ĐỌC LỜI CHÚA CÁ NHÂN
Lm. Laurensô Hoàng Bá Quốc Huy
DẪN NHẬP
Trong Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, Công đồng Vatican II đã viết: “Giáo hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu. Thánh Kinh truyền đạt Lời của chính Thiên Chúa cách bất di bất dịch. Vì vậy, toàn thể việc rao giảng trong Giáo hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Quả thật, trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo Hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.”[1]
Khẳng định chắc chắn này của Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội và mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường lãng quên tầm quan trọng của Lời Chúa nên không chú trọng đủ trong việc chuyên chăm đọc, suy niệm và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống. Việc đọc Lời Chúa cá nhân là điều cần thiết mà mỗi người Kitô hữu phải làm để qua việc tiếp xúc trực tiếp với bản văn Lời Chúa gặp gỡ được chính Thiên Chúa, Đấng đã phán: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
I. Ý NGHĨA CỦA THÁNH KINH
1. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa
“Thánh Kinh chứa đựng Lời Thiên Chúa, và vì được linh hứng nên thật sự là Lời của Thiên Chúa.”[2] Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh nên những gì được ghi chép trong Thánh Kinh đều là Lời Thiên Chúa. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa mạc khải về chính mình để con người nhận ra, hiểu biết và yêu mến Ngài hơn. Nếu Thiên Chúa không mở lời để nói cho con người về chính Ngài, thì con người sẽ không bao giờ có diễm phúc được biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9); nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). Qua việc mạc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và đến sống với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài.”[3]
Tất cả mọi lời trong Thánh Kinh đều nhằm mục đích diễn tả về Thiên Chúa, để con người không chỉ nhận ra sự hiện diện của Ngài, mà còn khám phá thấy những nét tuyệt đẹp của Thiên Chúa trong các thuộc tính của Ngài, nhất là tình yêu. Con người sẽ không thể hiểu được tình yêu là gì nếu không nhận biết mình được yêu thương bởi một Thiên Chúa Tình Yêu. Lời Thiên Chúa được chính Chúa Thánh Thần linh hứng và dùng một số người viết lại Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của con người nên Thánh Kinh không sai lầm. Từng lời trong Thánh Kinh đều khởi đi và thể hiện ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Những nhân vật, những câu chuyện, những biến cố… mà Thánh Kinh ghi lại đều truyền tải một sứ điệp nào đó mà Thiên Chúa muốn nói với con người. Do đó, những lời trong Thánh Kinh không có câu nào là dư thừa, vô ích nhưng từng câu Thánh Kinh là lời nói tình yêu mà Thiên Chúa ngỏ với con người. Mỗi câu trong Thánh Kinh đều là Lời của Thiên Chúa vì chúng phát xuất từ ý định yêu thương của Ngài. “Hội Thánh không ngừng tìm thấy lương thực và sức mạnh cho mình trong Thánh Kinh, vì nơi đó, Hội Thánh không chỉ tiếp nhận một lời phàm nhân, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa.”[4]
2. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống
Thánh Kinh tuy chứa đựng những cuốn sách đã được viết ra cách nay nhiều trăm năm nhưng không bao giờ cũ hay lỗi thời, bởi vì tác giả của Thánh Kinh là Thiên Chúa Hằng Sống. “Ngài đã dùng lời nói và hành động để mạc khải cho dân riêng của Ngài biết rằng chính Ngài là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và hằng sống. Vì vậy, các sách đã được Thiên Chúa linh hứng vẫn giữ một giá trị trường cửu”[5]. Cho nên, Lời Chúa bao giờ cũng hợp thời và thích hợp cho mọi người của mỗi thời đại khác nhau. Cũng một câu Lời Chúa đó nhưng mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của mình sẽ được Thiên Chúa đánh động khác nhau. Do đó, dù con người ở độ tuổi nào, hay đang sống trong hoàn cảnh nào, Lời Chúa vẫn sống động. Chỉ có Lời Chúa mới đưa ra được câu trả lời đích thực cho những câu hỏi về ý nghĩa đời sống và hướng đi cho chính cuộc sống của con người. Những ai tiếp cận với Lời Chúa đều cảm nhận như chính Thiên Chúa đang trực tiếp nói với mình trong giây phút hiện tại. Lời Chúa “không phải là lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động”[6]. Vì thế, trong Thánh Kinh không có sách cũ hay mới. “Thiên Chúa, Đấng linh hứng và là tác giả của cả hai bộ sách Giao ước, đã khôn ngoan xếp đặt cho Tân ước được tiềm tàng trong Cựu ước, và Cựu ước được tỏ hiện trong Tân ước”[7]. Sự phân biệt các sách Cựu ước hay Tân ước chỉ nhằm nói đến giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người và Đức Giêsu Kitô. Giao ước cũ đã thất bại vì dân Chúa đã không trung thành, còn giao ước mới đã hoàn thành viên mãn khi Đức Giêsu Kitô vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá theo thánh ý của Chúa Cha. Do đó, toàn bộ Thánh Kinh là một sự thống nhất xuyên suốt. Từ dòng đầu tiên của sách Sáng Thế đến dòng cuối cùng của sách Khải Huyền đều chứa đựng Lời Hằng Sống. “Thánh Kinh là sách chứa đựng những lời ban sự sống đời đời; vậy Thánh Kinh được viết ra không chỉ để chúng ta tin, nhưng còn để chúng ta có sự sống đời đời”[8].
3. Thánh Kinh là Lời Cứu Độ
Trên trần gian này không có cuốn sách nào, dù là cuốn sách bán chạy nhất (best seller) cũng không dám khẳng định nó có khả năng đem lại ơn cứu độ. Chỉ duy nhất Thánh Kinh là cuốn sách chứa đựng Lời Cứu Độ. Từng trang Thánh Kinh đều trình bày một ý định xuyên suốt của Thiên Chúa về chương trình cứu độ dành cho con người. “Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta”[9]. Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. “Thật vậy, Chúa Cha đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ biết những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa.”[10]. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho Lời Thiên Chúa trở nên sống động, hiện thực và đem lại ơn cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã nói Lời Thiên Chúa và rao giảng Lời Chúa để những ai nghe và thực hành sẽ được hưởng ơn cứu độ. “Ngôi Lời đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó. Vì vậy, một khi được tạo dựng nên theo hình ảnh giống với Thiên Chúa tình yêu, chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình khi biết đón nhận Ngôi Lời và tác động của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện mà bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn”[11]. Do đó, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách tiểu thuyết hay lịch sử, nhưng từng trang sách của Thánh Kinh đều có sức mạnh đem đến ơn cứu độ. Những ai đón nhận, lắng nghe và thực hành sẽ được chính Lời Thiên Chúa giải thoát. “Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải thần linh để biểu lộ và thông ban chính mình cũng như ý định muôn đời của Ngài liên quan đến việc cứu rỗi nhân loại”[12].
II. LỜI CHÚA DÀNH CHO MỌI NGƯỜI VÀ TỪNG NGƯỜI
1. Lời Chúa không của riêng ai
“Lối vào Thánh Kinh cần phải được mở rộng cho các Kitô hữu”[13]. Thánh Kinh, quyển sách chứa đựng Lời Chúa, không là tài sản của riêng ai vì Lời của Thiên Chúa là điều Chúa muốn nói với mọi người và cho mọi người. Vì thế, “Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống”[14]. Không ai có quyền độc chiếm Lời Chúa nhưng mọi người đều được mời gọi đọc và tìm hiểu Lời Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế tại Việt Nam, một thời gian dài chúng ta vẫn thường cho rằng việc đọc và tìm hiểu Lời Chúa chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và một số thành phần trí thức. Điều này xảy ra một phần cũng do giới hạn về ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nhiều người khi nghe nói về Thánh Kinh là nghĩ đến sự khô khan, khó hiểu… nên cũng e ngại mở ra để đọc. Quan niệm ấy khiến cho Thánh Kinh trở nên xa lạ và khó tiếp cận.
2. Lời Chúa đi vào từng người
Lời Chúa tuy được viết ra bằng ngôn ngữ con người và được sưu tập thành một quyển sách mà chúng ta thấy ngày nay, nhưng Lời Chúa không bị đóng khung trong bản văn hay bị nhốt vào một quyển sách mà Lời ấy vẫn đi vào lòng từng người mỗi khi họ đọc Lời Chúa. “Trong cuộc đối thoại này với Thiên Chúa, chúng ta hiểu được chính mình và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất vẫn ở trong trái tim chúng ta. Bởi vì Lời Chúa không hề đối nghịch với chúng ta, không bóp nghẹt các khát vọng chân chính của chúng ta, trái lại, soi sáng, thanh tẩy và đưa các khát vọng đó đến chỗ được hoàn tất. Đối với thời đại chúng ta, thật quan trọng việc khám phá ra rằng duy một mình Thiên Chúa mới đáp ứng được cơn khát đang ở trong tim mỗi người!”[15] Cho nên, Lời Chúa vừa dành cho mọi người vừa nói riêng cho từng người. Ngày nay việc đọc Lời Chúa không còn khó khăn về mặt ngôn ngữ nữa vì đã có nhiều bản dịch với nhiều ngôn ngữ địa phương. Điều khó ở đây chính là lòng người ta có muốn tìm hiểu Lời Chúa hoặc dám để cho Lời Chúa bước vào lòng mình hay không. Vì Lời Chúa là lời chân lý nên sẽ chiếu soi thẳng vào những góc khuất của mọi tâm hồn. Chúng ta đừng ngại để cho Lời Chúa đi vào lòng mình vì Thiên Chúa chẳng lấy đi điều gì của chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài cho chúng ta tất cả mọi sự. Ngài làm cho cuộc đời chúng ta được tự do, tươi đẹp và hạnh phúc.
3. Lời Chúa cần được chia sẻ
Mọi người đều có nhiệm vụ loan báo Lời Chúa cho người khác. Đây là nhiệm vụ ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu
Bí tích Thánh Tẩy. Do đó, việc đọc Lời Chúa cá nhân không chỉ giúp chúng ta hiểu Lời Chúa mà còn trang bị cho chúng ta một hành trang đem Lời Chúa đến cho mọi người. Chúng ta không thể chia sẻ Lời Chúa cho người khác nếu bản thân chúng ta chẳng có Lời Chúa trong lòng. Do đó, việc đọc Lời Chúa cá nhân không chỉ đem lại cho chúng ta cơ hội hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn mà còn giúp chúng ta đủ khả năng giới thiệu về Chúa cho mọi người. “Lời của Ngài làm cho chúng ta không những nên những người đón nhận Mạc Khải của Thiên Chúa, nhưng còn là những sứ giả của Ngài. Chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình những lời ban sự sống đời đời, những lời đã được ban cho chúng ta qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô: những lời ấy được dành cho tất cả mọi người, cho từng con người. Bất cứ người nào thuộc thời đại chúng ta, biết hay không biết, đều cần đến sứ điệp này. Trách nhiệm của chúng ta là truyền đạt những gì chúng ta đã nhận được nhờ ơn Chúa”[16]. Mỗi người chúng ta có nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa bằng cả đời sống của mình. Chính Lời Chúa thúc đẩy và sai chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người. Mỗi người chúng ta trở thành tôi tớ của Lời Chúa để chính Lời Chúa soi sáng, thanh tẩy và hoán cải mọi người[17].
III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA CÁ NHÂN
1. Gặp gỡ riêng với Thiên Chúa
Chúng ta vẫn thường nghe hay đọc Lời Chúa chung trong một cộng đoàn hay một nhóm. Việc đọc hay nghe Lời Chúa chung có thế mạnh là thúc đẩy chúng ta đến với Lời Chúa nhưng lại có hạn chế trong việc gặp riêng với Thiên Chúa. Việc đọc Lời Chúa cá nhân cho người đọc cơ hội gặp gỡ riêng với Thiên Chúa qua Lời của Ngài. Vì khi chúng ta đọc Lời Chúa là lúc chúng ta đang nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa qua Lời của Ngài. Qua Lời Chúa, “Thiên Chúa đang nói và đang đến gặp gỡ con người, làm cho con người nhận biết Ngài trong đối thoại”[18]. Do đó, việc đọc Lời Chúa cá nhân đưa chúng ta đi vào cuộc đối thoại gần gũi với Thiên Chúa hơn. Một mình chúng ta đối diện và trao đổi trực tiếp với Thiên Chúa qua Lời của Ngài. Ngài nói chúng ta nghe và chúng ta nói Ngài nghe. Những lời được ghi trong sách giờ đây được chính Thiên Chúa nói trực tiếp với từng người chúng ta. Lời Chúa ấy không còn là lời nói chung chung nhưng là lời nói cụ thể cho cá nhân người đọc. “Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Đức Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài. Toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta”[19].
2. Dễ ghi nhớ Lời Chúa để thực hành
Việc lắng nghe Lời Chúa trong thánh lễ hay những giờ chia sẻ khó giúp chúng ta ghi nhớ được Lời Chúa vì thường chúng ta nghe thoáng qua nên khó tập trung để ghi nhớ. Trong khi đó, việc đọc Lời Chúa cá nhân giúp cho người đọc trực tiếp tiếp xúc với bản văn nên việc ghi nhớ Lời Chúa dễ dàng hơn. Vì chưng, lúc chúng ta đọc Lời Chúa cá nhân không chỉ mắt đọc mà cả tâm trí cùng đọc, nhờ đó Lời Chúa dễ đi vào tâm trí, khắc sâu và lưu lại trong chúng ta hơn. Việc ghi nhớ Lời Chúa giúp chúng ta “sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo Hội”[20]. Vì thế, mỗi người cần có một cuốn Sách Thánh của riêng mình để đọc và cầu nguyện. Một khi đã được ghi nhớ trong tâm trí, Lời Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta dấn thân trong các hoạt động tông đồ và bác ái. “Những ai tưởng rằng đã hiểu Thánh Kinh, hoặc ít ra một phần nào đó của Thánh Kinh, mà không ra sức dùng trí tuệ mà xây dựng tình yêu vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với tha nhân, thì chứng tỏ họ chưa hiểu Thánh Kinh”[21] Việc tiếp xúc mật thiết với Lời Chúa “mở ra cho mỗi người chúng ta khả năng sống mối phúc phát sinh từ Lời được lắng nghe và đem ra thực hành”[22].
3. Được biến đổi dễ dàng
Trong cuộc sống với biết bao nhiêu lo toan, biến cố xảy ra, chúng ta phải phân định, chọn lựa và quyết định. Việc đọc Lời Chúa cá nhân giúp chúng ta có cái nhìn sáng suốt và khôn ngoan hơn, vì chúng ta không nhìn bằng đôi mắt con người mà đang được Lời Chúa hướng dẫn. Lời Chúa “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Đặc biệt trong đời sống thiêng liêng, “Lời Chúa là ánh sáng thật mà con người cần đến”[23]. Việc sửa đổi bản thân là một điều khó vì đôi khi chúng ta không nhận ra được chính mình hoặc ngại đối diện với con người thật của chính mình nên chúng ta thường dễ tránh né sự thật. Việc đọc Lời Chúa cá nhân đem lại cho chúng ta cơ hội biết rõ mình hơn vì chính Lời Chúa vạch trần những điều thầm kín nơi lòng mình. “Việc đích thân đọc Thánh Kinh được kể như một hành vi đền tội, nâng đỡ chúng ta trong hành trình sám hối và hoán cải, giúp chúng ta đào sâu cảm thức thuộc về Giáo Hội và nâng đỡ chúng ta sống thân tình hơn nữa với Thiên Chúa”[24]. Cuộc đời của chúng ta sẽ được uốn nắn bởi Lời Chúa khi chúng ta để Lời Chúa đi vào lòng mình. Chúng ta không thể tránh né hay che giấu trước Lời Chúa được vì Lời Chúa như lưỡi gươm xé toạc tâm hồn chúng ta. Lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Lời Chúa ấy có thể làm chúng ta đau đớn khi biết rõ sự thật về bản thân nhưng sau đó sẽ đem lại cho chúng ta sự chữa lành tận căn. Vì thế, những ai thường xuyên đọc Lời Chúa cá nhân sẽ dễ dàng được Lời Chúa biến đổi. “Điều quan trọng là các tín hữu phải được dạy cho biết nhận ra rằng cội rễ của tội chính là từ khước nghe Lời Chúa và đón nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, ơn tha thứ mở ơn cứu độ ra cho chúng ta”.[25] Mỗi khi chúng ta đọc Lời Chúa là lúc chúng ta đang mở lòng ra đón nhận chính Chúa. Dù chúng ta tội lỗi nhưng qua sự gặp gỡ chân thành với Lời Chúa thì ơn biến đổi sẽ dần xuất hiện. Đây là “khởi đầu cho một cuộc tạo thành mới”[26].
IV. TÂM THẾ KHI ĐỌC LỜI CHÚA CÁ NHÂN
1. Không gian
Việc đọc Lời Chúa cá nhân đòi hỏi một không gian riêng tư vì đây là lúc chúng ta nói chuyện riêng với Thiên Chúa. Không gian này không nhất thiết phải là một phòng riêng nhưng có thể là nơi bàn làm việc, một góc học tập hay một nơi nào đó mà chúng ta cảm thấy có thể ở riêng một mình với Chúa được. Một không gian yên tĩnh và riêng biệt sẽ giúp chúng ta không bị lo ra chia trí khi đọc Lời Chúa. Một không gian ồn ào hay ngột ngạt sẽ dễ đem đến sự mỏi mệt nên khó tập trung vào bản văn Lời Chúa đang đọc. Trong Tông huấn Verbum Domini, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhắc: “Lời chỉ có thể được công bố và lắng nghe trong thinh lặng, cả bề ngoài lẫn bề trong. Thời đại chúng ta không cổ võ sự tĩnh lặng, nên đôi khi chúng ta có cảm tưởng người ta sợ phải tách mình ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chỉ trong khoảnh khắc. Chính vì thế, ngày nay, cần phải giáo dục Dân Thiên Chúa về giá trị của sự thinh lặng. Tái khám phá tính cách trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa của sự tĩnh lặng và sự bình an nội tâm”[27]. Trong một không gian tĩnh lặng, Lời Chúa sẽ dễ dàng được đi vào và đón nhận trong lòng người đọc.
2. Thời gian
“Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em” (Kh 4,8a). Việc đọc Lời Chúa cá nhân không bó buộc một thời gian cố định nên mọi người tự do sắp xếp khung giờ thích hợp để thực hiện. Tuy nhiên, dù không bó buộc thời gian nhất định, nhưng chúng ta cũng nên tự quy định cho mình một thời gian nào đó để cứ đến giờ chúng ta sẽ đọc thì không bị quên hoặc làm biếng. Việc đọc Lời Chúa cá nhân là việc làm riêng tư nên chúng ta không phải chạy đua với thời gian, không cần vội vàng đọc cho nhanh hoặc làm cho xong. Tùy theo thời gian của mỗi người mà giờ đọc Lời Chúa có thể kéo dài hay kết thúc sớm. Điều quan trọng là hiệu quả của việc đọc Lời Chúa chứ không phải là thời gian bao lâu. Cho nên thời gian để làm việc này hoàn toàn tự do và linh động.
3. Tư thế
Việc đọc Lời Chúa cá nhân tuy là việc làm riêng tư nhưng cũng cần làm nghiêm túc. Vì chưng, đây không phải là lúc chúng ta đọc một cuốn truyện hay một cuốn sách bình thường, nhưng là lúc chúng ta đang gặp gỡ Chúa. Khi chúng ta tiếp khách hay đi thăm viếng ai, chúng ta thường ăn mặc và đứng ngồi như thế nào thì trong giờ đọc Lời Chúa chúng ta cũng nên giữ như vậy. Không nhất thiết chúng ta phải mặc đồ đẹp nhưng ít ra cũng lịch sự, gọn gàng. Chúng ta có thể tự do chọn một hay nhiều tư thế đứng, ngồi hay quỳ để đọc Lời Chúa miễn sao tư thế đó đem lại cho chúng ta sự thoải mái dễ đi vào cầu nguyện là được. Có người sẽ nói rằng vậy nằm đọc Lời Chúa được không. Chắc Chúa cũng chấp nhận thôi nhưng chúng ta biết mình là những con người yếu đuối nên nhiều khi nằm mà cầm sách đọc thì dễ đi vào giấc ngủ hơn là cầu nguyện. Nói chung, mỗi người tùy theo hoàn cảnh, sức khỏe và thói quen mà chọn lựa tư thế phù hợp với mình. Việc đọc Lời Chúa cá nhân trong tư thế cầu nguyện là cách chúng ta đáp lời Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng nói qua Lời của Ngài. Cách cầu nguyện này làm lớn lên trong tâm hồn người đọc khát vọng được biết ngày càng nhiều hơn nữa về Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra trong Lời của Ngài[28].
V. HOA TRÁI THIÊNG LIÊNG QUA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA CÁ NHÂN
1. Xây dựng tương quan mật thiết với Thiên Chúa
Thánh Augustino đã nói: “Lời cầu nguyện của bạn chính là lời bạn thưa với Thiên Chúa. Khi bạn đọc Sách Thánh, thì chính Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, thì chính bạn nói với Thiên Chúa”[29]. Việc đọc Lời Chúa cá nhân giúp người đọc xây dựng được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa hơn. Nếu trung thành đọc Lời Chúa mỗi ngày, người đọc và Thiên Chúa ngày càng gần gũi nhau hơn vì năng gặp thì năng thân. Việc gặp gỡ Thiên Chúa thường xuyên qua Lời của Ngài giúp người đọc đi sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng bước sâu vào cuộc đời của người đọc. Những buồn vui trong cuộc sống của người đọc không còn là của riêng họ nữa nhưng có Thiên Chúa cùng chia sẻ. Cũng như những điều Thiên Chúa muốn cũng sẽ được Ngài nói với người đọc. Việc đọc Lời Chúa cá nhân là một trong những phương thế hữu hiệu giúp chúng ta cải thiện tương quan với Thiên Chúa một cách dễ dàng. Thiên Chúa luôn lắng nghe, thấu hiểu và cùng đi với con người trên mọi nẻo đường. Vì thế, “Lời Thiên Chúa có khả năng đáp lại các vấn đề mà con người phải đương đầu trong đời sống hằng ngày. Chúng ta cần hết sức cố gắng để Lời Thiên Chúa xuất hiện như một sự mở ra với các vấn đề của mình, một lời đáp cho các câu hỏi của mình, một sự nới rộng các giá trị và đồng thời một sự thỏa mãn các khát vọng của mình”[30].
2. Đời sống nội tâm được vững mạnh
Cuộc sống có rất nhiều lo toan và tràn ngập thông tin dễ làm cho tâm trí của chúng ta bất an. “Trong thời đại chúng ta, thời đại mà nhiều điều chúng ta dựa vào để xây dựng đời sống chúng ta, để đặt niềm hy vọng, đều tỏ ra phù du. Sớm hay muộn, tài sản, lạc thú và quyền lực cũng sẽ tỏ ra không có khả năng thực hiện các nguyện vọng sâu xa nhất của trái tim con người”[31]. Chính việc đọc Lời Chúa cá nhân giúp chúng ta tìm được câu trả lời cho cuộc đời mình, đem lại cho chúng ta sự bình an nội tâm và sự vững vàng trước những trào lưu thế tục. Quả thật, Lời Chúa sẽ hướng dẫn và trả lời những vấn nạn mà chúng ta đang gặp, nhất là trong những lúc đau khổ. Khi đối diện với những nghịch cảnh, trong lòng chúng ta thường sẽ nảy sinh những câu hỏi nhức nhối về ý nghĩa của chính đời mình. Chúng ta không tìm được câu trả lời thỏa đáng trước mầu nhiệm sự dữ và đau khổ. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc đau khổ ấy, chính Lời Chúa lại giúp chúng ta tìm thấy được sự vỗ về cách nhiệm mầu từ tình yêu của Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải dành cho Lời Chúa một vị trí ưu tiên bằng cách thường xuyên đọc Lời Chúa để Lời Chúa thấm vào cuộc đời mình. Chỉ khi nào Lời Chúa có chỗ trong tâm trí thì đời sống nội tâm của chúng ta sẽ vững mạnh. “Ai đặt nền tảng trên Lời của Chúa thì thực sự xây dựng đời mình một cách chắc chắn và bền vững”[32]. Chúa Giêsu đã sánh ví những người sống theo Lời Chúa như là những người khôn ngoan xây nhà trên đá (x. Mt 7,24). Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đọc ra được các sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói qua các dấu chỉ thời đại.
3. Củng cố đức tin, đức cậy và đức mến
Chúng ta tin có Chúa, cậy trông vào Ngài và yêu mến Ngài nhưng rồi không biết có xảy ra giống như lời Chúa Giêsu đã cảnh báo, rằng khi Ngài đến liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng (x. Lc 18,8). Vì thế, việc đọc Lời Chúa cá nhân sẽ củng cố rất nhiều cho đức tin, đức cậy và đức mến của người đọc trong khi chờ ngày Chúa đến. Chính Lời Chúa sẽ nuôi dưỡng niềm tin, lòng mến và sự cậy trông cho chúng ta. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta luôn ghi nhớ chúng ta tin vào ai và ai đang ở cùng chúng ta. Việc tiếp xúc với Thiên Chúa qua Lời Ngài nhắc chúng ta về điều này. Chúng ta không đọc Lời Chúa như một quyển sách nhưng đang nói chuyện với Thiên Chúa là tác giả chính của cuốn sách. Như thế, càng đọc Lời Chúa, niềm tin của chúng ta vào Ngài càng vững chắc. Đức tin của chúng ta “được hoàn thành trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”[33] Ngôi Lời của Thiên Chúa. “Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời Chúa, giúp chúng ta coi đời sống con người đáng được sống trọn vẹn, ngay cả lúc nó bị tan nát vì sự dữ”[34]. Đối với đức mến cũng vậy, việc năng gặp gỡ Chúa qua Lời của Ngài giúp chúng ta yêu mến Ngài nhiều hơn vì cảm nghiệm được tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Qua từng trang Sách Thánh, chúng ta nhìn thấy và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta trong đó. Do đó, những ai càng đọc Lời Chúa chuyên cần càng say mê Thiên Chúa. Đối với đức cậy cũng thế, việc đọc Lời Chúa cá nhân giúp chúng ta biết rõ mình đang cậy trông vào ai một cách vững vàng, không mơ hồ. Chúng ta tin nhận và biết rõ Thiên Chúa là nguồn cậy trông của chúng ta. Ngài là niềm hy vọng duy nhất để chúng ta có động lực mà chiến đấu với tội lỗi. Ngài là cùng đích duy nhất để chúng ta nỗ lực từng ngày vượt qua chính mình mà không bị thế gian trói buộc. Chúng ta hoàn toàn ký thác cả cuộc đời chúng ta cho Thiên Chúa. Chính Lời Chúa gieo trong chúng ta niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng, một trời mới đất mới trong Nước của Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
Tóm lại, sống trong một xã hội càng phát triển thì việc đọc Lời Chúa cá nhân càng cần thiết. Vì chưng, Lời Chúa không chỉ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta mà còn là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống của chúng ta. “Vào thời đại chúng ta, chúng ta thường dừng lại cách hời hợt trước giá trị của khoảnh khắc đang qua đi, y như thể nó không có liên quan gì tới tương lai. Trái lại, Tin Mừng nhắc chúng ta nhớ rằng mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta đều quan trọng và phải được sống cách sâu đậm, vì biết rằng mỗi người sẽ phải trả lẽ về cuộc đời của mình”[35].
Nhờ việc đọc lời Chúa cá nhân, đời sống luân lý và lương tâm của chúng ta cũng được hướng dẫn và soi sáng để chúng ta không bị lạc lối và hạn chế được những sai lầm trong cuộc đời. “Lời Chúa soi sáng cuộc sống con người và thúc bách lương tâm mỗi người xét lại đời sống của mình tận chiều sâu, bởi vì toàn thể lịch sử nhân loại đều ở dưới quyền phán xét của Thiên Chúa”[36].
Với việc chuyên chăm và kiên trì đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, chúng ta sẽ khám phá thấy niềm vui sâu lắng khi ở với Chúa trong Lời của Ngài. Niềm vui không ai lấy đi được, niềm vui được biết Chúa và hiểu được điều Ngài muốn nói. Niềm vui trong đời sống cầu nguyện giúp chúng ta ham thích thời gian được ở với Chúa. Thánh Ambrôsiô nói: “Khi chúng ta tiếp nhận Sách Thánh trong tay với đức tin và đọc Sách Thánh cùng với Giáo Hội, con người lại quay trở về mà đi dạo với Thiên Chúa trong vườn địa đàng”[37].
Ước mong mỗi ngày sống của chúng ta được hướng dẫn, thúc đẩy và biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ thân tình với Lời Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để đọc, suy niệm và đem Lời Chúa vào mọi sinh hoạt đời thường; nhờ đó Lời Chúa ở lại, sống và trổ sinh hoa trái mọi ngày trong suốt cuộc đời chúng ta.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)
Nguồn:hdgmvietnam
[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, 18.11.1965, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), số 21.
[2] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 24.
[3] Công đồng Vatican II, số 2.
[4] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 104.
[5] Công đồng Vatican II, số 14.
[6] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, 30.9.2010, bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh – HĐGMVN (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), số 7.
[7] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 16.
[8] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 23.
[9] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 11.
[10] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 4.
[11] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 6.
[12] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 6.
[13] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 22.
[14] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 7.
[15] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 23.
[16] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 91.
[17] x. ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 93.
[18] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 22.
[19] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 24.
[20] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 84.
[21] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 103.
[22] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 124.
[23] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 13.
[24] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 87.
[25] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 26.
[26] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 50.
[27] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 66.
[28] x. ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 82.
[29] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 86.
[30] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 23.
[31] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 10.
[32] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 10.
[33] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 25.
[34] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 106.
[35] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 99.
[36] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 99.
[37] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 87.
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1