Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

11294 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM B

WHĐ (11.04.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu vào Chúa nhật 3 Phục sinh năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 3 Phục sinh năm B:

Đức Phanxicô:

18.04.2021 – Nhìn, chạm và ăn

15.04.2018 – Tình yêu có sức mạnh Phục Sinh vượt thắng sự chết

19.04.2015 – Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống

Đức Bênêđictô XVI:

22.04.2012 – Gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể

26.04.2009 – Bí tích Thánh Thể nguồn mạch cho sự thánh thiện

Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19

Bài Ðọc II: 1Ga 2, 1-5a

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 18.04.2021 – Nhìn, chạm và ăn

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Nhật 3 Phục Sinh, chúng ta trở lại Giêrusalem, nơi Phòng Tiệc Ly, theo như lời của hai môn đệ Emmaus, những người đã bừng cháy khi nghe những lời của Chúa Giêsu trên đường đi và sau đó nhận ra Người “khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35). Giờ đây, nơi Phòng Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa các môn đệ và chào họ: “Bình an cho anh em!” (câu 36). Nhưng họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Sau đó, Chúa Giêsu chỉ cho họ những vết thương trên thân thể Người và nói: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem” (câu 39). Và để thuyết phục họ, Người hỏi họ thức ăn và ăn trước cái nhìn ngỡ ngàng của họ. (x. cc 41-42).

Ở đây có một chi tiết đặc biệt. Tin Mừng cho biết các Tông đồ “không tin vì mừng quá”. Đó thật là niềm vui đến nỗi họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên, kinh ngạc; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn bạn đến sự ngạc nhiên: nó vượt trên cả sự hăng hái, trên cả niềm vui, nó là một kinh nghiệm khác. Điều vui mừng này khiến họ nghĩ: không, đây không thể là sự thật!… Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Đoạn Tin Mừng này đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó, phản ánh đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta: nhìnchạm và ăn. Ba hành động này có thể mang lại niềm vui cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu đang sống.

“Hãy nhìn chân tay Thầy đây”, Chúa Giêsu nói. Nhìn, để ý, không chỉ là nhìn mà còn bao hàm cả ý hướng và ý muốn. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ giỏi nhìn bệnh nhân cẩn thận… Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt khỏi những khó khăn và đau khổ của người khác.

Động từ thứ hai là chạm. Bằng cách mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy Người không phải là ma, Chúa Giêsu chỉ cho họ và cho chúng ta rằng, mối quan hệ với Người và với anh em chúng ta không thể “ở khoảng cách xa”, không tồn tại một Kitô giáo xa cách, không tồn tại một Kitô giáo chỉ dừng lại ở cái nhìn. Tình yêu đòi hỏi sự gần gũi, tiếp xúc, chia sẻ cuộc sống. Người Samari nhân hậu không chỉ nhìn người nửa sống nửa chết trên đường: ông dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho người ấy, chạm đến người ấy và đặt người ấy lên lưng lừa và đưa về quán trọ. Và cũng vậy với chính Chúa Giêsu: yêu mến Người có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sự sống, một sự hiệp thông với Người.

Và sau đó, chúng ta đến với động từ thứ ba là ăn, động từ diễn tả rất rõ con người của chúng ta trong sự nghèo hèn tự nhiên nhất của nó, đó là nhu cầu của chúng ta để nuôi sống bản thân. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của lễ hội… Nhiều lần, các Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích sống động này; ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh, với các môn đệ của Người, đến nỗi bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu hiệu đặc trưng cho cộng đoàn Kitô hữu. Cùng nhau ăn chính thân mình của Đấng Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.

Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Người sống; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Người làm cho chúng ta vui mừng, đến độ không tin, và khiến chúng ta kinh ngạc, với sự ngạc nhiên mà chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa mới ban được, bởi vì Chúa Giêsu là một Người sống. Là Kitô hữu, không phải trước hết là một học thuyết hay một lý tưởng đạo đức, mà là một mối tương quan sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được Người nuôi dưỡng và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, chúng ta cũng nhìn, chạm và nuôi dưỡng người khác như anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân sủng này.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 15.04.2018 – Tình yêu có sức mạnh Phục Sinh vượt thắng sự chết

Anh chị em thân mến!

Trọng tâm của bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay là kinh nghiệm của Đấng Phục Sinh ở giữa các môn đệ. Điều ấy được đặc biệt nhấn mạnh khi Chúa Giêsu hiện đến với các tông đồ và chào các ông: Bình an cho anh em (Lc 24:36). Đó là lời chào của Chúa Kitô Phục Sinh, lời chào ban bình an: Bình an cho anh em! Đó là bình an nội tâm, đó là hòa bình được thiết lập trong mối tương quan giữa người với người. Trình thuật của thánh Luca kể một cách rõ ràng: Chúa Giêsu không phải là ma. Chúa hiện đến với các môn đệ, không phải theo kiểu là linh hồn của Chúa hiện về, không phải thế. Đó thực sự là Chúa Giêsu với thân thể phục sinh.

Chúa Giêsu nhận ra rằng, các Tông đồ đang rất bối rối khi nhìn thấy Chúa, bởi lẽ thực tại Phục Sinh là điều không thể tưởng tượng được đối với họ. Các môn đệ tưởng rằng mình đang thấy ma, nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là ma, vì Người có linh hồn và thân thể. Vì thế, Chúa lên tiếng thuyết phục các môn đệ: “Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ xem: ma đâu có xương có thịt như các con thấy Thầy có đây”. Và dường như điều ấy vẫn chưa đủ để thuyết phục các môn đệ. Tin Mừng tiếp tục kể về điều rất hấp dẫn. Đã biết bao lần có những niềm vui không thể tin nổi: Không, không thể nào, không thể như thế! Rất nhiều niềm vui dường như là không thể! Để thuyết phục các môn đệ, Chúa nói tiếp: “Anh em có gì ăn không?”. Họ đưa cho Chúa mẩu cá nướng, và Chúa ăn trước mặt họ.

Việc Chúa Giêsu khẳng định về thực tại Phục Sinh, đã làm sáng tỏ quan điểm của Kitô giáo về thân thể: thân thể không phải là trở ngại của linh hồn, thân thể cũng không phải là nhà tù của linh hồn. Thân thể được Thiên Chúa dựng nên và con người sẽ không thành toàn nếu không biết kết hợp giữa linh hồn và thân thể. Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết, đã sống lại trong một linh hồn và một thân thể, điều ấy giúp chúng ta hiểu được sự tích cực của thân thể. Thân thể có khi là cái cớ hoặc dụng cụ gây nên tội lỗi, nhưng tội lỗi không phải do thân thể, mà là do sự yếu đuối về đạo đức của chúng ta. Thân thể là ơn huệ tuyệt vời của Thiên Chúa, thân thể hiệp nhất với linh hồn giúp chúng ta thể hiện được hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta. Do đó chúng ta được mời gọi tôn trọng và chăm sóc thân thể của mình và của tha nhân.

Mọi hành vi phạm tội, gây thương tổn đối với thân thể người thân cận, đều xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Tôi đặc biệt nghĩ đến các trẻ em, phụ nữ, người cao niên bị đối xử ngược đãi về thân thể. Trong những thân thể chịu thương tổn ấy, chúng ta tìm thấy thân thể Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã bị đánh đòn, bị nhạo báng, bị vu khống, chịu nhục nhã, bị đóng đinh. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta tình yêu. Đó là tình yêu với sức mạnh phục sinh, một sức mạnh vượt qua tội lỗi và cái chết, một tình yêu chuộc lại tất cả chúng ta, cứu chúng ta khỏi cảnh nô lệ ngục tù.

Trong một thế giới có quá nhiều kẻ kiêu ngạo dùng quyền lực chống lại người yếu thế, trong một thế giới của chủ nghĩa duy vật bóp nghẹt tinh thần, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta có cái nhìn chiều sâu đầy ngạc nhiên và mừng vui. Có được điều ấy vì chúng ta đã gặp Đấng Phục Sinh, Đấng mời gọi chúng ta trở thành những con người có khả năng nhận ra và đánh giá sự mới mẻ của sức sống mà Ngài đã gieo vào dòng lịch sử, để dẫn đưa lịch sử đến trời mới đất mới.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria gìn giữ chúng ta trong hành trình này, với lời chuyển cầu mà chúng ta hằng phó thác nơi Mẹ.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 19.04.2015 – Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống

Anh chị em thân mến,

Trong các bài đọc Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay, ngôn từ “chứng nhân” được nhắc đi nhắc lại những hai lần. Lần đầu tiên, ngôn từ ấy phát xuất từ môi miệng của Phêrô: sau khi đã chữa lành người què tại cửa Đền thờ, ông đã lớn tiếng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Ngôn từ ấy xuất hiện lần thứ hai từ môi miệng của Đức Giêsu Phục Sinh: chiều tối ngày lễ Vượt Qua, Ngài đã mở lòng mở trí cho các môn đệ về mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của mình và Ngài nói với họ: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).

Các tông đồ, những người đã tận mắt nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh, chẳng thể nào câm nín về kinh nghiệm dị thường của họ. Đức Giêsu đã tự tỏ mình ra cho các tông đồ để rồi chân lý về sự sống lại của Ngài được tất cả mọi người lãnh hội thông qua chứng từ của các tông đồ. Và Giáo Hội có nghĩa vụ phải tiếp tục sứ mạng này: những ai đã chịu phép rửa đều được kêu gọi để làm chứng, bằng lời nói và đời sống, rằng Đức Giêsu đã sống lại, Ngài hằng sống và hiện diện giữa chúng ta.

Chúng ta có thể tự chất vấn mình: nhưng nhân chứng là ai? Nhân chứng là người đã chứng kiến nên đã hồi tưởng và thuật lại. Nhìn thấy, hồi tưởng và thuật lại là ba động từ diễn tả căn tính và sứ mạng của nhân chứng. Nhân chứng là người đã nhìn thấy bằng con mắt khách quan một thực tại, nhưng không phải với con mắt dửng dưng; nhân chứng đã nhìn thấy và dính líu đến biến cố. Vì thế, hồi tưởng lại, không phải chỉ bởi vì người ta tái thiết lại biến cố đã diễn ra một cách chính xác, nhưng bởi vì những biến cố này đã ngỏ lời với nhân chứng và người này lãnh hội biến cố ấy một cách sâu xa. Và rồi nhân chứng thuật lại, không phải với một cách thức lạnh lùng và xa cách, nhưng như thể một người để cho mình dính líu đến sự việc và từ ngày đó nhân chứng đã thay đổi  cuộc sống mình. Chứng nhân là người đã làm cho đời sống mình biến đổi.

Nội dung của chứng tá Kitô giáo không phải là một lý thuyết, một ý thức hệ hay một hệ thống phức tạp của giáo huấn và cấm đoán hay là chủ nghĩa duy đạo đức, nhưng như một sứ điệp của cứu độ, một sự kiện cụ thể, đúng hơn là một Con Người: là Đấng Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu chuộc hằng sống và duy nhất của tất cả mọi người. Ngài có thể được minh chứng bởi những ai đã có kinh nghiệm cá nhân với Ngài, trong cầu nguyện và qua Giáo Hội, ngang qua cuộc lữ hành được đặt nền nơi Bí tích Thánh Tẩy, từ sự nuôi dưỡng của Bí tích Thánh Thể, từ dấu ấn của Bí tích Thêm Sức, và sự hoán cải liên lỉ của họ nơi Bí tích Hòa giải. Để biết ơn cuộc lữ hành này, vốn luôn được Lời Chúa hướng dẫn, mỗi Kitô hữu có thể trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh.

Và chứng từ của họ sẽ càng khả tín hơn nếu nơi họ toát lên sắc nét lối sống của tin mừng là hoan hỷ, can đảm, ôn hòa, bình an, biết thương xót. Ngược lại nếu Kitô hữu để cho mình rơi vào sự tiện nghi, sự kiêu ngạo, hay tính vị kỷ và nếu họ trở nên câm điếc và mù lòa trước đòi buộc phải làm cho  biết bao nhiêu anh chị em khác được “sống lại”, thì làm sao Kitô hữu có thể loan truyền rằng Đức Giêsu hằng sống, Ngài có uy quyền giải thoát và lòng nhân hậu của Ngài đến vô ngần vô hạn được ?

Đức Maria từ mẫu, phù trợ chúng ta cùng với sự chuyển cầu của Mẹ, để rồi chúng ta có thể trở nên những nhân chứng cho Đấng Phục Sinh, cùng với những giới hạn của mình, và cả với ân huệ của đức tin, hầu mang lại cho mọi người chúng ta gặp gỡ những tặng phẩm của Phục Sinh là niềm vui và bình an.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 22.04.2012 – Gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật thứ ba mùa Phục Sinh, ngang qua Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với các tông đồ trong khi các ông còn chưa tin vào sự phục sinh và tâm lòng còn hoảng sợ và nghĩ rằng đã thấy một bóng ma. Tác giả Romano Guardini viết: “Thiên Chúa đã biến đổi, Người không còn như trước nữa. Sự hiện hữu của Ngài là điều không thể hiểu được bằng trí khôn nhưng là sự hiện hữu cụ thể ngang qua cuộc sống, cuộc thương khó và cái chết trên thập giá. Tất cả là thực. Cho dù có biến đổi, Ngài vẫn hiện diện cách hữu hình.” (Thiên Chúa. Suy niệm về con người và cuộc sống của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Milano 1949, 433). Vì sự phục sinh không xoá bỏ các dấu vết của cuộc thương khó, Chúa Giê-su cho các tồng đồ xem tay và chân của Người. Và để chứng minh cụ thể hơn, Người thậm chí xin chút gì đó để ăn. Các tông đồ “đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24, 42-43). Thánh Gregorio Magno chú giải rằng “cá nướng không diễn tả điều gì khác ngoài cuộc thương khó của Chúa Giê-su, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Người đã hạ mình xuống làm người, đã chấp nhận sự trói buộc của cái chết và như thể đã bị đặt trên lửa bởi những đau khổ phải chịu trong cuộc thương khó” (Hom. in Evang. XXIV, 5: CCL 141, Turnhout 1999, 201).

Những dấu vết hữu hình này đã xua tan đi những hoài nghi nơi các tông đồ và giúp các ông mở lòng đón nhận đức tin; chính niềm tin này giúp các ông hiểu những gì đã viết về Đức Ki-tô trong ” sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh” (Lc 24,44). Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta cũng đọc thấy rằng Chúa Giê-su “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân … kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (x.Lc 24, 45-48). Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và bí tính Thánh thể. Do đó, các môn đệ Emau đã nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh (x.Lc 24,35). Chúng ta cũng vậy, chúng ta gặp gỡ Người trong khi cử hành thánh lễ. Thánh Tô-ma A-qui-nô diễn giải rằng “cần nhận biết trong đức tin công giáo rằng toàn bộ con người Chúa Ki-tô hiện diện trong bí tích Thánh thể … bởi vì không bao giờ Người không bao giờ rời bỏ thân thể mà Người đã nhận lấy” (S. Th. III, q. 76, a.1).

Anh chị em thân mến,

Trong mùa Phục Sinh, chúng ta thường cử hành việc rước lễ lần đầu cho các trẻ em. Do đó, tôi mời gọi các cha xứ, các bậc phụ huynh và các giáo lý viên chuẩn bị kỹ lưỡng thánh lễ quan trọng này với lòng nhiệt thành trong tinh thần tiết kiệm. “Ngày này sẽ còn lưu lại trong tâm trí mỗi người bởi là thời khắc đầu tiên để hiểu được việc gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su” (Esort. ap. postsin. Sacramentum caritatis, 19).

Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta lắng nghe chăm chú Lời Chúa và tham dự cách xứng hợp vào thánh lễ hầu trở thành chứng nhân cho nhân loại mới.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng ngày 26.04.2009 – Bí tích Thánh Thể nguồn mạch cho sự thánh thiện

Trong bài Tin mừng, thánh Luca thuật lại một lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ (24,35-48). Ngày từ đầu bài trình thuật, thánh sử ghi nhận rằng hai môn đệ Emmaus đã vội vã về Giêrusalem, kể lại cho các tông đồ về việc họ nhân ra Chúa qua việc bẻ bánh. Và đang khi họ kể lại cảm nghiệm gặp gỡ Chúa, thì chính Người đã đứng ở giữa họ. Vì sự hiện ra cách bất chợt như vậy, nên các tông đồ đã hoảng hốt sợ hãi, đến độ Chúa Giêsu phải trấn an họ, bảo họ hãy chạm đến mình để chứng thực là chính Người chứ không phải là ma, và bảo họ đưa cái gì để ăn.

Lại một lần nữa, cũng như đã xảy ra cho hai môn đệ Emmaus, đang khi ngồi ăn với các môn đệ mà Chúa Giêsu đã tỏ mình cho họ, giúp cho họ hiểu Kinh thánh và đọc các biến cố cứu độ dưới ánh sáng của sự phục sinh. Chúa nói: “Cần phải hoàn tất hết những gì đã viết về Thầy trong Lề luật Môsê, các ngôn sứ và thánh vịnh”. Chúa còn mời họ hãy nhìn về tuơng lai: “nhân danh Người, muôn dân sẽ được nghe giảng về sự thống hối và tha thứ”.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh được diễn lại mỗi khi cử hành Thánh Thể, cách riêng là vào ngày chúa nhựt. Thánh thể – tức là việc bẻ bánh, theo ngôn ngữ của sách Tông đồ công vụ – là chỗ ưu việt để Giáo hội nhận biết “tác giả của sự sống” (xc Cv 3,15), Nơi Thánh Thể, nhờ đức tin, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu là “bàn thờ, hy lễ và thượng tế” (xc Tiền tụng 3 mùa Phục sinh). Chúng ta tụ họp nhau để tưởng nhớ những lời của Người và những biến cố được ghi lại trong Sách Thánh; chúng ta sống lại cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Người. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu, hy lễ xá tội, và chúng ta nhận được sự tha thứ và sự sống.

Nếu không có Thánh Thể, thì đời sống kitô hữu sẽ ra thế nào? Thánh Thể là gia sản hằng hữu mà Chúa để lại cho chúng ta; chúng ta cần suy gẫm và đào sâu, ngõ hầu bí tích này in đậm dấu ấn trên hết mọi ngày của đời ta. Chính nhờ được nuôi dưỡng bởi bí tích Thánh Thể, mà các vị tân hiển thánh đã chu toàn sứ mạng tình thương qua nhiều hình dạng.

Lần lượt đức thánh cha đọc lại cuộc đời của các vị tân hiển thánh để chứng tỏ mối liên hệ đó. Thánh Bernardo Tololomei đã sống đời chiêm niệm sâu xa, đã học đức khiêm nhường trong khi cai quản đan viện, đã thực hành đức ái qua việc xả thân phục vụ những nạn nhân mắc bệnh dịch đến nỗi chết vì lây bệnh. Nhờ đời sống cầu nguyện, thánh Nuno de Santa Maria luôn tín thác vào Chúa, dù khi hoạt động trong quân đội hay khi chấp nhận làm một tu sĩ khiêm tốn. Cách riêng thánh nữ Gertrude nổi bật về sự thờ lạy Thánh Thể, ngay từ khi còn bé; khi lập dòng nữ tì thờ lạy Thánh Thể, chị đã muốn đặt việc thờ lạy Chúa lên trên tất cả mọi hoạt động, nhưng cũng nhờ sự chiêm niệm tình thương của Chúa mà chị đã biết nhìn nhận sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Hai vị thánh Tadini và Volpicelli, sáng lập hội dòng hoạt động xã hội, cũng mang một tinh thần tương tự, nghĩa là từ Thánh Thể, từ việc chiêm ngắm tình thương của Chúa, mà chúng ta nhạy cảm với những nhu cầu của tha nhân. Kết luận, ngài nói:

Chúng ta hãy theo gương các vị thánh, biến cuộc đời trở thành một bài chúc tụng Thiên Chúa, theo gương Đức Giêsu, mà chúng ta thờ lạy trong nhiệm tích và phục vụ nơi tha nhân.

Nguồn: archivioradiovaticana.va