Ðôi nét cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ sắp diễn ra

1113 lượt xem

Từ ngày 25 – 26.10.2019, Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “400 năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam” tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM.

Báo Cg&Dt đã có cuộc trao đổi ngắn với linh mục Giuse Trịnh Tín Ý – Tổng Thư ký Ủy ban, xoay quanh việc chuẩn bị cho hội thảo.

CGvDT: Thưa cha, mục đích hướng tới của Ủy ban Văn hóa khi tổ chức hội thảo này là gì?

Lm. Giuse Trịnh Tín Ý: Mục đích chủ yếu là tỏ lòng biết ơn các thừa sai cùng với giáo dân Việt Nam đã hình thành nên chữ Quốc ngữ từ những ngày đầu tiên; cũng như ghi ơn tất cả những người đã đóng góp vào quá trình phát triển chữ Quốc ngữ.

CGvDT: Dự kiến hội thảo sẽ có những đề tài gì, với các vị nào được mời thuyết trình?

Lm. Giuse Trịnh Tín Ý: Theo kế hoạch thì sẽ có 3 đề tài được trình bày trong ngày thứ Sáu 25.10 và một đề tài vào sáng thứ Bảy ngày 26.10 :

1. Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở Việt Nam thế kỷ XVII – XIXdo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quốc Anh (Tiến sĩ Thần học từ Ðại học Georgetown; giảng dạy khoa Thần học Hệ thống và Lịch sử tại Ðại học Dòng Tên Santa Clara, California & Liên minh Thần học cấp cao (Graduate Theological Union) Hoa Kỳ thuyết trình.

2. Nhà biên soạn thực sự của Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ XVII đến XVIII).Thuyết trình viên là Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly – ngành Khoa học Ngôn ngữ tại Ðại học Sorbonne Nouvelle (Pháp) năm 2019.

3. Văn học Công giáo từ năm 1620 đến nay.Người trình bày: Linh mục tiến sĩ Ðaminh Nguyễn Ðức Thông, dòng Chúa Cứu Thế (Tiến sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo tại Ðại học De La Salle, Manila – Philippines; giáo sư tại nhiều Ðại Chủng viện và các học viện liên dòng).

4. Thánh Philipphê Phan Văn Minh, cánh én báo mùa xuân văn học chữ Quốc ngữ thế kỷ XIXdo linh mục Phanxicô Xavie Ðào Trung Hiệu, dòng Ðaminh (Giáo sư giảng dạy tại nhiều Ðại Chủng viện và Học viện liên dòng) chia sẻ.

Bên cạnh đó, một tập tài liệu về chủ đề này sẽ được phát trong hội thảo, trong đó, ngoài 4 đề tài trên, còn có một số bài viết khác của các tác giả như Giáo sư Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên; linh mục tiến sĩ Antôn Phạm Trung Hưng – Dòng Tên; linh mục Gioan Võ Ðình Ðệ – Tòa Giám mục Qui Nhơn; Giáo sư Gonçalo Fernandes & Carlos Assunção – Tiến sĩ, Giám đốc khoa Nghiên cứu chữ viết Ðại học Trás-Os-Montes e Alto Douro (Bồ Ðào Nha); Giáo sư Quyên Di – nhà văn, nhà nghiên cứu, giảng dạy khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Á châu tại Ðại học UCLA (Hoa Kỳ)… 

CGvDT: Cha có thể chia sẻ đôi chút về việc chuẩn bị cho hội thảo?

Lm. Giuse Trịnh Tín Ý: Chuẩn bị cho sự kiện này, từ 6 tháng trước, Ðức cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa đã triệu tập một cuộc họp cùng với các chuyên viên để bàn bạc, xác định nên mời những ai tham dự, ai thuyết trình, tài liệu thế nào… Thực ra, đề tài về việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ cũng đã được Nhà nước Việt Nam và các ban ngành liên quan tổ chức nhiều hội thảo trong cũng như ngoài nước. Nhưng với hội thảo của Ủy ban Văn hóa – HÐGMVN lần này thì mang nét đặc trưng riêng là không chỉ bàn đến việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ nói chung, mà đặt trong dòng lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Do đó, ban tổ chức đã thống nhất chủ đề của hội thảo là “400 năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam”. 

CGvDT: Xin cảm ơn cha! 

Liên Giang (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận