Giáo hội Công giáo Hàn Quốc tán dương cuộc gặp gỡ lịch sử

1512 lượt xem

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mỉm cười khi họ đi đến Nhà Hòa bình ở làng Panmunjeom trong khu phi quân sự chia cách hai miền từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử hôm 27-4. Ảnh: Chính phủ Hàn Quốc.

Các vị lãnh đạo Giáo hội Hàn Quốc hoan nghênh kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại ngôi làng hòa bình Panmunjom thuộc khu phi quân sự (DMZ) vốn chia cách hai quốc gia này trong 65 năm qua.

“Tuyên bố Panmunjom rất quan trọng vì nó mở đường cho hòa bình và tái thống nhất thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung của Seoul phát biểu hôm 30-4.

“Tôi hoan nghênh những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo đã tiên phong trong việc cổ vũ cả hai bên hạ vũ khí và nắm tay nhau trên danh nghĩa hòa bình. Tôi hy vọng nhìn thấy nền hòa bình bền vững cuối cùng cũng được phục hồi trên hai miền đất nước của chúng ta”, ngài nói thêm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mỉm cười và nắm tay nhau khi đi qua Giới Tuyến Quân sự (MDL) và sau đó cùng dùng tiệc chung với các phu nhân.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên bước vào lãnh thổ Hàn Quốc trong nhiều thập niên qua và tiếp nối chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Kim gần đây, hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một đồng minh thân cận và là nhà tài trợ cho chế độ này.

Ông Kim dự định sẽ hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng tới, và gần đây ông nói ông cũng muốn cuộc hội kiến giữa họ được tổ chức ở DMZ.

Singapore và thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ cũng được xem là nơi có khả năng tổ chức cuộc họp mặt giữa hai nhà lãnh đạo này.

Triển vọng của cuộc họp sắp tới được nhiều người quan tâm vì cách đây không lâu, hai nhà lãnh đạo đe dọa tấn công nhau bằng hỏa tiễn.

Chưa từng có đương kim tổng thống nào của Mỹ hội kiến người lãnh đạo Triều Tiên.

Ngoài ra, ông Trump còn gọi ông Kim là “Gã hỏa tiễn” trong một lời bình luận khi tình hình căng thẳng leo thang, và ông Kim đáp trả lại bằng cách gọi ông Trump là “lão già lẩm cẩm”.

Kịch bản đó đã thay đổi, làm dấy lên hy vọng về một bán đảo triều tiên phi hạt nhân và tăng các cuộc giao lưu giữa các gia đình bị chiến tranh chia rẽ, và được các vị chức sắc Giáo hội xem là động thái mở đầu, hy vọng một ngày nào đó hai miền Triều Tiên tái thống nhất.

“Tôi tin rằng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vẫn chưa tắt”, Đức Hồng y Yeom nói. Ngài chấp nhận vai trò làm Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên, mặc rất khó khăn để đến quốc gia cộng sản này.

“Tuy nhiên vẫn có các tín hữu gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện tha thiết, năng lãnh nhận các bí tích và khao khát tìm kiếm Chúa. Tôi sẽ cầu nguyện xin cho có ngày tôi có thể gặp được các tín hữu của giáo phận Bình Nhưỡng và cử hành phụng vụ cùng họ”.

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên kết thúc cuộc họp thượng đỉnh bằng cách công bố Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Phồn vinh và Thống nhất của Bán đảo Triều Tiên.

Họ cam kết cùng nhau làm việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, vốn cơ bản đang diễn ra khi cuộc chiến ác liệt kết thúc bằng việc ký kết hiệp định đình chiến, và dẫn tới một kỷ nguyên hòa bình mới.

Họ còn cam kết đẩy mạnh hòa giải, hòa bình, phồn vinh và cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trong khi thế giới theo dõi một loạt nỗ lực hướng đến mục đích này bị thất bại trong những thập niên gần đây, gồm cả nỗ lực thất bại tại khu công nghiệp chung.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất đối với ông Trump và các nhà lãnh đạo khác ở châu Á và các nơi khác trên thế giới là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau một loạt thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên trong vài năm qua.

Đức Tổng Giám mục Hyginus Kim Hee-joong của Kwangju, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, cũng hết lời khen ngợi kết quả của cuộc họp thượng đỉnh này.

“Một trang sử mới đã bắt đầu về sự chung sống và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đánh dấu sự kết thúc lịch sử đối đầu và đấu tranh lâu nay của chúng ta”, ngài nói hôm 29-4.

“Tôi hy vọng … đây sẽ là bàn đạp hướng tới hòa bình ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới”.

“Điều quan trọng đối với hòa bình đó là chúng ta cần phá tan định kiến chống đối nhau thông qua hiểu biết lẫn nhau. Việc này sẽ được hỗ trợ qua việc tăng cường giao lưu giữa những người trong tôn giáo”, ngài nói thêm.

“Về phía người Công giáo, chúng ta sẽ liên lạc với Hội Công giáo Hàn Quốc và tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh giao lưu”.

Đức cha Lazarus You Heung-shik của Daejeon, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục, nói hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội Chúa ban để khởi xướng đối thoại và bắt đầu con đường hòa giải. “Hiện nay trách nhiệm của chúng ta là giúp thực hiện tuyên bố này”.

“Kitô hữu cần thực hiện sứ mạng làm việc cho Chúa, giúp hai miền Triều Tiên tái thống nhất”.

Đức Thánh cha Phanxicô cũng bình luận về cuộc họp lịch sử này hôm 29-4 sau khi hướng dẫn cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô.

“Tôi cầu nguyện cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm thứ Sáu được thành công tốt đẹp và sự cam kết dũng cảm của các nhà lãnh đạo hai bên, tham gia tiến trình đối thoại chân thật hướng tới một bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân”, ngài nói.

 

Nguồn: ucanews.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận