BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA – CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN B
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B (22/8/2021) – Lý do con người từ chối theo Chúa Giêsu |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B (22/8/2021) – Lý do con người từ chối theo Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 6,60-69) cho chúng ta thấy phản ứng của đám đông và của các môn đệ trước những lời của Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hiểu dấu chỉ đó và tin vào Người, Đấng là bánh thật từ trời xuống, bánh ban sự sống; và bày tỏ rằng bánh Người sẽ ban là chính thịt và máu của Người. Những lời này thật chói tai, không thể hiểu được đối với người nghe, đến nỗi, ngay từ lúc đó – theo lời Tin Mừng – nhiều môn đệ của Người đã quay lưng, tức là họ không theo Thầy nữa (c. 60.66). Rồi Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (câu 67), và Phêrô, thay mặt cho cả nhóm, xác nhận quyết định ở lại với Người và nói rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Và đó là một lời tuyên xưng đức tin thật đẹp.
Chúng ta hãy dừng lại đôi chút về thái độ của những người rút lui và quyết định không theo Chúa Giêsu nữa. Lý do của sự từ chối này là gì?
Những lời của Chúa Giêsu tạo ra một cú sốc lớn: Người đang nói rằng Thiên Chúa đã chọn tỏ mình ra và thực hiện ơn cứu độ nơi sự yếu đuối của xác thịt con người: đó là mầu nhiệm Nhập thể. Và sự nhập thể của Thiên Chúa là điều gây sốc và đặt ra một chướng ngại cho người ta, và cũng thường cho cả chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh thật của ơn cứu độ, thông truyền sự sống đời đời, là chính thịt Người; rằng để hiệp thông với Thiên Chúa, trước khi tuân giữ những luật lệ hoặc chu toàn các giới luật tôn giáo, thì cần phải sống một mối tương quan thực sự và cụ thể với Người, vì ơn cứu độ đã đến từ Người, trong sự Nhập thể của Người. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần theo đuổi Thiên Chúa trong những giấc mơ và những hình ảnh vĩ đại và quyền năng, nhưng chúng ta phải nhận ra Người trong nhân tính của Chúa Giêsu và do đó, trong nhân tính của những anh chị em mà chúng ta gặp trên mọi lối nẻo cuộc sống. Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, và khi chúng ta tuyên xưng điều này trong Kinh Tin Kính, vào Lễ Giáng Sinh, Lễ Truyền Tin, chúng ta quỳ gối để tôn thờ mầu nhiệm Nhập Thể này. Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, Người trở nên thịt và máu: Người hạ mình xuống để trở thành một con người như chúng ta, Người hạ mình xuống đến mức tự gánh lấy những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và do đó mời gọi chúng ta tìm kiếm Người không phải bên ngoài cuộc sống và từ lịch sử, nhưng trong mối tương quan với Đức Kitô và với anh chị em mình. Hãy tìm kiếm Người trong cuộc sống, trong lịch sử, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và thưa anh chị em, đây là cách để gặp gỡ Thiên Chúa: mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em.
Ngay cả ngày nay, sự mặc khải của Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giê-su có thể gây chướng tai và không dễ để chấp nhận. Đó là điều mà thánh Phaolô gọi là “sự điên rồ”, sự điên rồ của Tin Mừng đối với những kẻ tìm kiếm phép lạ hay sự khôn ngoan của thế gian (x. 1Cr 1,18-25). Và “sự chướng tai” này được thể hiện rõ ràng qua bí tích Thánh Thể: trong mắt người đời, việc quỳ gối trước một tấm bánh có thể có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta cần được liên tục nuôi dưỡng bởi tấm bánh này? Thế giới thấy điều này thật chướng.
Trước cử chỉ phi thường của Chúa Giêsu khi cho hàng ngàn người ăn với năm chiếc bánh và hai con cá, mọi người tung hô Người và muốn đưa Người lên đài chiến thắng để tôn Người làm vua. Nhưng khi chính Người giải thích rằng cử chỉ đó là dấu chỉ của sự hy sinh của Người, nghĩa là ban tặng sự sống, thịt và máu Người, và rằng ai muốn theo Người phải trở nên giống như Người, nhân tính của Người được dâng hiến cho Thiên Chúa và cho người khác, thì khi đó, họ không thích nữa, và Chúa Giêsu này khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng. Thật vậy, chúng ta hãy lo lắng nếu điều này không khiến chúng ta khủng hoảng, bởi vì có lẽ chúng ta đã giảm nhẹ thông điệp của nó! Và chúng ta xin ơn để mình được hứng khởi và hoán cải bởi “những lời ban sự sống đời đời” của Người.
Và xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng đã cưu mang nơi mình Chúa Giêsu Hài Đồng và hiệp nhất với hy tế của Người, giúp chúng ta luôn làm chứng cho đức tin của mình bằng đời sống cụ thể.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B (26/8/2018) – Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời
Vào cuối Đại hội Gia đình Thế giới này, chúng ta tụ họp như một gia đình quanh bàn tiệc của Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì nhiều ơn lành mà chúng ta đã nhận được trong gia đình mình. Và chúng ta muốn cam kết sống trọn vẹn ơn gọi của mình để trở thành “tình yêu trong lòng Giáo hội” như lời đầy cảm động của Thánh Têrêsa.
Trong khoảnh khắc quý giá này của sự hiệp thông với nhau và với Chúa, thật tốt khi dừng lại và suy ngẫm về nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được. Chúa Giêsu tiết lộ nguồn gốc của những ơn lành này trong Phúc âm hôm nay, khi Người nói với các môn đệ. Nhiều người trong số họ đã buồn bã, bối rối hoặc thậm chí tức giận, chống đối khi nghe “những lời chướng tai” của Người, những lời dường như trái ngược với sự khôn ngoan của thế gian này. Để đáp lại, Chúa nói trực tiếp với họ: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63).
Những lời này, cùng với lời hứa ban tặng Chúa Thánh Thần, tràn đầy sức sống cho chúng ta là những người chấp nhận chúng trong đức tin. Những lời này chỉ ra nguồn gốc tối hậu của mọi điều tốt lành mà chúng ta đã trải nghiệm và cử hành ở đây trong vài ngày qua: Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng không ngừng thổi luồng sinh khí mới vào thế giới, vào trái tim, vào gia đình, vào nhà cửa và giáo xứ của chúng ta. Mỗi ngày mới trong cuộc sống của gia đình chúng ta, và mỗi thế hệ mới, đều mang đến lời hứa về một Lễ Hiện Xuống mới, một Lễ Hiện Xuống trong gia đình, một sự tuôn đổ mới mẻ của Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, Đấng mà Chúa Giêsu sai đến làm Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi và thực sự là Đấng Khích Lệ của chúng ta.
Thế giới chúng ta cần biết bao sự khích lệ này, là món quà và lời hứa của Thiên Chúa! Là một trong những hoa trái của Đại hội đời sống gia đình này, xin anh chị em hãy trở về nhà và trở thành nguồn khích lệ cho những người khác, để chia sẻ với họ “lời ban sự sống đời đời” của Chúa Giêsu. Vì gia đình anh chị em vừa là nơi đặc ân, vừa là phương tiện quan trọng để truyền bá những lời đó như “Tin Mừng” cho mọi người, đặc biệt là những người mong muốn rời bỏ sa mạc và “ngôi nhà nô lệ” (x. Gs 24:17) để đến miền đất hứa của hy vọng và tự do.
Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng hôn nhân là sự chia sẻ trong mầu nhiệm lòng trung thành bất diệt của Chúa Kitô đối với hiền thê của Người, là Giáo hội (x. Ep 5:32). Nhưng giáo huấn này, mặc dù là tuyệt vời, có thể bị một số người coi là “một lời cứng cỏi”. Vì sống trong tình yêu, như Chúa Kitô yêu thương chúng ta (Xc Ep 5,2), bao hàm sự bắt chước chính sự hy sinh của Chúa, chết cho chính mình để tái sinh cho một tình yêu cao cả hơn và trường tồn hơn. Chỉ có tình yêu ấy mới có thể cứu thế giới khỏi nạn nô lệ tội lỗi, ích kỷ, tham lam và thái độ dửng dưng đối với những nhu cầu của những người kém may mắn. Đó là tình yêu mà chúng ta đã được biết trong Chúa Giêsu Kitô. Tình yêu ấy nhập thể vào thế giới này nhờ một gia đình, và nhờ chứng tá của các gia đình Kitô trong mỗi thế hệ, tình yêu này có năng lực phá vỡ mọi hàng ràng và hòa giải thế gian với Thiên chúa, và làm cho chúng ta trở thành điều mà chúng ta đã được tiền định từ đời đời: thành một gia đình nhân loại duy nhất sống chung với nhau trong công lý, trong sự thánh thiện và hòa bình.
Việc làm chứng cho Tin Mừng không phải là điều dễ dàng. Nhưng những thách đố mà các Kitô hữu ngày nay đang phải đương đầu, cũng không kém phần khó khăn hơn những thách đố mà các thừa sai đầu tiên người Ailen đã gặp phải. Tôi nghĩ đến thánh Colombano, với một nhóm nhỏ các bạn đồng hành, đã mang ánh sáng Tin Mừng đến các phần đất Âu Châu trong một thời kỳ đen tối và sa đọa văn hóa. Sự thành công ngoại thường của các vị trong việc truyền giáo không dựa trên những phương pháp chiến thuật hoặc các kế hoạch chiến lược, nhưng dựa trên thái độ ngoan ngoãn, khiêm tốn có sự giải thoát, đối với những chỉ dẫn của Chúa Thánh Linh. Chính chứng tá hằng ngày của các vị về lòng trung thành với Chúa Kitô và với nhau đã chinh phục những tâm hồn nồng nhiệt ao ước một lời ân sủng và đã góp phần làm nảy sinh nền văn hóa Âu Châu. Chứng tá ấy vẫn là một nguồn mạch ngàn đời cho việc canh tân tinh thần và truyền giáo đối với dân thánh trung thành của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, luôn có những người chống lại Tin Mừng, những người “lẩm bẩm” chống lại những lời “cứng cỏi” của Tin Mừng. Nhưng cũng như đối với thánh Colombano và các bạn đồng hành đã đương đầu với nước băng giá và bão tố trên biển đĂe theo Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ để cho mình bị ảnh hưởng hoặc nản chí vì cái nhìn băng giá của sự dửng dưng hoặc những bão tố thù nghịch.
Nếu lương thiện với chính mình, chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng cả chúng ta cũng có thể thấy giáo huấn của Chúa Giêsu là cứng cỏi. Thật luôn luôn khó tha thứ cho những người làm thương tổn chúng ta! Đón tiếp người di dân và người xa lạ vẫn luôn là một thách đố! Chịu đựng thất vọng, sự từ khước hoặc phản bội là một điều đau khổ dường nào! Bảo vệ những quyền của người mong manh, những người chưa sinh ra hoặc người già cả hơn, thật là điều gây khó chịu, dường như họ làm xáo trộn cảm thức tự do của chúng ta!
Nhưng chính trong những hoàn cảnh như thế, Chúa hỏi chúng ta: “Cả con con nữa, các con có muốn bỏ đi hay không?” (Ga 6,67). Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần – Đấng khích lệ chúng ta và với Chúa luôn ở bên cạnh, chúng ta có thể thưa: “Phải chăng chúng con đã chẳng tin nhận Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa sao” (v.69).
Qua các bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi Kitô hữu được sai đi để trở thành nhà truyền giáo, “một môn đệ truyền giáo” (x. Evangelii Gaudium, 120). Giáo Hội trong toàn bộ được kêu gọi hãy “đi ra ngoài” để mang những lời sinh sự sống vĩnh cửu cho những miền ngoại ô của thể giới. Ước gì buổi lễ hôm nay củng cố mỗi người trong anh chị em, cha mẹ và các ông bà, các trẻ em, người trẻ, nam giới nữ giới, các tu huynh và nữ tu, những người chiêm niệm và thừa sai, phó tế và linh mục, trong việc chia sẻ niềm vui Tin Mừng! Ước gì anh chị em có thể chia sẻ Tin Mừng gia đình như một niềm vui cho thế giới!
Bây giờ chúng ta chuẩn bị chia tay, chúng ta hãy đổi mới lòng trung thành với Chúa và với ơn gọi mà Người đã ban cho mỗi người chúng ta. Tiếp nối lời cầu nguyện của Thánh Patrick, mỗi người chúng ta hãy lặp lại với niềm vui: “Chúa Kitô trong tôi, Chúa Kitô sau tôi, Chúa Kitô trước mặt tôi, Chúa Kitô bên cạnh tôi, Chúa Kitô bên dưới tôi, Chúa Kitô trên tôi” [lặp lại bằng tiếng Ireland]. Với niềm vui và sức mạnh được Chúa Thánh Thần ban cho, chúng ta hãy nói với Người với sự tin tưởng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B (23/8/2015) – Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay kết thúc bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan với diễn văn về “Bánh sự sống”, mà Chúa Giêsu đã nói hôm sau ngày làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Vào cuối diễn văn sự hứng khởi của ngày hôm trước đã tắt lịm, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là bánh từ trời xuống, và sẽ cho thịt Ngài làm của ăn và máu ngài làm của uống, ám chỉ một cách rõ ràng hiến tế mạng sống của chính Ngài.
Các lời này dấy lên nỗi thất vọng nơi dân chúng, họ cho rằng chúng không xứng đáng với Đấng Cứu Thế, “không chiến thắng”. Vài người đã nhìn Chúa Giêsu như vậy: như một Đấng Cứu Thế phải nói và hành động làm sao để sứ mệnh của Người thành công, ngay lập tức. Nhưng họ lầm ở chính điểm này: về cách hiểu sứ mệnh của Đấng Messia! Cả các môn đệ cũng không chấp nhận ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ gây âu lo đó của Thầy mình. Và đoạn Phúc Âm hôm nay kể lại sự khó chịu này của các vị: “Lời này thật là chướng tai! – họ nói – ai mà có thể nghe được” (Ga 6,60).
Thật ra họ đã hiểu rõ diễn văn của Chúa Giêsu. Họ hiểu rõ đến nỗi không muốn lắng nghe Ngài, bởi vì đó là một diễn văn khiến cho tâm thức của họ gặp khủng hoảng. Các lời của Chúa Giêsu luôn luôn đặt chúng ta vào trong cuộc khủng hoảng: trong khủng hoảng chẳng hạn như trước tinh thần của thế giới, trước tinh thần thế tục. Nhưng Chúa Giêsu cống hiến chìa khoá giúp thắng vượt khó khăn; một chìa khóa gồm ba yếu tố. Thứ nhất, nguồn gốc thiên linh của Chúa Giêsu: Ngài từ trời xuống và “sẽ lại lên nơi Ngài ở trước kia”( c. 62). Thứ hai, các lời Ngài chỉ có thể được hiểu qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “ban sự sống” (c. 63). Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu. Thứ ba, lý do đích thật của việc không hiểu các lời Ngài là sự thiếu lòng tin: Giữa anh em có vài người không tin” (c. 64). Thật vậy, vì từ lúc đó “nhiều môn đệ Người rút lui” (c. 66). Đứng trước các bỏ cuộc này, Chúa Giêsu không tính toán cũng không giảm thiểu các lời nói của Ngài, trái lại Ngài thúc đẩy làm một lựa chọn chính xác: hoặc là ở lại với Ngài hay tách rời Ngài, và Ngài nói với Nhóm Mười Hai: “Các con cũng muốn bỏ đi sao? (c. 67).
Tới đây thánh Phêrô, nhân danh các Tông Đồ, tuyên xưng đức tin rằng: “Lạy Chúa, chúng con đi tới với ai? Thầy có lời của sự sống vĩnh cửu” (c. 68). Thánh nhân không nói: “Chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi đến với ai?”. Vấn đề nền tảng không phải là ra đi và bỏ rơi công trình đã bắt đầu, nhưng đi tới với ai. Từ câu hỏi này của thánh Phêrô chúng ta hiểu rằng sự trung thành với Thiên Chúa là vấn đề trung thành với một người, mà ta cột buộc mình vào để cùng đi trên cùng con đường. Và người đó là Chúa Giêsu.
Tất cả những gì chúng ta có trên thế giới không thoả mãn cái đói sự vô tận của chúng ta. Chúng ta cần Chúa Giêsu, ở với Người, nuôi sống mình ở bàn của Người, bằng các lời của sự sống vĩnh cửu của Người! Tin nơi Chúa Giêsu có nghĩa là khiến cho Người trở thành trung tâm điểm, trở thành ý nghĩa của đời ta. Chúa Kitô không phải là một yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là tlương thực không thể thiếu. Cột buộc vào Ngài trong một tương quan đức tin và tình yêu, không có nghĩa là bị xiềng xích, nhưng tự do một cách sâu xa, luôn luôn tiến bước. Giờ đây mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Đó là một tên gọi? Một ý tưởng? Hay đó chỉ là một nhân vật lịch sử? Hay đó thật sự là người yêu thương tôi, đã hiến mạng sống cho tôi và đi với tôi?” Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai? Bạn có ở với Chúa Giêsu không? Bạn có tìm hiểu biết Ngài trong lời của Ngài hay không? Bạn có đọc Phúc Âm mỗi ngày, một đoạn Phúc Âm để hiểu biết Chúa Giêsu không? Bạn có đem theo sách Phúc Âm trong túi, trong xách tay, để đọc nó ở khắp mọi nơi không? Bởi vì chúng ta càng ở với Ngài bao nhiêu, ước muốn ở lại với Ngài lại càng lớn lên bấy nhiêu. Bây giờ tôi sẽ xin anh chị em, chúng ta hãy thinh lặng một chút và mỗi người trong thinh lặng, trong tim của mình, tự hỏi: “Đối vói tôi Chúa Giêsu là ai?”. Trong thinh lặng, mỗi người hãy tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?”
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn đến với Chúa Giêsu để sống kinh nghiệm sự tự do, mà Ngài cống hiến cho chúng ta và cho phép chúng ta tẩy rửa các lựa chọn của chúng ta khỏi các cáu ghét trần tục và các sợ hãi.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B (26/8/2012) – Quyết tâm theo Chúa hằng ngày
Anh chị em thân mến,
Những Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã suy niệm về bài diễn văn “Bánh sự sống” mà Chúa Giêsu trình bày tại Hội đường Do thái ở Cafarnaum sau khi đã cho hàng ngàn người ăn no nê với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Hôm nay, bài Tin Mừng trình bày phản ứng của các môn đệ về bài diễn văn ấy, một phản ứng mà chính Chúa Kitô chủ ý khơi lên. Trước tiên, thánh sử Gioan – hiện diện cùng với các Tông Đồ khác – thuật lại rằng “từ lúc ấy nhiều người trong các môn đệ tháo lui và không đi với Ngài nữa” (Ga 6,66). Tại sao? Tại vì họ không tin những lời Chúa Giêsu nói: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ sống đời đời” (Xc Ga 6,51.54), đối với họ đó thực là những lời không thể chấp nhận được, không thể hiểu được. Đối với họ, mạc khải này không thể hiểu nổi, như tôi vừa nói, vì họ chỉ hiểu mạc khải này theo nghĩa vật chất, trong khi trong những lời ấy có tiên báo mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, trong đó Ngài hiến mình để cứu độ trần thế.
Khi thấy nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu quay lại nói với các Tông Đồ: “Các con có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Giống như trong những trường hợp khác, chính Phêrô trả lời nhân danh Nhóm Mười Hai: “Lạy Chúa, chúng con biết theo ai bây giờ? Chúa có lời ban sự sống đời đời và chúng con đã tin và biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Về đoạn này chúng ta có một bài bình luận rất hay của thánh Augustino, nói rằng: “Anh chị em thấy thánh Phêrô hiểu vì Người đã tin. Thầy có những lời sự sống đời đời. Thầy cho chúng con sự sống đời đời bằng cách trao tặng mình máu Thầy cho chúng con. Và chúng con đã tin và nhận biết. Người không nói: chúng con đã biết và tin, nhưng chúng con đã tin, rồi chúng con biết. Chúng con đã tin để có thể biết; thực vậy, giả sử chúng ta đã muốn biết trước khi tin, thì chúng ta sẽ không thành công trong việc nhận biết và tin. Chúng ta đã tin điều gì và biết điều gì? Thưa rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, nghĩa là Thày chính là sự sống đời đời, và trong thịt và máu Thầy, Thầy ban cho chúng con chính mình Thầy” (Chú giải Tin Mừng Gioan 27,9).
Sau cùng, Chúa Giêsu biết rằng ngay cả trong 12 Tông Đồ, có một người không tin, đó là Giuda. Lẽ ra cả Giuđa cũng có thể bỏ đi, như nhiều môn đệ khác; đúng hơn, giả sử ông ta là người lương thiện thì đã bỏ đi rồi. Trái lại ông vẫn ở lại với Chúa Giêsu. Ông ở lại không phải vì tin, cũng chẳng vì yêu mến, nhưng với chủ đích thầm kín là để trả thù Thầy. Tại sao? Vì Giuđa cảm thấy bị Chúa Giêsu phản bội, và ông phản bội lại Ngài. Giuđa vốn là người theo phái Zelote, và muốn có một Đức Messia chiến thắng, hướng dẫn cuộc nổi loạn chống lại người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu đã làm cho những mong đợi này bị thất vọng. Vấn đề là Giuđa không bỏ đi, và lỗi nặng nhất của ông ta là sự gian trá, vốn là dấu hiệu của ma quỷ. Vì thế Chúa Giêsu nói với nhóm 12: “Một người trong các con là quỷ!” (Ga 6,70).
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tin nơi Chúa Giêsu, như thánh Phêrô, và luôn thành thực với Chúa và với tất cả mọi người.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (01/01/2025)
Th12
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12