Đồng hóa

965 lượt xem

Trong bất cứ hành động nào của con người, ai cũng luôn nhắm về một đích đến nào đó, hẳn nhiên đích đến ấy không dừng lại ở một ý tưởng mơ hồ nhưng luôn tạo ra trong trí mỗi người một khuôn mẫu. Một khi đạt được mục tiêu, chúng ta đã hoàn thành một tiến trình đồng hóa (identification). Chẳng hạn, trong hoạt động trí thức, nếu muốn lấy nhà khoa học Thomas Edison làm khuôn mẫu, bạn sẽ nỗ lực đặt ra những chỉ tiêu để đạt đến những thành công như ông, khi đó, bạn đang thực hiện một tiến trình đồng hóa, nghĩa là trở nên giống cách nào đó với nhà khoa học đại tài. Mặc dù, thuật ngữ này được dùng nhiều trong tâm lý học nhưng chúng được ứng dụng khá phổ biến và phổ quát trong những gì liên quan đến tiến trình phát triển toàn diện con người.

Một khi nhắc đến đội Việt Nam trong Cup bóng đá U-23 Châu Á năm 2018, có lẽ trong ký ức chúng ta còn sống động những cảm xúc vui tươi, phấn khởi và tự hào về đội nhà khi đột phá bước vào trận chung kết, điều mà đội bạn Thái Lan từng ước ao. Có nhiều đối tượng cần bàn đến để chúng ta nhận ra tiến trình đồng hóa. Nếu bạn là một cầu thủ bóng đá trẻ thì biến cố chinh phục đỉnh cao đầy ngoạn mục của đàn anh không những tạo nên một làn sóng tích cực và phấn khích trong giới bóng đá chuyên nghiệp mà còn để lại một áp lực khá lớn cho bạn. Lúc này những anh hùng sân cỏ ấy sẽ là khuôn mẫu cho bạn tiến bước trong tương lai. Tiến trình đồng hóa ở đây được hiểu như một động lực giúp bạn hành động. Nếu đơn giản bạn chỉ là một khán giả hâm mộ môn thể thao vua thì những trận thi đấu tranh tài ấy đã lôi kéo bạn cùng sống với các cầu thủ trên sân bóng để cùng buồn khi đội mình thua và vui khi đội ta thắng, đó là một sự đồng hóa về mặt cảm xúc (có khi fan hâm mộ phải nghẹt thở hay ngất xỉu trong lúc thưởng thức thần tượng của mình biểu diễn). Việc đồng hóa cảm xúc này có thể thăng hoa trong khoảnh khắc rồi tắt lịm theo thời gian nhưng cũng có thể chúng trở thành cơ hội giúp bạn thay đổi cách đánh giá về mặt chuyên môn và đẳng cấp của đội U-23 Việt Nam nói riêng và giới bóng đá chuyên nghiệp nói chung.

Thường có sự thái quá trong tiến trình đồng hóa khiến bản thân không thể kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của mình. Điều này đã xảy ra những vụ gây rối loạn từ những khán giả quá khích. Thay vì thưởng thức các trận bóng đá từ những pha chuyền bóng và ghi bàn siêu phẩm để giải trí sau những ngày làm việc mệt mỏi, người ta lại tạo thêm những áp lực từ nhiều phía khiến bản thân trở nên bạo động, và một khi mất kiểm soát về lời nói cũng như hành động, họ tự đánh mất tư cách của mình từ những chuyện thành công hay thất bại của ai đó, chẳng liên quan gì đến mình. Đó là sự tha hóa hơn là một tiến trình đồng hóa lành mạnh.

Nếu trong tiến trình đồng hóa đòi buộc phải có mô phạm giúp chủ thể noi theo thì trong giới trẻ, người ta thường nói đến thần tượng như những người thành công trong mọi lĩnh vực đã đạt đến đỉnh cao nào đó nay trở thành tấm gương phấn đấu cho các bạn trẻ “học đòi”. Nếu có ai biết nhìn lên những khuôn mẫu đó hầu giúp mình nỗ lực và thăng tiến trong tương lai thì thành công cũng sẽ vẫy tay chào đón một ngày gần đây, bằng không chỉ là một hình thức xu thời của những kẻ đua đòi lấy vương miện vinh quang ảo làm mũ chiến đội đầu, không ngờ nó lại hóa thành một thứ vòng kim cô của Tôn Ngộ Không khiến kiềm tỏa sức vươn lên và năng động của chính mình. Ngày nay, chúng ta còn thấy những chương trình hát và nhái giống thần tượng với tiêu chí ai càng ca hát và tạo phong cách trình diễn giống thần tượng nhất sẽ được điểm cao. Vô hình trung, xã hội muốn tạo ra những bản sao “lỗi thời” mà đánh mất đi tính cá vị độc đáo của mỗi người. Ở đây chúng ta cần ghi nhận lời cảnh báo của tác giả John Mason: “Sinh ra là một bản thể đừng chết đi như một bản sao”.

Việc đồng hóa này cũng được áp dụng cụ thể trong lĩnh vực chính trị. Lịch sử nhân loại đã ghi lại những tấm gương vĩ đại trong việc dấn thân phục vụ đất nước tiến lên về nhiều mặt trong đời sống con người. Những mẫu gương ấy cũng được một số người ngưỡng mộ và noi theo. Tuy nhiên, có một số người cũng có công với đất nước dân tộc nhưng chuyện đời tư bị nhiều người phanh phui bêu riếu, thế mà, có chế độ tuyên truyền khẩu hiệu: Học tập theo gương đạo đức của vị này vị khác. Chúng ta cần nhìn nhận đúng giá trị của tư tưởng hay giá trị đạo đức xét về hành vi cụ thể của một người. Là con người, ai cũng có những mặt mạnh và mặt yếu. Chúng ta cần lượng giá để có thể đồng hóa tùy theo mức độ mang lại thiện ích cho bản thân. Và điều lưu ý trong việc đồng hóa này là không ai được quyền áp đặt bất cứ sự gì lên người khác khiến mỗi người mất đi sự tự do chọn lựa cho mình một gương mẫu hay mục đích sống.

Hơn nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của việc đồng hóa trong đời sống tâm linh của con người. Trong truyền thống tâm linh và các tôn giáo, việc đồng hóa được hiểu như một cuộc tiếp bước theo linh đạo nào đó, đúng hơn, là một sự đồng hóa với một “Đấng” vĩ đại; mà đỉnh cao là cuộc nhiệm hiệp, nói nôm na là để ta nên một với Đấng ta tin. Tuy nhiên, với một số truyền thống tâm linh hay có tôn giáo, vẫn tồn tại giáo lý về vô ngã mà một khi con người đồng hóa và đồng nhất với Đấng ấy, họ sẽ bị hòa tan như nước vào đại dương; cuối cùng chỉ còn cái bao la (Đại ngã). Điều mà các triết gia muốn cảnh báo và đánh thức chúng ta kẻo sa vào cạm bẫy đánh mất chính mình thì với giáo lý vô ngã, người ta tự đưa mình vào một cuộc vong thân không những ở đời này mà cả đời sau.

Có thể nói, Kitô giáo tránh được vòng xoáy của tính logic này. Thật vậy, Giáo Hội mời gọi mọi con cái dùng các phương thế thích hợp để mỗi ngày nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô. Đây đích thực là một cuộc đồng hóa theo nghĩa tinh thần, nghĩa là mỗi người bước theo con đường Đức Kitô đã đi, sống như Người nhưng không câu nệ đến mức rập khuôn mà làm mất đi tính năng động và sáng tạo trong đời sống mình. Nói cách khác, mỗi người được mời gọi sống nên một tinh thần với Đức Kitô; từ đồng hóa đến đồng nhất nhưng tôi vẫn là tôi và Chúa vẫn là Chúa. Sự nên một với Chúa chỉ được hiểu đúng đắn khi chúng ta kết hiệp với Người hầu sống phong nhiêu và làm triển nở tính toàn diện của đời sống cá nhân. Và đạt đến độ sung mãn ở đời sống vĩnh cửu. Như vậy, bản ngã hay cái tôi của mỗi người có thể đạt đến độ sung mãn trong Đức Kitô mà không qua một cuộc “xóa mình” vô ngã. Có thể nói, đây là một trong những nét chấm phá độc đáo của Kitô giáo nhằm giải thích đời sống các thánh sau khi chết; các ngài vẫn là mình, tôi vẫn là tôi trong Đức Kitô.

Nếu hiểu đồng hóa là một tiến trình lột xác để nên giống khuôn mẫu nào đó được chính mình đề ra và dõi theo thì trong mọi lĩnh vực từ thể thao, giải trí, nghệ thuật, chính trị…đến đời sống tâm linh đều mang dấu vết của kết quả cuộc đồng hóa mà mỗi người tự do bước vào. Tất cả đều được năng động và sáng tạo miễn sao không làm mất đi bản sắc độc đáo của mỗi người. Có thế, dù chúng ta đang đứng ở vị thế nào vẫn luôn tỏa sáng trong mức độ khao khát dấn thân hoàn toàn và triệt để hầu đạt đến đích là chính Đức Kitô.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận