Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 23 Thường Niên năm B (05/9/2021) – Chứng điếc nội tâm |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 23 Thường Niên năm B (05/9/2021) – Chứng điếc nội tâm
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Phúc âm của phụng vụ hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su chữa một người bị điếc. Điều đánh động trong câu chuyện chính là cách Chúa đã thực hiện dấu lạ. Người dẫn anh ta ra một bên, đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, dùng nước miếng bôi lên lưỡi anh ta, rồi ngước lên trời, kêu lên một tiếng và nói với anh ta: “Ép-pha-tha!”, nghĩa là: “Hãy mở ra!”
Trong những lần chữa lành khác, đối với các bệnh tật trầm trọng như bại liệt hay phong cùi, Chúa Giê-su không thực hiện nhiều cử chỉ như vậy. Vậy tại sao Chúa làm tất cả những điều này, ngay cả khi họ chỉ yêu cầu Người đặt tay trên người bệnh (xem c.32)? Có lẽ vì tình trạng của người đó có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt và có điều gì đó để nói với tất cả chúng ta. Điều đó là gì? Tật điếc. Người này không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe thấy. Chúa Giê-su đặt ngón tay vào tai anh để chữa lành nguyên nhân khiến anh ta gặp khó khăn.
Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng rất thường xuyên chúng ta không thể nghe thấy. Có một chứng điếc nội tâm mà hôm nay chúng ta có thể xin Chúa Giê-su chạm vào và chữa lành. Nó còn tồi tệ hơn tật điếc thể lý, đó là tật điếc của trái tim. Bởi vì vội vã, vì có quá nhiều điều để nói và làm, chúng ta không thể tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người nói với mình. Chúng ta có nguy cơ trở nên không thể tiếp nhận mọi thứ và không dành chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi nghĩ đến những đứa con, những người trẻ, những người già, đến rất nhiều người không cần đến lời nói và những lời giảng dạy, nhưng cần được lắng nghe.
Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi như thế nào? Tôi có xúc động vì cuộc sống của dân chúng không, tôi có biết cách dành thời gian cho những người thân thiết với mình không? Đây là điều tất cả cần làm, nhưng cách đặc biệt là các linh mục. Linh mục phải lắng nghe dân chúng, không vội vã bỏ đi. Lắng nghe và xem có thể giúp họ thế nào, nhưng chỉ sau khi lắng nghe. Tất cả chúng ta lắng nghe trước rồi trả lời. Hãy suy nghĩ về cuộc sống gia đình: bao nhiêu lần chúng ta nói trước khi lắng nghe, lặp lại những điệp khúc y chang nhau! Không biết lắng nghe nên chúng ta luôn nói cùng những điều giống nhau. Nhưng bắt đầu đối thoại không phải bằng lời nói mà bằng sự im lặng; không bằng sự khăng khăng, nhưng bằng cách kiên nhẫn bắt đầu lại để lắng nghe người khác, nghe những mệt nhọc khó khăn của họ và những gì họ mang trong lòng. Chữa lành trái tim bắt đầu bằng việc lắng nghe.
Điều này cũng đúng với Chúa. Đặt ra với Chúa hàng đống yêu cầu của chúng ta là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu trước hết chúng ta biết lắng nghe Người. Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta điều này. Trong Phúc âm, khi người ta hỏi Chúa điều răn thứ nhất là gì, Người trả lời: “Nghe đây, hỡi Israel”. Rồi Người nói thêm: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng… và yêu thương người thân cận như chính mình” (Mc 12, 28-31). Nhưng trên hết Chúa nói: “Hãy lắng nghe”.
Chúng ta có nhớ lắng nghe Chúa không? Là các Ki-tô hữu, nhưng đôi khi với hàng ngàn lời nói chúng ta nghe hàng ngày, chúng ta không thể tìm thấy một vài giây để cho một vài lời của Tin Mừng vang lên trong lòng chúng ta. Chúa Giê-su là Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Người, thì Người sẽ đi qua. Thánh Augustino đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi vuột qua”. Đó là nỗi lo sợ để Người đi vuột qua mà không lắng nghe Người. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian cho Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy bí quyết cho sức khỏe tâm linh của chúng ta. Đây là liều thuốc: mỗi ngày hãy im lặng một chút và lắng nghe, bớt nghe những lời vô ích và nghe thêm Lời Chúa. Chúng ta hãy nghe những lời của Chúa Giê-su nói với chúng ta hôm nay, như trong ngày chịu lãnh nhận bí tích rửa tội: “Ép-pha-tha!”, “Hãy mở ra!” Chúa Giê-su ơi, con ao ước mở lòng đón nhận Lời Chúa. Lạy Chúa Giê-su, xin mở lòng con lắng nghe Chúa. Xin chữa lành trái tim con khỏi sự khép kín, khỏi sự vội vàng và thiếu kiên nhẫn.
Xin Đức Thánh Trinh nữ Maria, Đấng đã mở lòng nghe Lời đã làm người trong cung lòng Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày biết ngoan ngoãn, kiên nhẫn và chú ý lắng nghe lời Con của Mẹ trong Tin Mừng và nơi các anh chị em của chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 23 Thường Niên năm B (09/9/2018) – Ép-pha-tha – Hãy mở lòng mình ra với Thiên Chúa và anh em
Anh chị em thân mến,
Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay (x. Mc 7,31-37) thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc một cách lạ lùng. Người ta mang đến cho Chúa Giêsu một người câm điếc và xin Người đặt tay trên anh ta. Nhưng Chúa Giêsu lại thực hiện những cử chỉ khác với lời họ yêu cầu: Người dẫn anh ta ra xa khỏi đám đông. Trong trường hợp này, cũng như những trường hợp khác, Chúa Giêsu luôn hành động cách kín đáo. Người không muốn gây sự chú ý đối với dân chúng; Người không tìm kiếm sự nổi tiếng hay thành công, nhưng chỉ muốn làm điều tốt cho con người. Với thái độ này, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng điều tốt được thực hiện cách âm thầm, không cần phô trương.
Khi Chúa Giêsu và người câm điếc đi xa khỏi đám đông dân chúng, Người đặt các ngón tay vào lỗ tai của người câm điếc và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Hành động này ám chỉ đến biến cố Nhập thể. Con Thiên Chúa là một con người hòa nhập hoàn toàn vào thực tại nhân sinh, do đó Người có thể hiểu tình trạng đau khổ của người khác và can thiệp bằng một hành động có liên quan đến toàn thể nhân loại. Đồng thời, Chúa Giêsu muốn người ta hiểu rằng phép lạ được thực hiện nhờ sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha: vì vậy, Người ngước mắt lên trời. Rồi Người thở dài và nói lời quyết định: “Ép-pha-tha”, nghĩa là “Hãy mở ra”. Và ngay lập tức, người đàn ông được chữa lành: tai anh mở ra, lưỡi anh như hết bị buộc lại. Việc chữa lành đối với anh là một sự “mở ra” với người khác và với thế giới.
Bài trình thuật này nhấn mạnh sự cần thiết của một sự chữa lành kép. Trước hết là sự chữa lành bệnh tật và đau khổ thể lý, để phục hồi sức khỏe của thân xác; ngay cả nếu mục đích này không thể thực hiện được nơi trần gian, dù cho những nỗ lực của khoa học và y học. Nhưng còn có sự chữa lành thứ hai, có thể là khó khăn hơn, và đó là sự chữa lành khỏi sợ hãi khiến chúng ta xa tránh người bệnh, người đau khổ, người khuyết tật. Có rất nhiều cách thức xa tránh, ngay cả dưới hình thức của lòng thương xót giả tạo hay việc giải quyết loại bỏ vấn đề; người ta cứ câm điếc trước đau khổ của những người bị đau khổ vì bệnh tật, khốn khổ và khó khăn. Nhiều lần, người bệnh và người đau khổ trở thành một vấn đề đối với chúng ta, trong khi lẽ ra đây phải là cơ hội để bày tỏ sự quan tâm và liên đới của một xã hội đối với những người yếu đuối nhất.
Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy bí mật của một phép lạ mà cả chúng ta cũng có thể lập lại khi chúng ta chính là những người thực hiện những hành động “Ép-pha-tha”, “hãy mở ra”, lời nói mà chính Chúa Giêsu đã dùng để trao ban lại lời nói và thính giác cho người câm điếc. Đó là “mở lòng” mình ra trước những nhu cầu của các anh chị em đau khổ và cần sự giúp đỡ, bằng cách thoát ra khỏi sự ích kỷ và trái tim đóng kín của chúng ta. Chính con tim, hạt nhân sâu thẳm của con người, là điều mà Chúa Giêsu đã đến để mở ra, để giải phóng, để làm cho chúng ta có khả năng sống tràn đầy mối liên hệ với Chúa và với tha nhân. Chúa Giêsu đã làm người để giúp con người, do tội lỗi, trở nên câm điếc, có thể lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của Tình yêu nói với trái tim mình và như thế, đến lượt mình, con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu khi biến nó thành những cử chỉ của lòng quảng đại và trao tặng chính bản thân mình.
Xin Mẹ Maria, Người đã hoàn toàn “mở” mình ra với tình yêu của Chúa, giúp cho chúng ta cảm nghiệm mỗi ngày, trong đức tin, phép lạ “Ép-pha-tha”, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và với các anh chị em.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 23 Thường Niên năm B (06/9/2015) – Thiên Chúa không khép kín nơi mình
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng hôm nay (Mc 7,31-37) kể lại Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc, một biến cố lạ lùng chứng tỏ cách thức Chúa Giêsu tái lập sự đả thông trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Phép lạ này diễn ra trong khung cảnh vùng Thập Tỉnh, nghĩa là ngay trong vùng đất của dân ngoại; vì thế người câm điếc ấy được dẫn đến Chúa Giêsu tượng trưng cho người không tín ngưỡng đang thực hiện một hành trình tiến về đức tin. Thực vậy, bệnh điếc của anh ta biểu lộ sự thiếu khả năng lắng nghe và hiểu không những lời con người, nhưng cả Lời Chúa nữa. Và thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: “Đức tin nảy sinh từ sự lắng nghe lời giảng” (Rm 10,17).
Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm, là đưa người ấy ra xa khỏi đám đông: Chúa không muốn quảng cáo cử chỉ Ngài sắp thực hiện, và cũng chẳng muốn lời của Ngài bị lấn át vì những tiếng ồn ào huyên náo truyện trò của khung cảnh chung quanh. Lời mà Chúa Kitô thông truyền cho chúng ta cần sự thinh lặng để được lắng nghe như Lời chữa lành, hòa giải, tái lập sự cảm thông.
Rồi có hai cử chỉ của Chúa Giêsu được làm nổi bật: Ngài động chạm đến đôi tai và lưỡi của người bị “bế tắc” trong sự đả thông, và Ngài khẩn cầu phép lạ từ trên cao, từ Chúa Cha; vì thế Ngài ngước mắt lên trời và truyền: ‘Hãy mở ra!”. Và tai người điếc mở ra, giây ràng buộc lưỡi của anh cũng được tháo cải và anh bắt đầu nói đúng (cfr v.35).
Giáo huấn mà chúng ta rút ra từ giai thoại này là “Thiên Chúa không khép kín nơi mình, nhưng cởi mở và đả thông với nhân loại. Trong lượng từ bi vô biên của Ngài, Ngài vượt lên trên vực thẳm của sự khác biệt vô biên giữa Ngài và chúng ta, và đến gặp chúng ta. Để thực hiện sự đả thông ấy với con người, Thiên Chúa đã làm người: đối với Chúa, nói qua lề luật và ngôn sứ mà thôi vẫn chưa đủ, Ngài còn hiện diện nơi người Con của Ngài là Lời nhập thể làm người. Chúa Giêsu là “nhà bắc cầu vĩ đại”, kiến tạo nơi mình chiếc cầu lớn của tình hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha.
Nhưng bài Tin Mừng này cũng nói về chúng ta. Nhiều khi chúng ta co cụm và khép kín vào mình, và chúng ta tạo ra bao nhiêu hòn đảo không tới được và đầy chướng khí. Thậm chí các quan hệ sơ đẳng nhất giữa con người đôi khi cũng tạo nên những thực tại không có khả năng cởi mở đối với nhau: vợ chồng khép kín với nhau, gia đình, các nhóm giáo xứ, và cả đất nước cũng khép kín… và điều này không phải là của Thiên Chúa. Nó là của chúng ta, là tội lỗi của chúng ta.
Nơi căn cội đời sống Kitô của chúng ta, trong phép rửa tội, có cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu: “Effata! Hãy mở ra!”. Và phép lạ được hoàn thành: chúng ta được chữa lành khỏi bệnh điếc của ích kỷ, và bệnh câm của sự khép kín và tội lỗi, và chúng ta được tháp nhập vào đại gia đình của Giáo hội; chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và thông truyền Lời Chúa cho những người không bao giờ được nghe, hoặc cho những người đã quên lãng hay chôn vùi Lời ấy dưới những gai góc của lo âu và lừa đảo của thế gian.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Thánh là người phụ nữ lắng nghe và vui mừng làm chứng, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm tuyên xưng niềm tin của chúng ta và thông truyền những kỳ công của Chúa cho những người chúng ta gặp trên đường đời.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 23 Thường Niên năm B (09/9/2012) – Chúa Giêsu đến để chữa bệnh câm điếc của linh hồn
Anh chị em thân mến,
Ở trung tâm Tin Mừng hôm nay (Mc 7,31-37) có một từ nhỏ, rất quan trọng. Một từ, mà trong ý nghĩa sâu đa của nó, tóm gọn tất cả sứ điệp và toàn công trình của Chúa Kitô. Thánh sử Mạccô kể lại từ này trong chính tiếng nói của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói lên từ ấy, và như thế chúng ta còn nghe nó sống động hơn nữa. Đó là từ “effatà”, có nghĩa là “hãy mở ra”. Chúng ta hãy đem bối cảnh của nó. Chúa Giêsu đang đi qua vùng “Thập tỉnh”, giữa Tiro, Sidone và vùng Galilea, một vùng không do thái. Người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc, để Người chữa cho anh ta – hiển nhiên là danh tiếng Chúa Giêsu đã được đồn thổi cho tới đây. Chúa Giêsu đem anh riêng ra một chỗ, đụng vào tai và lưỡi anh, rồi ngước mắt nhin trời Người thở một hơi sâu và nói: “Effatà” có nghĩa là “Hãy mở ra”. Và người ấy bắt đầu nghe và nói sõi sàng (x. Mc 7,35). Đó là ý nghĩa lịch sử và theo chữ của từ này: nhờ sự can thiep của Chúa Giêsu người câm điếc đó được “mở ra”; trước đó anh ta bị đóng kín, lẻ loi, rất khó thông truyền. Việc chữa lành đối với anh là một sự “mở ra” cho người khác và cho thế giới, một sự mở ra khởi đầu với các cơ quan nghe và nói, lôi cuốn toàn con người và cuộc sống của anh: sau cùng anh có thể thông truyền và liên lạc trở lại.
Nhưng chúng ta tất cả đều biết rằng sự đóng kín của con người, sự lẻ loi của nó không chỉ tùy thuộc các giác quan. Có một sự đóng kín nội tâm, liên quan tới nơi sau thẳm nhất của con người, đó là điều Thánh Kinh gọi là “trái tim”. Chúa Giêsu đến để “mở ra”, để giải thoát, để khiến cho chúng ta có khả năng sống tràn đầy tương quan với Thiên Chúa và với các người khác. Đó là lý do tại sao tôi đã nói rằng từ bé nhỏ “effatà – hãy mở ra” này tóm gọn trong nó toàn sứ mệnh của Chúa Kitô.
Chúa đã làm người để cho con người bị câm điếc bên trong bởi tội lỗi, có khả năng lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, tiếng của Tình Yêu nói với con tim nó, và như thế học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền với Thiên Chúa và với các người khác. Vì lý do đó từ và cử chỉ của “effatà” đã được đưa vào trong Lễ nghi Rửa Tội, như một trong các dấu chỉ giải thích ý nghĩa của nó: khi đụng vào miệng và tai của người được rửa tội vị linh mục nói: “Effatà”, cầu xin cho họ có thể mau lắng nghe Lời Chúa và tuyên xưng đức tin. Qua bí tích Rửa Tội con người bắt đầu “hít thở” Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã khẩn nài từ Thiên Chúa Cha với tiếng thở dài sâu xa để chữa lành người câm điếc.
Giờ đây trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, mà chúng ta đã mừng kính lễ Sinh Nhật hôm qua. Vì tương quan đặc bhiệt của Mẹ với Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria hoàn toàn “rộng mở” cho tình yêu của Chúa, trái tim Mẹ liên lỉ lắng nghe Lời Chúa. Xin sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ giúp chúng ta kinh nghiệm được mỗi ngày trong đức tin phép lạ “effatà”, để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1