Ảnh hưởng của truyền thông với việc giáo dục gia đình Kitô giáo

1557 lượt xem

Những thành tựu khoa học về mọi mặt trong thế giới hôm nay, trong đó sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vưc truyền thông nói chung, đang đóng góp nhiều hiệu quả thiết thực để giúp thăng tiến đời sống con người cũng như giúp cho con người dễ dàng xích lại gần nhau hơn trong ngôi làng toàn cầu. Với đời sống người Kitô hữu hôm nay, các phương tiện truyền thông cùng lúc vừa là cơ hội vừa là sự thách thức gay gắt đối với các thành viên trong các gia đình, trong việc sống đức tin và làm chứng cho Tin Mừng.

1. Gia đình Công giáo trước ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông

Không ai có thể phủ nhận rằng, “Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi đối với nhiều người, đó chính là phương thế chính yếu để thông tin và giáo dục, để hướng dẫn và kêu gọi con người trong những ứng xử của mình với tư cách một cá nhân, gia đình hay xã hội”.[1] Các phương tiện ấy hầu như đang chiếm chỗ ưu tiên trong những hoạt động kinh tế thương mại cũng như làm chi phối mối tương quan giữa người với người, nơi môi trường xã hội và ngay cả trong đời sống sinh hoạt yên ổn của các gia đình. Chính sự giao thoa giữa truyền thông với nhịp sống vội vã của nền kinh tế tiêu thụ đã làm cho các thành viên trong gia đình hiếm khi có giờ dành cho nhau.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhìn thấy mặt trái của các phương tiện truyền thông ngày nay đang là mối nguy đáng lo ngại cho việc giáo dục trong gia đình Kitô giáo. Thay vì tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp, không ít người trẻ lại sa và cạm bẫy những loại hình văn hoá phi đạo đức[2].

Trong một xã hội với một nền kỹ thuật tân tiến, các phương tiện truyền thông xã hội và toàn cầu hóa, mọi sự đều trở nên hối hả, và sự cách biệt văn hóa giữa các thế hệ đang gia tăng càng ngày càng lớn hơn. Những thông tin khác biệt nhất và những kinh nghiệm không thể đoán trước được, đang nhanh chóng xâm nhập vào đời sống của các trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, và các bậc cha mẹ có thể rất lo âu về những mối nguy hiểm mà con cái họ phải đương đầu. Đôi khi các bậc cha mẹ rơi vào thất vọng não nề khi con cái thất bại trong việc chống trả lại những quyến rũ của nền văn hóa ma túy, sự lôi cuốn của chủ nghĩa khoái lạc vô độ, cám dỗ giải quyết bằng bạo lực, và những biểu lộ muôn mặt của vô nghĩa và thất vọng.[3]

Cách riêng ở Việt Nam, có lẽ thách đố khá lớn mà các gia đình Kitô hữu đang gặp phải, đó là mối đe dọa giữa thực trạng giáo dục và truyền thông ngày nay. Đó là sự ảnh hưởng nguy hại từ môi trường giáo dục mang dáng dấp của một xã hội theo chủ nghĩa vô thần và duy vật, cộng với trào lưu quảng bá nếp sống tự do phóng túng mang tính “toàn cầu.” Người ta dễ có khuynh hướng lạm dụng quan niệm tự do của mình một cách méo mó cho chủ nghĩa cá nhân, cùng với lối sống thực dụng và hưởng thụ. Chính môi trường ấy đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách trong gia đình của người Kitô hữu, trong lối suy tư cũng như trong việc thực hành đời sống đức tin.

Không nhiều thì ít, ta cũng có thể hiểu được rằng, phần lớn những tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội vô tín hôm nay khác xa với những chuẩn mực luân lý Kitô giáo. Thậm chí, lối sống của xã hội hôm nay như đang quay lưng, đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Chỉ cần đề cập đến một khía cạnh nhỏ của hôn nhân và gia đình thôi, thì người ta cũng có thể thấy vô số những  lệch lạc hết sức nguy hiểm, đang đi ngược lại với đời sống các gia đình Kitô hữu của thế hệ mới hôm nay. Chẳng hạn, qua nhiều mảng thông tin công cộng[4] cùng những quy định nghiêm chỉnh của luật lệ quốc gia[5], người ta cũng có thể thấy sự thoả hiệp, đồng tình cho việc người trẻ tự do luyến ái, sống thử trước hôn nhân, tự do ly dị,  tự do ngừa thai và phá thai, v.v..

2. Sự phân định và chọn lựa các loại hình truyền thông

Phương tiện truyền thông như thế có thể ví như “con dao hai lưỡi”. Nghĩa là, tùy vào ý thức và cách chọn lựa đúng đắn hay sai lạc về nội dung truyền thông của người sử dụng, mà những phương tiện ấy “có thể là những công cụ hữu hiệu xây dựng sự hợp nhất và cảm thông, nhưng đôi khi cũng có thể là những phương tiện truyền bá một quan điểm méo mó về cuộc sống, gia đình, tôn giáo và luân lý”.[6] Hơn thế nữa, “người ta có thể dùng các phương tiện thông tin để loan báo Tin Mừng, nhưng cũng có thể dùng chúng để bắt Tin Mừng chết lặng trong tâm hồn con người”[7].

Cho dù các phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay xem ra có mãnh lực thu hút con người rất mạnh mẽ, thì nhu cầu hết sức quan trọng diễn tả mối tương quan hiệp thông chia sẻ, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhau giữa những con người bằng xương bằng thịt, vẫn là một giá trị sống còn, vượt  xa mọi phương tiện người ta đang sở hữu. Thực vậy, “sự tương tác qua lại giữa con người với nhau bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông ngày càng nhiều và gắn bó tha thiết với những nhân vật tưởng tượng trên các phương tiện truyền thông. Suy cho cùng, các phương tiện truyền thông không thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp của cá nhân và sự liên đới hành động giữa các thành viên trong gia đình và giữa bạn bè”[8].

3. Nỗ lực tìm kiếm phương thế truyền thông trong giáo dục gia đình Kitô giáo

Mỗi gia đình Kitô giáo chính là một Giáo Hội thu nhỏ, là cung thánh, là cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu. Do đó cơ cấu gia đình nói chung và cơ cấu gia đình Kitô giáo nói riêng chính là đối tượng truyền thông thiết yếu nhất mà không gì có thể thay thế được. Chính vì thế  mà các bậc cha mẹ cần ý thức, nỗ lực và hy sinh nhiều hơn để có thể  thiết lập mạng lưới truyền thông được xây dựng trên nền đá tảng vững chắc, của mối dây hiệp thông thiêng liêng, của mối tương quan hiệp thông giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Thiên Chúa và con người bắt nguồn từ bí tích hôn nhân.

Chính trong chiều kích sâu xa ấy mà gia đình được mời gọi thực sự trở nên chiếc nôi thông truyền sự sống, tình yêu và di sản truyền thống đức tin cho con cái mình. Về nhân bản, “trước hết các bậc cha mẹ phải xây dựng một tổ ấm gia đình có quy luật là dịu hiền, tha thứ, tôn trọng, trung tín và phục vụ vô vị lợi”[10]. Về đức tin, thì chính cha mẹ là người có trách nhiệm và đặc ân để phúc âm hoá con cái bằng chính chứng tá đức tin của mình, bằng lời nói cũng như gương lành, trong cung thánh của đời sống gia đình, chính họ là những người thày dạy về đời sống tâm linh, giúp cho con cái mình biết cầu nguyện và biết nhận ra Thiên Chúa là Cha. Để từ nơi tổ ấm ấy, các thành viên học biết sống quên mình, biết phân định và biết sống tự chủ, để  tất cả vốn sống tinh thần cũng như hành vi nhân linh ấy dẫn đưa họ tới sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.[11]

Đối diện những vấn nạn về truyền thông trong đời sống đức tin của các gia đình Kitô hữu hiện nay, người viết  xin được đưa ra vài yếu tố, như là điểm gợi ý, mong có thể  đóng góp phần nào vào việc tìm kiếm việc ứng dụng những phương thế truyền thông trong gia đình. Đó là củng cố mối giây hiệp thông trong gia đình đồng thời tổ chức những loại hình truyền thông đặc thù.

a. Củng cố mối giây hiệp thông trong đời sống gia đình

(1) Buổi họp mặt và những bữa ăn gia đình

Đây là cơ hội hết sức thuận tiện và quý báu để mỗi thành viên trong gia đình, cùng được chia sẻ không những trong bữa ăn vật chất mà còn là nguồn nuôi dưỡng mối hiệp thông đời sống tinh thần trong sự liên đới, cảm thông và yêu thương. Tùy theo điều kiện sinh hoạt của các gia đình, mà có thể từng thế hệ: từ ông bà, cha mẹ hay con cháu, có dịp gặp gỡ, trao đổi thông tin, có thêm hiểu biết về nhau, hầu có thể chia sẻ và chuyển thông cho nhau những kinh nghiệm sống phong phú. Với môi trường làm việc và học tập bận rộn như hoàn cảnh xã hội hiện nay thì việc  mọi người thường xuyên dùng bữa chung với nhau quả là điều không dễ. Nhưng các thành viên có thể thu xếp thời giờ, hiện diện hay đến với nhau trong những ngày lễ kỷ niệm đáng ghi nhớ của gia đình hay dòng tộc như : ngày sinh nhật, lễ bổn mạng, lễ thành hôn, lễ giỗ… Qua đó, các thành viên có cơ hội để biểu lộ mối giây hiệp thông và quan tâm đến nhau nhiều hơn.

(2) Giờ kinh nguyện gia đình

Ngoài việc tham dự thánh lễ và các sinh hoạt phụng vụ tại cộng đoàn giáo xứ, tại mỗi gia đình đều có thể  tổ chức những hình thức sinh hoạt  đặc thù của đời sống thiêng liêng. Chẳng hạn, trong các giờ kinh nguyện sáng tối; đặc biệt, trong giờ kinh tối. Đó là giây phút linh thánh nhất, khi mọi thành phần trong gia đình có dịp qui tụ sau một ngày làm việc, để cùng với Đức Mẹ và các thánh, dâng lên Thiên Chúa, lời ca tụng, tạ ơn, nguyện xin, và giãy bày tâm tư của mình. Đây cũng là khoảnh khắc cần thiết, để mỗi người có dịp nhìn lại chính mình sau mỗi ngày sống, để tạ lỗi với Chúa và làm hoà với nhau. Làm thế nào để những giây phút thờ phượng Chúa, lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa trong giờ kinh tối này, trở nên như một tập quán tốt lành của mỗi gia đình hoặc của gia tộc, và như một nhu cầu cần thiết của việc cảm nghiệm và sống đức tin. Tuy nhiên, thời gian cử hành nên ngắn gọn sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của mỗi gia đình.

b. Tổ chức những phương tiện truyền thông đặc thù

Sống trong thời đại bùng nổ thông tin, các loại sách vở báo chí cũng như các phương tiện nghe nhìn, với vô số loại hình văn hoá nghệ thuật đa dạng, mỗi ngày được cải tiến, đang tạo nên sự phong phú và hấp dẫn lạ thường và có sức thu hút mạnh mẽ mọi người, đặc biệt đối với  người trẻ. Có thể nói chúng đã trở thành như một nhu cầu không thể thiếu trong các gia đình. Tuy nhiên, như ở giữa “một rừng” các hình thức, thể loại thông tin  và truyền thông ấy, làm thế nào để các nhà giáo dục và phụ huynh có thể giúp con em mình biết chọn lựa những điều lợi ích? Có thể, mỗi người chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời khác nhau. Ở đây chỉ xin được đề nghị việc ứng dụng, tạm gọi là, hai hình thức truyền thông đặc thu, có thể thực hiện nơi các gia đình, trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đó là thiết lập hệ thống thư viện và mạng internet gia đình.

(1) Thư viện gia đình

Trước tiên, tùy vào khả năng kinh tế, mà các bậc cha mẹ có thể và nên thiết lập những phương tiện truyền thông mang tính giáo dục cao ngay trong gia đình. Chẳng hạn lập ra một thư viện riêng cho gia đình mình. Nơi đây, có thể cung cấp tối thiểu một số thể loại ấn phẩm như: phim ảnh, sách báo cần thiết, đã được chọn lọc kỹ lưỡng và thường xuyên cập nhật, hoặc cũng có thể lưu trữ những dữ liệu truyền thống của gia đình hay dòng họ. Những nguồn tài liệu truyền thông này, phần nào có thể vừa đáp ứng được nhu cầu học hỏi và giải trí lành mạnh cho con em mình mà còn bổ sung lỗ hổng những kiến thức đức tin và phong hoá của Kitô giáo, vốn không có ở trường học.

Chẳng hạn, về sách vở đương nhiên, cuốn Kinh Thánh được đặt ở nơi trang trọng nhất và được thường xuyên sử dụng. Đồng thời nên có những loại sách giáo lý, tài liệu về Giáo hội , giáo luật, các sách thiêng liêng, sách về giáo dục nhân bản, giới tính, hôn nhân gia đình và gương các thánh, v.v..

Về phim ảnh, trong đó phải kể đến khá nhiều loại băng đĩa CD, VCD, DVD: bao gồm các thể loại khác nhau, chứa đựng các tài liệu học hỏi về Kitô giáo, các đĩa nhạc  thánh ca và suy niệm để giúp thư giãn và cầu nguyện. Cũng phải kể đến khá nhiều phim truyện, hay phim tài liệu về đạo hoặc đời, như là những cuốn sách tóm tắt, đã được biên soạn và dàn dựng hết sức công phu, chứa đựng những bài học súc tích và sinh động về Thiên Chúa và con người, về đức tin và luân lý, có sức thuyết phục  mạnh mẽ và mang tính giáo dục cao.

(2) Internet trong gia đình

Với mạng lưới internet đang phát triển rộng khắp, cung cấp những dữ liệu thông tin khổng lồ, chứa đựng trong đó rất nhiều điều tốt lành nhưng cũng không thiếu những điều xấu nguy hại. Thế nên các bậc cha me cần phải học hỏi, để có khả năng tiếp cận và sử dụng loại thông tin cực kỳ hiện đại này, nhờ đó, cùng với sự khôn ngoan và thận trọng cần có, họ mới có thể biết cách hướng dẫn và có khả năng giúp con cái biết cách sử dụng các phương tiện ấy cho phù hợp với tinh thần đức tin Kitô giáo.

Qua hệ thống mạng liên lạc toàn cầu như hiện nay, việc truy cập  các loại tài liệu, thông tin, trao đổi thư từ, được truyền đi cách hết sức nhanh chóng. Các gia đình có thể lắp đặt hệ thống mạng, tiếp cận và ứng dụng phần nào những tính năng hữu ích này, để mang lại hiệu quả tốt hơn cho việc giáo dục con em mình trong thời đại mới.

Chẳng hạn, trong mạng lưới internet của gia đình, cha mẹ chỉ nên cho phép và khuyến khích con em mình, lưu trữ và cập nhật một số trang web lành mạnh, đem lại lợi ích cho việc học tập, nghiên cứu và giúp thăng tiến đời sống đức tin, cũng như  đời sống tự nhiên và xã hội.

Có thể được, mỗi gia đình hay gia tộc nên thiết lập một trang web riêng hay liên thông với trang web của dòng họ. Dùng trang web này như là một “câu lạc bộ” riêng của gia đình để thông tin liên lạc, hay chuyển tải những những giáo huấn của cha me, ông bà gửi cho con cháu, hay để đón nhận những thắc mắc, tâm tư tình cảm hay khát vọng của con cháu gửi cho ông bà, cha me, cùng với những chia sẻ buồn vui giữa các thành viên trong gia đình, hay họ hàng với nhau.

Hiện nay, công nghệ giải trí trên mạng internet ngày càng có rất nhiều hình thức phong phú khác nhau, tốt cũng như xấu. Đặc biệt là các chương trình games đã thu hút sự đam mê của môt số lớn thanh thiếu niên, nhiều khi thay vì giải trí thư giãn có chừng mực, thì lại mất đi rất nhiều thời gian cho những trò chơi vô bổ và vô ích. Lối sống của những lớp trẻ này, nếu không được các phụ huynh chấn chỉnh kịp thời, sẽ đi đến hậu quả là, không còn ham thích việc đến trường, không còn quan tâm đến sinh hoạt của gia đình, trở nên xa lạ với các sinh hoạt đức tin của xứ đạo, giáo xứ và nhà thờ…

Vì vậy, với sự liên kết  với các tổ chức, đoàn thể của giáo xứ có liên quan đến công tác giáo dục, các gia đình, hay từng nhóm gia đình, có thể dùng những phương tiện hiện đại, để khắc phục, uốn nắn những thái quá của môi trường truyền thông hôm nay và tạo nhiều cơ hội để chăm sóc vun trồng cho hạt giống đức tin nơi con cái mình được lớn lên. Như cung cấp cho con cái những chương trình trò chơi, giải trí đố vui về kiến thức giáo lý, thánh kinh…hay khuyến khích và tổ chức những buổi hát karaoke gia đình, mang nội dung giáo lý đức tin vào những ngày kỉ niệm của gia đình, vào kỳ nghỉ  lễ hay cuối tuần.

Kết luận

Truyền thông và ứng dụng những phương thế truyền thông trong việc giáo dục gia đình Kitô giáo vẫn luôn là dấu hỏi lớn đặt ra cho các bậc phụ huynh cũng như những người đang dành nhiều tâm huyết cho sứ mạng giáo dục đức tin, “học và sống làm con người và làm con Chúa”[12] trong xã hội hôm nay. Chúng ta mong ước cần có nhiều nỗ lực và sáng kiến của mọi thành phần dân Chúa để tiếp tay vào công trình đầy khó khăn này.

Qua việc đón nhận sứ điệp của ngày Truyền Tin bằng hai tiếng “xin vâng”, Đức Trinh Nữ Maria đã thực sự để cho Con Thiên Chúa nhập cuộc vào đời sống của Mẹ nơi gia đình Thánh Gia. Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu cũng là cưu mang chính niềm vui tuyệt đỉnh của ơn cứu độ. Mẹ được thông hiệp mật thiết với tình yêu của con Mẹ cùng với mọi nỗi vui buồn. Hình ảnh Mẹ Maria vượt nẻo đường xa, mang tin vui đến người chị họ Êlizabeth, làm hài nhi Gioan nhảy mừng trong dạ mẹ, cũng có thể là dấu chỉ của mẫu gương truyền thông đích thực: hình ảnh của Mẹ như đang muốn nói với các gia đình chúng ta hôm nay, là hãy vượt qua mọi thách đố của cuộc sống này, để chuyển thông tình yêu ơn cứu độ cho mọi  người ở quanh ta. Sứ mạng này chỉ thực sự mang lại kết quả khi các gia đình biết học theo gia đình Thánh Gia, khi biết mở lòng ra cho Thiên Chúa hành động, đổi mới canh tân chính bản thân mỗi người chúng ta.

———————————————————-

Chú thích:

[1] Huấn thị Thời đại mới, số 1.
[2] Thư chung về Giáo dục Kitô giáo, 2007, số 14.
[3] Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ  Maria, ngày 16/10/2002, số 42.
[4] x. Giáo dục giới tính online, mục  Phá thai: blog.360.yahoo.com/blog-Np6mMf88cqjLp845ii7peNmX?p=379 – 51k
[5] x. Luật hôn Nhân và Gia đình Việt Nam năm 2001, điều 2-4, …
[6] Sđd, Huấn thị Thời đại mới, số 7.
[7] Sđd, số 4.
[8] Sđd, số 7.
[9] Giáo lý của Hội Thánh Công giáo biên soạn cho giáo dân Việt Nam, tr. 381.
[10]  Sđd,tr. 381.
[11] Thư Chung về Giáo dục Kitô Giáo, 2007, số 39.

Ts. Giuse Nguyễn Thanh Ngư, MF

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận