CÁC BÍ QUYẾT CỦA MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC
02 – BÍ QUYẾT NHIỆM TÍCH
Tác giả: Dr. Allen Hunt
Chuyển ngữ: Louis Tuấn
Trích từ: “The 21 Undeniable Secrets of Marriage”
Thiên Chúa tỏ hiện trong lời thề hứa. Mọi ngày.
Hôn nhân là một huyền nhiệm. Có điều gì đó tồn hữu trong hôn nhân sâu xa hơn nữa chứ không chỉ là bốn mắt nhìn nhau.
Chỉ một từ mô tả được điều ấy, là huyền nhiệm (mystery). Có từ ngữ nào mô tả được thực tại hai con người hòa nhập thành một, hai cuộc đời kết nối với nhau thành một không? Mỗi cuộc hôn nhân mang lấy một cuộc sống duy nhất và mọi sự trong cuộc sống của hai người phối ngẫu hoàn toàn chỉ cho mối quan hệ đó. Đó là một huyền nhiệm. Và đó là huyền nhiệm của bí tích.
Một “sự kết hợp huyền nghiệm” (“mystical union”) có lẽ là cách nói tốt nhất mô tả một cuộc hôn nhân lành mạnh. Nhưng “kết hợp huyền nghiệm” không phải là từ ngữ thông dụng chúng ta dùng hằng ngày.
Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn kết hợp trong huyền nhiệm với bạn, kết hiệp giữa các ngôi vị trong tinh thần. Bạn hãy cố nghĩ đến chuyện ấy. Thánh Kinh là một câu chuyện tình yêu. Thật vậy, từ đầu đến cuối Thánh Kinh là một chuyện hôn phối. Khởi đầu với câu chuyện tạo dựng Ađam và Evà, hôn phu và hôn thê đầu tiên, trong Sáng thế. Thánh Kinh đạt đến đỉnh cao và kết thúc ở Khải huyền, với thị kiến về lễ cưới vinh hiển của Con Chiên. Ở lễ cưới thiên quốc ấy, mọi người dân trung tín của Thiên Chúa sẽ được kết hiệp với Ngài một lần dứt khoát, và mãi mãi. Sách Thánh cho chúng ta thấy ước muốn sau cùng của Thiên Chúa là kết hôn với chúng ta. Chúng ta là dân yêu quí của Ngài. Chúng ta sẽ là Hiền thê của Ngài. Đó là một sự kết hợp huyền nghiệm.
Thiên Chúa kết hợp một đôi bạn trong hôn nhân giống như Ngài kết hợp bạn và tôi trong chính Ngài vào ngày cánh chung đó. Cuộc hôn nhân thế gian này của bạn bây giờ là một nhiệm tích vì nó chỉ đến cái viễn tượng cánh chung đó của Khải huyền, khi chúng ta sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Các bí tích, như Rửa tội, Thánh Thể, Thêm sức, và Hôn phối, tất cả là dấu chỉ bề ngoài của thực tại Thiên Chúa đang làm bên trong chúng ta. Trong hôn nhân, Ngài kết hợp hai con người lại với nhau một cách thiêng liêng, giống như Ngài sẽ đích thân làm với mỗi người chúng ta tại lễ cưới cánh chung.
“Và tôi thấy Thành thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” (Kh 21,2).
Hôn phu và hôn thê bây giờ giống như khi ấy sẽ là Thiên Chúa và Hội Thánh Người. Một huyền nhiệm.
Huyền nhiệm ấy là huyền nhiệm của bí tích. Hai cuộc đời thực sự trở thành một. Người chồng và người vợ kết hợp với nhau, cả trong thể xác, tình cảm và linh hồn, trong mọi thể thức. Chồng và vợ cùng chung sống, cùng nhau tạo lập một cuộc sống trong tư cách một đôi, và họ có tiềm tàng khả năng là đối tác giao ước với Thiên Chúa để tạo dựng sự sống mới qua con cái. Vợ chồng sẽ vui hưởng hạnh phúc cùng nhau, chịu khổ chịu cực cùng nhau, và luôn giúp nhau cho đến khi răng long tóc bạc. Đời sống và kinh nghiệm của họ sẽ trở thành một kết hợp huyền nghiệm, một bí tích. Hãy nhớ lời của thánh Gioan Thánh Giá: Mục đích của Thiên Chúa là muốn làm cho linh hồn bạn nên vĩ đại. Các bí tích đều có ý hướng như thế. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần ước muốn dùng cuộc hôn nhân của bạn để chia sẻ ân sủng vô hình và sự thánh thiện bên trong cho linh hồn bạn. Đó là sự hoạt động của một bí tích.
Bạn nghĩ xem bạn đã thường nghe như thế nào, người ta nói li dị như là một cái chết. Bởi hôn nhân không giống như mọi mối quan hệ khác. Nó không chỉ là một cuộc sống chung; cũng không phải là một hợp đồng, một thỏa ước. Hôn nhân cung cấp cho ta một cái gì sâu xa hơn và mầu nhiệm hơn nhiều: đó là vì nó là huyền nhiệm bí tích.
R và M. lấy nhau và cùng phục vụ trong môi trường giáo dục được vài mươi năm. Hai vợ chồng được mọi người quí mến bởi khả năng giảng dạy và lãnh đạo tuyệt vời của họ. R. trở thành chủ tịch của một trường cao đẳng và phục vụ trong nhiệm vụ ấy hơn hai mươi năm. Anh và M. có nhiều bạn hữu khắp nơi trên thế giới và nhiều người phải ganh tị khi thấy đôi bạn này sống say mê và có lí tưởng cuộc đời và niềm tin của họ.
Khi hai người đến độ tuổi ngũ tuần, một ngày nọ, trong khi kể chuyện về một sự kiện ở Florida, M. kể lặp lại lần nữa cùng một câu chuyện chỉ trong vòng sau đó có 5 phút. R. nhận thấy hơi kì lạ. Xưa nay chưa hề có chuyện ấy. M. chỉ mới có 55 tuổi thôi.
Việc lặp đi lặp lại trong khi M. phát biểu giữa công chúng bắt đầu thấy xảy ra thường xuyên hơn, nhưng chưa đến mức làm R. quá lo lắng. Mãi đến ba năm sau, khi M. bị đau và đi khám tim ở bệnh viện, bác sĩ mới báo tin chấn động: cô ta mắc bệnh Alzheimer. Và như thế có nghĩa là sẽ bắt đầu một quá trình M. từ từ bị tổn thất và hao mòn dần sự tinh anh sắc sảo cùng những tài năng đặc biệt của cô.
Tuy nhiên, cô vẫn còn nhận việc nói chuyện với công chúng và tham gia giảng dạy. Cô vẫn có những lúc, trong một vài khung cảnh nào đó, nói lặp sự kiện, rồi quên (không biết) mình đang ở đâu trong những lúc khác, và nói không mạch lạc trước mặt mọi người, về nhà cô cảm thấy kiệt quệ, buồn tủi vì đã không còn làm tốt được như xưa nữa. Bệnh Alzheimer ngày càng phát trầm trọng hơn, từ từ như dòng băng giá tan chảy lẻn dần vào trí óc và linh hồn cô.
Chẳng bao lâu R. cảm thấy sợ để mặc M. ở một mình, nên từ đó họ đi đâu cũng có nhau. Bất cứ ở đâu họ đến, nếu anh chỉ rời mắt khỏi nàng chỉ một chốc lát cô liền đi lạc. M. đang vuột khỏi tay anh, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Người làm giúp việc nhà cũng rời bỏ càng khiến nhiệm vụ chăm sóc M. thêm nặng nề.
R. lúc nào cũng phải đi bên cạnh nàng, chẳng bao lâu làm anh quá tải. Một lần hai người đi Atlanta, chuyến bay bị hoãn lại hai tiếng đồng hồ. Trong khi đợi ở phi trường, M. cứ hỏi đi hỏi lại một chuyện gì đó. Cứ khoảng mỗi 5 phút M. lại rảo bước đi loanh quanh không mục đích dọc ngang sân ga phi trường mênh mông. R. phải hối hả đi theo mới bắt kịp nàng. Một lần sau vô số những cuộc đi bộ rượt đuổi bở hơi tai như thế, một chị nhân viên ngồi ở băng ghế đối diện mới thốt lên với một người bạn, “giá mà tôi cũng sẽ gặp được một người đàn ông yêu thương tôi như thế!”.
Rốt cuộc sự căng thẳng đến mức giới hạn của nó. R. phải xin từ nhiệm chức chủ tịch hội đồng trường cao đẳng đang lúc rất thịnh phát. Ban quản trị trường rất ngạc nhiên trước quyết định từ bỏ vị trí lãnh đạo ấy của anh. Họ sẵn sàng trả chi phí chăm sóc M. toàn thời gian để cho R. có thể tiếp tục công việc của anh. Bạn bè khuyên R. chỉ cần đưa vợ vào nhà an dưỡng để anh có thể “rảnh tay tiếp tục” nhiệm vụ.
R. bình thản nhưng kiên quyết từ chối ý kiến đề nghị của ban quản trị. Anh nhẹ nhàng nhắc lại lời thề hứa của anh trước mặt Chúa bốn mươi hai năm trước:Khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng M. mọi ngày suốt đời anh.
Thế là anh từ nhiệm và chăm sóc M., người bạn đời thiêng liêng của anh, toàn thời gian. Trong bức thư xin từ nhiệm anh viết: “Có nghĩa vụ, có công bằng, chính trực, nhưng ở đây còn có điều gì lớn lao hơn nữa, đó là tôi yêu M. Cô ấy là niềm vui của tôi… Tôi không buộc phải, nhưng tôi được cơ hội chăm sóc cô ấy! Một vinh dự lớn để được chăm sóc một con người tuyệt vời như thế”.
Năm tháng trôi qua, bệnh Alzheimer lần hồi khóa chặt dần con người của M., thì cũng đồng thời khép từng phần con người của R. lại. Sau cùng, M. không còn nhận biết được R. là ai nữa. Nhưng thật trớ trêu, bệnh tình M. càng xấu đi, R. càng yêu thương nàng sâu sắc hơn, dòng yêu thương thấm rỉ ra từ mọi ngóc ngách linh hồn anh.
Vâng, quả thật anh có mất kiên nhẫn. Vâng, quả là anh thấy cô đơn. Vâng, quả là anh có cảm thấy thất vọng. Thế nhưng, còn có cái gì đó mạnh mẽ hơn, sâu thẳm, lớn lao hơn chống đỡ anh.
Anh tựa nương vào gia đình và bạn bè. Anh cậy dựa vào những kỉ niệm đẹp, bình yên mà anh và M. đã xây dựng bao năm qua. Nhất là anh kín múc giải khát được từ nguồn tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa.
Sau một đời yêu mến và phụng sự Chúa, R. học biết ca tụng Ngài trong cả những ngày đen tối nhất và không còn hi vọng gì. Lời ca tụng đã đem lại bình an khuây khỏa cho linh hồn mệt mỏi nặng nề của anh.
Như thế đó, dẫu không còn giao tiếp bình thường được nữa, sau hai mươi lăm năm M. trôi tuột dần cho đến ngày qua đời ở tuổi tám mươi mốt, R. vẫn ở đó bên cạnh vợ. Lòng thương yêu vợ của anh được tình yêu Chúa ấp ủ hai người, nuôi dưỡng.
Dĩ nhiên, rất nhiều người không hiểu được ý nghĩa của bí quyết của nhiệm tích này. Một nghiên cứu thực tế đã cho ta thấy rằng khi rơi vào tình cảnh bệnh nan y, bảy trên mười cặp tan vỡ. Căng thẳng làm người ta quá sức chịu đựng. Đáng tiếc thay, thường là người chồng lìa bỏ chính vào cái lúc người bạn đời cần ông nhất. Trong phần nhiều hoàn cảnh đó, người chồng bỏ rơi vợ vì ông nhận hiểu hôn nhân một cách sai lầm ích kỉ. Hôn nhân, theo ông, là cái gì đó chỉ liên hệ đến ông và như ông mong muốn, hơn là một huyền nhiệm của bí tích.
Các bạn tránh bi kịch ấy như thế nào? Bằng cách hãy ôm lấy huyền nhiệm bí tích hơn là chùn bước trước gian nan. R. hiểu rằng anh giúp M. lên trời bằng việc yêu thương nàng và giúp nàng hoàn tất cuộc hành trình trần gian tốt nhất. Anh cũng khám phá ra rằng phục vụ M. đau bệnh như thế là làm cho anh thành con người tốt hơn. Linh hồn anh dần lớn lao lên khi mỗi ngày qua đi. Khi phục vụ nàng, R. tìm thấy được cơ hội để triển nở nên dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, và quảng đại hơn. Phát triển như thế cho anh kinh nghiệm yêu mến trong cuộc đời này và tình yêu Thiên Chúa ở một mức độ anh chưa bao giờ khám phá được bằng cách nào khác.
Có dễ làm như thế không? Hẳn là không. Điều đó có đáng cho ta tìm kiếm không? Chắc chắn như thế rồi. Khi tình yêu trở nên sâu sắc và nở hoa tươi thắm, nó tuyệt đẹp để cho người ta ngắm nhìn tán thưởng.
Khi một cặp vợ chồng thực sự khám phá rằng họ đang sống một huyền nhiệm bí tích, thì sự khám phá đó sẽ biến đổi mối quan hệ của họ. Họ bước ngay vào một mức độ mới mẻ, sâu xa hơn, phong phú hơn. Thiên Chúa đang hoạt động trong họ và qua họ. Họ không chỉ là đối tác phối ngẫu của nhau; họ còn là đối tác của Thiên Chúa nữa.
R. và M. đã ôm lấy huyền nhiệm bí tích không chỉ vào ngày cưới, nhưng mỗi ngày trong cuộc hôn nhân của họ như Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi lời thề hứa của họ.
Khi tôi nghe câu chuyện thật ý nghĩa này, tôi nhận ra rằng không phải ai cũng sống câu ngạn ngữ “Nếu bạn cảm thấy điều ấy tốt đẹp, hãy làm đi”. Đơn giản là có cái gì đó còn đẹp hơn là việc bạn có cả khối tri thức phức tạp. Trong cuộc sống có một số việc gì đó còn quan trọng hơn làm được những gì bạn muốn và chỉ biết tìm vui thú.
Trong tất cả, yêu thương là từ ngữ đẹp nhất. Không phải bất cứ loại tình yêu nào, nhưng là tình yêu nhân hậu, tình yêu biết hi sinh, cho đi, xem người bạn trọng hơn mình, như Chúa Giêsu đã yêu và vẫn còn yêu thương chúng ta. Tình yêu hóa thân trên thập giá, tình yêu tự hiến.
Trong một thế giới điên cuồng đi tìm thực hiện chính bản thân, Thiên Chúa cho ta thấy còn có cái gì hơn nữa.
Nhưng tôi sẽ cho bạn thấy một cách thức tuyệt diệu hơn.
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức mến không bao giờ mất được….
Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cr 12,31tt).
Đức mến chính là tình yêu thương quảng đại biết hi sinh. Tình yêu triển nở, chín muồi theo thời gian. Tình yêu của con người phản ánh tình yêu sống động của Thiên Chúa trong các mối quan hệ. Đó là huyền nhiệm bí tích, hay bí quyết của nhiệm tích.
Xem thêm:
Có thể bạn quan tâm
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12