Giáo xứ Trại Lê: Thánh lễ mừng trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam và thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên

2174 lượt xem

Chiều ngày 17/11/2019, Thánh lễ Mừng Trọng Thể Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên đã được diễn ra trong bầu khí hết sức vui mừng, phấn khởi, sốt sắng và trang nghiêm. Niềm vui đó càng được nhân lên khi có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – vị Cha chung của Giáo Phận, quý cha quê hương cùng quý cha trong và ngoài Giáo hạt Can Lộc.

Trước lúc Thánh lễ bắt đầu, như một nỗi thao thức về “đạo hiếu”, Cha quản xứ cùng bà con Giáo dân đã tổ chức nghi thức thắp hương tưởng nhớ các vị tiền nhân trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Đó cũng chính là niềm tin của người Kitô hữu về tín điều Chúa Kitô Phục Sinh và tín điều Các Thánh Thông Công trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo. Điều đặc biệt đáng được nói đến ở nghi thức này là có sự hiện diện của rất nhiều anh chị em lương dân. Với dự tính số lượng khách mời ban đầu là 600 người, thế nhưng con số đã tăng lên khoảng hơn 700 người. Thật là một nghĩa cử cao đẹp về tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của những thế hệ hậu bối, và hơn thế nữa, điều đó càng làm nổi bật lên tinh thần đoàn kết sâu sắc giữa những người Công Giáo và không Công Giáo nơi mảnh đất Trại Lê (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nơi có một bề dày về lịch sử. Đức Cha Phaolô, quý cha quê hương và quý cha đồng tế cũng đã thể hiện tấm lòng của các ngài khi cùng tham dự và thắp hương trong phần nghi thức của Giáo xứ.

Bước vào Thánh Lễ, khởi đầu bài chia sẻ, Đức Cha Phaolô gửi lời cảm ơn tới Cha quản xứ, Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ đã gửi những lá thư đặc biệt mời những người anh em hàng xóm, láng giềng để cùng nhau tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Ngài nói: “Chim có tổ, sông có nguồn, cây có cội nên con người cũng phải có tổ có tiên. Con người có tổ có tiên, vì thế một nghĩa cử biểu tỏ lòng hiếu thảo, thể hiện đạo hiếu của con cháu đối với các tiền nhân là phản nét nhân văn của con người”. Thật vậy, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống kính nhớ tổ tiên là điều mà tổ tiên ông bà truyền lại để nhắc nhớ con cháu biết đến cội nguồn của mình, đó là đạo hiếu mà con người của mọi thời đại cần phải khắc ghi và thực hiện. Là con người, chúng ta ai rồi cũng phải chết, những chết không phải là hết. Chúng ta chỉ chết về thể xác còn phần linh thiêng thì luôn bất tử, điều mà Đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, nghĩa là chỉ có cái xác chết còn cái hồn thì vẫn còn mãi.

Tuy nhiên, Đức Cha Phaolô cũng nhắn nhủ: “Truyền thống của ông bà tổ tiên truyền lại, mỗi người cần ghi nhớ và sống đúng đắn hơn ngõ hầu làm gương cho con cháu. Người Công Giáo chúng tôi cũng không bao giờ quên đi việc kính nhớ tổ tiên, đó là luật buộc mỗi người cần phải thi hành, điều đó được thể hiện qua nhiều khía cạnh của đời sống sinh hoạt chứ không phải như nhiều người lầm tưởng theo đạo Chúa là bỏ ông bà, tổ tiên”. Ngài nói tiếp: “Trong Mười giới răn, người Công Giáo có giới răn thứ 4 phải thảo kính cha mẹ; trong sinh hoạt bình thường, trong kinh nguyện luôn luôn có kinh cầu cho ông bà tổ tiên; trong thánh lễ luôn cầu nguyện cho những người đã ra đi. Và đặc biệt, hằng năm, tháng 11 và ngày mùng 2 tết được gọi là tháng, là ngày để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã ra đi trước” .

Kế đó, ngài nhắc nhở mỗi người: “Hôm nay là ngày Mừng Lễ Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, qua nghi thức thắp hương kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần phải nhớ đến các Thánh Tử Đạo. Đó là những chứng tá đức tin anh dũng được biểu hiện qua việc luôn hoàn thành bổn phận yêu thương đồng loại và yêu mến Thiên Chúa. Hơn hết, các ngài đã đổ những giọt máu đào để gieo rắc những hạt giống đức tin trên đất nước Việt Nam này”. Đức Cha Phaolô trích dẫn cho cộng đoàn một chứng tá tử đạo anh dũng, kiên cường là Thánh Micae Hồ Đình Hy, một vị quan thanh liêm phục vụ dưới 3 đời vua của triều Nguyễn, công việc của ông là chuẩn bị các y phục cho hoàng cung. Khi bị nhà vua triệu về cung tra tấn bắt ông bỏ đạo bằng hình thức bước qua thập giá, ông can đảm tâu với vua: “Tâu bệ hạ đã dòng dã 30 năm phục vụ dưới 3 triều vua lúc nào hạ thần cũng là người yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô để trung thành với Vua Thiên Quốc”. Thật vậy, các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta đã anh dũng như thế trước sự bắt đạo của nhà cầm quyền.

Cuối cùng, để kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha Phaolô một lần nữa gửi lời cảm ơn tới anh chị em lương dân đã đến tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho đất nước được “Quốc Thái Dân An”. Mặt khác, ngài cũng đã không dấu nỗi thao thức, tâm tư và cảm xúc của ngài về vận mệnh của đất nước, non sông trong ngày Mừng Lễ Trọng Thể Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngài nói: “Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho Việt Nam được phát triển khỏi một lần nữa phải rơi vào ách thống trị của nước ngoài, cầu cho người dân Việt luôn được tự do, dân chủ, độc lập và đoàn kết, nắm tay nhau trung thành bảo vệ tài sản mà tổ tiên truyền lại. Hơn hết, chúng ta có nhiệm vụ phải trao trả lại cho con cháu một đất nước vẹn toàn, một quê hương trong lành với nhưng cánh rừng, bãi biển và môi trường sạch đẹp để xứng đáng với di sản của tổ tiên”. Đặc biệt, Đức Cha Phaolô cũng gửi đến những người khách lời cầu nguyện và lời chúc tốt đẹp. Ngài bày tỏ: “Xin Thượng Đế đối với chúng tôi là tổ tiên trên tất cả mọi tổ tiên, bởi vì chính từ bàn tay của Ngài mà vũ trụ, con người đã được dựng nên và tồn tại đến nay, xin Ngài chúc lành cho mọi người và gìn giữ chúng ta trong tình thương, nghĩa đồng bào dù khác nhau về niềm tin nhưng cùng chung một dòng máu, một đất nước. Lời của cổ nhân đã nhắn nhủ ‘bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’ hay ‘gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’, chúng ta cần phải đoàn kết để làm sao gia tài các vị để lại được giữ gìn, bảo quản, đẹp đẽ hơn trong bàn tay của chúng ta, và qua đó chúng ta vui mừng hãnh diện trao trả lại cho con cháu mình như một món quà vô giá. Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng tôi tin tưởng tổ tiên chúng tôi đang hưởng niềm vui trên quê hương vĩnh cửu, và chúng tôi muốn cầu nguyện, chia sẻ với những người đã ra đi bất kể là lương hay giáo, chung hay khác niềm tin về điều đó”.

Thánh lễ khép lại với những tâm tình tri ân của Cha quản xứ gửi đến Đức Cha, quý cha, quý khách mời cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Ước chi truyền thống kính nhớ ông bà, tổ tiên qua nghi lễ và nghi thức tưởng niệm như hôm nay sẽ là cầu nối tạo nên tình liên đới, sự hiệp thông giữa người giáo dân và lương dân, hầu cùng nhau xây dựng mối đoàn kết một lòng để xây dựng quê hương đất nước./.

Jos. Chu

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận