Là Kitô hữu, có lẽ nhiều người chúng ta có cùng trải nghiệm rằng, chúng ta không chỉ khó để có thể hình dung ra Chúa Thánh Thần như thế nào, mà ngay cả hoạt động của Ngài cũng có vẻ trừu tượng khiến chúng ta không phải lúc nào cũng lãnh hội được.
Sách Giáo lý Công giáo trình bày 9 biểu tượng khác nhau, vốn có nguồn gốc từ Kinh thánh, để giúp tín hữu hình dung và cảm nhận được phần nào tác động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, Đấng là Ngôi Ba Thiên Chúa và là Đấng mà Đức Kitô trao ban cho Giáo hội như là Đấng Bảo trợ, Đấng An ủi, và Đấng Bầu chữa.
1. Nước
Nước. Trong bí tích Rửa Tội, nước là một biểu tượng nói lên tác động của Chúa Thánh Thần, vì vậy, sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, nước trở thành dấu chỉ bí tích hữu hiệu của việc tái sinh: giống như trong lần sinh ra thứ nhất chúng ta được cưu mang trong nước, thì cũng vậy, nước Rửa Tội thật sự nói lên rằng việc chúng ta được sinh vào đời sống thần linh được ban trong Chúa Thánh Thần. Nhưng, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí”, “và tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”: Vì vậy, đích thân Thần Khí cũng là Nước hằng sống, chảy ra từ Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá như từ nguồn mạch của mình, và vọt ra thành sự sống vĩnh cửu trong chúng ta. (GLCG, 694)
2. Sự Xức Dầu
Sự xức dầu. Sự xức dầu cũng là một biểu tượng nói về Chúa Thánh Thần, đến độ từ này trở thành đồng nghĩa với Chúa Thánh Thần. Trong nghi thức khai tâm Ki-tô Giáo, việc xức dầu là dấu chỉ bí tích của phép Thêm Sức, mà các Giáo Hội Đông phương gọi cách chính xác là “Sự Xức dầu thánh” (“Christmatio”). Nhưng để hiểu thật rõ, phải trở lại với cuộc xức dầu đầu tiên bởi Chúa Thánh Thần: cuộc xức dầu cho Chúa Giê-su. “Kitô” (tiếng Do thái là Mêsia) có nghĩa là “người được xức dầu” bằng Thần Khí Thiên Chúa. (GLCG, 695)
3. Lửa
Lửa. Trong khi nước là biểu tượng của việc sinh sản và sinh sôi nảy nở của sự sống được ban trong Chúa Thánh Thần, thì lửa là biểu tượng của sức mạnh có sức biến đổi của các hoạt động của Chúa Thánh Thần… Dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các môn đệ vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần và xuống đầy lòng các ông. Truyền thống linh đạo sẽ giữ lại biểu tượng ngọn lửa như biểu tượng diễn cảm nhất của hành động của Chúa Thánh Thần: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí”. (GLCG, 696)
4 và 5. Áng mây và ánh sáng
Áng mây và ánh sáng. Hai biểu tượng này là không thể tách biệt trong các cuộc tỏ hiện của Chúa Thánh Thần. … Rồi những hình ảnh này được Đức Kitô hoàn thành trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần ngự đến trên Đức Trinh Nữ Maria và “phủ bóng” trên Bà, để Bà thụ thai và hạ sinh Chúa Giêsu. Trên núi Hiển Dung, chính Chúa Thánh Thần đến trong đám mây bao phủ Chúa Giêsu, ông Môsê và ông Êlia, cùng với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’” (Lc 9,35). Cuối cùng, cũng chính đám mây này “quyện lấy Chúa Giêsu khuất mắt” các môn đệ trong ngày Thăng Thiên và sẽ mặc khải Con Người trong vinh quang của Người vào ngày Người ngự đến. (GLCG, 697)
6. Dấu ấn
Dấu ấn là một biểu tượng rất gần với biểu tượng xức dầu. Thật vậy, Đức Kitô là Đấng “Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27), và trong Người, Chúa Cha cũng ghi dấu xác nhận chúng ta. Hình ảnh “dấu ấn”, bởi vì nói lên hiệu quả không thể xóa nhòa của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, nên đã được dùng trong một số truyền thống thần học để diễn tả “ấn tín” không thể xóa được, được ghi dấu bởi ba bí tích không thể được tái ban đó. (GLCG, 698)
7. Bàn tay
Bàn tay. Chúa Giêsu đặt tay để chữa lành cho các bệnh nhân và chúc lành cho các trẻ em. Các Tông Đồ cũng làm như vậy nhân danh Người. Hơn nữa, chính qua việc đặt tay của các Tông Đồ mà Chúa Thánh Thần được ban. Thư gửi tín hữu Do thái kể việc đặt tay vào số “các mục căn bản” của giáo huấn của mình. Hội Thánh đã giữ lại dấu chỉ này của việc tuôn đổ tràn đầy Thánh Thần trong các kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần [Epiclesis] trong các bí tích. (GLCG, 699)
8. Ngón tay
Ngón tay. Chúa Giêsu “dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ.” Nếu Lề luật của Thiên Chúa được ghi trên các bia đá “do chính tay Thiên Chúa viết”, thì “lá thư của Đức Kitô”, được trao cho các tông đồ chăm sóc, “đã được viết… bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người”. Thánh thi “Veni Creator Spiritus” (“Lạy Thần Khí Sáng Tạo, xin ngự đến”) khẩn cầu Chúa Thánh Thần bằng những lời này: “Chúa là ngón tay trong bàn tay mặt của Chúa Cha”. (GLCG, 700)
9. Chim bồ câu
Chim bồ câu. Vào cuối trận lụt đại hồng thủy (đây là một biểu tượng chỉ bí tích Rửa Tội), chim bồ câu được ông Nôê thả ra đã trở về, ngậm một nhánh ô liu xanh tươi, báo cho biết mặt đất lại đã có thể cư ngụ được. Khi Chúa Giêsu tiến lên từ dòng nước phép rửa của Người, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống và ngự trên Người. Chúa Thánh Thần đáp xuống trái tim đã được thanh tẩy của những người lãnh bí tích Rửa Tội và nghỉ ngơi ở đó. Trong một số nhà thờ, Thánh Thể được lưu giữ trong một bình bằng kim loại có hình chim bồ câu (gọi là columbarium) treo bên trên bàn thờ. Trong truyền thống nghệ thuật ảnh tượng Kitô Giáo, chim bồ câu là biểu tượng để chỉ Chúa Thánh Thần. (GLCG, 701)
***
Là hữu thể giới hạn, nên những ngôn ngữ và hình ảnh con người sử dụng cũng giới hạn, và sự giới hạn này còn lớn hơn nữa, khi muốn diễn tả về Thiên Chúa, Đấng vô hạn, mà cụ thể là về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng vô hình.
Nhưng điều này càng cho thấy rằng, Chúa Thánh Thần không phải là đối tượng để con người nắm bắt hoặc chiếm hữu, mà là Đấng không ngừng yêu thương, dẫn dắt, và nâng đỡ chúng ta từng phút giây trong cuộc sống.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến hoán cải con tim chúng con, và canh tân bộ mặt trái đất bằng sức sống thần linh của Ngài.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (16. 05. 2024)
Nguồn:hdgmvietnam.com
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12