Thể theo lệnh truyền của Chúa Giêsu là “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), hòa chung niềm vui với Giáo Hội trong ngày Chúa Nhật truyền giáo, 18/10/2020, Giáo hạt Văn Hạnh đã long trọng tổ chức Thánh lễ khánh nhật truyền giáo tại Giáo xứ Chân Thành. Thánh lễ do cha Giuse Nguyễn Viết Nam, đặc trách Ban Loan báo Tin Mừng Giáo hạt chủ tế. Đồng tế với ngài có đông đảo quý cha trong Giáo hạt, cùng với sự tham dự của quý Thầy phó tế, quý Sơ và đông đảo anh chị em tân tòng và bà con giáo dân trong Giáo hạt.
Bước vào tháng 10, tháng Mân Côi, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy khám phá lại nét đẹp của lời kinh Mân Côi và siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cầu cho thế giới được hoà bình. Tháng 10 còn là tháng truyền giáo, Giáo hội cũng kêu gọi con cái mình dấn thân cho việc truyền giáo, bước theo Chúa Giêsu trong hành trình Đức Tin, và có Mẹ Maria Nữ Vương truyền giáo dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế và dạy chúng ta mang Chúa đến cho tha nhân.
“Tự bản chất Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ag, 2). Giáo hội của Chúa Kitô mang trong mình sứ mạng cao cả là loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa. Vì thế, hơn 2000 năm qua, con thuyền Giáo hội vẫn luôn căng buồm vượt trùng khơi để đến với muôn dân. Do đó, là những Kitô hữu, bất kể là ai, chúng ta luôn được mời gọi thực thi lệnh truyền của Đức Kitô: “Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” bằng lời nói và chứng tá cụ thể.
Trước khi Thánh lễ được diễn ra, cha Giuse Nguyễn Viết Nam, đặc trách Ban Loan báo Tin Mừng Giáo hạt cùng quý cha đã gặp gỡ, chia sẻ với anh chị em tân tòng một vài suy tư quanh chủ đề về niềm vui sống đạo, cách thức mang Tin Mừng vào các thực tại trần thế. Bên cạnh đó, quý cha cũng đã giải đáp những thắc mắc mà anh chị em nêu lên.
Giảng trong Thánh lễ, cha Phêrô Hoàng Biên Cương, quản hạt, quản xứ Văn Hạnh đã chia sẻ một vài suy tư với ba câu hỏi: Tại sao phải truyền giáo? Đối tượng truyền giáo gồm những ai? Và chúng ta phải làm gì để loan báo Tin Mừng?
Trước hết, tại sao chúng ta phải truyền giáo? Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu là loan báo Tin Mừng. Thật vậy, trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm được những niềm vui riêng cho mình. Và niềm vui ấy cần được chia sẻ cho người khác. Mà Tin Mừng chính là niềm vui lớn lao nhất. Do đó, chúng ta không ngừng chia sẻ, loan báo về niềm vui Tin Mừng này. Chính trong đêm vọng Phục sinh, Sứ Thần của Thiên Chúa đã nói với những người chăn chiên rằng: “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa” (Lc 2, 10 – 12).
Thứ đến, đối tượng truyền giáo gồm những ai? Đó là những người chưa nhận biết Tin Mừng. Đây là những người trước hết cần chúng ta đưa ánh sáng Tin Mừng tình yêu đến với họ. Hiện nay trên thế giới, tỷ lệ người Công giáo chỉ chiếm khoảng 17,7 % dân số thế giới. Vì thế rất cần mỗi người chúng ta cùng giới thiệu Chúa đến cho nhiều người khác. Tiếp đến là những người theo đạo nhưng bỏ đạo lâu năm. Đây là hình thức tái truyền giáo. Những người này vì một số lý do nào đó mà không tham dự Thánh lễ, không tham gia sinh hoạt chung trong cộng đoàn Giáo xứ.
Cuối cùng, chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng cách cụ thể? Trước hết và trên hết đó là cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ biến đổi tất cả chúng ta. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã dành 9 năm trong tu viện để cầu nguyện. Ngài không ra ngoài đi rao giảng Lời Chúa. Ngài âm thầm, lặng lẽ cầu nguyện cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội. Và Ngài trở thành vị thánh của các miền truyền giáo. Hơn hết, để loan báo Tin Mừng, không gì khác bằng việc sống chứng nhân trong gia đình và xã hội. Chính Đức Thánh Cha Phaolô VI từng nói: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.
Kết thúc Thánh lễ, đại diện anh chị em tân tòng đã có những lời cám ơn đến quý cha và cộng đoàn đã luôn yêu thương, đồng hành và hướng dẫn trên con đường Đức Tin. Hy vọng rằng, với ý nghĩa của ngày lễ, sẽ có nhiều người nhận biết Chúa hơn, và những ai đã nhận biết Chúa thì yêu Chúa nhiều hơn.
Francis Cao
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12