Lời Chúa sẽ đồng hành với chúng ta trong suy niệm này là Tin Mừng Gioan 19,25-27: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”
Trong bài suy niệm này chúng ta chỉ tìm hiểu phần đầu của trình thuật và phần còn lại của đoạn Tin Mừng chứa đựng lời của Chúa Giêsu sẽ để cho lần tới.
Nếu Đức Maria, thân mẫu Người, đã hiện diện trên đồi Canvê dưới chân thập giá Chúa Giêsu, chắc chắn Mẹ đã ở Giêrusalem trong những ngày này, và nếu Mẹ ở Giêrusalem, thì Mẹ đã chứng kiến mọi sự và hiện diện trong mọi biến cố xảy ra. Mẹ đã có mặt tại thời điểm Philatô nói “Ecce Homo!” Mẹ đã nhìn thấy thân xác con mình bầm dập, loang máu, đầu đội mão gai; mẹ đã nhìn thấy Người trần truồng gần như hoàn toàn trước đám đông, toàn thân run rẩy, bầm tím trong những cơn co giật sắp chết. Mẹ đã nghe choang choảng tiếng búa đóng đinh và những lời nhục mạ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” Mẹ đã nhìn thấy những tên lính chia nhau áo xống con mình và cả chiếc áo choàng mà có lẽ chính Mẹ đã dệt nên.
Tin Mừng nói với chúng ta rằng “đứng gần thập giá Chúa Giêsu có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.” Như vậy, Đức Maria không trơ trọi một mình, Mẹ là một trong số những người phụ nữ ở đó. Nhưng Đức Maria hiện diện như là Mẹ Người, và sự kiện này làm thay đổi mọi sự, bởi vì nó đặt Đức Maria vào một hoàn cảnh rất khác biệt so với những người phụ nữ khác. Tôi còn nhớ đám tang của một cậu con trai 18 tuổi. Mấy phụ nữ đi theo xe tang. Họ mặc toàn màu đen và tất cả đều khóc, đến nỗi họ nhìn rất giống nhau. Nhưng một người trong số họ, người mẹ thì khác lắm, mọi người hiện diện cứ nghĩ về bà và hầu như tò mò nhìn bà! Bà là một góa phụ, và cậu con trai này là đứa con duy nhất. Cặp mắt của bà luôn cứ bám theo quan tài, và người ta có thể thấy miệng bà cứ liên tục mấp máy tên con mình. Trong thánh lễ, khi các tín hữu đáp Sanctus, họ tuyên xưng: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh,” bà cũng bắt đầu vừa lẩm bẩm mà như không ý thức vừa nhìn con, “Thánh, Thánh, Thánh…” Hình ảnh này làm tôi nghĩ đến Đức Maria dưới chân thập giá.
Nhưng Đức Maria được đòi hỏi điều gì đó còn khó khăn hơn rất nhiều: Đó là tha thứ. Khi Mẹ nghe Con mình kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), Mẹ biết Chúa Cha trên trời muốn Mẹ lặp lại chính những lời ấy với tất cả lòng mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Và Đức Maria đã lặp lại những lời ấy. Mẹ đã tha thứ.
Nếu Chúa Giêsu đã bị cám dỗ ở trong sa mạc, thì Đức Maria bị cám dỗ cách đặc biệt dưới thập giá. Và đó là cám dỗ rất sâu xa và đớn đau, bởi lý do là chính Chúa Giêsu. Mẹ đã tin vào những lời hứa, Mẹ đã tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa; Mẹ biết rằng Chúa Giêsu có thể xin Chúa Cha sai đến cho Người “hơn mười hai đạo binh các thiên thần” (Mt 26,53). Nhưng Mẹ thấy rằng Chúa Giêsu đã không xin điều đó. Nếu Chúa xuống khỏi thập giá, Người cũng đã giải thoát Mẹ khỏi nỗi đau đớn khủng khiếp này, nhưng Người đã không làm gì.
Nhưng Đức Maria đã không kêu lên: “Hãy xuống khỏi thập giá; hay cứu con và cứu mẹ nữa!” Mẹ cũng không kêu: “Con tôi ơi, con đã cứu người khác, sao giờ đây con không cứu mình đi?” Mặc dầu thật dễ dàng linh cảm được rằng những ý tưởng và ước muốn như thế xuất hiện rất thường tình trong lòng người mẹ. Đức Maria đã im lặng.
Nói một cách rất người, có nhiều lý do để Đức Maria kêu lên với Thiên Chúa: “Ngài đã lừa dối tôi!” như tiên tri Giêrêmia ngày nọ đã kêu lên: “Lạy Chúa, Ngài đã lừa dối tôi, và tôi đã bị lừa dối” (Gr 20,7) – và rồi Mẹ có thể chạy trốn khỏi Canvê. Thay vào đó, Mẹ đã không bỏ chạy, nhưng lưu lại ở đó, Mẹ đứng trong thing lặng, và như thế mẹ trở thành một vị tử đạo vì đức tin theo cách thế rất đặc biệt, một chứng tá trổi vượt về niềm tin vào Thiên Chúa, sau Con Mẹ.
Ý tưởng về Đức Maria đã kết hợp với hy tế Con mình được diễn tả cách tinh tế và long trọng nơi bản văn Công Đồng Vaticanô II: “Đức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, và Ngài đã đứng ở đó theo ý Chúa muốn (x. Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy lễ do lòng mình sinh ra.”[1]
Vì vậy, Đức Maria không chỉ đứng gần thập giá Chúa Giêsu theo nghĩa thể lý và địa lý. Mẹ hiện diện ở đó còn theo nghĩa tâm linh. Mẹ đã kết hợp với thập giá Chúa Giêsu; Mẹ đã cùng chịu đau khổ. Mẹ chịu đau khổ trong trái tim mình những nỗi đau mà Con Mẹ phải chịu trong thân xác. Và ai có thể nghĩ khác được, nếu họ hiểu làm mẹ có nghĩa là gì rồi?
Chúa Giêsu cũng là một con người, và như một người tại thời điểm đó, trong ánh mắt của mọi người, Chúa chỉ là một đứa con bị hành quyết trước mặt mẹ mình. Chúa Giêsu không còn nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến?” (Ga 2,4). Lúc này đây chính là giờ của Người đã đến, Người và Mẹ Người đều có chung cái gì đó rất lớn lao, chính là sự đau khổ. Trong những giây phút cuối cùng này mà xem ra cả Chúa Cha cũng bỏ rơi mình cách khó hiểu dưới cặp mắt nhân loại của Người, Chúa Giêsu chỉ còn có ánh mắt của Mẹ mình mang lại sự an ủi và đỡ nâng cho Người. Sau khi ở trong vườn Ghếtsêmani, Người đã xin ba môn đệ “hãy ở lại đây và hãy thức với Thầy” (Mt 26,38), giờ đây Người có cần đến sự hiện diện và nâng đỡ của Mẹ mình không?
Đứng gần thập giá Chúa Giêsu
Như thường lệ, khi bước theo Đức Maria là tôn chỉ của chúng ta, Mẹ là hình ảnh và tấm gương, là hoa trái và mẫu gương đầu tiên của Hội Thánh, giờ đây chúng ta phải tự hỏi rằng Chúa Thánh Thần muốn nói gì với Hội Thánh khi quyết định cho Đức Maria hiện diện ở đó và ghi lại những lời của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh.
Một lần nữa, lời của chính Thiên Chúa cho thấy rõ ràng con đường từ Đức Maria đến Hội Thánh và nói với mỗi người tín hữu phải làm gì để bắt chước Mẹ: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người là Đức Maria và gần mẹ là người môn đệ Người yêu mến.” Trong sự kiện (fact) chứa đựng sự khuyến thiện (parenesis). Điều xảy ra trong ngày đó cũng cho thấy điều phải xảy ra trong mọi ngày: chúng ta phải ở bên “Đức Maria gần thập giá Chúa Giêsu,” như môn đệ được Chúa yêu mến đã làm.
Hai điều ẩn chứa trong câu này. Trước hết, chúng ta phải ở “gần thập giá” và thứ đến, chúng ta phải ở gần thập giá “Đức Giêsu.” Hai điều này khác biệt, dầu chúng không thể tách biệt.
Đứng gần thập giá “Đức Giêsu.” Những lời này nói với chúng ta rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất phải làm không phải chỉ đứng gần thập giá, nhưng là đứng gần thập giá “của Đức Kitô.” Chỉ đứng gần thập giá trong nỗi đau và thinh lặng thì chưa đủ. Điều này có thể được xem là anh hùng, nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Nó không có ý nghĩa gì hết. Điều sống còn là đứng gần thập giá Chúa Giêsu. Nói cách khác, điều đáng nói không phải thập giá của chúng ta nhưng là thập giá của Đức Kitô. Đau khổ tự thân không phải là điều có giá trị nhưng là đức tin, và theo cách này, chúng ta đón nhận những đau khổ của Chúa Kitô. Điều đầu tiên là đức tin.
Điều lớn lao nhất của Đức Maria dưới thập giá chính là đức tin của Mẹ, đức tin đó lớn hơn cả đau khổ. Thánh Phaolô nói thập giá là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa dành cho chúng ta, những người được cứu độ (1 Cr 1,18.24); đó là quyền năng của Thiên Chúa “dành cho ai có đức tin” (Rm 1,16). Vì thế, nó dành cho tất cả những ai có đức tin và không dành cho những ai đơn thuần chịu đau khổ, nhưng chúng ta sẽ thấy, dầu cả hai điều này thường liên kết với nhau.
Đây là căn nguyên của sức mạnh và phong nhiêu của Hội Thánh. Sức mạnh của Hội Thánh đến từ việc rao giảng thập giá Chúa Giêsu, nó là biểu tượng của sự điên rồ và yếu đuối trong cặp mắt thế gian; do đó, nó từ chối mọi khả năng hoặc ước muốn đối diện với thế giới vô tín và vô ý, với những phương thế của chúng ta như: sự lợi khẩu, năng lực tranh luận, mỉa mai, châm biếm, chế nhạo, và tất cả ‘những sức mạnh’ khác của thế gian (x. 1 Cr 1,27). Cần phải từ bỏ ưu thế của con người để sức mạnh thần linh của thập giá Chúa Kitô có thể được nhìn thấy. Chúng ta phải nhấn mạnh về điểm này, bởi vì nó cần được nhấn mạnh. Phần lớn các tín hữu không bao giờ được giúp đỡ để thấu hiểu mầu nhiệm này, vốn là trung tâm điểm của Tân Ước và của Kerygma. Nó thay đổi cuộc sống con người.
“Đứng gần thập giá.” Nhưng dấu chỉ và bằng chứng nào để chúng ta thực sự tin vào thập giá Đức Kitô và “lời của thập giá” không phải chỉ là một lời, một nguyên lý trừu tượng, một mảng cuối cùng của thần học hay ý thức hệ, nhưng thực chất thập giá là gì? Dấu chỉ và bằng chứng là ở đây: đó là bạn hãy vác thập giá và hãy bước theo Chúa Giêsu (x. Mc 8,34). Dấu chỉ là chịu đau khổ với Người (x. Pl 3,10; Rm 8,17), chịu đóng đinh với Người (x. Gl 2,20), để hoàn tất những đau khổ nơi mình đang còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x. Cl 1,24). Toàn bộ cuộc đời Kitô hữu phải là một hiến tế sống động giống như hiến tế của Chúa Kitô (x. Rm 12,1). Đó không chỉ là vấn đề chấp nhận đau khổ cách thụ động, mà còn chịu đau khổ cách chủ động và sống kết hợp với Chúa Kitô. Như thánh Tông Đồ đã từng nói: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9,27). “Toàn bộ đời sống của Chúa Kitô là thập giá và tử đạo, vậy sao bạn lại tìm kiếm sự nghỉ ngơi và niềm vui?” Tác giả sách Gương Phúc nói như thế.[2]
Quả thật, có hai cách thế khác biệt để đặt mình trước thập giá của Chúa Kitô. Một trong những cách đó, mang đặc điểm của thần học Thệ Phản, là dựa trên đức tin và sự thủ đắc (appropriation). Nghĩa là dựa trên thập giá của Đức Kitô và không có gì đáng tự hào ngoài thập giá Chúa Kitô. Cách thứ hai được hun đúc từ quá khứ, đặc biệt nhờ nền tu đức Công Giáo, là nhấn mạnh đến việc cùng đau khổ với Chúa Kitô, chia sẻ cuộc khổ nạn của Người, và như trường hợp của một số vị thánh, là kinh nghiệm nơi bản thân trong hiện tại cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, bao gồm các dấu đanh. Phong trào đại kết đòi hỏi chúng ta phải xây dựng lại tổng hợp về những gì mà trong Hội Thánh đã hủy bỏ vì sự chia rẽ và chống đối nhau.
Dĩ nhiên, đây không phải là vấn đề đặt công trình của Thiên Chúa và của chúng ta trên cùng vị trí như nhau, nhưng là đón nhận lời Kinh Thánh nói rằng: một trong hai, cả đức tin và hành động, nếu không có nhau, nó sẽ chết (x. Gc 2,14tt). Đó là đức tin vào thập giá Chúa Kitô, đức tin đó cần phải trải qua những đau khổ để trở thành xác thực. Thánh Phêrô nói rằng: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa” (1 Pr 1,6-7).
Thập giá của chúng ta tự thân không mang lại ơn cứu độ hoặc quyền năng hay sự khôn ngoan; đơn giản tự thân nó chỉ là đau khổ con người, hay chỉ là hình phạt. Nó trở thành quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa vì nó kết hợp chúng ta với thập giá Chúa Kitô, với thánh ý của Thiên Chúa. Khi khám phá những cố gắng trong đời sống mình, thánh Gioan Phaolô II viết một bức thư về đau khổ, ngài nói rằng: “Đau khổ có nghĩa là trở nên dễ bị tổn thương cách đặc biệt, là mở ra cho những hoạt động của quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Đức Kitô.”[3] Đau khổ kết hợp chúng ta với thập giá Chúa Kitô không chỉ thuần lý trí mà còn cả hiện hữu và thể lý nữa; đó là một dạng chuyển đưa, một phương tiện dẫn vào thập giá Chúa Kitô, không phải song song với đức tin nhưng là một với nó.
“Tôi sẽ hy vọng để chống lại mọi hy vọng”
Nhưng đây là thời gian phải tiến về phía trước. Mầu nhiệm Vượt Qua không dừng lại một mình cây thập giá Chúa Kitô hay một mình sự phục sinh; cũng không dừng lại trong cả hai, cái này sau cái kia, kề nhau và phối hợp. Nó hệ tại trong việc trải qua từ biến cố này đến biến cố kia, từ chết đến sống, từ cái chết đến vinh quang và vương quốc (x. Lc 24,26; Cv 14,22). Vì thế, nó rất năng động, chứ không phải là tĩnh lặng, trong một vận hành hoặc là biến cố thường được hiểu như không thể bị gián đoạn mà không bị phá hủy.
Đối với thánh Gioan, thập giá Chúa Giêsu không chỉ là giờ phút cái chết của Người, nhưng còn là “sự vinh quang” của Người. Sự phục sinh đã thực hiện trong đó rồi, trong dấu chỉ của Thần Khí được tuôn đổ từ cạnh sườn bị đâm thâu (x. Ga 7,37tt). Vì thế, trên đồi Canvê, Đức Maria không chỉ có kinh nghiệm về cái chết của Con mẹ, nhưng còn kinh nghiệm về hoa trái đầu tiên của phục sinh. Hình ảnh về Đức Maria dưới chân thập giá theo nghĩa như thế mà chúng ta có được từ bài Stabat Mater, trong đó, Đức Maria không chỉ “sầu muộn, buồn phiền, và đau đớn,” nếu vậy có lẽ không đầy đủ. Trên đồi Canvê, Mẹ không chỉ là “Mẹ sầu bi” nhưng còn là “Mẹ hy vọng – Mater Spei,” như Hội Thánh khẩn cầu Mẹ trong một thánh thi.
Thánh Phaolô đã quả quyết điều này liên quan đến Ápraham trong hoàn cảnh khó khăn của ông: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18). Với tất cả lý do đó, chúng ta phải nói như vậy về Đức Maria dưới chân thập giá: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, Mẹ vẫn trông cậy và vững tin,” nghĩa là trong một hoàn cảnh theo cách con người nói, không có lý do gì nữa để hy vọng. Một cách nào đó chúng ta không thể giải thích được nữa. Có lẽ Mẹ cũng không thể giải thích cho chính mình được. Giống như Ápraham, Đức Maria đã tin rằng Thiên Chúa có thể “làm cho” Con mình chỗi dậy “từ cõi chết” (x. Hr 11,19).
Một trong những bản văn Công Đồng Vaticanô II nói về niềm hy vọng của Đức Maria dưới chân thập giá như là một sự kiện quyết định cho ơn gọi làm Mẹ của ngài. Bản văn nói rằng khi được kết hợp với Người, Đấng đã chết trên thập giá, “Đức Maria đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người thật là mẹ chúng ta.”[4]
Chúng ta hãy quay trở lại với Hội Thánh, nghĩa là với chúng ta. Thánh Augustinô nói về ba biến cố được Hội Thánh tưởng niệm trong Tam Nhật Vượt Qua, đó là đóng đinh, mai táng và phục sinh của Chúa: “Trong đời sống hiện tại của mình, chúng ta ý thức về ý nghĩa của đóng đinh, trong khi, nhờ đức tin, chúng ta có niềm hy vọng vào ý nghĩa của việc mai táng và sự phục sinh.”[5] Hội Thánh giống như Đức Maria, sống sự phục sinh “trong hy vọng.” Cũng vì điều này, thập giá là đối tượng của kinh nghiệm, trong khi phục sinh là đối tượng của hy vọng.
Cũng như Đức Maria đã ở bên Người Con chịu đóng đinh, cũng thế, Hội Thánh được mời gọi gần gũi với Đấng chịu đóng đinh của ngày hôm nay: đó là những người nghèo, người đau khổ, người bị lăng nhục, người bị xỉ vả… Làm sao Hội Thánh có thể gần gũi với họ? Gần gũi trong hy vọng như Đức Maria. Lòng trắc ẩn hay chỉ xoa dịu không đủ đối với những đau khổ của họ. Nó còn rất ít ỏi. Mọi người đều có thể làm điều này, ngay cả những ai không biết gì về phục sinh. Hội Thánh phải chuyển trao niềm hy vọng, loan báo đau khổ này không phải là vô lý, nó rất ý nghĩa, bởi vì sẽ có sự phục sinh sau cái chết. Hội Thánh phải trả lời cho những thắc mắc về niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Pr 3,15).
Dân chúng cần niềm hy vọng để sống, giống như họ cần ôxy để thở. Hội Thánh cũng cần niềm hy vọng để tiến bước trong lịch sử và không được làm biến dạng bởi những thử thách bên trong cũng như bên ngoài. Trong buổi yết kiến chung vào ngày 11 tháng Ba, là lần cuối cùng xuất hiện trước khi lệnh đình chỉ vì virus corona, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi chúng ta phải sống trong thời gian thử thách “với sức mạnh, trách nhiệm và hy vọng.” Tôi rất thích nhắc lại cách đặc biệt lời kêu gọi của ngài về niềm hy vọng.
Từ lâu và cả bây giờ, hy vọng đã và đang là nhân đức nhỏ bé và nghèo hèn giữa các nhân đức đối thần. Nhà thơ Charles Péguy đã có một hình ảnh rất đẹp liên quan đến vấn đề này. Ông nói rằng có ba nhân đức đối thần – tin, cậy và mến – giống như ba chị em: hai người chị đã lớn, còn lại thì vẫn mãi là một cô bé. Cả ba cùng nắm tay nhau bước đi trên một con đường, hai chị lớn mỗi người một bên, còn cô bé nhỏ thì ở giữa. Cô bé này chính là hy vọng. Mọi người nhìn họ và nói: “Dĩ nhiên là hai chị lớn đã kéo cô bé vào giữa.” Họ sai lầm: Chính cô bé nhỏ hy vọng đã giữ cho hai chị kia, bởi vì nếu hy vọng dừng lại, mọi sự cũng dừng lại.[6]
Chúng ta phải trở thành “những người đồng minh của cô bé hy vọng,” như chính nhà thơ đã nói. Có lẽ có gì đó mà bạn đã hy vọng mãnh liệt, hy vọng rằng Chúa có thể can thiệp, và không gì đã xảy ra. Rồi sau đó bạn lại hy vọng và lại không có gì xảy ra. Mọi sự vẫn cứ như trước, mặc dầu bạn đã làm tất cả, dâng hết lời nguyện và cả nhiều nước mắt, có lẽ nhiều dấu chỉ mà lần này Chúa nhậm lời bạn chăng? Nếu bạn tiếp tục hy vọng lần nữa; nếu bạn hy vọng luôn mãi, cho đến cùng, bạn trở thành một người “đồng minh của hy vọng.”
Điều này có nghĩa là bạn cho phép Thiên Chúa như “lừa dối” bạn, làm bạn thất vọng nhiều lần như Người muốn. Hơn thế nữa, nghĩa là bạn cảm thấy hạnh phúc từ trong sâu thẳm, trong tận đáy lòng bạn, rằng Thiên Chúa đã không lắng nghe bạn bởi vì, theo cách thức này, Người đã để cho bạn chứng tỏ với Người bằng chứng khác về niềm hy vọng của bạn, để bạn biết hy vọng nhiều hơn, càng lúc càng khó khăn hơn nhưng bạn vẫn hy vọng. Như thế, Người đã ban cho ban một ân sủng lớn lao hơn điều bạn đã xin: ân sủng của hy vọng vào Người. Chính Người có sự vĩnh cửu để chúng ta “tha thứ cho Người” vì sự chậm trễ!
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng hy vọng không chỉ là một tâm tình nội tâm đẹp đẽ và thơ mộng, khó khăn như bạn muốn, mà là, khi tất cả được nói và được làm, nó không kêu gọi hoạt động hoặc làm bổn phận cụ thể và vì thế cuối cùng là vô nghĩa. Trái lại, hy vọng chính xác có nghĩa là còn có điều gì chúng ta có thể làm, một bổn phận cần thực hiện, và do đó, chúng ta không còn phó mặc cho sự trống rỗng hay tê liệt bởi sự lười biếng.
Vì thế, cả khi chúng ta không thể làm gì hơn để thay đổi một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn có gì đó lớn lao để làm, vẫn có gì đó khiến chúng ta phải bận rộn để không rơi vào thất vọng và nó giúp chúng ta kiên nhẫn cho đến cùng. Đây là “bổn phận” lớn nhất mà Đức Maria đã hoàn tất, khi biết hy vọng dưới chân thập giá, và vì thế, lúc này đây Mẹ sẵn sàng để giúp đỡ chúng ta làm như vậy.
Chúng ta có thể tìm thấy một số sự đột biến thực sự và cảm giác hy vọng bất ngờ trong Kinh Thánh. Chẳng hạn có một đoạn trong sách Ai Ca, bài ca về linh hồn ở trong thử thách hoàn toàn bị bỏ rơi, hầu như có thể áp dụng cho Đức Maria dưới chân thập giá:
“Tôi là người đã sống cảnh lầm than, dưới làn roi giận dữ của Người… Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước, trong tối tăm, không ánh sáng soi đường… Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi. Tôi tự nhủ: cuộc sống của mình nay chấm dứt, hy vọng nơi ĐỨC CHÚA cũng tiêu tan” (Ac 3,1.2.18).
Nhưng sau đó, chúng ta tìm thấy một niềm hy vọng bất ngờ, và tình hình thay đổi. Tại một điểm nào đó, người thờ phượng nói với chính Người: “Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Tôi tự nhủ: ĐỨC CHÚA là phần sản nghiệp của tôi, vì thế nơi Người, tôi trông cậy… ĐỨC CHÚA xử tốt với ai tin cậy Người, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa… Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả” (Ac 3,21-32). Từ chính lúc đó, tiên tri quyết định quay trở lại với hy vọng, giọng thay đổi: lời than van quay lại với sự khẩn cầu tin tưởng vì sự can thiệp của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy quay trở lại với Đức Maria, người đã đứng gần thập giá khi hy vọng chống lại mọi hy vọng. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ như Mẹ của hy vọng với những lời thánh thi rất cổ xưa của Hội Thánh:
Salve Mater misericordiae,
Mater Dei, et mater veniae
Mater Spei, et mater gratiae,
Mater plena sanctae laetitiae,
O MARIA!
Chào Mẹ, Mẹ của lòng thương xót,
Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của tha thứ,
Mẹ của Hy Vọng và Mẹ của Ân Sủng,
Mẹ đầy niềm hy vọng thánh thiện,
Ôi Maria!
Bài giảng III Mùa Chay năm 2020 của cha Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ từ cantalamessa.org
[1] Lumen gentium, 58.
[2] Cf. Thomas à Kempis, The Imitation of Christ, II, 12.
[3] John Paul II, Salvifici Doloris, 23.
[4] Lumen gentium, 61.
[5] Cf. St. Augustine, “Letter 55,” 14, 24.
[6] Cf. Charles Péguy, le Porche du Mystère de la Deuxième Vertu [The Portal of the Mystery of the Second Virtue] in Oeuvres Poétiques Complètes, vol. 5 (Paris: Gallimard, 1975), p. 655.
Có thể bạn quan tâm
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang sau 5 năm hỏa..
Th11
Đức Thánh Cha thêm Đức TGM Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng..
Th11
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
Th11
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng
Th11
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có những căng thẳng nhưng..
Th11
Caritas Giáo Phận Hà Tĩnh: Đại Hội Tổng Kết 5 Năm Hình Thành..
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Năm 2024
Th11
Bản Văn Phụng Vụ Trong Năm Thánh 2025
Th11