cảm xúc của mình.

– Linh mục, tu sĩ, giáo lý viên đóng vai trò đồng hành, lắng nghe, và giúp các bạn trẻ nhìn vấn đề trong ánh sáng Lời Chúa.

– Tạo bầu khí vui tươi, linh hoạt, sống động.

(3) Trưởng nhóm:

– Chính các bạn trẻ trong nhóm đề nghị một người làm trưởng nhóm.

– Trưởng nhóm là cầu nối giữa nhóm trẻ và người đồng hành (linh mục, tu sĩ, giáo lý viên), cùng với người đồng hành chuẩn bị cho các buổi họp nhóm và những hoạt động của nhóm.

(4) Người đồng hành:

– Hiểu biết Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh về những vấn đề người trẻ quan tâm và thảo luận để có thể hướng dẫn cách hữu hiệu.

– Khiêm tốn, vì không đóng vai trò dạy dỗ, chỉ bảo, nhưng đồng hành, lắng nghe, cảm thông, rồi cùng các bạn trẻ tìm câu trả lời theo ánh sáng Lời Chúa.

– Kiên trì, vì người trẻ có thể có những suy nghĩ, phản ứng rất khác với lập trường và quan điểm của Hội Thánh về những vấn đề liên hệ.

(5) Những sinh hoạt của nhóm: người trẻ muốn có những hoạt động cụ thể, vì thế khi có thể nên thúc đẩy người trẻ tham gia các sinh hoạt.

– Sinh hoạt đạo đức, như dạy giáo lý, tham gia ca đoàn, hành hương;

– Hoạt động bác ái xã hội, như giúp người nghèo, làm vệ sinh môi trường;

– Giải trí như thể thao, âm nhạc.

– Tham gia các cuộc quy tụ lớn của Giáo hạt, Giáo phận.

Để kết, trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận xét: “Mục vụ giới trẻ theo truyền thống đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi của xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không thấy các chương trình thông thường của chúng ta đáp ứng được các mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn đề và các thương tổn của họ”. Sau đó, ngài nói thêm: “Mặc dù không luôn dễ dàng tiếp cận người trẻ, vẫn có hai khía cạnh chúng ta đang lớn lên: sự ý thức toàn thể cộng đồng phải tham gia vào công cuộc Phúc-Âm-hóa người trẻ, và nhu cầu cấp bách để người trẻ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nữa trong các chương trình mục vụ” (số 202). Hy vọng mô hình làm mục vụ giới trẻ theo nhóm nhỏ có thể phần nào đáp ứng thực tế và nhu cầu trên.

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận