Chúng ta đã tìm hiểu nguồn gốc loài người, rồi đến những sinh hoạt của con người, từ nhận thức và ước muốn cho đến những sinh hoạt của con người trong xã hội và trong lịch sử. Chúng ta đã bàn đến phẩm giá cao quý của con người, được đề cập dưới những đề tài khác nhau tùy theo bộ môn nghiên cứu: “nhân quyền” theo các môn pháp luật, “nhân cách” theo tâm lý học, “nhân vị” theo triết học. Ngoài ra, Kitô giáo cũng như nhiều triết học và tôn giáo cổ truyền còn nói đến sự hiện hữu của “linh hồn”, một nguyên ủy sự sống khác biệt với thân xác và vẫn tồn tại kể cả sau cái chết. Điều này dẫn chúng ta đến những suy tư về cuộc sống vượt lên cuộc đời hiện tại: nếu sự sống chưa chấm dứt khi ta lìa đời thì nó sẽ như thế nào? Có sự liên hệ gì giữa cuộc sống hiện tại với cuộc sống tương lai không? Đó là những câu hỏi về cứu cánh đời người, được thần học đặt tên là “cánh-chung-luận” (eschatologia, de novissimis)[1], tuy rằng người ta thường chú ý đến những điều tận cùng của cuộc đời hơn là về cứu cánh và ý nghĩa cuộc sống.
Trong tiếng Việt, những hạn từ “tận cùng, đích điểm, cứu cánh, mục tiêu, mục đích” xem ra chẳng liên hệ gì với nhau, nhưng nếu đối chiếu với các tiếng Tây phương thì ta sẽ nhận thấy mối tương quan. Thực vậy, những hạn từ vừa rồi đều tương đương với một danh từ: fin (tiếng Pháp), end (tiếng Anh), finis (tiếng Latinh), vừa có nghĩa là “tận cùng, chấm dứt, kết thúc” vừa có nghĩa là “mục tiêu, cứu cánh”. Sự liên hệ giữa hai nghĩa có thể giải thích như thế này. Tự nó, finis có nghĩa là kết thúc một hoạt động, chấm dứt một tiến trình. Tuy nhiên chủ thể hoạt động đã hình dung sự kết thúc ngay từ lúc khởi sự: người ấy hoạt động nhằm đạt đến chỗ kết thúc nghĩa là hoàn tất. Một thí dụ: ông thợ mộc muốn đóng một cái bàn. Ông ta ngồi vẽ mẫu rồi tính toán những phí tổn cũng như thời gian cần thiết để hoàn thành, rồi ông bắt tay làm việc cho đến khi làm xong cái bàn. Công tác được coi là chấm dứt chừng nào cái bàn đã hình thành (nghĩa là kết thúc một chuỗi công việc), nhưng ông đã hình dung ra nó trong đầu óc từ lâu rồi: nó trở nên nguyên nhân cứu cánh (causa finalis) của những công tác mà ông mang ra thực hiện (tại sao đi mua gỗ và đinh? tại sao phải mệt nhọc cưa xẻ, đo đạc, vv ?).
Khi áp dụng vào con người, vấn đề “tận cùng” và “cứu cánh” có thể được nhìn dưới nhiều khía cạnh.
– Tận cùng. Cuộc sống con người có lúc bắt đầu và có lúc kết thúc, cũng tựa như bao sinh vật khác. Tuy nhiên một câu hỏi đã sớm nảy lên trong đầu óc con người: sau cái chết, còn gì nữa không? chẳng lẽ con người cũng chết như con chó hay sao?
– Cứu cánh. Từ câu hỏi liên quan đến “tận cùng”, nảy lên câu hỏi về “cứu cánh” cuộc sống: sống để làm gì? phải chăng con người sinh ra chỉ để mà chết hay sao? cuộc sống có ý nghĩa gì không? Như vậy những câu hỏi liên quan đến “cứu cánh cuộc sống” cũng đồng nghĩa với thắc mắc về “ý nghĩa cuộc đời”[2]. Rồi đề tài ý nghĩa cuộc đời sẽ chi phối không ít đến động lực của các hoạt động thường ngày: phải chăng chúng chỉ là những chuyện vô vị nhàm chán, hay chúng có thể mang một giá trị gì không? Nói cách khác, mục tiêu tối hậu xác định mục tiêu của các hành động cụ thể thường nhật và mang lại giá trị cho chúng, như thánh Phaolô đã có lần viết: “phàm là tay thi đấu, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt giải thưởng chóng hư; trái lại, chúng ta nhằm giải thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không có mục tiêu; tôi đấu quyền như thế chứ không phải đấm vào không khí” (1Cr 9,25-26).
Trải qua lịch sử triết học, chúng ta thấy nhiều giải đáp về mục tiêu cuộc sống[3].
1- Có người cho rằng cuộc đời này chẳng có ý nghĩa gì hết: nó chỉ là một chuỗi những biến cố xảy ra do nhiều hoàn cảnh không lường trước được. Các dự tính kế hoạch rút cục chẳng đi tới đâu hết. Người ta đặt tên cho khuynh hướng này là nichilism (gốc bởi từ nihil trong tiếng Latinh, có nghĩa là: hư vô, chẳng có gì) gặp thấy ở nơi vài triết gia của thuyết hiện sinh (Sartre, Camus, Merleau-Ponty, Heidegger) hoặc thuyết cơ cấu (Lévi-Strauss, Foulcault).
2- Có người cho rằng mục tiêu của cuộc đời là kiện toàn chính bản thân mình, vượt lên những giới hạn và bất toàn (dốt nát, sai lầm, tật xấu). Đây là câu trả lời của các triết gia Hy-Lạp cổ thời và được nhấn mạnh vào thời cận đại nơi các ông Nietzsche, Sprengler, hoặc nơi trường phái tâm phân học (Freud, Fromm).
3- Ý kiến thứ ba cho rằng mục tiêu cuộc đời là vượt lên những đòi hỏi và yêu sách cá nhân, để góp phần vào việc kiến tạo một xã hội hoàn bị hơn, xóa bỏ những bất công chênh lệch. Đây là ý kiến của các ông Comte, Marx, Engels, Block, Marcuse, Garaudy, Horkheimer.
4- Ý kiến thứ tư đặt cứu cánh con người ở cõi Siêu Việt, đó là Thiên Chúa. Đây là điều chúng tôi muốn trình bày trong chương này, dựa theo mặc khải Kitô giáo được khai triển qua các giáo phụ và các nhà thần học. Quan điểm này tìm cách bổ sung cho những khuynh hướng tự nhiên của con người đi tìm sự hoàn thiện, và cho thấy những nguyện vọng ấy được đáp ứng nơi thiên chức mà Thiên Chúa đã dành cho con người xét như cá nhân hoặc như cộng đoàn.
Chúng tôi xin trình bày vắn tắt cứu cánh của đời người và cứu cánh của nhân loại.
I/ Cứu cánh và hạnh phúc
Rất có thể nhiều người không hề băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời: đối với họ, đây là câu chuyện dành cho mấy triết gia nhàn rỗi (nếu chưa nói là lẩm cẩm), chứ mình lo làm việc đầu tắt mặt tối, hơi đâu mà nghĩ ngợi cho thêm mệt óc? Tuy nhiên, chắc chắn rằng ai cũng muốn được hạnh phúc. Đó chẳng là đối tượng của những lời chúc mừng vào dịp đầu năm mới (phúc, lộc, thọ) đấy ư? Thậm chí hạnh phúc là điều mà chúng ta vẫn tìm kiếm trong hết mọi hành động: làm thế nào để được khỏe mạnh, sung sướng (ngược lại, đâu ai muốn đau đớn cực khổ?)
Tiếp theo thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô (In Mattheum, cap.5) nhận xét rằng Chúa Giêsu đã mở đầu bài giảng trên núi với tuyên ngôn về các mối phúc thật bởi vì Người muốn đáp ứng một khát vọng nằm trong thâm tâm của mỗi người: tìm đâu ra hạnh phúc? Đây chính là cốt lõi của Tin mừng! Chúa Giêsu mang lại một sứ điệp hạnh phúc. Từ đó thánh Tôma đi đến hai kết luận xem ra trái ngược lại với quan niệm thông thường. Thứ nhất, hạnh phúc là cốt lõi của Kitô giáo: đây không phải là một tôn giáo khuyến khích chịu khổ đời này để được hạnh phúc đời sau, nhưng là một tôn giáo đi tìm hạnh phúc ngay từ đời này, miễn là hiểu hạnh phúc theo đúng nghĩa, mà ta gọi là “chân phúc” (hạnh phúc chân thật). Thứ hai, hạnh phúc là tiêu chuẩn để lượng giá một hành vi tốt hoặc xấu: điều gì đưa tôi đến hạnh phúc là điều tốt; điều gì làm tôi mất hạnh phúc là xấu. Như vậy thánh Tôma đã thay đổi tiêu chuẩn đánh giá hành vi: nó tốt hay xấu không phải tại vì nó phù hợp hay trái với luật Chúa, nhưng vì nó có mang lại hạnh phúc hay không. Xét cho cùng, Thiên Chúa không đặt ra lề luật độc đoán, nhưng Ngài muốn chỉ bảo cho chúng ta biết con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực. Dĩ nhiên, chúng ta cần xác định: thế nào là hạnh phúc? Liệu có thể đạt được hạnh phúc trên đời này không? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cũng áp dụng đường lối trình bày như thế khi trình bày Luân lý Kitô giáo (số 1716-1724).
A- Tìm đâu ra hạnh phúc?
Vấn đề bí quyết hạnh phúc đã trở thành đề tài tranh luận ngay từ thời các triết gia Hy-Lạp thời cổ và vẫn tiếp tục cho đến thời nay. Thánh Augustinô đã đếm được 288 ý kiến khác nhau về bí quyết hạnh phúc (De Civitate Dei, XIX,1). Điều này không lạ gì, bởi vì không những trăm đầu thì trăm ý, nhưng cách riêng khi nghĩ đến hạnh phúc, thì “người làm sao chiêm bao làm vậy”, mỗi người hình dung ra đối tượng thích hợp với sở thích của mình. Thánh Tôma (Summa Theologica, II-II, q.2) thu tóm vào 7 đối tượng, ra như chuẩn bị để dẫn vào sứ điệp Bát phúc của Tin mừng: của cải, công danh địa vị, quyền bính, thân xác lành mạnh, khoái lạc, đức độ[4].
Bình tâm mà xét, những điều vừa rồi mang lại một thứ thỏa mãn nào đó, cho nên không lạ gì mà người ta cố gắng theo đuổi. Tiếc rằng chúng chỉ tương đối chứ không bền vững, vì thế không thể trở thành “chân phúc” được.
1/ Của cải. Trong Cựu ước, của cải dồi dào được coi như tượng trưng cho phúc lành Thiên Chúa ban cho tôi tớ trung thành, bắt đầu từ các tổ phụ Abraham (St 13,2), Isaac (St 26,12), Giacop (St 30,43). Sách Giảng viên (10,19) đã nhận xét rằng: “Có tiền mua tiên cũng được” (pecuniae obediunt omnia), nhưng đó chỉ là một lời mỉa mai mà thôi, bởi vì ai cũng biết rằng tiền tài mang lại nhiều phúc lộc nhưng cũng kèm theo bao nhiêu ưu tư lo lắng nữa, và nhất là nó trở thành một thứ ngẫu thần khép chặt con tim lại trước Thiên Chúa và tha nhân.
2/ Danh vọng và địa vị. So với tiền tài, thì danh vọng có vẻ cao thượng hơn. Người ta không ngại bỏ tiền bạc để kiếm danh vọng. Tiếc rằng danh vọng chỉ là điều tương đối, bởi vì nó tùy thuộc vào sự nhìn nhận về phía người đời: công danh của ta có thể lên hay xuống tùy theo người đời hoan hô hay phản đối ta. Xét vì nó có thể thay đổi như chiều gió cho nên không thể nào là hạnh phúc đích thực được.
3/ Quyền hành. Người ta ước mơ quyền hành có lẽ bởi vì họ nghĩ rằng mình trở nên giống Thượng đế là Đấng toàn năng. Tiếc rằng ai đã nắm quyền lực trong tay thì sẽ dễ trở thành nô lệ của sợ hãi: họ sợ mất quyền, họ sợ người khác âm mưu để lật họ. Và để tự vệ, họ không ngần ngại dùng hết thủ đoạn để giữ chặt quyền bính, kể cả thanh tóan những đối thủ. Điều này cho thấy rằng quyền hành không mang lại hạnh phúc thực.
4/ Thân xác lành mạnh. Chúng ta có bổn phận phải giữ gìn thân xác khỏe mạnh (và sắc đẹp nữa). Tuy nhiên, đây chưa phải là hạnh phúc đích thực của con người. Thực vậy, xét về sức mạnh, nhiều thú vật mạnh khỏe hơn ta nhiều nhưng đâu phải vì thế mà chúng hạnh phúc? Hạnh phúc là cái gì riêng tư của loài người.
5/ Khoái lạc. Triết học Hy-Lạp cổ điển đã ghi nhận danh tánh của các ông Aristipo (sinh năm 435 trước CN) và Epicurus (341-270) như là những thuyết gia của thuyết khoái lạc (hedonismus). Thực ra nên phân biệt nhiều thứ khoái lạc: có thứ khoái lạc bởi vì thỏa mãn một đòi hỏi của nhục dục, có thứ khoái lạc như là kết quả của việc đạt được một đối tượng (chẳng hạn như sự thích thú vì đã tìm được chân lý sau bao năm truy tầm). Khoái lạc nhục dục không thể trở thành hạnh phúc bởi vì nó không bền lâu, và không đưa chúng ta lên cao hơn loài vật. Khoái lạc tinh thần cũng không phải là hạnh phúc đích thực bởi vì nó là hậu quả của một sự tìm kiếm chứ không phải là đối tượng của sự tìm kiếm.
6/ Những điều thiện hảo của linh hồn. Nhiều triết gia đã đặt bí quyết hạnh phúc nơi các giá trị tinh thần, tựa như kiến thức, đức độ. Tuy các đối tượng này cao thượng, nhưng chưa thể là hạnh phúc đích thực, bởi vì chúng còn bất toàn, không đủ khả năng lấp đầy khát vọng vô biên của con người.
7/ Tổng thể các điều thiện hảo thụ tạo. Nếu xét riêng từng đối tượng vừa liệt kê trên đây, ta thấy chúng không mang lại hạnh phúc. Thử hỏi: nếu gom lại tất cả làm một, thì có thể tạo nên hạnh phúc không? Xin thưa rằng không, bởi vì tổng số những điều hữu hạn vẫn còn là hữu hạn, đang khi ý chí con người chỉ thỏa mãn với điều thiện tuyệt đối (cũng tựa như lý trí chỉ thỏa mãn với chân lý tuyệt đối).
B- Những điều kiện để được hạnh phúc
Trong tiếng Hán Việt, “phúc” (hay phước) có nghĩa là may mắn tốt lành, “hạnh” cũng là may mắn; “hạnh phúc” là điều may mắn tốt lành. Trong tiếng Latinh, có hai danh từ ám chỉ hạnh phúc: felicitas và beatitudo. Văn học cổ điển dùng từ felicitas gốc bởi (fertilitas hoặc fecunditas) có nghĩa là dồi dào phong phú; hạnh phúc là sự thỏa mãn các ước mong, mãn nguyện. Tân ước dùng danh từ beatitudo khi nói đến các chân phúc của Tin mừng; danh từ này bắt nguồn bởi động từ beare có nghĩa là làm nên tốt (benum, một từ cổ của bonum), tương đương với “hảo” trong tiếng Hán Việt.
Việc phân tích từ ngữ chỉ mới gợi ý rằng hạnh phúc phải là cái gì tốt đẹp, thỏa mãn những ước mong của con người. Thánh Tôma Aquinô muốn đi sâu hơn vào bản chất hạnh phúc.
1/ Bản chất hạnh phúc.
Hạnh phúc có thể được nhìn từ hai khía cạnh: khách quan và chủ quan. Khía cạnh khách quan xác định đối tượng có khả năng tạo nên hạnh phúc; khía cạnh chủ quan mô tả trạng thái của con người được hưởng hạnh phúc.
a) Hạnh phúc xét về phía khách thể phải là điều Thiện tuyệt đối, có khả năng lắp đầy hết mọi ước mong thèm khát của con người. Điều thiện tuyệt đối cũng đương nhiên loại trừ tất cả những bất toàn, thiếu sót, và dĩ nhiên là không thể dung hợp với sự xấu. Đối với các Kitô hữu, điều thiện tuyệt đối chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa.
b) Hạnh phúc xét về phía chủ thể là tình trạng của con người được hưởng hạnh phúc, nghĩa là được hoàn toàn thỏa mãn mọi khát vọng. Nếu duy chỉ Thiên Chúa mới là Hạnh phúc tuyệt đối, thì chỉ khi nào ta chiếm được Thiên Chúa, ta mới được hạnh phúc đích thực. Điều này diễn ra như thế nào? Dưới khía cạnh lý luận tự nhiên, phải nhìn nhận rằng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa bằng những quan năng tinh thần (lý trí và ý chí), chứ không bằng những các cơ quan khả giác. Điều khó khăn là làm sao ta có thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa được? Các triết gia Hy-Lạp như Plato và Aristote trả lời là nhờ sự chiêm niệm (contemplatio). Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực của trí tuệ, và có lẽ chỉ dành cho các triết gia.
May thay, chính Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người, và nâng con người lên với mình. Đức tin Kitô giáo đặt tên là “hồng ân kết hiệp” hoặc “hồng ân được thiên hóa”.
Bước đầu tiên của tiến trình này là chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người sự khát khao hướng về những thực tại tuyệt đối (Chân – Thiện – Mỹ), như thánh Augustinô đã viết: ““Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa; trái tim con sẽ mãi xao xuyến bao lâu chưa an nghỉ trong Chúa”. Kế đó, Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho con người, và tạo điều kiện để nguyện vọng của con người có thể thực hiện được.
2/ Ngôn ngữ Kinh thánh
Khi nói đến mặc khải Kitô giáo về hạnh phúc, chúng ta nên lưu ý những điều liên quan đến mạch văn:
a) Có sự tiến triển về đối tượng hạnh phúc từ Cựu ước sang Tân ước.
– Vào những chặng đầu tiên của Cựu ước, đối tượng của hạnh phúc xem ra chỉ giới hạn vào những phúc lộc đời này: con đàn cháu đống, đồng ruộng mênh mông. Điều này phản ánh trong khá nhiều thánh vịnh, thí dụ như Tv 144, 12-15: Mong đàn con trai ta / mạnh như cây vừa lớn / đang tuổi xuân mơn mởn; mong bầy con gái ta / đẹp như hình mỹ nữ / khác trên cột đền đài. Mong sao kho lẫm ta đầy ứ / đủ mọi thứ hoa mầu. Số chiên cừu tăng lên ngàn vạn / tràn ngập khắp đồng quê. Mong sao giống bò bê mập tròn béo tốt, không chết chóc lạc đàn; và mong sao đầu đường cuối phố / không vẳng tiếng khóc than (xem thêm Tv 127; 128 vv).
– Dần dần, đối tượng hạnh phúc mới được hướng về Thiên Chúa, như ta gặp thấy nơi các thánh vịnh “huyền nhiệm” (Tv 16; 49; 73): Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc… (Tv 16,11) Hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời (Tv 73,23-26). Sự thay đổi đối tượng hạnh phúc lệ thuộc quan niệm về sự thưởng phạt: vào lúc đầu, người ta cho rằng mọi sự thưởng phạt đều diễn ra ở đời này, chứ sang bên kia thế giới (dưới cõi “âm ti”) thì người lành kẻ dữ cũng đều chung một số phận. Các ngôn sứ nói đến sự thưởng phạt ở bên kia thế giới nữa, đặc biệt vào thời cánh chung.
b) Trong các dụ ngôn dành cho dân chúng, Đức Giêsu cũng dùng những hình ảnh cụ thể để giải thích tình trạng hạnh phúc, dựa theo tâm thức bình dân. Với giới thương gia, Đức Giêsu ví Nước Trời như viên ngọc quý; với các ngư phủ, Nước Trời được ví như mẻ lưới đầy. Với các nông dân, Nước Trời được ví như mùa gặt dồi dào. Nước Trời cũng được ví với đám tiệc. Đó là những ngôn ngữ biểu tượng được dùng để diễn tả những thực tại mà ngôn ngữ phàm trần không thể diễn tả nổi (xc 2Cr 12,4). Chúng nói lên niềm vuivà đặc biệt là sự chung vui.
c) Một vài từ ngữ xem ra có vẻ “trí thức” cần được giải thích trong bối cảnh văn hóa của miền Cận đông. Tân ước diễn tả hạnh phúc con người qua những thuật ngữ: “biết Chúa” (Sự sống đời đời là biết Cha là Chúa chân thật: Ga 17,3) và “nhìn ngắm” (1Ga 3,2), “hưởng nhan Chúa, diện đối diện (1Cr 13,12). Các thuật ngữ “nhìn ngắm” Chúa hoặc “chiêm ngưỡng” nhan Chúa không ám chỉ hành vi của trí tuệ cho bằng sự gần gũi thân thiết. Trong xã hội cổ truyền, duy chỉ các quan cận thần mới được đặc ân đến gần nhà vua, còn nhân dân thì sụp đầu xuống đất mỗi khi nhà vua đi ngang. Một cách tương tự như vậy, “biết Chúa” không chỉ là hành vi của trí tuệ, nhưng ám chỉ kinh nghiệm thân tình (quen biết). Tư tưởng này được gặp thấy cách riêng ở hai bản văn Tân ước thường được truyền thống sử dụng để định nghĩa bản chất của hạnh phúc tương lai như là “phúc kiến” (cái nhìn đem lại hạnh phúc: visio beatifica), đó là: 1Cr 13,12 (Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi) và 1 Ga 3,1-2 (Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấyNgười như vậy).
Trong hai đoạn văn này, việc nhìn thấy Chúa đi kèm việc biết Chúa, và được biến đổi trở nên giống như Chúa, Đấng là Chân lý, Tình yêu, Sự sống vĩnh cửu.
d) Dù sao, Tân ước đặt trung tâm của hạnh phúc vĩnh cửu ở việc “ở bên Chúa”, và cùng chia sẻ niềm vui với cộng đoàn phúc nhân. Hạnh phúc mang chiều kích hiệp thông: hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với tha nhân, hiệp thông với vũ trụ.
Hạnh phúc vừa nói chỉ đạt được ở thế giới mai hậu. Tuy nhiên, ngay từ đời này, ta đã có thể nếm hưởng phần nào nhờ con đường tám mối phúc thật. Bài giảng bát phúc thanh luyện chúng ta khỏi những ảo tưởng về hạnh phúc giả tạo, và vạch cho ta thấy con đường dẫn tới Hạnh phúc chân chính. Nhờ việc học hỏi chân lý, chúng ta phần nào được thông dự vào sự hiểu biết Thiên Chúa chân thật, nhưng nhất là nhờ yêu mến, chúng ta được dẫn vào sự kết hiệp với Ngài. Nên nhấn mạnh rằng “yêu mến” cần được nhìn từ phía Thiên Chúa trước khi nhìn từ phía chúng ta: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và đã trút đổ Thần khí yêu thương vào lòng ta để ta có đáp trả. Yêu thương có nghĩa là ra khỏi cái “bản ngã” để kết hợp với Người Yêu. Điều này giải thích vì sao bài giảng các mối phúc thật đòi hỏi ta phải vượt ra nhiều thứ hạnh phúc giả tạo bởi vì chúng chỉ xoay quanh cái bản ngã (chiếm hữu tài sản, hà hiếp bóc lột tha nhân, vv.). Nói cho cùng, tám mối phúc thật đã họa lại cho ta chính bức chân dung của Đức Giêsu, mời gọi chúng ta chia sẻ con đường yêu thương qua việc từ bỏ mình để phục vụ (xc. GLCG 1717). Các chân phúc cũng nâng đỡ niềm hy vọng của ta trong lúc phải tranh đấu để đạt những điều Chúa đã hứa, khi phải trải qua những lúc sầu muộn, khi lựa chọn con đường hiền từ, khi chịu bách hại vì công lý. Trên thực tế, trải qua bao thế hệ, các Kitô hữu đã dấn thân vào việc phụng sự Chúa Kitô, – dù là những công trình vĩ đại như rao giảng Tin mừng (chẳng hạn thánh Phaolô), hoặc là những công tác khiêm tốn, tựa như cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống vì lòng mến Đức Kitô … , bởi vì họ hy vọng vào phần thưởng mà Chúa đã hứa sẽ ban cho những tôi trung (xc. 2Tm 4,6-8). Đây cũng là mục tiêu của mọi nỗ lực trong đời sống tâm linh, nhằm thanh luyện con tim được trong trắng ngõ hầu xứng đáng chiêm ngắm Chúa, kết hiệp với Ngài[5]. Hiến chế “Vui mừng và Hy Vọng” số 41 viết rằng: “phàm ai đi theo Đức Kitô là con người thập toàn thì cũng sẽ nên người hơn” (Quicumque Christum sequitur, hominem perfectum, et ipse magis homo fit). Chúng ta cũng có thêm rằng: các thánh nhân, những con người của bát phúc, là những con người sung mãn nhất.
Tóm lại, con người có lúc sinh ra và có lúc chết, nhưng con người không sinh ra để chết: mặc khải Kitô giáo cho biết rằng con người được tạo dựng để được hưởng hạnh phúc, được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Đó là cứu cánh của cá nhân, còn cứu cánh của nhân loại thì sao?
II/ Cứu cánh lịch sử
Trong chương một, chúng tôi đã nói qua các giả thuyết của các nhà khoa học về nguồn gốc của vũ trụ, của sự sống, của loài người. Và dĩ nhiên, cái gì có bắt đầu thì cũng có kết thúc; chỉ trừ Thiên Chúa mới vô thủy vô chung mà thôi. Có nhiều cách để bàn về sự kết thúc vũ trụ. Đừng kể ngôn ngữ của các nhà khoa học dựa trên sự đo lường năng lượng, ngay truyền thống thần học cũng đã ghi nhận hai trào lưu, được đặt tên là trào lưu “khải huyền” (apocalyptic) và “ngôn sứ” (prophetic).
Trào lưu thứ nhất được gọi là “khải huyền” bởi vì mang não trạng giống như tác giả sách Khải huyền của Tân ước. Họ quan niệm rằng thế gian này xấu xa đồi trụy, vì thế cần phải bị hủy diệt. Ngày tận thế được hình dung như là sự tan rã của vũ trụ, với cảnh trời long đất lở, nắng lửa mưa dầu, vv. ra như không để lại tí gì tàn tích của chế độ cũ.
Trào lưu thứ hai được mệnh danh là “ngôn sứ” bởi vì muốn đi theo sứ mạng của các ngôn sứ: họ kêu gọi những người tội lỗi hãy hóan cải để được Chúa tha thứ và đổi mới. Trào lưu này chấp nhận rằng thế giới này còn bất toàn, tuy vậy cũng chứa đựng nhiều hạt giống tốt; vì thế họ quan niệm ngày tận thế không phải là sự tiêu hủy thế giới hiện tại, nhưng là sự canh tân đổi mới.
Trong Tân ước, thuật ngữ “trời mới đất mới” xuất hiện trong thư thứ 2 của Phêrô với một não trạng “khải huyền”. Tác giả mô tả ngày quang lâm như là: ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu hủy và các yếu tố cấu thành trời đất sẽ cháy tan trong lửa hồng. Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi sự công chính ngự trị. (2Pr 3,12-13). Một cách tương tự như vậy, tác giả sách Khải huyền viết “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa” (Kh 21,1).
Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng gặp thấy những từ ngữ bao hàm một sự liên tục nào đó, tựa như “tái sinh” (palingenesis, re-generatio: Mt 19,28), “hoàn nguyên, phục hồi” (apokatastasis, restauratio: Cv 3,21), “hoàn tất” (synteleia tou aiônos, consummatio saeculi: Mt 13,39.40.49).
Thiết tưởng để có cái nhìn quân bình, chúng ta nên nhìn lại sứ vụ của đức Kitô. Người được sai đến để loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn … công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4,18). Sứ vụ đó được tóm lại trong việc “thiết lập triều đại Thiên Chúa”, nghĩa là sự chiến thắng của sự Thiện trên hết mọi lực lượng của sự dữ. Trên thực tế, triều đại Thiên Chúa được biểu lộ qua những hành động của đức Giêsu chống lại ma quỷ và tội lỗi, cũng như chống lại những hung thần tác oai tác quái trên nhân loại: đói khát, bệnh tật và nhất là sự chết. Triều đại Thiên Chúa được biểu lộ cách đặc biệt nơi cuộc phục sinh của Đức Kitô, được thánh Phaolô mô tả như là “hoa trái đầu mùa” mở đầu cho tất cả nhân loại cũng được sống lại (1Cr 15,20). Đây không chỉ là chuyện cải tử hoàn sinh, nhưng còn là chuyện chiến thắng tất cả mọi lực lượng của sự ác, và tên đầu sỏ ác ôn nhất là tử thần (xc 1Cr 15,54-55).
Sự phục sinh của Đức Kitô đánh dấu một cuộc tạo dựng mới (2Cr 5,2), một cuộc giải phóng nhân loại khỏi quyền năng của tội lỗi và sự chết (Rm 8,2). Người Kitô hữu cũng được tham dự vào mầu nhiệm ấy nhờ bí tích rửa tội, nhờ đó họ được mai táng và sống lại với Đức Kitô (Rm 6,4-11), và họ trông mong để được thực sự sống lại như Người. Thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa khi mở rộng sự thông dự ơn phục sinh cho toàn thể loài thọ tạo (Rm 8,19-23). Vạn vật liên đới với loài người: vì tội lỗi của loài người mà muôn loài thọ tạo phải rơi vào cảnh hư nát; giờ đây thọ tạo cũng mong được giải thoát cũng giống như loài người: Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.
Đoạn văn vừa rồi xem ra vẫn còn mang tính cách tiêu cực, theo nghĩa là cứu cánh vũ trụ được nhìn dưới khía cạnh giải thoát khỏi sự tàn tạ. Trong thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô trình bày kế hoạch của Thiên Chúa (được gọi là “mầu nhiệm”) một cách tích cực hơn, đó là việc quy tụ tất cả muôn loài vào một mối dưới quyền thủ lãnh của đức Kitô (Ep 1,9-10), bởi vì mọi vật được tạo thành trong Người, nhờ Người và cho Người (Cl 1,15-20).
Dĩ nhiên, người ta có thể nêu vấn nạn: thánh Phaolô quan niệm vũ trụ (vạn vật, muôn loài thọ tạo) như thế nào: phải chăng đó là cái nhìn cổ xưa về trời đất, hay là cái nhìn hiện đại sau ông Galilê? Tuy nhiên thiết tưởng điều này không quan trọng cho lắm, bởi vì thánh Phaolô không nghĩ đến trăng sao trên trời hoặc cây cỏ dưới đất, cho bằng nghĩ đến con người (nhân loại), đối tượng của tình yêu thương đặc biệt của Thiên Chúa. Nhờ đức Kitô, nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa và được chia sẻ điều kiện làm Con Thiên Chúa.
Những tư tưởng này có liên quan gì đến hoạt động của chúng ta? Có chứ. Lịch sử nhân loại tiến đến một tương lai tốt đẹp chứ không bi thảm. Lịch sử không chấm dứt với “tận thế” hiểu theo nghĩa tàn phá hủy diệt, nhưng tiến đến chỗ “cánh chung” nghĩa là hoàn tất một chương trình của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã muốn quy tụ tất cả muôn loài trong Đức Kitô. Vũ trụ này sẽ được giải thoát khỏi sự hư nát và thông phần vào sự bất diệt của Người. Tuy nhiên, tình trạng đó không phải là do nỗ lực của con người, nhưng là do chính Thiên Chúa: duy chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thiết lập “Triều đại” của Ngài (Nước Thiên Chúa), nghĩa là toàn thắng sự chết và tất cả mọi sự dữ.
Mặt khác, triều đại đó đã bắt đầu rồi, kể từ cuộc Nhập thể của Lời Thiên Chúa và đặc biệt là kể từ cuộc Phục sinh của Đức Kitô: Người đã thổi luồng sinh khí mới vào vũ trụ (Ga 20,22; Rm 8,11). Những mầm mống mới đã được gieo rồi và chờ ngày viên mãn. Trong khi chờ đợi, các Kitô hữu phải hợp tác với Thánh Linh để góp phần vào việc canh tân vũ trụ. Cùng với tất cả mọi người thiện chí, họ cố gắng cộng tác vào việc xây dựng một xã hội tiến bộ hơn, theo như công đồng Vaticanô II đã viết ở số 39 của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng.
Theo lệnh Chúa Kitô và trong Thánh Thần của Người, chúng ta sẽ phổ biến những giá trị của nhân phẩm, của hiệp thông huynh đẹ và của tự do, tức là phổ biến tất cả những gì mà tài trí chúng ta đã cùng với thiên nhiên thực hiện được. Rồi sau đó, chúng ta sẽ gặp lại những giá trị đã được chiếu sáng và đã thay hình đổi dạng, khi mà Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và phổ quát, vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Vương quốc ấy đã hiện diện cách nhiệm mầu trên trần gian, nhưng chỉ đạt được mức toàn hảo khi Chúa đến.
Đó là lý do mà đức giáo hoàng Phaolô VI cũng như các vị kế nhiệm đã đề ra chương trình “xây dựng nền văn minh của tình thương” (Huấn từ buổi đọc kinh Regina caeli ngày 17/5/1970; Bài giảng Thánh lễ Chúa giáng sinh 1975), bởi vì thâm tín rằng “tình thương sẽ tồn tại mãi mãi” (1Cr 13,8) và nhất là bởi vì chính Thiên Chúa cũng được định nghĩa như là Tình thương (1Gv 4,8.16). Xem thêm GLCG 1042-1050: “Niềm hy vọng vào trời mơi đất mới”.
—————-
[1] Xc. G. Phan Tấn Thành – M. Đinh Thị Sáng, Cánh chung học, Học viện liên dòng Thánh Tôma, TPHCM 2004.
[2] Công đồng Vaticanô II đã giải thích “vấn đề tôn giáo” bắt nguồn từ những câu hỏi “hiện sinh” nằm trong thâm tâm mỗi người: “Con người là gì? Nguồn gốc và cứu cánh của cuộc đời là gì? Cái gì là tốt và cái gì là tội lỗi? Tại sao có đau khổ, nó có ý nghĩa gì không? Đâu là con người dẫn đến hạnh phúc đích thực? Sự chết, phán xét, thưởng phạt là gì? Thế nào là Huyền nhiệm cuối cùng và vô tả bao trùm tất cả cuộc đời của ta?” (Tuyên ngôn về tương quan giữa Hội thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, số 1. Xc. Hiến chế về Hội thánh trong thế giới ngày nay, số 41).
[3] Chúng tôi đã điểm qua “Ý nghĩa đời người” nơi các tôn giáo trong Đời sống tâm linh tập I, trang 269-275.
[4] Summa Theologica, II-II, q.2
[5] Xc. Đời sống tâm linh tập III trang 118-124; tập V trang 188-198.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12