SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO
Ngày 01 tháng 9 năm 2024
Hy vọng và hành động với thụ tạo
Anh Chị Em thân mến!
“Hy vọng và hành động với thụ tạo” là chủ đề của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo, sẽ được tổ chức vào ngày 01 tháng 9 năm 2024. Chủ đề được lấy từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8,19-25), trong đó Thánh Tông đồ giải thích ý nghĩa của việc sống theo Thánh Thần và tập trung vào niềm hy vọng chắc chắn sẽ được cứu độ nhờ đức tin, tức là sự sống mới trong Chúa Kitô.
1. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một câu hỏi, mà không dễ để có câu trả lời ngay lập tức. Nếu chúng ta thực sự là những người tin, làm thế nào chúng ta có được đức tin ấy? Không phải đơn giản vì chúng ta tin vào một điều gì đó siêu việt, vượt quá sức mạnh của lý trí, là mầu nhiệm không thể truy tầm về một Thiên Chúa xa vời và cách biệt, vô hình và không thể gọi tên. Thay vào đó, như Thánh Phaolô nói với chúng ta, đó là vì Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chúng ta là những người tin vì chính tình yêu của Thiên Chúa “đã đổ vào lòng chúng ta” (Rm 5,5) và giờ đây Thánh Thần thực sự là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1,14), không ngừng thúc đẩy chúng ta nỗ lực cho những điều tốt lành bền vững, theo sự viên mãn trọn vẹn trong nhân tính của Đức Giêsu. Thánh Thần giúp các tín hữu có khả năng sáng tạo và chủ động trong bác ái. Ngài sai chúng ta đi trên một cuộc hành trình vĩ đại của sự tự do thiêng liêng, nhưng một cuộc hành trình không loại bỏ căng thẳng giữa lối suy nghĩ của Thánh Thần và lối suy nghĩ của thế gian, những hoa trái đối nghịch nhau (x. Gl 5,16-17). Chúng ta biết rằng hoa trái đầu mùa của Thánh Thần, là tổng hợp tất cả những hoa trái khác, chính là tình yêu. Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, các tín hữu là con cái Thiên Chúa và có thể hướng về Ngài với những lời “Abba, Lạy Cha” (Rm 8,15), giống như Đức Giêsu đã làm. Hơn nữa, họ có thể hành động như vậy với sự tự do của những người không còn rơi vào nỗi sợ chết, vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Đây là niềm hy vọng lớn lao của chúng ta: tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng và tiếp tục chiến thắng mọi thứ. Thật vậy, ngay cả khi đối mặt với thân xác phải chết, vinh quang tương lai đã được đảm bảo cho những ai sống đời sống mới trong Thánh Thần. Niềm hy vọng này cũng không làm thất vọng, như đã được khẳng định trong Sắc chỉ gần đây của Năm Thánh sắp tới [1].
2. Đời sống của một Kitô hữu là đời sống của đức tin, thực hành bác ái và tràn đầy niềm hy vọng, khi chúng ta chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang. Chúng ta không bối rối vì sự “trì hoãn” của Cuộc Quang lâm, Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai; đối với chúng ta, câu hỏi quan trọng là “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Đức tin là một hồng ân, hoa trái sự hiện diện của Thánh Thần trong chúng ta, nhưng đó cũng là một nhiệm vụ phải được thực hiện cách tự do, tuân theo điều răn yêu thương của Đức Giêsu. Đó chính là niềm hy vọng hạnh phúc mà chúng ta phải là chứng nhân. Tuy nhiên, chúng ta phải làm chứng ở đâu, khi nào và bằng cách nào? Chắc chắn là bằng cách chăm sóc thân xác đau khổ của nhân loại. Là những người dám ước mơ, chúng ta phải mơ với đôi mắt rộng mở, được thúc đẩy bởi khát vọng yêu thương, tình huynh đệ, tình bạn và công lý cho toàn thể nhân loại. Ơn cứu độ của Kitô giáo đi vào vực sâu đau khổ của thế giới, bao trùm không chỉ nhân loại mà còn toàn thể vũ trụ, trong chính thiên nhiên, và oikos, ngôi nhà và môi trường sống của nhân loại. Ơn cứu độ bao trùm thụ tạo như một “thiên đường trần gian”, mẹ đất, vốn là nơi vui tươi và hứa hẹn mang lại hạnh phúc cho tất cả. Sự lạc quan Kitô giáo của chúng ta được xây dựng trên một niềm hy vọng sống động: nhận ra rằng mọi thứ đều hướng tới vinh quang Thiên Chúa, cho sự viên mãn trong bình an của Ngài và đến sự phục sinh của thân xác trong niềm công chính, khi chúng ta chuyển “từ vinh quang này đến vinh quang khác”. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, chúng ta không được miễn trừ khỏi nỗi khổ sở và đau đớn: muôn loài thụ tạo rên siết (x. Rm 8,19-22), chúng ta là Kitô hữu rên siết (x. câu 23-25) và chính Thánh Thần cũng rên siết (x. câu 26-27). Tiếng rên siết này biểu lộ sự lo lắng và đau khổ, cùng với khát vọng và ước muốn. Điều này nói lên niềm tin thác của chúng ta vào Thiên Chúa và sự trông cậy của chúng ta vào sự hiện diện đầy yêu thương nhưng cũng đầy đòi hỏi của Ngài ở giữa chúng ta, khi chúng ta mong đợi kế hoạch của Ngài hoàn thành, đó là niềm vui, tình yêu và bình an trong Thánh Thần.
3. Toàn thể thụ tạo bị cuốn vào tiến trình tái sinh này và đang rên siết mong chờ sự giải thoát của mình. Điều này đòi hỏi một quá trình tăng trưởng vô hình và khó nhận biết được, giống như quá trình “hạt cải trở thành cây to lớn” hay “men trong bột” (x. Mt 13,31-33). Khởi đầu thì rất nhỏ bé, nhưng kết quả mong đợi có thể chứng tỏ vẻ đẹp vô hạn của chúng. Tương tự như việc chờ đợi sự ra đời – sự mặc khải của con cái Thiên Chúa – niềm hy vọng có thể được coi là khả năng giữ vững tinh thần trước nghịch cảnh, không nản lòng trong lúc hoạn nạn hoặc trước sự ác của con người. Niềm hy vọng Kitô giáo không làm thất vọng và cũng không lừa dối. Tiếng rên siết của thụ tạo, của những Kitô hữu và của Thần Khí là sự chờ đợi và kỳ vọng về một ơn cứu độ đang diễn ra; dù sao đi nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thấy mình phải chịu đựng những gì Thánh Phaolô mô tả là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8,35). Như vậy, hy vọng là một cách đọc khác về lịch sử và các vấn đề của con người. Nó không phải là ảo tưởng, mà là thực tế, với chủ nghĩa hiện thực của một đức tin nhìn thấy những điều vô hình. Niềm hy vọng này là sự chờ đợi kiên nhẫn, giống như hy vọng của Ápraham. Tôi nghĩ đến vị có tầm nhìn vĩ đại, Gioakim thành Fiore, Viện phụ người Calabria, người mà theo lời của Dante Alighieri, “được ban cho ơn tiên tri”[2]. Vào thời điểm của những cuộc xung đột bạo lực giữa Giáo hoàng và Đế quốc, những cuộc Thập tự chinh, sự bùng phát của các dị giáo và tinh thần thế tục ngày càng tăng trong Giáo hội, Gioakim đã có thể đề xuất lý tưởng về một lối sống mới giữa con người, dựa trên tình huynh đệ phổ quát và hoà bình Kitô giáo, hoa trái của một lối sống theo tinh thần Tin Mừng. Tôi đã nói về tình bạn thiêng liêng trong xã hội và tình huynh đệ phổ quát này trong thông điệp Hỡi tất cả anh em (Fratelli Tutti), nhưng sự hòa hợp này giữa nam và nữ cũng nên được mở rộng sang thụ tạo, trong một “chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm” (Laudate Deum, 67) và trong ý thức trách nhiệm đối với một hệ sinh thái nhân văn và toàn diện, con đường dẫn đến ơn cứu độ cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho chúng ta là những người sống trong đó.
4. Tại sao trên thế giới lại có quá nhiều điều ác? Tại sao lại có quá nhiều bất công, quá nhiều cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giết hại trẻ em, phá hủy các thành phố, làm ô nhiễm môi trường và khiến đất mẹ bị xâm phạm và tàn phá? Thánh Phaolô ngầm gợi lên tội lỗi của Ađam khi nói: “Chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22). Những cuộc đấu tranh đạo đức của các Kitô hữu gắn liền với “tiếng rên siết” của thụ tạo, kể từ khi thụ tạo “lâm vào cảnh hư ảo” (c. 20). Toàn thể vũ trụ và mọi thụ tạo trong đó đều rên siết và mong mỏi “một cách kiên nhẫn” để vượt qua tình trạng hiện tại và khôi phục lại trạng thái ban đầu của nó. Do đó, sự giải thoát của chúng ta bao gồm cả sự giải thoát của tất cả các thụ tạo khác, những loài liên đới với thân phận con người, bị đặt dưới ách nô lệ. Chính thụ tạo, giống như nhân loại, đã bị bắt làm nô lệ, mặc dù không phải do lỗi của mình, và thấy mình không thể hoàn thành được ý nghĩa và mục đích lâu dài mà nó đã được đặt để vào. Nó có thể bị phân hủy và chết, trầm trọng hơn trước sự lạm dụng của con người đối với thiên nhiên. Đồng thời, ơn cứu độ của nhân loại trong Chúa Kitô cũng là niềm hy vọng chắc chắn cho thụ tạo, vì “vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Do đó, nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô, chúng ta có thể chiêm ngắm trong hy vọng mối dây liên đới giữa nhân loại và muôn loài thụ tạo.
5. Trong hy vọng và kiên trì chờ đợi sự trở lại vinh quang của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần giữ cho chúng ta, cộng đồng các tín hữu, luôn tỉnh thức; Ngài không ngừng hướng dẫn chúng ta và kêu gọi chúng ta hoán cải, thay đổi lối sống để chống lại sự suy thoái môi trường của chúng ta và dấn thân vào việc phê phán xã hội, điều này trên hết là bằng chứng cho khả năng thay đổi thực sự. Sự hoán cải này đòi hỏi phải từ bỏ sự kiêu ngạo của những kẻ muốn thống trị người khác và chính thiên nhiên, coi thiên nhiên như một đối tượng để thao túng, và thay vào đó đón nhận sự khiêm nhường của những người quan tâm đến người khác và toàn thể thụ tạo. “Khi con người đòi chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa, họ trở thành mối nguy hiểm tồi tệ nhất cho chính mình” (Laudate Deum, 73), vì tội của Ađam đã làm hoen ố các mối tương quan cơ bản của chúng ta, cụ thể là với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với vũ trụ. Tất cả những mối tương quan này cần phải được phục hồi, được cứu độ và “đặt lại đúng chỗ” một cách toàn diện. Không thể bỏ qua bất kỳ mối tương quan nào trong số đó, vì nếu thiếu một mối tương quan, mọi thứ khác đều thất bại.
6. Hy vọng và hành động với thụ tạo trước hết có nghĩa là hợp lực và đồng hành với tất cả mọi người nam nữ có thiện chí. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp suy nghĩ lại, “vấn đề quyền lực con người, về ý nghĩa và giới hạn của nó. Quả thực, quyền lực của chúng ta đã phát triển chóng mặt chỉ trong vài thập niên. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng kinh ngạc, nhưng không nhận ra rằng, cùng lúc đó, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây hại cho sự sống của nhiều sinh vật cũng như cho sự sống còn của chính chúng ta” (Laudate Deum, 28). Sức mạnh không được kiểm soát sẽ trở nên tàn ác và sau đó quay lại chống chúng ta. Vì vậy, ngày nay có một nhu cầu cấp bách là đặt ra những giới hạn đạo đức cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, vì khả năng tính toán và mô phỏng của nó có thể được sử dụng để thống trị nhân loại và thiên nhiên, thay vì được khai thác để phục vụ hòa bình và phát triển toàn diện (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2024).
7. “Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng ta trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống”. Điều này được các em thiếu nhi quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô hiểu rõ trong Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ nhất, được tổ chức vào Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng về sự vô hạn, mà là Cha yêu thương, là Con, Đấng là bạn và là Đấng cứu chuộc mọi người, và là Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt từng bước chân chúng ta trên con đường bác ái. Việc vâng phục Thánh Thần tình yêu thay đổi hoàn toàn cách chúng ta suy nghĩ: từ “những kẻ săn mồi”, chúng ta trở thành “những người làm vườn”. Trái đất được giao phó cho chúng ta chăm sóc nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa (x. Lv 25,23). Đây là “chủ nghĩa thần học lấy con người làm trung tâm” đánh dấu truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Đòi quyền sở hữu và thống trị thiên nhiên, thao túng nó theo ý muốn, do đó thể hiện một hình thức thờ ngẫu tượng, một phiên bản Prômêtê của con người, say sưa với quyền lực kỹ trị của mình, ngạo mạn đặt trái đất vào tình trạng “bị thất sủng”, bị tước mất ân sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ân sủng của Thiên Chúa là Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, thì những lời của Đức Bênêđictô XVI thật đúng khi nói: “Không phải là khoa học giải thoát con người: con người được giải thoát bởi tình yêu” (Spe Salvi, 26), tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, từ đó không có gì và không ai có thể tách rời chúng ta (x. Rm 8,38-39). Vì vậy, thụ tạo không đứng yên hay khép kín trong chính nó, mà liên tục hướng tới tương lai của nó. Ngày nay, nhờ những khám phá của vật lý đương đại, mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần tự xuất hiện theo cách ngày càng thú vị đối với sự hiểu biết của chúng ta.
8. Do đó, việc bảo vệ thụ tạo không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề có tính thần học vượt trội, vì đây là điểm giao thoa giữa mầu nhiệm con người và mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự giao thoa này có thể được gọi là “sáng tạo”, vì nó bắt nguồn từ hành động yêu thương mà qua đó Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong Đức Kitô. Hành động sáng tạo đó của Thiên Chúa tạo điều kiện và đặt nền tảng cho tự do và đạo đức trong mọi hoạt động của nhân loại. Chúng ta tự do chính vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, và do đó, chúng ta là “đại diện” cho thụ tạo trong chính Đức Kitô. Một động lực siêu việt (thần học-đạo đức) thúc đẩy các Kitô hữu dấn thân cổ võ công lý và hòa bình trên thế giới, không chỉ thông qua mục đích phổ quát của những điều tốt lành. Đây là vấn đề về sự mặc khải của con cái Thiên Chúa mà thụ tạo đang chờ đợi, rên siết như sắp sinh nở. Điều này không chỉ liên quan đến cuộc sống trần thế của chúng ta trong lịch sử, mà còn và trên hết, đến tương lai của chúng ta trong Nước Trời, ngày cánh chung hạnh phúc của chúng ta, thiên đàng hòa bình của chúng ta, trong Đức Kitô, Chúa của vũ trụ, Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh vì tình yêu.
9. Hy vọng và hành động với thụ tạo có nghĩa là sống một đức tin nhập thể, một đức tin có thể đi vào “thân xác” đau khổ và đầy hy vọng của người khác, bằng cách chia sẻ niềm mong chờ về sự phục sinh của thân xác mà các tín hữu đã được định trước trong Đức Kitô. Trong Chúa Giêsu, Người Con vĩnh cửu đã mặc lấy xác phàm, chúng ta thực sự là con cái của Chúa Cha. Nhờ đức tin và phép rửa, đời sống trong Thần Khí của chúng ta bắt đầu (x. Rm 8,2), một đời sống thánh thiện, sống như con cái Chúa Cha, như Chúa Giêsu (x. Rm 8,14-17), vì nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Kitô sống trong chúng ta (x. Gl 2,20). Bằng cách này, cuộc sống của chúng ta có thể trở thành một bài ca tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho nhân loại, với và cho thụ tạo, và tìm thấy sự trọn vẹn trong sự thánh thiện [3].
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 27 tháng 6 năm 2024.
PHANXICÔ
Nguồn: hdgmvietnam.com
_______
[1] Xem Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 Spes Non Confundit (9/5/2024), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/spes-non-confundit-hy-vong-khong-lam-that-vong—sac-chi-cong-bo-nam-thanh-thuong-le-2025
[2] Thần khúc, Paradiso, Canto XII, 141.
[3] Linh mục Clemente Rebora, dòng Rosmini, đã diễn tả điều này một cách đầy thi vị: “Khi thụ tạo trong Đức Kitô hướng đến Chúa Cha / thì trong vận mệnh huyền bí / mọi thứ đều là nỗi đau đớn của sinh thành: / biết bao nhiêu cái chết để sự sống được nảy mầm! / Nhưng từ một Người Mẹ duy nhất, Đấng thiêng liêng, / ánh sáng được sinh ra một cách hạnh phúc: / Sự sống mà tình yêu sinh ra trong nước mắt, / và, nếu khát khao, thì nơi trần gian này là thi ca; / nhưng chỉ có thánh thiện mới hoàn thiện được bài ca.” (Curriculum vitae, “Poesia e santità”: Poesie, prose e traduzioni, Milan 2015, tr. 297).
Có thể bạn quan tâm
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11