Giáo xứ Thịnh Lạc: Hồng ân Tuần Chầu Lượt nơi xứ đạo miền sơn cước

2373 lượt xem

Tuần Chầu Lượt Giáo xứ Thịnh Lạc năm nay được tổ chức trọng thể ngay từ đầu tuần, thứ Hai ngày 05/08/2019. Đây là dịp thuận tiện để những người con xa quê về với gia đình, về với cộng đoàn Giáo xứ, hòa chung vào bầu không khí linh thiêng đầy ắp tình Chúa, tình người, để qua những giờ phút linh thiêng trước Thánh Thể Chúa, mọi người sẽ cảm nghiệm rõ hơn những hồng ân dạt dào mà Chúa thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình trong Giáo xứ.

Chầu lượt năm nay cũng là thời điểm để bà con giáo dân Giáo xứ miền sơn cước Thịnh Lạc cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua với biết bao biến cố, biết bao sự kiện cũng như những thăng trầm trong đời sống Đức tin của mỗi kitô hữu nơi đây.

Năm nay Giáo xứ tròn 12 năm tuổi. Một Giáo xứ non trẻ so với nhiều Giáo xứ có bề dày lịch sử hàng chục năm, hàng trăm năm trong Giáo phận. Thế nhưng, với cộng đoàn tín hữu nơi đây, quảng thời gian ngắn ngủi ấy là cả một quá trình dài xây dựng cơ sở vật chất và đặc biệt là xây dựng đời sống Đức tin cũng như nếp sống người Kitô hữu ngay giữa đời thường.

Về với Thịnh Lạc hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận ra những nỗ lực và cố gắng của cha quản xứ cũng như cộng đoàn tín hữu nơi đây. Các nẻo đường dẫn vào ngôi thánh đường Giáo xứ được sửa sang và trang trí với những băng rôn, khẩu hiệu tôn thờ Thánh Thể Chúa. Đặc biệt, trong Tuần Chầu lượt, cha quản xứ cũng ưu tiên dành nhiều thời gian ban Bí tích Hòa giải, giúp con cái mình được làm hòa và trở về với Chúa, hầu kín múc nhiều ơn lành từ Thánh Thể Chúa.

Sáng thứ Sáu: Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và khai mạc Tuần Chầu Lượt của Giáo xứ

Vào lúc 7h30, ngày 09/08/2019, Giáo xứ hân hoan chào đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá Giáo phận Vinh, viếng thăm và dâng lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng như khai mạc Tuần Chầu Lượt của Giáo xứ. Đồng tế với ngài có cha quản hạt Gioan Baotixia Nguyễn Huy Tuấn cùng quý cha trong và ngoài Giáo hạt Ngàn Sâu.

Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp để chúng ta suy niệm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại và với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương loài người đến hy sinh cả Con Một mình, Ngài đã sai Đức Giêsu đến thế gian để cứu con người bằng cái chết trên Thập giá. Chúa đã nghiêng đầu cúi xuống như tha thiết kêu gọi người ta trở về với Chúa. Trái tim Người mở ra để chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến. Từ đó, chúng ta được mời gọi noi gương tình yêu của Người sống với tha nhân với một tình yêu cho đi, một tình yêu vô vị lợi, không cần đáp đền.

Giảng trong Thánh lễ, Đức cha Phêrô mời gọi mỗi người cùng suy tư về trái tim của con người và trái tim của Chúa. Về mặt thể lý, trái tim có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể con người. Nó hoạt động không ngừng nghỉ từ khi chúng ta được hình thành trong lòng mẹ cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay. Về mặt vật lý và tự nhiên, con tim cũng được sử dụng để nói về những địa điểm quan trọng, như: Thủ đô là con tim của một đất nước… Từ đó, nó giúp chúng ta hiểu rằng, những gì quan trọng nhất đều được gắn liền với danh từ “con tim”. Thật vậy, khi nhắc về hình ảnh con tim, người Kitô hữu chúng ta đặc biệt nhấn mạnh đến tình yêu siêu nhiên, tình yêu Thiên Chúa. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh con tim để nói với dân chúng: “Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim chai đá và ban tặng cho các ngươi trái tim biết yêu thương” (Ed 36, 26). Trong Tân ước, Thiên Chúa đã thi thố tình yêu của Người bằng con đường trái tim, con đường yêu thương ngang qua Người Con yêu dấu của mình là Đức Giêsu Kitô. Trái tim của Đức Giêsu đã cùng chung nhịp đập với trái tim của con người, để rồi ngang qua trái tim của mình, Đức Giêsu đã giúp con người vượt thắng tất cả tội lỗi thế gian để thông dự vào hạnh phúc viên mãn đời sau với Người.

Đức Cha Phêrô còn mời gọi mỗi người sống tốt với ơn gọi của mình bằng 3 chữ “T”: “Thống Hối, Thay Đổi và Thương Yêu”. “Thống hối là lúc chúng ta nhìn nhận lại quá khứ của mình; Sống thay đổi để xứng đáng hơn với trái tim của Đức Giêsu, trái tim đã đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng ta; Sống thương yêu là sống bằng một trái tim vì người khác và cho người khác như Đức Giêsu đã yêu thương. Cả 3 chữ “T” đều diễn tả tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và con người với thế giới thụ tạo vạn vật. Nguyện xin Đức Giêsu thương hướng dẫn chúng ta, để mỗi người luôn có trái tim thống hối, trái tim thay đổi và trái tim yêu thương”.

Sáng thứ Bảy: Lễ Kính Thánh Lôrensô

Trong những ngày hồng phúc của Tuần Chầu Lượt, Giáo xứ Thịnh Lạc cùng chung niềm vui với Giáo hội hoàn vũ mừng kính Thánh Lorensô, Phó tế tử đạo, vị thánh của người nghèo.

Khởi đi từ câu lời Chúa được trích từ Tin Mừng theo Thánh Mathêu: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được” (Mt 10, 39), cha Gabriel M. Phan Tiến Dũng, quản xứ Gia Phổ cho cộng đoàn Phụng vụ thấy rõ hai kiểu sống nổi bật: Cuộc sống trần gian được xây dựng ở đời này và cuộc sống siêu nhiên Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu, cuộc sống không chấm dứt với cái chết và không ai có thể lấy được. Khi nói những lời này, Đức Giêsu nghĩ đến việc tử đạo. Như mọi kitô hữu, để theo Thầy và trung thành với Tin Mừng, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình, và từ đó với ơn Chúa chúng ta sẽ nhận được sự sống đích thực. Đức Giêsu là người đầu tiên đã “mất mạng sống mình” và đã nhận được sự sống vinh quang. Người đã báo trước cho ta là đừng sợ “những kẻ giết thân xác, mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28).

Thánh Lôrensô như hạt lúa gieo vào mảnh ruộng của thế giới để làm trổ sinh hoa trái của người Kitô hữu. Máu của thánh nhân viết lên cho đời chứng từ tình yêu sắt son dành cho Chúa Kitô”. Từ đó, ngài mời gọi mỗi người hãy noi gương Thánh Lôrensô để sống và làm chứng cho Chúa mỗi ngày trong cuộc đời của mình.

Sáng Chúa Nhật: Thánh lễ cao điểm Tuần Chầu Lượt

Niềm vui trong Tuần Chầu Lượt của Giáo xứ được trở nên trọn vẹn khi có sự hiện diện của quý cha trong và ngoài Giáo phận, quý cha quê hương và cha tiền nhiệm, cùng quý tu sĩ nam nữ và đông đảo cộng đoàn từ nhiều Giáo xứ xa gần đến hiệp ý cầu nguyện trong ngày cao điểm Tuần Chầu Lượt của Giáo xứ.

Giảng trong Thánh lễ, cha Antôn Nguyễn Quang Thanh, quản xứ Ngọc Liễn, Giáo phận Vinh, chia sẻ với cộng đoàn về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Ngài nói: “Bí tích Thánh Thể là Bí tích ban ơn cứu độ quan trọng nhất mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo hội cử hành để tiếp tục công trình cứu độ nhân loại của Người cho đến ngày mãn thời gian”. Ngang qua chính những thừa tác viên là Linh mục và Giám mục mà Đức Giêsu đã thực sự hiện diện nơi Hy lễ cực trọng ấy.

Tuần Chầu Lượt của Giáo xứ khép lại bằng việc cộng đoàn Giáo xứ cùng chiêm ngắm Thánh Thể Chúa qua giờ Chầu đầy linh thiêng và sốt mến. Hy vọng sau tuần chầu này, mỗi người con của Giáo xứ Thịnh Lạc luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, để ra đi làm chứng cho Tin Mừng tình yêu của Chúa trong môi trường sống của mình.

Giáo xứ Thịnh Lạc thuộc giáo hạt Ngàn Sâu, với 5 giáo họ và hơn 2700 nhân danh nằm trên địa bàn 2 xã Lộc Yên (1 giáo họ) và xã Gia Phổ (4 giáo họ) thuộc huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Giáo xứ Thịnh Lạc được tách từ giáo xứ mẹ Làng Truông do Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên ký quyết định và dâng Thánh lễ tạ ơn mừng ngày thành lập vào mồng 10 tháng 5 năm 2007, lấy Giáo họ Thịnh Lạc Trung làm trị sở, tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa.

Hiện nay, Giáo xứ có 5 Giáo họ: Thịnh Lạc Trung, Thịnh Lạc Hạ, Thịnh Lạc Thượng, Vĩnh Phúc và Trại Nại. Giáo xứ được coi sóc bởi Cha Phêrô Lê Văn Duyệt.

Francis Cao

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận