Thật vậy, trong tâm thức của nhiều người trẻ, nhất là những người thuộc thế hệ cuối gen Y và từ thế hệ gen Z[1] về sau, việc thực hành đời sống đức tin qua các giờ đọc kinh gia đình, đọc kinh liên gia, đọc kinh hàng khu hay hàng xứ… ngày càng trở thành một điều gì đó xa lạ, thậm chí vô ích và mất thời gian. Trái lại, những lời kinh chân thành, đơn sơ, quen thuộc và du dương, dù có thể đôi khi hơi máy móc, lặp đi lặp lại đã trở thành những mảng kí ức không thể thiếu, một cảm thức giúp đức tin của bao thế hệ được gìn giữ và lưu truyền cho con cháu. Cách riêng, tại các Giáo phận Dòng, trong đó có Bùi Chu, hình thức đọc kinh liên gia hay theo các giáo giâu, giáo Khu… đã trở thành một nét đẹp, một món ăn tâm linh nuôi dưỡng và làm triển nở, cũng như gìn giữ đức tin của bao thế hệ người Công giáo, nhất là trong thời buổi khó khăn khi mà thiếu linh mục và hiếm Thánh lễ. Cùng với một đời sống thấm nhuần giá trị Tin Mừng, đây cũng là một hình thức thực hành đạo đơn giản đã và đang giúp người Công giáo sống đức tin, tuyên xưng và quảng bá đức tin ấy một cách công khai, nhưng cũng không kém phần hiệu quả trong công cuộc loan bán Tin Mừng giữa đời.
Đọc kinh liên gia, một nét đẹp giữa đời
Như chúng ta đã biết, lòng đạo đức bình dân là cụm từ chỉ định những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đồng, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, không theo các thể thức phụng vụ, mang những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay sắc tộc, là “một kho tàng đích thực của dân Chúa”, “biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa mà chỉ có những kẻ đơn sơ và khó nghèo mới biết được, làm cho người ta có khả năng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng khi cần phải chứng tỏ đức tin, chứa đựng một cảm thức bén nhạy về những thuộc tính thâm sâu của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện trìu mến và liên lỉ, dẫn tới những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi nào khác với cùng mức độ như vậy: kiên nhẫn, ý thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự từ bỏ, sự cởi mở đón nhận những việc sùng mộ khác”.[2] Theo đó, đọc kinh liên gia là một hình thức thể hiện lòng đạo đức bình dân cách cộng đồng, không những giúp người tín hữu tuyên xưng đức tin, nhưng còn giúp họ sống đức tin ấy qua những gì mà họ đọc trên miệng và thấm nhuần trong tâm hồn cũng như thể hiện qua đời sống đạo mỗi ngày.
Thật vậy, là Ki-tô hữu, chúng ta đều biết Phụng vụ và Thánh lễ là việc cử hành trung tâm và chính thức của toàn thể Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người. Do đó, việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ là quan trọng nhất, nơi cung cấp nguồn thần lương nuôi sống đời sống tín hữu, mà không một hình thức nào khác có thể lấn át hay thay thế. Tuy vậy, bên cạnh Phụng vụ, các hình thức đạo đức bình dân cũng là một hoạt động nhằm nuôi dưỡng và làm phong phú đời sống đức tin, mà đọc kinh liên gia là một trong số đó. Hình thức này dù đơn giản, nhưng đã trở thành một nét đẹp của bao xứ đạo Công giáo, giúp người tín hữu không chỉ thể hiện sự hiệp nhất yêu thương, nhưng còn giúp đời sống đạo của họ thêm phong phú và cách nào đó cũng góp phần vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng việc nên chứng tá trong đời sống hằng ngày.
Nhờ việc thực hành các việc đạo đức bình dân, đời sống đức tin của mỗi người thêm sâu sắc và gắn bó hơn với các thực tại thiêng liêng, nhất là với Thiên Chúa. Trong số các hình thức đạo đức bình dân như chầu Thánh thể, rước, dâng hoa, lần hạt Mân côi… thì việc đọc kinh hay khẩu nguyện là một trong những hình thức đạo đức đơn giản, dễ thực hiện mà bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào và thời đại nào và bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài thánh đường cũng có thể thực hành cách chung hay mang tính cá nhân. Hình thức này giúp con người nâng tâm hồn để gặp gỡ Thiên Chúa, cũng như giúp đức tin của mình thêm tăng triển, và giúp việc cầu nguyện trở nên dễ dàng hơn, nhất là đối với những người giáo dân bình thường và không có điều kiện để thực hành những hình thức cầu nguyện cao hơn. Trong đó, việc đọc kinh liên gia từ lâu đã được thực hành tại các xóm đạo giúp cho bầu khí đạo đức của các giáo xứ trở nên sầm uất và sốt sắng hơn, con người nối kết và xích lại gần nhau hơn. Cùng với việc đọc một mình, đọc tại tư gia giữa các thành viên trong gia đình hay đọc tại nhà thờ, các gia đình thuộc các giáo giâu, giáo khu hay các dong hội họp nhau lại tại một gia đình để cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời kinh chân thành, với những ước nguyện cụ thể tùy thuộc ý xin của tư gia hay của cả cộng đoàn ấy.
Trong việc thực hành đọc kinh liên gia, những bản kinh và lời nguyện được soạn sẵn giúp cho việc thực hành khẩu nguyện của bao thế hệ được thực hiện hằng ngày một cách dễ dàng, liên lỉ và đều đặn. Tuy nhiên, mặc dù được thể hiện trong một ngôn ngữ kém nghiêm ngặt so với kinh nguyện Phụng Vụ, nhưng cũng phải lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, Phụng Vụ hay các Giáo Phụ và Huấn Quyền, phải phù hợp với đức tin của Giáo Hội.[3] Do đó, những bản kinh, những lời nguyện dù được soạn sẵn nhưng cũng có chiều sâu thần học và tâm tình đạo đức giúp người thực hành dễ hiểu và dễ kết hợp cùng tâm tình của mình để dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, tạ ơn, tạ lỗi và nguyện xin chân thành. Nhờ đó, đời sống đức tin được nuôi dưỡng và triển nở mỗi ngày. Để rồi không chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng ngoài miệng, nhưng những lời kinh ấy thầm nhuần và trở thành ý lực sống, giúp người tín hữu áp dụng và thực hành trong đời sống hằng ngày, bằng những công việc cụ thể hầu làm chứng cho Chúa cho mọi người xung quanh. Nét đẹp ấy đã trở thành những phần kí ức đức tin không thể phai nhòa trong cảm thức đức tin của nhiều người mà dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn sống đúng tư cách là người Công giáo và giữ vững niềm tin của mình.
Đọc kinh liên gia, kí ức của bao thế hệ
Trong đời sống đức tin, cảm thức đức tin trở thành một điều không thể thiếu của niềm tin, nhất là trong một thời kì khó khăn về mọi mặt trước đây, khiến việc cử hành Phụng vụ không thể diễn ra cách đều đặn như ngày nay. Cảm thức đức tin trong những giai đoạn khó khăn ấy được nuôi dưỡng bằng những giờ cầu nguyện chung, mà đọc kinh liên gia là một trong những hình thức đó. Theo đó, trong tâm trí nhiều người, việc đọc kinh liên gia vào mỗi buổi tối, sau những giờ lao động vất vả vẫn còn sống động và giúp cho đức tin của người tín hữu không thể mai một, dù không được tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh thường xuyên. Cùng với việc hội họp nhau để cùng đọc kinh trong nhà thờ hay tại tư gia, thì việc tổ chức các buổi đọc kinh liên gia, nhất là theo giáo khu hay giáo giâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin và việc thực hành đạo của bao thế hệ, mà ngày nay tại nhiều nơi chỉ còn là kí ức.
Có lẽ trong tâm trí nhiều người vẫn còn sống động như ngày hôm qua cảnh người người nhà nhà đi đọc kinh vào mỗi buổi tối theo lời mời của các gia đình nhân dịp Tân gia, giỗ chạp, hay theo lượt, nhất là đọc kinh cho người mới qua đời. Mỗi buổi tối, sau một ngày người lớn làm việc vất vả, trẻ con đi học về, sau giờ đọc kinh chung tại nhà thờ, người Công giáo không vì sự mệt mỏi mà quên bổn phận cùng nhau hội họp tại một gia đình để đọc kinh cầu nguyện và hiệp thông với nhau khi vui cũng như lúc buồn. Chỉ với chiếc loa nén đơn sơ, những cái micro tậm tịt đã quá tuổi hưu được sử dụng như tài sản chung giá trị, được đưa tới từ nhà ông trưởng khu; những cuốn sách kinh cũ kĩ nhưng được giữ gìn cẩn thận và còn nguyên giá trị; những chiếc chiếu đủ các thể loại, kích cỡ được trải ngăn nắp từ trong nhà ra ngoài sân, chiếc mới toanh, nhưng cũng có những chiếc rách bươm, như những chứng nhân đau khổ của các buổi đọc kinh ấy… Tất cả những vật dụng, đồ thờ, dù đơn sơ, cũ kĩ ấy đã làm nên bao buổi đọc kinh liên gia ấm cúng, nhưng cũng không thiếu tâm tình sốt sắng, thánh thiêng vốn đã trở thành những bữa ăn tinh thần bổ sức cho đời sống tâm linh của người Công giáo sau một ngày làm việc lao động vất vả.
Từ khắp các ngả của con đường làng quanh co, tối mịt, giữa một không gian tĩnh lặng, vang lên bao tiếng cười nói râm ran của những tốp người í ới gọi nhau đi đọc kinh. Hòa với dòng người lớn và các cụ cao niên là tiếng nô đùa, chạy nhảy ríu rít của lũ trẻ khiến không khí của cả xóm đạo trở nên nhộn nhịp. Mọi người như vất bỏ sau lưng bao nỗi mệt mỏi, cùng sự lắng lo của kiếp nhân sinh để cùng nhau tìm đến với sự an bình đầm ấm của buổi đọc kinh liên gia, nơi mà họ được gặp gỡ nhau và nhất là gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng mà họ tin thờ. Gia đình tổ chức buổi đọc kinh nhanh chóng trở thành trung tâm của buổi hội họp với đủ tiếng nói cười, chia sẻ cùng một chút náo loạn của trẻ con, cho đến khi ông trưởng khu cầm chiếc micro báo hiệu giờ đã điểm và buổi đọc kinh bắt đầu.
Mọi người nhanh chóng cầm lòng cầm trí, các cụ một khoảng, trẻ con một khu, đàn ông một bè và đàn bà con gái một khoảng riêng để cùng nhau đọc kinh. Nếu tại nhà thờ, ông bà quản, những người có cung giọng đặc trưng và khỏe sẽ cầm cái buổi đọc kinh, thì tại buổi đọc kinh giáo khu, thường do ông Trưởng Khu hướng dẫn và bắt kinh để mọi người đọc theo. Cứ như vậy, các câu kinh chiều hôm ban sáng, cho tới ngắm dấu đanh và nhất là kinh cầu chịu nạn, rồi đến việc lắng nghe Lời Chúa và đọc lời nguyện, và các kinh cứ lần lượt được xướng lên để mọi người cùng nhau đọc to, đều và sốt sắng. Tất cả những lời kinh đơn sơ, chân chất ấy tạo nên một bầu khí gia đình, linh thánh của những tâm hồn cùng chịu một Phép Rửa và cùng tuyên xưng một đức tin. Mỗi buổi đọc kinh như thế thường kéo dài từ 30 đến 45 phút và có thể dài hơn, nhưng dường như chẳng thấy ai kêu ca, phàn nàn hay đòi đọc ít đi, dù vẫn còn đó những cơn ngủ gật, chia trí, nhất là của trẻ con…
Những buổi đọc kinh như thế như làm sống dậy đức tin của tất cả mọi người, dù đó chỉ là những lời kinh đơn sơ mà nhiều lúc đọc theo kiểu máy móc hay mô thức và có cả những trận cười ra nước mắt bởi những câu kinh sai hoặc lầm lẫn và lỡ nhịp. Thật vậy, cũng do thời cuộc, khi mà sách vở còn hiếm, trình độ còn hạn chế, nên việc dạy và học kinh hầu như đều do truyền khẩu và thói quen, người trẻ học người già, thế hệ sau nghe thế hệ trước, nghe riết thành thuộc, mà nhiều câu kinh bị đọc sai, để rồi khi biết, không khỏi khiến mọi người phải bật cười. Chẳng hạn như trong kinh Lạy cha, thay vì đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nhiều người lại hồn nhiên đọc thành “xin cứ để chúng con sa chước cám dỗ”; hay trong kinh Trông cậy, nhiều người cũng đọc “xin cứ chê bỏ lời con nguyện…”; rồi trong kinh Giọn tốt, thay vì đọc “con chê ghét mọi tội, con trên hết mọi sự” thì lại đọc thành “con trên hết mọi tội”; và còn rất nhiều câu kinh, lời hát bị nghe nhầm và đọc sai mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng đọc một cách vô tư chẳng nghĩ ngợi. Tuy nhiên, Thiên Chúa lòng lành vô cùng và có lẽ Ngài thấu hiểu tấm lòng của mỗi người mà chẳng chê bỏ hay khinh ghét những lời kinh ấy. Trái lại, Ngài vẫn sẽ lắng nghe và nhận lời con cái nguyện xin. Cũng vậy, một điều thú vị nữa là trong việc bắt kinh của ông trưởng cũng nhiều áp lực và đôi khi cũng không thiếu những lần sai sót khiến cộng đoàn cười không nhặt được mồm. Dù ông phải là người có uy tín và về cơ bản là phải thuộc kinh. Do đó, với những người đã có thâm niên thì việc bắt kinh chỉ là chuyện hết sức nhẹ nhàng, nhưng với những ông trưởng còn mới hay còn non, thì dù thuộc kinh khi đọc chung, nhưng khi cầm micro để bắt kinh lại là điều không hề dễ dàng, nhất là trong những lời kinh mà ông phải solo một mình… Và còn nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh những buổi đọc kinh đã làm nên kí ức đức tin của bao người.
Tuy nhiên chính nhờ những giờ kinh chân thành ấy mà đức tin bao thế hệ được gìn giữ và truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác mà không gì có thể lay chuyển hay làm cho đức tin ấy đổi thay. Cứ như vậy, những buổi đọc kinh liên gia được thực hành ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm kia. Để rồi, dù không thể tham dự phụng vụ và Thánh lễ thường xuyên, nhưng nhờ những hình thức đạo đức bình dân được duy trì và phát huy cách đều đặn, người tín hữu hiểu hơn về các mầu nhiệm thánh, tăng lòng yêu mến Chúa và Giáo hội. Cùng với đó, bầu khí đạo đức của xứ đạo trở nên sống động và nhộn nhịp hơn đượm thắm tình Chúa tình người. Nhờ đó, đời sống đức tin của người giáo dân thuộc mọi lứa tuổi được nuôi dưỡng, thấm nhuần và lớn lên mỗi ngày.
Đọc kinh liên gia, một cách giữ đạo và truyền giáo
Dù chỉ là một viêc đạo đức bình dân rất đơn giản, nhưng qua đó cũng cho thấy nhiều nét đẹp, cũng như mang lại nhiều giá trị cho đời sống đạo, giúp triển nở tâm tình đạo đức của bao người. Qua những lời kinh trơn tru nhưng không kém ý nghĩa, được đọc sốt sắng để gẫm, để suy cũng giúp cho lòng tin của họ được giữ gìn và thấm nhuần vào đời sống. Để rồi, dù sau này khi xa xứ, họ vẫn còn giữ được đức tin của mình vào Chúa và Giáo hội nhất là khi phải đối diện với những trào lưu và những phong trào xa lạ, sai lầm, để rồi những người tín hữu chân thành ấy vẫn can đảm sống niềm tin của mình và làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.
Thật vậy, hầu hết chúng ta đều được thừa hưởng đức tin nhờ truyền lại do truyền thống kiểu cha truyền con nối. Do đó, từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, cùng với việc tham dự cử hành Thánh Lễ các bí tích và những mầu nhiệm thánh chung với cộng đoàn, thì những việc đạo đức bình dân, trong đó có những câu kinh mà mỗi người học thuộc qua các lớp giáo lý, tại gia đình và nhất là nhờ các buổi đọc kinh liên gia giúp cho đức tin của mỗi người lớn lên mỗi ngày. Những lời kinh cứ thấm dần qua năm tháng mà đôi khi chẳng cần phải học qua sách vở, nhưng chỉ nhờ truyền khẩu, bao thế hệ vẫn đọc thuộc làu làu, dù vẫn còn đó nhưng lời kinh sai sót cần điều chỉnh. Tuy nhiên, nhờ những buổi đọc kinh tại tư gia, nhất là liên gia mà mọi người, nhất là trẻ con đua nhau học kinh bằng cách đi đọc kinh, để rồi cách vô thức thuộc lúc nào không biết. Cứ như vậy, những câu kinh trở thành điều không thể quên và được thực hành mỗi ngày. Nhờ đó, mà đức tin chính thống của Giáo hội vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ.
Cũng vậy, qua việc cử hành phụng vụ, hay những buổi thực hành việc đạo đức bình dân cách công khai, như nguyện ngắm, dâng hoa, rước kiệu, cung nghinh Thánh Thể… và đọc kinh liên gia mà những tinh túy và nét đẹp của người Công giáo được thể hiện và cách nào đó ảnh hưởng tích cực đến người xung quanh, nhất là những người không cùng niềm tin. Nhờ đó, nhiều người nhận ra sự hiện diện của một Thiên Chúa giữa một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương và sống hòa bình, bác ái với mọi người. Qua đó, nhiều người tìm được chân lý đích thực và theo đạo, hoặc nếu không, thì cũng có một cái nhìn rất thiện cảm và yêu mến đạo cũng như người Công giáo. Nhờ việc thấy người Công giáo sống bác ái, hòa thuận và tích cực tham gia các hoạt động tôn giáo tại nhà thờ cũng như lối xóm, cũng như xã hội, mà nhiều người hiểu hơn về Đạo và thay đổi cái nhìn về người Công giáo. Đó quả thật là một cách truyền giáo cụ thể và hữu hiệu trọng mọi hoàn cảnh mà bất cứ ai cũng có thể thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng giữa đời của mình.
Dấu chỉ của sự hiệp nhất
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong một bài giảng đã nói rằng: “Xây dựng sự hiệp nhất Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội, ngôi đền này, sự hiệp nhất này của Giáo Hội: đây là công việc của mọi Kitô hữu, mỗi người trong chúng ta. Khi xây dựng một ngôi đền hay một tòa nhà, điều đầu tiên cần làm là tìm đất đai phù hợp. Sau đó, Kinh Thánh bảo rằng phải đặt viên đá tảng góc tường. Viên đá tảng góc tường của sự hiệp nhất Giáo Hội, hay đúng hơn là đá tảng góc tường của Giáo Hội, là Chúa Giêsu và đá tảng góc tường của sự hiệp nhất Giáo Hội là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: ‘Lạy Cha, xin cho chúng nên một!’. Và đây là sức mạnh của Giáo Hội!”.[4]
Như thế, xây dựng sự hiệp nhất là công việc mà mỗi người tín hữu không phân biệt thành phần đều phải có trách nhiệm tham gia xây dựng cộng đoàn sống hiệp nhất yêu thương và quan tâm đến mọi người. Thánh lễ và việc cử hành phụng vụ tất nhiên là dấu chỉ rõ ràng nhất cho sự hiệp nhất trong Giáo hội. Tuy vậy, bên cạnh đó, các hình thức đạo đức bình dân, mà các buổi đọc kinh liên gia cũng cách nào đó nói lên sự hiệp nhất của mọi thành phần trong cộng đoàn giáo xứ, giáo họ một cách rõ nét và cụ thể. Sự hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn được thể hiện khi mọi người, dù vất vả mệt nhọc sau một ngày, vẫn dành thời gian cho nhau để cùng cầu nguyện và tuyên xưng niềm tin của mình. Nhất là khi mà mọi người không có nhiều cơ hội hiệp thông với nhau trong các Thánh lễ, thì các buổi đọc kinh liên gia cho thấy dấu chỉ rõ ràng sự hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo hội giữa các thành phần. Dường như không ai phản đối hay chống đối việc tham dự các buổi đọc kinh chung như vậy. Đó thật sự nói lên tình hiệp nhất yêu thương mà Chúa và Giáo hội luôn kêu mời và ước mong.
Dấu chỉ sự gặp gỡ, sẻ chia
Tình làng nghĩa xóm là một nét đặc trưng của người Việt, nhất là với văn hóa làng. Nơi đó mọi người quây quần bên nhau trong các gia đình, hay tại những nơi chung của một giáo khu, một xứ đạo hay một cộng đồng để cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ niềm tin hay những công việc và mọi mặt trong đời sống của mình. Cũng vậy, trong đời sống đức tin tại các xứ đạo, ngoài nhà thờ là nơi hội họp chính thức, thì các buổi đọc kinh liên gia, khi mọi người hội nhau tại một gia đình để gặp gỡ, và cùng đọc kinh nói lên sự sẻ chia và đồng cảm của mọi người trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Nơi đây, sau một ngày làm việc vất vả, mọi người thay vì tìm những giấc ngủ để nghỉ ngơi, lại cùng nhau quy tụ để cùng chia sẻ niềm tin và cùng nhau dâng lên Chúa những khát vọng những thao thức và tìm nơi những lời kinh sự thư thái bình an mà chỉ nơi Chúa, con người mới có thể được nghỉ ngơi…
Không những thế, sự sẻ chia còn được thể hiện qua tình làng nghĩa xóm. Sau những buổi đọc kinh, người lớn lán lại quanh những chiếc mâm với chai rượu nút chuối, vài đĩa lạc và mấy cái bánh đa hoặc phồng phồng… để cùng nhau nói chuyện, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, trong khi trẻ con cũng có phần cho mình và hòa vào những trò chơi vui đùa của tuổi thơ, mà nhờ đó, mọi người gắn kết và dễ dồng cảm với nhau hơn. Những món quà đơn giản của gia chủ hay của một ân nhân nào đó, những tiếng cười, những câu chuyện sẻ chia giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn và cũng làm vơi đi bao nỗi vất vả nặng nhọc của kiếp người.
Đọc kinh liên gia, một nét đẹp… nhưng đã dần mai một
Cuộc sống thay đổi nhanh chóng khi con người bị vòng xoáy của xã hội tác động và khiến cho nhiều người phải rời bỏ quê hương để kiếm miếng cơm manh áo. Đó cũng là quy luật tất yếu của đời sống xã hội cũng như của vòng xoáy kinh tế thị trường. Nhịp sống ngày càng bộn bề và nỗi lo cơm áo gạo tiền đã và đang tác động và làm rạn nứt cấu trúc của các cộng đồng dân cư, nhất là tại các làng xã hay các xứ đạo, những nơi trước đây mọi người vốn rất gắn bó khắng khít và không bao giờ nghĩ tới ngày phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn. Điều đó tác động không nhỏ đến nhịp sống và việc thực hành đời sống đạo của người Công giáo.
Ngày nay, dù các Thánh lễ nhiều hơn, nhiều linh mục hơn, nhưng số người tham dự lại ngày càng giảm, một phần vì lối sống đạo của nhiều người đã thay đổi, nhưng một phần vì nhiều người phải đi xa để lo cho cuộc sống, để rồi ở lại chỉ còn chủ yếu là các cụ già và trẻ con. Chỉ có các dịp lễ lớn hay đặc biệt, mọi người mới trở về quê và khi đó, các Thánh lễ hay các hoạt động đạo đức sầm uất và nhộn nhịp dù cách nào đó đã không còn những nét như ngày xưa. Sự thay đổi của xã hội, kinh tế và cấu trúc cộng đồng đương nhiên cũng khiến việc thực hành các việc đạo đức bình dân bị ảnh hưởng, thậm chí mai một. Trong đó, các buổi đọc kinh liên gia cũng dần dần bị mai một, thậm chí biến mất tại nhiều xứ đạo. Hoặc có chăng, một số nơi vẫn cố duy trì nhưng cũng không còn bầu khí như ngày xưa và chỉ lẻ tẻ, ít người, nhất là khi cuộc sống con người bị chi phối bởi nhiều các hoạt động cũng như những nhu cầu và thú vui khác. Theo đó, bầu khí đọc kinh chỉ còn lại là những nét kí ức đáng nhớ của một thời đã qua trong tâm trí nhiều người. Hệ quả là ngày càng ít nơi giữ được việc tổ chức những buổi đọc kinh liên gia, nhất là trẻ con và thanh thiếu niên cũng không còn thuộc kinh như trước đây, để rồi việc khảo kinh để tiến vào đời sống hôn nhân ngày nay gây không ít trở ngại cho các cặp đôi.
Thật vậy, dưới áp lực của nền kinh tế thị trường, ngày nay, nhiều người đi làm không được về sớm, công nhân tăng ca, làm thêm, không thể về trước 19g để tham dự. Cha mẹ trẻ thì lo đưa đón con đến các lớp học thêm buổi tối, các bạn trẻ sau giờ làm thường la cà quán xá, ăn uống, tán gẫu với bạn bè, bàn chuyện công ty, chuyện đời tư. Người già thì đa phần đau bệnh, đi lại khó khăn, nên con cháu không muốn cho ông bà mình đi đọc kinh tối[5]… và còn nhiều nguyên nhân khác nữa.
Vẫn còn đó niềm tin và hy vọng…
Dẫu vẫn biết sự mai một ấy là một quy luật mà dù không muốn vẫn phải chấp nhận, nhưng những nét đẹp và những giá trị mà các hình thức đạo đức bình dân, trong đó các buổi đọc kinh liên gia mang lại cho cảm thức đức tin của bao thế hệ vẫn đáng trân quý và lưu giữ, cũng như đang được nhiều người duy trì và đổi mới cho phù hợp với thời đại. Theo đó, những hình thức đọc kinh liên gia cần được chú ý chăm lo và nhân rộng, cũng như biến hình thức cầu nguyện này trở thành phương thế để loan báo Tin mừng[6]. Để rồi, cùng với sự phát triển của xã hội, thật quý hóa biết bao, giữa thời buổi kinh tế phát triển, cuộc sống vội vã như ngày nay, truyền thống này vẫn còn, và vẫn được duy trì dù chỉ le lói, cũng như những năm sau này, bầu khí bà con đọc kinh không còn quy tụ, rôm rả, người tham dự không đông đến nỗi ngồi tràn ra ngoài sân như chục năm trước. Tuy nhiên, nếu vẫn còn đó những tâm hồn thao thức và nỗ lực để gìn giữ và phát huy các buổi đọc kinh liên gia, thì nét đẹp ấy sẽ vẫn tiếp tục phát huy được những giá trị cho các thế hệ con cháu, dù cuộc sống có bộn bề vất vả. Để rồi, nhờ việc thực hành đơn giản, đời sống đức tin của bao thế hệ sẽ được thăng tiến, và Tin Mừng sẽ luôn và mãi được loan báo giữa thế giới và cho con người trong thế giới hôm nay…
Nguồn: gpbuichu.org
[1] Cf. https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/gen-z-la-gi
[2] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/phong-trao-long-chua-thuong-xot-va-long-dao-duc-binh-dan-41717
[3] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhan-doc-kim-chi-nam-ve-long-dao-duc-binh-dan-va-phung-vu-nguyen-tac-va-dinh-huong–42163
[4] Cf. https://ubmvgiadinh.org/bai-viet/duc-thanh-cha-moi-goi-xay-dung-hiep-nhat-giao-hoi-trong-su-da-dang-2057
[5] Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/doc-kinh-man-coi-lien-gianoi-ket-tinh-nghia-gia-dinhba-con-loi-xom-67434
[6] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1
Logo Năm Mục Vụ 2025: “Hội Thánh Việt Nam Cùng Nhau Loan Báo..
Th1
10 Sự Kiện Nổi Bật Tại Giáo Phận Hà Tĩnh Năm 2024
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con
Th1
Tại sao Lễ Hiển Linh là lễ của ánh sáng
Th1
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Cần..
Th1
Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa – Quan Thầy Giáo Phận và Truyền Chức..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025 – Phần Dẫn Nhập
Th1
Gần 900 Bạn Trẻ Tham Dự Ngày Hội Ngộ Giới Trẻ Hạt Ngàn..
Th1
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Hiển Linh
Th12
Phó Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao: Tòa Giải Tội, Cửa Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thánh lễ và Nghi thức tiếp nhận các tiến chức phó tế vào..
Th12
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Gợi Ý Suy Niệm Chầu Thánh Thể..
Th12
Kinh Năm Thánh 2025
Th12
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh..
Th12