CÁC BÀI SUY NIỆM THÁNH LỄ TIỆC LY – NĂM B
(Ga 13, 1–15)
Mục lục:
Yêu thương cho đến cùng – Suy niệm lễ Tiệc Ly – TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Thánh Thể – Thiên Chức Linh Mục – Giới Luật Yêu Thương – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy niệm thứ Năm Tuần Thánh – Lm. Anthony Trung Thành
Sự vô cảm đến nhẫn tâm của con người – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thánh lễ Tiệc Ly, Bữa Tiệc có một không hai– Lm. Giuse Phạm Văn Quang
—————————————————————–
1. Yêu thương cho đến cùng – Suy niệm lễ Tiệc Ly – TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Tin mừng theo thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại tường thuật việc Chúa rửa chân. Điều đó cho thấy việc rửa chân có một tầm vóc rất quan trọng. Theo thánh Gioan việc rửa chân nói lên tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ, ta có thể thấy có 3 cuộc thanh tẩy.
Thanh tẩy thể lý. Rửa chân là việc mỗi người phải làm hằng ngày. Bàn chân là vị trí thấp nhất trong cơ thể nên dễ bị nhiễm bẩn và vì thế cần được rửa ráy nhiều nhất. Nhưng cũng vì thế mà rửa chân là công việc tầm thường nhất, đây là công việc của người đầy tớ. Hôm nay Chúa Giêsu tự nguyện đảm nhiệm công việc của đầy tớ. Chúa bắt đầu bằng cởi áo choàng. Áo choàng tượng trưng cho địa vị cao cả, cho phẩm giá con người. Khi cởi áo choàng, Chúa cởi bỏ địa vị làm Chủ, làm Thầy, làm Chúa để làm đầy tớ cho các môn đệ. Chúa lấy khăn thắt lưng. Thắt lưng là thái độ của người lao động, buộc áo cho gọn gàng để việc phục vụ nhanh nhẹn hữu hiệu hơn. Chúa bưng chậu nước. Đây là thái độ của người đầy tớ phục vụ. Và đến rửa chân cho từng môn đệ. Rửa chân nói lên cử chỉ chăm sóc yêu thương. Vì yêu thương nên khiêm nhường hạ mình chăm sóc phần thấp hèn nhất của cơ thể.
Tuy việc rửa chân có ý nghĩa yêu thương phục vụ, nhưng với Chúa Giêsu và trong bữa Tiệc Ly, việc rửa chân còn mang ý nghĩa cao sâu hơn vì nhằm thanh tẩy tâm hồn.
Thanh tẩy tâm hồn. Khi nói với Phêrô: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu”, Chúa Giêsu có ý nói đến việc thanh tẩy tâm hồn các tông đồ khi rửa chân cho các ngài. Bữa Tiệc ly là bữa tiệc Vượt Qua mới. Để tham dự bữa tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái buộc phải tẩy rửa thân xác cho thanh sạch, dù trong tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái chỉ tưởng niệm một biến cố đã qua và ăn thịt con chiên một tuổi vô tì tích. Vì thế khi tham dự tiệc Vượt Qua mới, ta càng cần thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch vì ta được gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể và được lãnh nhận Con Chiên Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, vô cùng tinh tuyền.
Nhưng đi xa hơn nữa, Chúa còn muốn qua cuộc rửa chân này, thanh tẩy toàn diện cuộc đời các tông đồ.
Thanh tẩy cuộc sống. Bữa Tiệc Ly tiên báo cái chết của Chúa. Phép Thánh Thể là lễ hi sinh trên thánh giá. Việc cởi áo tiên báo Chúa Giêsu sẽ bị lột áo. Việc thắt lưng tiên báo Chúa bị bắt và bị giết. Nước rửa tiên báo nước và máu từ cạnh sườn Chúa đổ xuống. Thật vậy chẳng có nước nào thanh tẩy được con người nếu không phải là nước và máu tuôn ra từ Trái Tim của Chúa. Cái chết của Chúa chính là phép rửa mà Chúa đã nói trước : “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đên khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 50). Như thế, Chúa Giêsu dùng chính cái chết của mình để rửa chân cho các tông đồ, để thanh tẩy các tông đồ và để biến đổi đời sống của các ông. Đây quả là một tình yêu cho đến tận cùng, yêu thương nên phục vụ đến hiến cả mạng sống.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi các ông : Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Để rửa chân, phải quì xuống. Thế giới hôm nay tràn đầy sự kiêu hãnh, hợm mình và muốn chèn ép người khác để nâng mình lên. Người môn đệ hãy noi gương Chúa từ bỏ chính mình, tự hạ mình, quì gối khiêm nhường phục vụ. Để rửa chân, phải cởi bỏ áo ngoài. Thế giới hôm nay muốn tô điểm mình bằng đủ mọi thứ hình thức vỏ bọc bên ngoài. Người môn đệ phải theo gương Chúa cởi bỏ áo choàng, cởi bỏ hết những gì giả tạo bên ngoài, khiêm nhường sống với con người thực của mình. Để rửa chân phải lấy khăn thắt lưng. Thế giới hôm nay thường muốn trói buộc người khác và tự buông thả chính mình. Người môn đệ Chúa hãy biết thắt lưng, tự chế bản thân. Để chân sạch, phải lau sau khi rửa. Thế giới hôm nay thường đổ lỗi cho người khác. Người môn đệ hãy biết noi gương Chúa, lau sạch lỗi lầm của anh em, nhận lấy lỗi lầm của anh em và đeo vào thắt lưng, đảm nhận những yếu đuối của anh em.
Khi rửa chân, Chúa nói với thánh Phê rô : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Lời này làm ta nhớ lại khi hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên tả và bên hữu, Chúa đã hỏi: “Các con có thể uống chén ta sắp uống và chịu phép rửa ta sắp chịu không?” (Mc 10, 38). Hôm nay Chúa muốn rửa chân cho các tông đồ để các ngài được “chung phần với Chúa”. Chung phần cao nhất là cùng uống chén Chúa sắp uống và chịu phép rửa Chúa sắp chịu nghĩa là cùng chết với Chúa, chết cho con người tội lỗi, chết cho đời sống xác thịt, chết cho trần gian, để sống một đời sống mới của con người mới thánh thiện, theo thần khí trong cuộc sống cho Nước Trời.
Chung phần như thế là một vinh dự lớn lao. Chung phần như thế là được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ thế giới.
—————————————————————————–
2. Thánh Thể – Thiên Chức Linh Mục – Giới Luật Yêu Thương – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự hiện diện thực sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.
Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. “Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại ; chính Người giải thoát và cứu độ ta” ( Ca nhập lễ ).
“Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Tất cả chẳng phải là Kỷ Vật Tình Yêu Thiên Chúa để lại cho chúng ta đó hay sao?
“Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Người đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.
Chưa hết, thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa yêu thương và tín nhiệm con người, trao cho con người tiếp tục việc làm yêu thương ấy. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm: Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục – không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II). Hai điều đó liên kết chặt chẽ với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh. Trở nên một, chúng ta không còn tách biệt được nữa.
Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh em. Mỗi lần chúng ta tham dự Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thưa “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).
Tình yêu là kỷ vật cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.
Thánh Thể là Kỷ Vật tuyệt đỉnh của tình yêu, một ơn cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.
Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.
——————————————————————-
3. Suy niệm thứ Năm Tuần Thánh – Lm. Anthony Trung Thành
Chiều hôm nay là buổi chiều của tình yêu. Tình yêu của một vị Thiên Chúa đối với nhân loại. Đây là một tình yêu cao cả, một tình yêu tròn đầy. tình yêu đó được thể hiện qua ba việc làm của Đức Giêsu: Rửa chân, lập phép Thánh Thể và chức linh mục. Cả ba việc làm này đều hết sức quan trọng và liên hệ mật thiết với nhau: Linh mục là Đức Kitô thứ hai, Thánh Thể là Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô và rửa chân là sứ mạng của Đức Giêsu và cũng chính là sứ mạng của linh mục.
Vì linh mục (Đức Kitô thứ hai) là người cử hành thánh lễ làm nên Thánh Thể và tiếp tục sứ mạng “rửa chân” như lời Đức Giêsu đã truyền. Chính vì thế, buổi chiều hôm nay chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh mục.
Trước hết, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều linh mục: Theo Niên giám thống kê của Giáo Hội năm 2015, có 5.304 giám mục, 415.656 linh mục. Trên toàn cầu, con số linh mục chịu chức đã tăng 0,83% trong các năm từ 2010 đến 2015. Tuy nhiên, hơn một nửa các cộng đồng của Giáo hội Công Giáo trên thế giới không có linh mục trú sở. Giáo phận Xingú ở vùng Pará, Ba Tây, chẳng hạn, có 800 giáo xứ trong một khu vực truyền giáo xét về lãnh thổ lớn bằng nước Đức, nhưng chỉ có 27 linh mục, điều này có nghĩa hơn 2 phần 3 tín hữu chỉ được tham dự thánh lễ Chúa Nhật 2 hoặc 3 lần trong một năm. Chính vì thế, chúng ta cầu nguyện cho có thêm nhiều linh mục để đáp ứng nhu cầu của các tín hữu.
Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục trở thành những linh mục như lòng Chúa mong muốn. Đó là cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng mà Chúa và Giáo hội trao phó. Linh mục có ba sứ mạng chính: Sứ mạng Ngôn sứ, sứ mạng tư tế và sứ mạng mục tử.
Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng Ngôn sứ: Trong ngày truyền chức, Đức Giám Mục nhắn nhủ các tiến chức rằng: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và sống điều con dạy.” Vì vậy, việc đọc, suy niệm, giảng dạy và sống lời Chúa phải là bổn phận hàng đầu của linh mục. Linh mục phải rao giảng lời Chúa với tinh thần trách nhiệm. Linh mục phải rao giảng lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Thánh Phaolô đã nói: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”. Linh mục rao giảng lời Chúa trong nhà thờ, rao giảng lời Chúa nơi các lớp giáo lý, rao giảng lời Chúa khắp mọi nơi khi cần thiết. Linh mục rao giảng lời Chúa cho những người có đạo, rao giảng lời Chúa cho những người lương dân, rao giảng lời Chúa cho những người chống đối, rao giảng lời Chúa cả những khi bị cấm cách, bắt bớ. Chính các Tông đồ ngày xưa đã làm như vậy: Trước thượng hồi đồng Do Thái cấm không cho các Tông đồ rao giảng về danh Đức Giêsu nữa, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã nói: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”. Vì sứ mạng Ngôn sứ, nên nhiều linh mục vẫn can đảm nói thẳng nói thật để lên án những bất công trong xã hội, bênh vực cho công lý và sự thật cho dù phải chịu bách hại, bắt bớ, thậm chí có khi nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng tư tế: Tất cả các Kitô hữu là tư tế cộng đồng, còn các linh mục là tư tế thừa tác của Đức Kitô. Linh mục thi hành Chức tư tế qua việc cử hành các màu nhiệm thánh. Đó là cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ các Bí tích. Các Bí tích là máng chuyển thông ơn Thiên Chúa. Ơn Thiên Chúa qua Bí tích bị khóa lại, chỉ có linh mục mới có thể mở ra được. Vì thế, Thánh Gioan Viannay khẳng định rằng: “Nếu không có linh mục, thì sự thương khó và sự chết của Chúa không giúp gì cho ta.” Ngài nói: “Nếu trong rương có đầy vàng mà không có ai mở ra, nào có ích gì? Nếu không có linh mục, sẽ không có Bí tích giải tội, không có Mình Thánh Chúa… Ai là nguyên cớ để bánh trở nên Mình Thánh Chúa? Ai thanh tẩy tâm hồn ta? Ai dọn linh hồn người chết ra đi thanh thản… nếu không phải là linh mục?”
Linh mục cần thiết như thế đó. Linh mục cần cho linh mục. Linh mục cần cho mọi người. Nhờ linh mục, ơn thánh qua các Bí tích tuôn chảy đến với con người. Vì vậy, chúng ta cầu xin cho các linh mục thi hành tốt nhiệm vụ tư tế, để các Bí tích mang lại hiệu quả dồi dào cho mỗi người chúng ta. Đồng thời, mỗi chúng ta cũng cần sống đầy đủ ý nghĩa của các Bí tích, bằng cách: Chuẩn bị xa, dọn mình gần và còn kéo dài ơn Bí tích sau khi lãnh nhận.
Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng mục tử: Linh mục luôn được gọi là người của đoàn chiên. Được xức dầu Thánh Thần, như Đức Kitô là Đầu và là mục tử, linh mục được sai đến với mọi người trong tư cách là mục tử tốt lành của đoàn chiên. Vì thế, noi gương Đức Kitô – Thủ lãnh các mục tử, linh mục có trách nhiệm yêu thương gắn bó, lo lắng, tận tuỵ và hy sinh vì đoàn chiên. Linh mục đến là để chiên được sống và sống dồi dào. Đoàn chiên này bao gồm cả những tín hữu lẫn những người chưa gia nhập Hội Thánh. Vì vậy, linh mục luôn cần có Đức Ái mục vụ. Với Đức Ái mục vụ, linh mục diễn tả hành vi và phong cách của Đức Kitô mục tử đến chỗ tận hiến mình để mưu ích cho đoàn chiên. Thái độ căn bản của người mục tử là luôn tin tưởng vào sứ mạng của mình: Làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Sứ mạng này được thực hiện trong hy sinh thập giá và chắc chắn sẽ kết trái trong vinh quang phục sinh. Có tin tưởng vào sứ mạng, linh mục mới phấn khởi thi hành tác vụ tôi tớ và mới dám liều mạng sống mình vì Chúa và vì đoàn chiên.
Mặc dù linh mục được lãnh nhận những sứ mạng cao cả như vậy, nhưng linh mục cũng là con người với những yếu đuối của họ. Nói theo kiểu Thánh Phaolô, những sứ mạng cao cả ấy lại chứa đựng trong một chiếc bình sành dễ vỡ là thân xác linh mục. Chính vì vậy, ngoài việc cố gắng nỗ lực của bản thân, linh mục cần lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của mọi thành phần dân Chúa. Cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng của mình. Cầu nguyện cho các linh mục thực sự là những linh mục thánh thiện. Chân phước linh mục Antone Chevrier (Pháp) đã nói:
– Xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới.
Người ta ngạc nhiên bèn hỏi:
– Thưa Cha, ngôi thánh đường nào vậy?
Ngài nói tiếp:
– Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những linh mục thánh thiện.
Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc!
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập chức linh mục để ở lại với chúng con. Xin cho các linh mục biết chu toàn các sứ mạng của mình, trở thành những linh mục thánh thiện, hầu mưu ích cho dân Chúa. Amen!
—————————————————————-
4. Sự vô cảm đến nhẫn tâm của con người – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Trong sứ điệp mùa chay 2015, Đức Thánh Cha Fancis cảnh báo về lối sống đang diễn ra trong xã hội và thế giới hôm nay. Đó là lối sống dửng dưng vô cảm, thiếu quan tâm đến người khác. Ngài nhắc lại câu chuyện Cain và Abel trong Cựu Ước. Cain vì ghen tỵ, nghĩ là Thiên Chúa thương Abel hơn mình, nên đã tìm cách thủ tiêu Abel. Sau khi gây ra điều ác, Cain lẩn trốn Thiên Chúa, nhưng ánh mắt của Thiên Chúa vẫn dõi theo anh. Chúa hỏi anh: Cain ơi! Em ngươi đâu? Cain đã trả lời hết sức nhẫn tâm: Tôi không biết! Tôi không phải là người canh giữ em tôi!
Đức Thánh Cha cho thấy sự vô tâm, vô cảm đang ảnh hưởng trên nhiều cá nhân. Hơn nữa, nó còn mang tầm mức xã hội, quốc gia và thế giới. Nó thể hiện qua việc con người chỉ lo tìm kiếm phần lợi về cho mình mà không quan tâm đến hậu quả mình gây ra hoặc những điều đang xảy ra cho anh em. Lý do là vì khi con người cảm thấy an toàn, thoải mái trong sự hưởng thụ của mình, thì người ta quên những vấn đề của người khác cùng những đau khổ, bất công mà họ phải chịu… Những lúc ấy, con người rơi vào tình trạng dửng dưng.
Thái độ ích kỷ, dửng dưng trở nên hết sức nguy hiểm khi trở thành một lối sống trong xã hội. Ngày nay, con người tỏ ra dửng dưng với các sự kiện đang xảy ra, coi thường chân lý và sự thật, không lên tiếng phản đối những bất công để bảo vệ công lý. Từ dửng dưng với tha nhân sẽ dẫn đến dửng dưng với Thiên Chúa.
Bài thương khó hôm nay cho thấy tình yêu hy sinh đến cùng của Thiên Chúa. Vì yêu con người, muốn cho con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã chấp nhận một cuộc hành hình đau đớn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thánh giá. Cũng qua bài thương khó này, tác giả còn cho thấy sự dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo đã cố tình áp đặt trên một người công chính.
Trước hết là sự dửng dưng, vô cảm của các môn đệ. Các ông là những người gần Chúa Giêsu nhất, đáng lẽ các ông phải là người hiểu và cảm thông với Chúa hơn mọi người. Thực tế thì ngược lại, các ông chỉ quan tâm đến bản thân, mà không hề đồng cảm với Chúa Giêsu khi Ngài phải đối diện với cuộc thương khó. Trong lúc Chúa đau khổ đến nỗi có thể chết được, thì các tông đồ vẫn còn say trong giấc ngủ, mắt các ông còn mơ màng. Khi Giuda dẫn người Do Thái đến bắt Chúa, Chúa Giêsu hết sức bênh vực cho các tông đồ, Ngài còn đề nghị với chúng: Các anh bắt tôi thì cứ bắt, nhưng hãy để cho những người này đi. Còn các tông đồ như vừa giật mình thức giấc, các ông phản ứng một cách yếu ớt. Cuối cùng, tất cả đều bỏ trốn, mặc cho Chúa Giêsu một mình bị quân dữ bắt trói và lôi đi.
Sự vô tâm của Giuda đã dẫn đến sự nhẫn tâm, tàn ác khi anh ta vì chút ít tiền, đã chấp nhận làm môi giới để quân lính bắt thầy mình, đẩy thầy vào con đường chết. Biết trước thầy sẽ bị bắt, nhưng anh vẫn thản nhiên bước đến chào và hôn thầy. Cái hôn này không còn là dấu chỉ biểu lộ tình yêu thương nồng ấm, nhưng đã trở thành cái hôn lạnh lùng, thành dấu chỉ của sự phản bội. Việc làm này của Giuda đã góp phần làm tổn thương Chúa Giêsu, làm cho đau khổ của Ngài không chỉ là nỗi đau thể xác, mà còn là nỗi đau thấu trong tâm hồn khi bị phản bội bởi chính người mình yêu quý.
Thứ đến là sự dửng dưng, vô cảm của những người lãnh đạo Do Thái. Thánh Gioan cho thấy, những người lãnh đạo chỉ muốn tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình là loại trừ Chúa Giêsu. Vì thế, họ đã bất chấp công lý, từ chối sự thật. Họ biết rõ Chúa Giêsu không làm gì sai trái. Họ muốn giết Chúa chỉ vì Ngài đã lên tiếng bênh vực chân lý, chỉ ra những sai trái của họ, khiến họ cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, các thượng tế và luật sĩ đã coi mình như những người nắm giữ giáo lý, sở hữu chân lý. Vì thế, họ không chấp nhận một người nào khác nói về Thiên Chúa. Vậy nên khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài nói về một Thiên Chúa là cha yêu thương, là Thiên Chúa nhân từ, thì các thương tế và luật sĩ đã tìm cách loại trừ Chúa. Họ thản nhiên tuyên bố: Nó phải chết!
Từ các thượng tế và luật sĩ, sự dửng dưng vô cảm đã lan truyền đến dân chúng. Trong số những người đứng biểu tình, la hét trước dinh Philatô đòi giết Chúa Giêsu, có nhiều người đã từng biết Chúa Giêsu, nghe Ngài giảng dạy. Thậm chí, nhiều kẻ đã từng được ăn bánh hoặc được hưởng phép lạ Chúa làm cho họ. Thế nhưng, trước dinh Philatô, họ thản nhiên kêu gào: Giết đi! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá! Sự dửng dưng, vô cảm của đám đông dân chúng đã trở thành nhẫn tâm, thành dã man khi họ quyết tâm loại trừ người công chính là Chúa Giêsu để chấp nhận kẻ gian ác là Baraba. Họ chấp nhận từ chối Thiên Chúa để làm nô lệ cho đế quốc khi họ kêu gào: Chúng tôi chỉ có một vua là Cesare! Cuối cùng, họ hồ hởi đi theo để xem một con người chịu đau khổ, bị hành hạ và bị kết án tử hình giống như thể mình là những người vô can. Trong đám đông dân chúng, có kẻ còn buông những lời độc địa, mỉa mai Đấng đã từng làm ơn cho mình.
Con người thường tỏ ra dửng dưng, vô cảm và đối xử nhẫn tâm với nhau, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế. Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người và những đau khổ của họ. Thiên Chúa đã nhìn thấy con người đang phải đau khổ trong tội và bị kìm hãm, trói buộc bởi ma quỷ. Ngài đã tìm đến với con người, xoa dịu những đau khổ thể xác, chữa trị những vết thương trong tâm hồn và giành lại tự do, hạnh phúc cho con người.
Mặc dù chịu một bản án bất công và dã man nhưng Ngài không một lời than trách. Ngài vẫn tạo những cơ hội giúp con người nhìn lại đời sống và hành động của mình. Ngài đã đặt cho các tông đồ câu hỏi để giúp các ông thức tỉnh: Đến giờ này mà anh em còn ngủ được sao? Ngài cũng hỏi Giuda: Ngươi định dùng cái hôn để nộp con người sao? Trong lúc các môn đệ bỏ trốn hết vì sợ, Chúa Giêsu vẫn nhớ đến các ông và tin tưởng ở các ông. Ngài đã trả lời cho thầy thượng tế rằng: Điều tôi đã nói, ông cứ hỏi những người đã nghe tôi. Họ biết tôi đã nói gì.
Trên cây thập giá, khi bị treo cùng với hai tên trộm, Chúa Giêsu vẫn quan tâm tới lời cầu xin của tên trộm lành: Khi nào về Nước Trời, xin nhớ đến tôi! Chúa Giêsu đã hứa với anh: Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi. Ngài quan tâm đến những tên lính, vì mệnh lệnh mà hành khổ Ngài, bằng lời cầu xin: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết! Trong giờ phút đau khổ nhất, Chúa Giêsu còn quan tâm đến Mẹ Maria và các môn đệ khi trao phó Mẹ cho Thánh Gioan: Đây là con của Bà và đây là Mẹ con!
Nghe bài thương khó của chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người, chỉ có con người thường dửng dưng, vô cảm với nhau và dửng dưng, vô cảm với Thiên Chúa. Sự dửng dưng, vô cảm ấy bắt đầu từ lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, đến lợi ích cá nhân mà bỏ quên người bên cạnh. Lối sống này cũng đang diễn ra ngay trong các gia đình, khi các thành viên chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến những người khác. Có nhiều người cha, người mẹ hoặc con cái bị bỏ quên trong gia đình, bị gạt ra khỏi sự quan tâm, chăm sóc, có khi còn lạnh lùng gây đau khổ cho nhau. Trong xã hội, nhiều người đã cố tình làm ngơ trước sự dữ và ác độc. Nhiều người đã cộng tác với những bất công mà loại trừ những anh chị em đau khổ.
Nguyên nhân sâu xa của lối sống dửng dưng này là vì con người dửng dưng với Thiên Chúa, nên họ cũng dửng dưng, vô cảm với anh em. Một khi con người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình thì chắc chắn sự dữ và sự ác sẽ đến trong tâm hồn. Một khi trái tim con người đóng kín trước lời mời gọi của Thiên Chúa thì cũng sẽ đóng kín trước những nhu cầu của anh chị em.
Cử hành cuộc thương khó của Chúa Giêsu hôm nay, xin Chúa biến đổi tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Xin cho mỗi người trở nên mềm lòng trước tình yêu của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta có một trái tim thật mềm để biết chạnh thương, rung động trước những đau khổ của anh em, và có một tâm hồn thật nhạy bén để biết quan tâm và cảm thông. Amen.
——————————————————————–
5. Thánh lễ Tiệc Ly, Bữa Tiệc có một không hai– Lm. Giuse Phạm Văn Quang
Mỗi Thánh Lễ là một Bữa Tiệc, mỗi Bữa Tiệc nhắc nhớ về Cuộc Vượt Qua: từ Cuộc Vượt Qua của dân Do thái năm xưa đến cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su; thì Thánh lễ hôm nay lại trở nên đặc biệt và ý nghĩa: Lễ Tiệc Ly, Lễ Rửa Chân, diễn ra thật tươm tất, ngoạn mục và ấn tượng:
Đặc biệt vì Giờ Bắt Đầu của Bữa Tiệc như thánh sử Gioan tường thuật: “Trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu đã biết rằng giờ của Người đã tới, để Ngài rời bỏ thế gian này mà về cùng Cha, Người đã yêu thương những người thuộc về mình còn ở trong thế gian, thì Người đã yêu thương họ đến cùng.”
Đặc biệt vì ‘giờ’ được nói ở đây không phải là giờ của sự chết như cách nghĩ bình dân, nhưng là: ‘giờ Người rời bỏ thế gian này mà về cùng Chúa Cha’. Giờ mà Chúa Giêsu sắp thực hiện một cuộc vượt qua, vượt qua thế gian này để về với Chúa Cha. Đặc biệt vì sự chuẩn bị và triệu tập hết sức tươm tất, ngoạn mục và ấn tượng của ông chủ tầm cỡ mang tên Giê-su.
Tươm tất đến độ: Ngài đã liên hệ phòng ăn, đã tìm mối lừa ngựa, và dặn các ông khi đến lấy chỉ cần bảo: Chúa có việc cần dùng, thế là xong. Tươm tất vì Ngài đã đặt Phòng Tiệc, Đồ Ăn Thức Uống. Khi thầy trò lên đường và đi tới thì mọi sự đã sẵn như Lời Người tiên báo. Quả như đã ứng nghiệm chính lời giáo huấn của mình, nay Ngài vẫn đang thực hiện: Muốn làm lớn phải trở nên người phục vụ, muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.
Hơn nữa, Bữa Tiệc mà Chúa Giê-su chuẩn bị có sự khác biệt vô cùng quan trọng, đó chính là một sự thay ngôi đổi chủ: tớ vinh dự lên ngồi vào vị trí của chủ, đang khi ông chủ lại khiêm tốn xuống đứng vào chỗ của tớ. Một bữa tiệc mà người đầy tớ lên ngồi chễm trệ trên bàn danh dự, còn ông chủ nhà lại lăng xăng đầu tắt mặt tối, đầu này xó nọ, với mục đích làm sao cho bữa tiệc tươm tất nhất và trang trọng nhất để phục vụ cho người đầy tớ của mình vừa được lên ngồi vào chỗ của ông chủ. Đây chính là hình ảnh một người mẹ đầu tắt mặt tối mỗi khi Nhà Có Khách…
Ngoạn mục vì Bữa Tiệc Chia Ly mà người Môn đệ Chúa yêu mô tả không hề có bóng dáng của lo lắng sợ hãi theo kiểu: Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22,44), nhưng là một tâm tình rất khác: Người đã yêu thương những người thuộc về mình còn ở trong thế gian, thì Người đã yêu thương họ đến cùng.’ Như thế, với Chúa Giêsu, giờ của cuộc vượt qua lại chính là giờ của yêu thương, yêu thương đến cùng. Trong giờ đó, cái chết không chỉ là phương tiện giúp Chúa Giêsu thực hiện cuộc vượt qua, mà cái chết còn là cơ hội giúp Người diễn tả cách rõ nét nhất tình yêu của mình dành cho các môn đệ.
Ấn tượng vì đến nay có lẽ chúng ta vẫn ngỡ ngàng, bởi chẳng ai dám nghĩ rằng: người Thầy – một vị Thiên Chúa làm người trọn vẹn đã cúi xuống rửa chân cho con người, để nêu gương và mời gọi: Vậy anh em cũng hãy RỬA CHÂN CHO NHAU, để được chung phần với Thầy. Hay nói cách khác: Rửa Chân Cho Nhau chính là cách tham dự vào Cuộc Vượt Qua, là điều kiện để được Chung Phần với Thầy, để được trao tặng tước hiệu hay tất cả quyền lợi “Thiên Chúa” cho con người: “một Thiên Chúa đã trở thành người phàm để người phàm trở thành Thiên Chúa”(I-rê-nê), một Thiên Chúa rửa chân cho con người sẽ luôn là điều khó hiểu, là khuôn mẫu không hề tát cạn.
Khi miên man từ Bữa Tiệc rất con người đến Bữa Tiệc mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị như chúng ta đã và đang phân tích, mỗi chúng ta hãy nghĩ xem, đã bao lần vợ chồng đã không chịu Rửa Chân cho nhau, con cái đã không Rửa Chân cho Cha Mẹ, hay vợ chồng đã không thực sự Rửa Chân (giáo dục) giáo dục con cái như lòng Chúa ước mong.
Mặc trong tâm tình như thế, khi nhìn ngắm Chúa Giêsu Quỳ gối rửa chân cho các môn đệ để diễn tả tình yêu đến cùng trong bầu khí thánh lễ đặc biệt chiều nay, với tư cách là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái, chúng ta cũng được mời gọi hãy: yêu thương nhiều hơn, yêu thương nhiều nữa, phục vụ nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn nữa, tha thứ nhiều hơn, tha thứ nhiều hơn nữa, ấy là chúng ta cũng đang chuẩn bị tươm tất và chu đáo cho Bữa Tiệc Vượt Qua, tiến về sự sống Vĩnh Cửu trong hân hoan và trần trề hy vọng. Amen!
Có thể bạn quan tâm
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11