TÌM HIỂU LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
Một trong những câu hỏi vẫn được đùa giỡn nêu lên: “Đâu là điểm khác biệt giữa một nhà Phụng Vụ và một tên khủng bố?” Câu trả lời là: “Điểm khác biệt là người ta có thể thương lượng với tên khủng bố, nhưng không thể thương lượng với nhà Phụng Vụ.” Câu trả lời này nói lên một phần cứng nhắc của lề luật trong Phụng Vụ. Tuy nhiên luật Phụng Vụ không phải chỉ để áp đặt trên cộng đoàn những nguyên tắc cứng nhắc, nhưng là để giúp cộng đoàn cử hành việc phụng tự một cách nghiêm trang và hòa hợp với nhau.
Bài này sẽ lược qua những phần sau đây: Danh xưng, lịch sử, bản chất, và cơ cấu của Lời Nguyện Giáo Dân.
Danh xưng
Về danh xưng, Lời Nguyện Giáo Dân (the prayer of the faithful) còn được gọi là “Lời Nguyện Tổng Quát” (general intercessions), hoặc “Lời Nguyện Phổ Quát” (universal prayer). Gọi là Lời Nguyện Giáo Dân, vì trong thời sơ khai các dự tòng phải ra về trước khi đọc Lời Nguyện Giáo Dân; tuy nhiên, ngày nay các dự tòng ra về sau phần Lời Nguyện Giáo Dân. Gọi là Lời Nguyện Tổng Quát hay Phổ Quát, vì những lời cầu này không chỉ cầu cho giáo hội hay cộng đoàn địa phương, nhưng còn cho nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ nữa.
Lịch sử
Lời Nguyện Giáo Dân bắt nguồn từ một trong 18 lời kinh chúc tụng (shemoneh-esreh) của phụng vụ được cử hành trong hội đường Do Thái để cầu nguyện cho cá nhân và tập thể.
Trong Giáo hội Đông phương, Lời Nguyện Giáo Dân mang hình thức kinh cầu trước phần dâng bánh rượu. Giám mục mời gọi giáo dân cầu nguyện và chính Giám mục đọc lời nguyện. Đến thế kỷ thứ tư, Phó tế mời gọi giáo dân cầu nguyện và đọc lời nguyện, linh mục chủ tế dâng lời nguyện kết thúc.
Trong Giáo hội Tây phương (Roma), Lời Nguyện Giáo Dân mang hình thức kinh cầu được bảo tồn trong Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Linh mục mời gọi giáo dân cầu nguyện, đọc lời nguyện trong lúc giáo dân cầu nguyện thinh lặng (trong mùa Chay giáo dân quì), và kết thúc lời nguyện. Vì hình thức này dài, Đức Giáo Hoàng Gelasius (492-496) thay đổi và chuyển Lời Nguyện Giáo Dân lên trước Phụng vụ Lời Chúa. Phó tế đọc lời cầu và giáo dân đáp lại bằng lời Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót chúng con). Đến thời Đức Giáo Hoàng Gregory Cả (590-604), lời mời gọi và lời nguyện bị bãi bỏ trong các ngày trong tuần, chỉ Kyrie elesion còn sót lại. Thời gian kế tiếp, ngay cả lời nguyện cũng bị bãi bỏ trong ngày Chúa nhật. Vì thế, trong thánh lễ trước Công Đồng Vatican II, Kyrie eleison là phần sót lại của Lời Nguyện Giáo Dân thời xa xưa và đã biến thành một phần của nghi thức thống hối.
Công Đồng Vatican II phục hồi Lời Nguyện Giáo Dân trong thánh lễ. Chỉ thị này được nêu rõ trong Hiến Chế Phụng Vụ số 53, “Phải tái lập ‘lời nguyện chung [tổng quát]’ hay ‘lời nguyện giáo dân’ sau Phúc Âm và bài giảng, nhất là vào những ngày Chúa Nhật và lễ buộc, để khi dân chúng tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì các nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người và cho phần rỗi của toàn thế giới.”
Bản chất của lời nguyện giáo dân
Bản chất của Lời Nguyện Giáo Dân là thuộc về giáo dân. Vì thế, theo nguyên tắc, những người dự tòng phải ra về và không được tham dự trong Lời Nguyện Giáo Dân.
Lời Nguyện Giáo Dân mang bản chất hay tính chất khẩn nguyện hoặc cầu xin cho những nhu cầu khác nhau của Giáo hội địa phương, Giáo hội hoàn vũ, và của thế giới. Vì thế, Lời Nguyện Giáo Dân không phải là lời nguyện có tính cách tạ ơn, thờ lạy, chúc tụng, hoặc ngay cả sám hối. Những lời vừa kể không nên cho vào trong Lời Nguyện Giáo Dân vì lời nguyện có tính cách tạ ơn và chúc tụng đã là trung tâm của Kinh Nguyện Thánh Thể (Eucharistic Prayer) rồi.
Vì mang tính chất khẩn nguyện, nên “Kinh Lạy Cha” chính là Lời Nguyện Giáo Dân đúng nghĩa nhất.
Cơ cấu của lời nguyện giáo dân
Lời Nguyện Giáo Dân gồm 3 phần (x. Qui Chế Tổng Quát về Sách Lễ Roma [General Instruction of the Roman Missal], số 45-47): Lời mời gọi của chủ tế, các ý nguyện, và lời nguyện kết thúc.
1. Lời mời gọi của chủ tế
Chủ tế ngỏ lời mời cộng đoàn cầu nguyện. Chủ tế không ngỏ lời trực tiếp với Chúa, và lời ngỏ này cũng không phải là một lời nguyện. Lời mời này nên dựa theo ý tưởng trong các bài đọc của ngày hôm đó, hoặc dựa theo ý tưởng của mùa Phụng vụ. Chủ tế có thể mời gọi cộng đoàn trong khi đứng tại ghế chủ sự hoặc tại giảng đài (nơi công bố Phúc Âm).
Ví dụ: (Mùa Chay)
Anh chị em thân mến,
Chúng ta phải cầu nguyện luôn, nhất là trong Mùa Chay này. Vì thế, cùng với Đức Kitô, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện sốt sắng và chân thành này:
2. Các ý nguyện
Thật lý tưởng nếu được một Phó tế đọc các ý nguyện; nếu không, một người khác có thể đọc các ý nguyện. Phó tế có thể đứng tại vị trí của mình (sát bên ghế chủ sự), hoặc tại giảng đài (nơi công bố Phúc Âm) để đọc các ý nguyện. Người không phải Phó tế có thể đứng một nơi nào khác mà cộng đoàn có thể nhìn thấy và nghe rõ tiếng khi đọc các ý nguyện. Người này không nên đứng tại nơi công bố Phúc Âm để đọc các ý nguyện.
Trong Phụng Vụ Roma, chỉ một mình chủ tế, đại diện cộng đoàn, ngỏ lời trực tiếp với Chúa. Trong ý nghĩa này, Phó tế hay một người khác đọc các ý nguyện là ngỏ lời với cộng đoàn, chứ không trực tiếp với Chúa. Vì thế, đại danh từ chúng ta, không phải chúng con, được dùng trong các ý nguyện.
Các ý nguyện bao gồm bốn lãnh vực sau đây (x. Qui Chế Tổng Quát… Số 46):
a. Cầu cho các nhu cầu của Giáo hội: Cầu cho Đức Giáo Hoàng và các bậc lãnh đạo trong Giáo hội; cầu cho việc truyền giáo; cầu cho sự hiệp nhất Kitô hữu; cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ…
b. Cầu cho các nhà lãnh đạo trên thế giới và ơn cứu độ cho thế giới: cầu cho công lý và hòa bình, cầu cho chấm dứt chiến tranh; cầu cho sự giao hảo tốt đẹp giữa các quốc gia; cầu cho mùa màng, cầu cho kinh tế phát triển, v.v…
c. Cầu cho những người bị áp bức về mặt tôn giáo hay chính trị; cầu cho các bệnh nhân và người già yếu; cầu cho những người tị nạn, những người bị lưu đày, và các tù nhân; cầu cho những người vô gia cư và thất nghiệp; cầu cho những người bị kỳ thị về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc, màu da, v.v…
d. Cầu cho các nhu cầu của Giáo hội địa phương: Cầu cho chủ chăn và những người lãnh đạo trong cộng đoàn; cầu cho những người sắp được rửa tội hoặc thêm sức; cầu cho các em sắp rước lễ lần đầu; cầu cho những người sắp lãnh nhận bí tích truyền chức thánh hay bí tích hôn phối; cầu cho những người bệnh trong cộng đoàn; cầu cho những người đã qua đời; cầu cho phong trào canh tân trong cộng đoàn; cầu cho việc truyền giáo của cộng đoàn, v.v…
Sau khi ý chỉ cầu nguyện được nêu lên, một hai giây phút thinh lặng sẽ giúp toàn thể cộng đoàn hiệp nhất với ý đang cầu nguyện lúc ấy. Cuối ý chỉ cầu nguyện, một giây thinh lặng sẽ phân biệt ý chỉ cầu nguyện và lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện.
Lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cuối mỗi ý chỉ sẽ là: Chúng ta hãy cầu xin Chúa, hoặc: Chúng ta cầu xin Chúa. Vì là một lời mời gọi, nên hình thức đầu (Chúng ta hãy cầu xin Chúa) thích hợp hơn.
Sau lời mời gọi, toàn thể cộng đoàn cùng đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con, hoặc: Xin Chúa nghe lời chúng con, hay một câu nào xứng hợp.
Thật lý tưởng nếu có xướng ca viên hát các ý nguyện và mời gọi cộng đoàn đáp lại theo cung nhạc thích hợp. Nếu hoàn cảnh không cho phép, chỉ câu mời gọi cuối mỗi ý nguyện: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa” và câu đáp của cộng đoàn: “Xin Chúa nhận lời chúng con” được phổ nhạc cũng quí rồi.
Ví dụ:
* Chúng ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo trong Giáo hội (thinh lặng một hai giây): Xin Chúa cho các ngài được khôn ngoan và đạo đức để hướng dẫn Giáo hội trong đường của Chúa (thinh lặng một giây).
X. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.
* Chúng ta hãy cầu xin cho các bậc lãnh đạo trên thế giới (thinh lặng một hai giây): Xin cho họ biết mưu cầu công lý và hòa bình cho toàn thể nhân loại, chứ không chỉ riêng cho dân nước của họ (thinh lặng một giây).
X. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.
* Chúng ta hãy cầu xin cho những người bị bách hại vì đức tin (thinh lặng một hai giây): Xin Chúa cho họ được can đảm và trung kiên làm nhân chứng cho Chúa trong hoàn cảnh khó khăn (thinh lặng một giây).
X. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.
* Chúng ta hãy cầu xin cho ơn gọi trong cộng đoàn (thinh lặng một hai giây): Xin Chúa soi sáng và thúc đẩy tâm hồn giới trẻ để họ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa, hiến dâng cuộc đời làm tông đồ cho Chúa hầu Tin Mừng của Chúa được loan truyền khắp nơi (thinh lặng một giây).
X. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.
3. Lời nguyện kết thúc
Chủ tế sẽ tổng hợp các ý nguyện thành một lời cầu dâng lên Chúa Cha. Lời nguyện này không dâng lên Chúa Kitô hoặc Chúa Thánh Thần. Lời nguyện cần được kết thúc trong một hình thức quen thuộc để cộng đoàn có thể thưa Amen một cách dễ dàng và rập ràng.
Ví dụ: (Mùa Phục Sinh)
Lạy Chúa, Chúa hiểu thấu cuộc đời con người luôn bị những tham vọng khác nhau chi phối; xin Chúa thương đoái nhận những ước muốn và lời nguyện cầu của những người tin tưởng kêu xin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Ước mong bài này sẽ đóng góp một phần nào trong vấn đề tìm hiểu thêm về Lời Nguyện Giáo Dân, đặc biệt cho những thành viên của Ban Phụng Vụ trong cộng đoàn hay giáo xứ.
Tài liệu tham khảo
– Concilium, The Universal Prayer or Prayer of the Faithful. 2nd edition. 17 April 1966: Vatican Polyglot Press, 1966; reprinted in International Commission on English in the Liturgy, Documents on the Liturgy 1963-1979: Conciliar, Papal, and Curial Texts (Collegeville: Liturgical Press, 1982), 594-603.
– FDLC. The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of Mass. Washington, D.C.: USCC, 1980.
– Fitzgerald, Timothy. “General Intercessions,” Liturgy 90 (May/June 1990): 9-12.15; (July 1990): 4-7.15.
– National Conference of Catholic Bishops, General Intercessions. Washington, D.C.: United Catholic Conference, 1979.
– Sách Lễ Roma. Việt Nam: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Phụng Tự, 1992.
– Thánh Công Đồng Chung Vaticano II. Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Pio X chuyển dịch. Đà Lạt: Giáo Hoàng Học Viện Pio X, 1972; in lại tại Hoa Kỳ 1980.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12