Bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị COP28, 02.12.2023

2095 lượt xem

 lý do sức khỏe, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hủy chuyến đi Dubai nhân Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu (COP28) nên Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà thánh, đã đại diện Đức Thánh Cha tham dự Hội nghị này.

Trong khuôn khổ Hội nghị được diễn ra từ ngày 30.11 đến ngày 12.12.2023, sáng ngày 02.12, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã tuyên đọc bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước khoảng 140 nguyên thủ quốc gia và chính phủ tham dự Hội nghị. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

BÀI DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA LIÊN HIỆP QUỐC (COP 28)

Expo City, Dubai
Thứ Bảy, ngày 2 tháng 12 năm 2023

Tôi hân hạnh được đọc bài diễn văn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn bị cho dịp này:

Thưa ngài Chủ tịch,
Thưa ngài Tổng thư ký Liên hiệp quốc,
Thưa quý Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ,
Thưa quý vị,

Tôi rất lấy làm tiếc khi không thể hiện diện cùng với quý vị như tôi mong muốn. Dù vậy, tôi vẫn hiện diện bên quý vị, vì đây là thời gian rất cấp bách. Tôi hiện diện bên quý vị vì hơn bao giờ hết, tương lai của tất cả chúng ta phụ thuộc vào hiện tại mà chúng ta lựa chọn. Tôi hiện diện bên quý vị vì sự hủy hoại môi trường là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, một tội không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cơ cấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn nhân loại, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, và có nguy cơ gây ra xung đột giữa các thế hệ. Tôi hiện diện bên quý vị vì biến đổi khí hậu là “một vấn đề xã hội toàn cầu có liên hệ mật thiết đến phẩm giá sự sống con người” (Tông huấn Laudate Deum, 3). Tôi hiện diện bên quý vị để nêu lên một câu hỏi mà chúng ta được mời gọi để trả lời ngay bây giờ: Chúng ta đang làm việc cho một nền văn hóa sự sống hay sự chết? Tôi khẩn thiết xin quý vị: Chúng ta hãy chọn sự sống! Chúng ta hãy chọn tương lai! Chúng ta hãy lắng nghe tiếng rên rỉ của trái đất, chúng ta hãy chú ý đến tiếng kêu than của người nghèo, chúng ta hãy nhạy cảm trước những hy vọng của người trẻ và ước mơ của trẻ em! Chúng ta có một trách nhiệm nặng nề: đảm bảo rằng tương lai của họ không bị phủ nhận.

Rõ ràng là sự biến đổi khí hậu hiện nay là kết quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển do hoạt động của con người gây ra, mà trong những thập niên gần đây đã được minh chứng là không bền vững đối với hệ sinh thái. Tham vọng sản xuất và chiếm hữu đã trở thành nỗi ám ảnh, dẫn đến lòng tham vô đáy, khiến môi trường trở thành đối tượng bị khai thác vô độ. Khí hậu bị xáo trộn là lời cảnh báo để chúng ta chấm dứt ảo tưởng về sức mạnh vô hạn này. Chúng ta phải một lần nữa nhận thức về những giới hạn của mình với sự khiêm tốn và can đảm như là lộ trình duy nhất để có một cuộc sống viên mãn đích thực.

Điều gì đang cản trở lộ trình này? Sự chia rẽ hiện đang tồn tại giữa chúng ta. Nhưng một thế giới hoàn toàn được kết nối, giống như thế giới hiện nay, không thể bị ngắt khỏi những người cai trị nó, với các cuộc đàm phán quốc tế “không đạt được bước tiến đáng kể do lập trường của các quốc gia ưu tiên lợi ích quốc gia của họ lên công ích mang tính toàn cầu” (Thông điệp Laudato si’, 169). Chúng ta phải đối diện với những quan điểm cứng nhắc, và thậm chí thiếu linh hoạt, có xu hướng bảo vệ doanh thu của cá nhân và của công ty, đôi khi tự biện minh cho mình dựa trên những gì người khác đã làm trong quá khứ với hành vi trốn tránh trách nhiệm nhiều lần. Tuy nhiên, nhiệm vụ mà chúng ta được mời gọi thực hiện hôm nay không phải là quay trở lại quá khứ mà là hướng tới tương lai: một tương lai, mà dù muốn hay không, sẽ thuộc về mọi người hoặc không thuộc về ai cả.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là những nỗ lực nhằm đổ lỗi cho người nghèo hoặc cho tỷ lệ sinh sản cao. Đây là những điều giả dối cần phải kiên quyết loại bỏ. Đó không phải lỗi của người nghèo, bởi vì gần một nửa thế giới nghèo khó hơn chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 10% lượng khí thải gây ô nhiễm, trong khi khoảng cách giữa số ít người giàu và đại đa số người nghèo chưa bao giờ thăm thẳm đến thế. Trên thực tế, người nghèo là nạn nhân của những gì đang xảy ra: chúng ta hãy nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của những người dân bản địa, nạn phá rừng, thảm kịch của nạn đói, tình trạng lương thực và nước không an toàn, và dòng di cư cưỡng bức. Việc sinh sản không phải là một vấn đề, mà là một nguồn lực: chúng không chống lại sự sống mà ủng hộ sự sống, trong khi một số mô hình ý thức hệ và chủ nghĩa vị lợi hiện đang áp đặt lên các gia đình và dân cư, bằng một chiến lược vừa đập vừa xoa, là sự thuộc địa hóa thực sự. Sự phát triển của nhiều quốc gia, vốn đã quá tải với các khoản nợ kinh tế nặng nề không thể bị trừng phạt; trái lại, chúng ta cần xem xét tác động của một số quốc gia phải chịu trách nhiệm về “món nợ sinh thái” đáng lo ngại sâu sắc đối với nhiều quốc gia khác (x. Laudato si’51-52). Sẽ là điều đúng đắn nếu tìm ra những phương thế thích hợp để xóa bỏ các khoản nợ kinh tế đang đè nặng lên nhiều dân tộc, nhất là đối với khoản nợ sinh thái mà họ đang mắc phải.

Thưa quý vị, cho phép tôi ngỏ lời với quý vị, với tư cách là anh chị em với nhau, nhân danh ngôi nhà chung nơi chúng ta đang sống, để hỏi câu hỏi này: Đâu là lối thoát khỏi tình trạng này? Đó chính là lộ trình mà quý vị đang theo đuổi trong những ngày này: con đường của sự đoàn kết, sự đa phương. Thật vậy, “thế giới đang trở nên đa cực và đồng thời phức tạp đến mức cần phải có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả. Chỉ nghĩ đến sự cân bằng quyền lực thôi thì chưa đủ… Vấn đề là thiết lập các quy tắc mang tính toàn cầu và hiệu quả” (Laudate Deum, 42). Theo nghĩa này, điều đáng lo ngại là hiện tượng nóng lên toàn cầu đi kèm với sự nguội lạnh chung của chủ nghĩa đa phương, sự mất lòng tin ngày càng tăng đối với cộng đồng quốc tế, và sự đánh mất “nhận thức chung về việc trở thành… một gia đình của các quốc gia” (Saint John Paul II, Diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, New York, ngày mồng 05.10.1995, 14). Điều cần thiết là phải khôi phục lòng tin, vốn là nền tảng của chủ nghĩa đa phương.

Điều này áp dụng cho cả việc chăm sóc thụ tạo lẫn việc bảo vệ hòa bình. Đây là những vấn đề cấp bách nhất và chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Nhân loại đang lãng phí biết bao năng lượng vào vô số những cuộc chiến tranh đang diễn ra, chẳng hạn như ở Israel và Palestine, ở Ukraine và ở nhiều nơi khác trên thế giới: xung đột sẽ không giải quyết được vấn đề mà còn làm chúng thêm trầm trọng hơn! Biết bao tài nguyên đang bị lãng phí vào các loại vũ khí hủy diệt sự sống và hủy hoại ngôi nhà chung! Một lần nữa, tôi xin đưa ra đề xuất: “Với nguồn tài chính đổ vào vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một ngân quỹ toàn cầu để dứt khoát xóa bỏ nạn đói” (Thông điệp Fratelli Tutti, 262; x. Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 51) và thực hiện các hoạt động thúc đẩy sự phát triển bền vững của các quốc gia nghèo hơn, và để chống biến đổi khí hậu.

Trách nhiệm của thế hệ này là phải lưu tâm đến tiếng kêu của người dân, người trẻ và trẻ em, đồng thời đặt nền móng cho một chủ nghĩa đa phương mới. Tại sao không bắt đầu ngay từ ngôi nhà chung? Biến đổi khí hậu báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi chính sách. Chúng ta hãy thoát ra khỏi lối mòn của tư lợi và chủ nghĩa dân tộc; vốn là những khuôn mẫu thuộc về quá khứ. Chúng ta hãy cùng nhau đón nhận một tầm nhìn thay thế: điều này sẽ giúp mang lại một cuộc hoán cải mang tính sinh thái, bởi vì “không có sự thay đổi lâu dài nếu không có sự thay đổi về văn hóa” (Laudate Deum, 70). Về điều này, tôi đảm bảo với quý vị về sự dấn thân và hỗ trợ của Giáo hội Công giáo, đặc biệt góp phần tích cực trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về sự tham gia của tất cả mọi người, cũng như trong việc cổ vũ những lối sống lành mạnh, vì tất cả mọi người đều có trách nhiệm và sự đóng góp của mỗi người là cơ bản.

Thưa anh chị em, điều thiết yếu là phải có một bước đột phá, tất nhiên không phải là một sự thay đổi cục bộ, mà là một cách thức mới để cùng nhau tiến về phía trước. Nếu lộ trình chiến đấu chống biến đổi khí hậu được bắt đầu ở Rio de Janeiro vào năm 1992, và Thỏa thuận Paris năm 2015 đánh dấu “một sự khởi đầu mới” (Laudate Deum, 47) thì giờ đây việc khởi động lại lộ trình này là điều cấp thiết. Chớ gì COP này là một bước ngoặt thể hiện ý chí chính trị rõ ràng và hữu hình, dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định của tiến trình chuyển đổi sinh thái, thông qua các biện pháp đáp ứng 3 yêu cầu: chúng phải “hiệu quả, bắt buộc, và dễ giám sát” (Laudate Deum, 59). Và chúng được thực hiện trong 4 lĩnh vực: sử dụng năng lượng hiệu quả; nguồn tái tạo; loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; và giáo dục lối sống ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chúng ta hãy tiến về phía trước và đừng lùi bước. Ai cũng biết rằng nhiều thỏa thuận và cam kết được cho là “có mức độ thực hiện kém, vì thiếu cơ chế phù hợp để giám sát, xem xét định kỳ và xử phạt thích hợp trong những trường hợp vi phạm” (Laudato si’, 167). Bây giờ là lúc không trì hoãn được nữa mà là thực hiện chứ không chỉ nói về phúc lợi của con cái, công dân, đất nước của quý vị, và thế giới của chúng ta. Quý vị có trách nhiệm kiến ​​tạo những chính sách có thể đưa ra những câu trả lời cụ thể và mạch lạc, từ đó thể hiện sự cao quý trong vai trò mà quý vị đảm nhiệm, và phẩm chất của dịch vụ mà quý vị thực hiện. Bởi vì, mục đích của quyền lực là để phục vụ. Sẽ chẳng ích gì nếu duy trì một quyền bính mà một ngày nào đó sẽ chỉ được ghi nhớ vì không có khả năng can thiệp khi cần thiết và cấp bách (x. Laudato si’57). Lịch sử sẽ nhớ ơn quý vị vì điều đó. Cũng giống như những xã hội mà quý vị đang sống, trong đó có sự chia rẽ đáng tiếc thành “các phe hâm mộ”, giữa những ngôn sứ về sự diệt vong và những người ngoài cuộc thờ ơ, giữa những nhà bảo vệ môi trường triệt để, và những người phủ nhận biến đổi khí hậu… Việc đứng về phe nào cũng vô ích; trong trường hợp này, cũng như trong vấn đề hòa bình, điều này không dẫn đến bất kỳ giải pháp khắc phục nào. Chính sách tốt mới là giải pháp: nếu một tấm gương cụ thể và gắn kết xuất phát từ cấp trên, thì điều này sẽ mang lại lợi ích cho cấp cơ sở, nơi mà nhiều người, đặc biệt là người trẻ, đã tận tâm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Ước mong rằng năm 2024 sẽ đánh dấu bước đột phá này. Tôi thích nghĩ đến một sự việc xảy ra vào năm 1224 là một dấu hiệu tốt lành. Vào năm đó, Thánh Phanxicô Assisi đã sáng tác “Bài ca các thụ tạo”. Lúc ấy Thánh Phanxicô đã bị mù hoàn toàn, và sau một đêm đau đớn về thể xác, tinh thần của ngài đã được an ủi nhờ một trải nghiệm thần bí. Sau đó, ngài muốn ca ngợi Đấng Tối Cao vì những thụ tạo mà ngài không còn nhìn thấy nữa, nhưng ngài biết rằng chúng là anh chị em của mình, vì chúng xuất phát từ cùng một Cha và được chia sẻ cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ. Do đó, cảm thức huynh đệ đầy cảm hứng này đã khiến ngài biến nỗi đau thành lời ngợi khen, và sự mệt mỏi thành sự dấn thân đổi mới. Ngay sau đó, Thánh nhân thêm một khổ thơ khác trong đó ngài ca ngợi Thiên Chúa vì những ai tha thứ; và ngài đã làm như vậy để giải quyết – một cách thành công – một cuộc xung đột không đáng có giữa chính quyền dân sự và giám mục địa phương. Cùng mang danh hiệu Phanxicô, và với sự chân thành của một lời khẩn nguyện, tôi muốn lưu lại nơi quý vị sứ điệp này: Chúng ta hãy gạt bỏ những chia rẽ và hãy hợp lực với nhau! Và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta hãy thoát ra khỏi đêm tối của chiến tranh và sự tàn phá môi trường để biến tương lai chung của chúng ta thành bình minh của một ngày mới tươi sáng. Xin cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (02. 12. 2023)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận