Bài giảng của Đức Thánh Cha trong nghi thức thống hối

1312 lượt xem

Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu, 29/3, ĐTC Phanxicô đã cử hành nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội cá nhân, khai mạc “24 giờ cho Chúa”. Sau bài giảng là phần xét mình riêng, chính ĐTC cũng đi xưng tội với một linh mục, trước khi ngài giải tội cho một số hối nhân.

“Chỉ còn lại có hai người: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Thánh Augustinô đã kết luận về Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Những người đến để ném đá người phụ nữ hoặc buộc tội Chúa Giêsu đã bỏ đi. Họ bỏ đi, họ không quan tâm đến điều gì khác. Chúa Giêsu thì vẫn ở lại. Ngài ở lại vì trong mắt Ngài vẫn còn điều quý giá: đó là người phụ nữ, là một con người. Đối với Ngài, trước khi nói đến tội thì nhìn thấy tội nhân. Tôi, bạn, mỗi người chúng ta trong trái tim của Thiên Chúa đến trước: trước cả những sai lầm, nguyên tắc, phán xét và sa ngã của chúng ta. Chúng ta xin ơn để có cái nhìn như Chúa Giêsu, chúng ta xin để có được cái nhìn Kitô giáo về cuộc sống, nơi mà trước cả tội lỗi chúng ta thấy tội nhân bằng tình yêu, trước cả lỗi lầm là người có lỗi, trước lịch sử của một người là chính con người của họ.

“Chỉ còn lại có hai người: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Đối với Chúa Giêsu, người phụ nữ bị bắt đang ngoại tình không nói lên một điều Luật, nhưng là một tình trạng cụ thể diễn ra. Vì vậy, Ngài ở lại đó với người phụ nữ, hầu như vẫn luôn im lặng. Trong khi đó, Ngài làm một cử chỉ bí ẩn hai lần: Ngài lấy ngón tay viết trên đất (Ga 8,8). Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là điều quan trọng nhất: sự chú ý của Tin Mừng đặt ở sự kiện là Chúa viết. Điều này gợi nhớ câu chuyện Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các bảng Luật bằng ngón tay của mình (xem Xh 31,18), giống như Chúa Giêsu hiện tại. Sau đó, qua các tiên tri, Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên tấm bia bằng đá nữa, nhưng trực tiếp lên trái tim (xem Gr 31,33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (xem 2 Cr 3,3). Với Chúa Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể, thì đã đến lúc viết lên trái tim của con người, để mang lại niềm hy vọng chắc chắn cho nỗi khốn khổ của con người: không đưa ra quá nhiều luật lệ bên ngoài, thường làm cho Thiên Chúa và con người xa cách, nhưng mang đến luật của Thánh Thần để đi vào con tim và làm cho nó được tự do. Đây là những gì xảy ra với người phụ nữ, chị đã gặp Chúa Giêsu và tiếp tục được sống. Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa (xem Ga 8,11). Chính Chúa Giêsu, với quyền năng của Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bên trong chúng ta, khỏi tội lỗi mà Luật có thể cản trở, nhưng không loại bỏ.

Sự dữ nó mạnh, nó có sức mạnh quyến rũ: thu hút, mê hoặc. Để thoát khỏi nó, sự cố gắng của chúng ta không đủ, chúng ta cần một tình yêu lớn hơn. Không có Thiên Chúa thì không thể thắng được sự dữ: chỉ có tình yêu của Ngài nâng dậy từ bên trong, chỉ có sự dịu dàng của Ngài đổ đầy trái tim mới làm cho ta được tự do. Nếu chúng ta muốn giải thoát khỏi sự dữ, thì cần dành không gian cho Chúa, Đấng tha thứ và chữa lành. Và Ngài làm điều đó trước hết qua Bí tích mà chúng ta sắp cử hành. Xưng tội là hành trình đi từ sự khốn khổ đến lòng thương xót, là chữ viết của Chúa lên trái tim. Tại đó, chúng ta đọc mỗi khi chúng ta quý giá trong ánh mắt của Thiên Chúa, rằng Ngài là Cha và Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu mình.

“Chỉ còn lại có hai người: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Chỉ có họ. Đã bao lần chúng ta cảm thấy cô đơn và đánh mất dòng chảy cuộc sống. Đã bao lần chúng ta không biết làm thế nào để bắt đầu lại, bị dồn nén bởi khó chấp nhận chính mình. Chúng ta cần bắt đầu lại, nhưng chúng ta không biết từ đâu. Kitô hữu được sinh ra với sự tha thứ được lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội. Và luôn được tái sinh từ đó: từ sự tha thứ đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người làm cho chúng ta được phục hồi. Chỉ việc được tha thứ, chúng ta mới có thể mạnh mẽ một lần nữa, sau khi trải nghiệm niềm vui được Chúa Cha yêu thương đến cùng. Chỉ qua sự tha thứ của Thiên Chúa, thì những điều mới trong chúng ta mới thực sự xảy ra. Chúng ta hãy lắng nghe câu mà Chúa đã nói với chúng ta hôm nay qua tiên tri Isaia: “Ta làm một điều mới” (Is 43,19). Sự tha thứ cho chúng ta một khởi đầu mới, làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới, cho phép chúng ta chạm vào cuộc sống mới bằng đôi tay của mình. Sự tha thứ của Chúa không phải là một bản sao chép giống hệt nhau trong tòa giải tội. Nhận được sự tha thứ ngang qua vị linh mục là một kinh nghiệm luôn luôn mới mẻ, nguyên thuỷ và không thể bắt chước. Nó làm cho chúng ta bước từ sự cô đơn với những nỗi đau khổ và những người cáo buộc, như người phụ nữ trong Tin Mừng, đến chỗ được Chúa nâng dậy và khích lệ, Ngài giúp chúng ta bắt đầu lại.

“Chỉ còn lại có hai người: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Phải làm gì để gắn bó với lòng thương xót, vượt qua nỗi sợ của việc xưng tội? Chúng tôi hãy đón nhận lời mời của tiên tri Isaia: “Các ngươi không nhận thấy sao?” (Is 43,19). Nhận ra sự tha thứ của Chúa. Điều đó rất quan trọng. Thật hay, sau khi xưng tội, vẫn ở lại như người phụ nữ, với ánh nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng vừa giải thoát chúng ta: không nhìn về nỗi khốn khổ nhưng là lòng thương xót của Ngài. Nhìn vào Thánh giá và nói bằng sự kinh ngạc: Đây là nơi tội lỗi của tôi đã kết thúc. Ngài đã mang lấy chúng trên mình. Ngài đã không chỉ tay vào con, nhưng Ngài mở rộng vòng tay và Ngài lại tha thứ cho con”. Điều quan trọng là phải nhớ sự tha thứ của Chúa, nhớ về sự dịu dàng, để cảm nếm được sự bình an và tự do mà chúng ta đã trải qua. Bởi vì đây là trung tâm của Bí tích Hoà giải: không phải là tội lỗi mà chúng ta xưng, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được và chúng ta luôn luôn cần. Nhưng có thể có một nghi ngờ: “việc xưng tội là vô ích, vì tôi luôn phạm tội”. Nhưng Chúa biết chúng ta, Ngài biết rằng cuộc đấu tranh nội tâm là khó khăn, rằng chúng ta yếu đuối và dễ bị ngã, thường tái phạm trong điều ác. Và Ngài đề nghị chúng ta bắt đầu trở thành người “tái phạm” trong điều tốt, trong việc xin lòng thương xót. Ngài sẽ nâng chúng ta dậy và biến chúng ta thành những thụ tạo mới. Như thế, chúng ta trở lại xưng tội, trả lại cho bí tích này vị trí xứng đáng trong cuộc sống và trong việc mục vụ!

“Chỉ còn lại có hai người: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Chúng ta hôm nay cũng sống trong Bí tích Hoà giải cuộc gặp gỡ cứu độ này: chúng ta, với những đau khổ và tội lỗi của chúng ta; và Chúa, Ngài biết chúng ta, yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Chúng ta tham dự cuộc gặp gỡ này, cầu xin ân sủng để tái khám phá điều này.

Văn Yên, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận