Giáo hạt Ngàn Phố: Giáo lý viên – con người của niềm vui

2166 lượt xem

 

GIÁO HẠT NGÀN PHỐ: GIÁO LÝ VIÊN – CON NGƯỜI CỦA NIỀM VUI

Từ ngày 11-14/12/2022 hơn 240 giáo lý viên giáo hạt Ngàn Phố đã quy tụ về sở hạt Kẻ Mui để cùng tham dự tập huấn giáo lý giáo hạt năm 2022.

Trong lời phát biểu khai mạc, cha đặc trách giáo lý hạt Phaolô Nguyễn Văn Phục đã nói lên sự vui mừng của giáo hạt nhà khi có sự tham dự đông đủ của Ban giáo lý Hạt, Ban giáo lý các giáo xứ, các thầy cô giáo lý viên thuộc 7 giáo xứ, 2 giáo họ độc lập và 1 giáo điểm. Cùng với đó có 11 quý thầy, quý xơ trong ban giảng huấn giáo phận và ngoài giáo phận. Đó là niềm vui lớn lao cho giáo hạt non trẻ mới thánh lập được ba năm nhưng được hưởng những phúc ân cao cả của Thiên Chúa qua tình thương của Đức cha Giám quản Giáo phận, Ban giáo lý Giáo phận, quý thầy, quý xơ trong ban giảng huấn và quý cha trong giáo hạt. Vì vậy, cha đặc trách mời gọi các thầy cô giáo lý viên hãy luôn vui mừng vì ân huệ đó và cố gắng gác lại những công việc gia đình để tham dự tập huấn một cách có hiệu quả nhất.

Trong hai ngày tập huấn, các thầy cô GLV đã tham gia đông đủ, hăng say học tập, và hết sức phấn khởi. Điều này cho thấy công cuộc loan báo Tin Mừng nơi giáo hạt non trẻ này đang căng tràn sức sống và vươn lên như những chồi non xanh tươi giữa mùa Xuân đầy hi vọng. Trong buổi tổng kết, thầy trưởng Ban giáo lý Hạt đã bày tỏ lòng biết ơn tới cha đặc trách giáo lý giáo phận và là cha quản hạt, cùng với cha đặc trách giáo lý giáo hạt đã nhiệt tâm lo lắng cho công cuộc đào tạo giáo lý viên giáo hạt và bày tỏ lòng biết ơn tới quý thầy, quý xơ trong Ban giảng huấn.

Trong bài phát biểu bế mạc, Cha quản hạt Ngàn Phố, Giuse Trần Đức Ngợi đã nói lên niềm vui, niềm hãnh diện của người giáo lý viên, bởi các thầy cô giáo lý viên không phải là những người tài giỏi hơn những người khác nhưng là người được Chúa chọn và được Giáo Hội tin tưởng để cộng tác với các linh mục quản xứ trong việc giảng dạy giáo lý. Như Giáo luật 1983 nói rõ: Các thầy cô giáo lý viên là những cộng sự viên đắc lực của linh mục, giúp ngài trong việc giảng dạy giáo lý.[1] Thật vậy, là những người sống giữa đời nên phải lo toan muôn phần cho cuộc sống gia đình, đồng thời phải trở nên những tấm gương sáng không những cho các em học sinh mà cả ngay trong chính cuộc sống thường ngày của mình trong gia đình và giáo xứ, phần nào đó đã làm cho các thầy cô giáo lý viên lắng lo và mệt mỏi. Nhưng cha quản hạt đã mời gọi các thầy cô giáo lý viên đừng lo lắng, đừng mệt mỏi nhưng hãy vui mừng vì được làm giáo lý viên. Cha quản hạt cũng nhắc lại lời của ĐTC Phanxicô: “Giáo lý viên, anh chị em đừng bao giờ mệt mỏi khi trở thành giáo lý viên”.

Kết thúc 2 ngày tập huấn, các thầy cố giáo lý viên được mời gọi trở về với tận sâu thẳm của lòng mình trong những giây phút tĩnh tâm và xưng tội. Trong bài chia sẻ tĩnh tâm, cha Phaolô Đậu Tiến Sỹ, quản xứ Đức Vọng một lần nữa xác định vai trò và tầm quan trọng của người giáo lý viên trong công cuộc loan báo Tin Mừng, bởi trong công cuộc này không thể vắng bóng người giáo lý viên. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em”.[2]

Trong bài giảng thánh lễ quan thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự – bế mạc tập huấn, cha đặc trách giáo lý Hạt Phaolô Nguyễn Văn Phục nói lên những băn khoăn, lo lắng, những thảm họa về sự nghiệp giáo dục của đất nước hiện nay đang làm cho người trẻ phần nào đó bào mòn về nhân cách, nhận thức sai lạc và một lối sống thực dụng không có đức tin. Đồng thời cha Phaolô cũng nói lên tầm quan trọng trong sứ vụ giáo dục của người giáo lý viên trong bối cảnh hôm nay, giáo lý viên không chỉ là người giảng dạy kiến thức giáo lý mà còn dạy học sinh những nét đẹp nhân bản, để các em trở thành một con người tốt cho xã hội và Giáo Hội.

Như Giáo luật 1983 dạy: Giáo lý viên không những am tường về giáo lý mà còn là nhà giáo dục, gương mẫu trong đời sống nhân bản và đạo đức, để lời nói, việc làm luôn củng cố và phát triển đức tin của mình và của tha nhân.[3] Kết thúc bài giảng, cha Phaolô một lần nữa mời gọi các thầy cô giáo lý viên hãy luôn vui tươi loan báo Tin Mừng và cố gắng trở nên những nhà giáo dục gương mẫu.

Thật vậy, làm giáo lý viên là ân huệ của tình yêu Thiên Chúa và Ngài mời gọi con người đáp trả trong niềm vui và tràn ngập tình yêu. Là những người được lớn lên trong đức tin, chúng ta cũng luôn bày tỏ lòng biết ơn tới quý thầy cô, nhờ họ mà chúng ta biết Chúa, hiểu Chúa nhiều hơn. Để bày lòng biết ơn này, thiết nghĩ chúng ta cùng đọc lại tâm tình biết ơn của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cho các giáo lý viên: “Nhân danh Hội Thánh, Cha xin cám ơn các con, các thầy cô và Giáo Lý viên giáo dân trong các giáo xứ, các thanh niên cũng như rất nhiều thiếu nữ trên khắp thế giới đang hiến thân phục vụ việc giáo dục về tôn giáo cho nhiều thế hệ. Công việc của các con thường là khiêm hạ và âm thầm nhưng được thực hiện với lòng nhiệt thành hăng say và quảng đại, và là một hình thức xuất xắc của việc tông đồ giáo dân, một hình thức quan trọng đặc biệt ở những nơi mà các trẻ em và người trẻ không được huấn luyện về tôn giáo một cách thích hợp trong gia đình vì nhiều lý do khác nhau. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nhận được từ những người như các con những khái niệm đầu tiên về Giáo Lý và việc sửa soạn cho việc Xưng Tội, Rước Lễ Lần đầu và Thêm Sức!”.[4]

Truyền thông giáo hạt Ngàn Phố

[1] X. HĐGMVN, Bộ Giáo luật 1983, op.cit., điều 776.

[2] ĐGH. Phanxicô, Sứ điệp truyền giáo năm 2014.

[3] X. Bộ Giáo luật 1983, các số 780; 785.

[4] Thánh GH. Gioan Phaolô II, Tông huấn về việc dạy giáo lý trong thời đại hôm nay, số 6.

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận