SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT – NĂM B
(Lc 2, 22-40)
MỤC LỤC
- Nơi trú ẩn bình yên – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
- Gương Soi cho các gia đình – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
- Cùng nhau chu toàn bổn phận – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu
- Gia đình sống hiệp thông – Lm. Giuse Lê Danh Tường
- Môi Trường gia đình – Trầm Thiên Thu
—————————————————————–
1. NƠI TRÚ ẨN BÌNH YÊN – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Một tác giả đã viết: “Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để về, đó là gia đình”. Quả vậy, con người lớn lên tung cánh vào đời, giống như chim phượng hoàng cất cánh bay xa. Bầu trời phía trước không còn biên giới như thời xưa nữa. Với khả năng tri thức và với ý chí kiên cường, ngày nay một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam có thể thành đạt và vẻ vang ở bất cứ chân trời nào. Tuy vậy, dù có bay cao bay xa, những phương trời ấy chỉ là nơi phát triển sự nghiệp. Con người vẫn cần có một nơi để về, đó là gia đình thân thương. Vai trò của gia đình không có gì thay thế được. Bởi lẽ gia đình là nơi trú ẩn bình yên giữa những bon chen và phong ba bão táp cuộc đời.
Nếu gia đình là nơi trú ẩn bình yên, thì chúng ta phải xót xa mà nhận định rằng, chốn trú ẩn ấy đang bị biến dạng, thậm chí trở thành nơi xung đột. Thực trạng gia đình ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, nhiều bạn trẻ không thích gắn bó với nhau lâu dài. Họ chỉ muốn sống tạm, để có thể chia tay bất kỳ lúc nào. Những người đã kết hôn thì lại dễ dàng chia tay, và tỷ lệ ly hôn khá cao, theo kết quả thống kê của các nhà chuyên môn. Trong xã hội mà bạn trẻ quan niệm khá tự do và buông thả về tình yêu, tình dục, thì những chuẩn mực luân lý của truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như của các tôn giáo thường bị coi nhẹ. Đó là chưa kể hiện tượng hôn nhân đồng tính, và thói quen sống thử và sống bầy đàn.
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về gia đình như sau: “Gia đình Ki-tô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha” (Số 2205). Điều khẳng định trên đây cho thấy tính chất linh thánh của gia đình, theo lăng kính Ki-tô giáo. Một người nam và một người nữ kết hôn với nhau, không chỉ theo đòi hỏi của bản năng và chỉ để thỏa mãn tính dục, nhưng còn phản ánh tình yêu của chính Thiên Chúa, là nguồn mạch của tình yêu. Vì tính linh thánh này, mà hôn nhân Ki-tô giáo có giá trị bền vững, và “điều mà Thiên Chúa đã liên kết thì con người không được phân ly” (Mc 10,9).
Hôm nay, Giáo hội giới thiệu với chúng ta một gia đình gương mẫu, đó là gia đình Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Các Ki-tô hữu tuyên dương gia đình này là Thánh Gia, vì các thành viên của gia đình này đều là thánh. Đừng nghĩ rằng thánh gia thì đời sống gia đình trơn tru nhẹ nhàng. Bài Tin Mừng thánh Lu-ca nói với chúng ta về lời tiên báo của ông Si-mê-ôn với Đức Trinh nữ Ma-ri-a. Đức Mẹ được diễm phúc cưu mang Ngôi Lời nhập thể, nhưng Mẹ cũng phải trải qua muôn vàn đau khổ, được diễn tả như “một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn”. Giữa những đau khổ bộn bề ấy, Mẹ vẫn trung kiên và phó thác nơi Chúa Quan phòng. Mẹ tin rằng, nếu Chúa đã khởi sự những điều tốt đẹp nơi Mẹ, thì Ngài ắt sẽ hoàn tất vào thời điểm Ngài muốn và theo cách Ngài muốn. Thánh Giu-se, người thợ mộc thành Na-gia-rét, cũng chung một niềm tín thác ấy. Sau này, khi phải thức dậy trong đêm để đưa Đức Giê-su và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, rồi trong hành trình gian nan trở về Na-gia-rét, thánh Giuse vẫn âm thầm vâng phục, không một lời phàn nàn trách móc. Giu-se và Ma-ri-a là người cha, người mẹ gương mẫu cho mọi gia đình.
Khi tôn vinh Thánh Gia Na-gia-rét, chúng ta học được những bí quyết để gìn giữ gia đình bền vững và hạnh phúc. Những bí quyết đó là đức tin và tình yêu.
Trong mọi giây phút của cuộc đời, thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a luôn vững tin vào Thiên Chúa. Nếu Mẹ Ma-ri-a đã trả lời sứ thần Ga-bri-en trong ngày Truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38), thì thánh Giu-se lại âm thầm vâng phục sứ thần, vui vẻ đón người bạn đã đính hôn về nhà mình (x. Mt 1,24). Cả hai vị thánh đều tin vào quyền năng của Chúa. Các Ngài giống như những dụng cụ trong tay người thợ, sẵn sàng tùy ý điều khiển của người thợ, và chắc chắn người thợ tài ba ấy sẽ làm nên những tác phẩm tuyệt vời. Đức tin có sức mạnh phi thường. Nó giúp ta vượt qua muôn vàn thử thách. Tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri (Bài đọc II) đã nêu lên những nhân chứng đức tin điển hình trong Cựu ước để khích lệ chúng ta trong hành trình theo Đức Giê-su.
Gia đình ở Na-gia-rét là gia đình của tình yêu. Chắc chắn, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, Giu-se và Ma-ri-a cùng yêu nhau với tình yêu chân thành và sự trân trọng thẳm sâu. Cả hai cùng yêu mến Chúa Giê-su với một tình yêu khôn tả. Khi Chúa Giê-su ở lại trong Đền thờ nhân dịp đi lễ, hai ông bà đã vất vả ngược xuôi, và chỉ vui mừng an tâm khi thấy lại Chúa Giê-su (x. Lc 2,41-50).
Gia đình bền vững chính là một điều kiện cần thiết để xây dựng xã hội phát triển văn minh. Để gia đình thực sự là nơi trú ẩn bình yên, mọi thành viên của gia đình cần được liên kết với nhau bằng mối giây tình yêu, và đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình được bền vững, hạnh phúc và bình an, hầu trở nên một “Giáo hội tại gia”, có khả năng làm lan tỏa tình yêu và sức sống cho mọi người.
“Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. “Gia đình chính là nơi con tìm về, khi mệt nhoài trên đường đầy rẫy chông gai” (Sưu tầm).
2. GƯƠNG SOI CHO CÁC GIA ĐÌNH – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Ý nghĩa của Lễ Thánh Gia Thất
Tiếp liền sau Lễ Giáng Sinh, do lòng sùng kính Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu, Giáo hội đã cử hành lễ kính Thánh Gia Thất: Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a Và Thánh Giu-se, một mặt để ca tụng tôn vinh Ba Đấng Thánh trong nhà Na-da-rét, mặt khác cũng để giúp các gia đình công giáo suy niệm, noi gương bắt chước học đòi nhân đức của Ba Đấng mà sống ơn gọi bí tích hôn nhân của mình như lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời” (x. Lời nguyện nhập lễ). Với lòng mong ước: “Na-da-rét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Na-da-rét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không có gì có thể thay thế được. Ước chi Na-da-rét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội” (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh gia thất).
Nều nhìn vào sự kiện Lễ Thánh Gia thất được cử hành vào Chúa Nhật giữa Lễ Chúa Giê-su giáng sinh và Lễ Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa, cũng cho ta nhiều ý nghĩa. Trước tiên, Lễ Thánh Gia thất mặc khải và minh chứng mầu nhiệm nhập thể cách cụ thể: vì Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, có một gia đình như bao người khác, sống trong một gia đình như chúng ta. Việc Người sống trong một gia đình, cũng là một biểu hiệu, Người muốn đem nhân loại vào trong sự hiệp thông trọn vẹn của gia đình Chúa Ba Ngôi. Lễ Giáng sinh và Đầu Năm khi người ta thường trở về gia đình, lớn hay nhỏ, để mừng lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, thì gương mẫu của Gia đình Chúa Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Giu-se, trở nên mầu gương sống động cho mọi phần tử trong gia đình từ cha mẹ đến con cái trong cuộc sống đức tin và lòng hiếu thảo. Các bài sách thánh và các kinh nguyện gợi ý rõ ràng về điểm sau cùng này.
Sứ điệp Lời Chúa
Tin mừng năm B được trích theo thánh Lu-ca: nói về việc dâng Chúa Giê-su trong đền thờ để cử hành lễ đặt tên cho con trẻ và thanh tẩy cho bà mẹ theo như luật dạy (Lc 2,22-40); rồi biến cố Con trẻ Giê-su lạc mất trong đền thờ. Những biến cố này nằm trong khung cảnh tôn giáo Do thái và trong phạm vi gia đình thật rõ ràng; vai trò của thánh Giu-se và Đức Mẹ được nhận ra trong khung cảnh một gia đình, như các gia đình khác; còn Chúa Giê-su được mô tả như một người con của gia đình, nhưng Người hướng về, và giúp chúng ta hướng về một gia đình cao trọng hơn, trong đó Thiên Chúa là Cha.
Bài Sách Cựu Ước dạy chúng ta về lòng hiểu thảo với Cha Mẹ được Thiên Chúa chúc lành (x. Hc 3,3). Con cái phải vâng lời cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải vâng lời Thiên Chúa. Thi hành chỉ thị này của cha mẹ đòi hy sinh. Nhưng những hy sinh của bậc cha mẹ để giữ Lời Chúa còn to lớn hơn nhiều. Và có hy sinh như thế mới là đạo đức. bài sách Huấn ca đã giục con cái tìm cách làm đẹp lòng Chúa khi vâng lời cha mẹ; và bài Tin Mừng cho thấy Ðức Ma-ri-a phải khổ vì thánh ý Chúa nơi chính trẻ Giê-su. Nói cách khác đạo đức gia đình đòi con cái phải vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa
Thư của thánh Phao-lô Tông đồ, gửi giáo đoàn Cô-lô-xê, nói về bổn phận của từng phần tử trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái (Cl 3,12-21).
Thánh Phao-lô gọi tín hữu bằng thánh. Họ thánh không phải vì họ tốt lành, nhưng chỉ vì Ðấng Thánh đã tuyển chọn và đang thánh hóa họ. Và Người làm như vậy chỉ vì yêu mến. Nên bổn phận của họ bây giờ là phải đón nhận lấy sự thánh thiện ấy. Trước khi sống, tức là hành động, họ phải cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, để từ đó cư xử như Thiên Chúa.
Bài học từ gia đình Na-da-rét
Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su; đó là trường học của Tin Mừng.
Tại đây trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để ầm thầm noi theo.
Tại đây chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục,ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo,và tất cả hững gì Đức Giê-su đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa. ….” (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh Gia thất, Chúa Giê-su Ki-tô, Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se).
Như vậy việc cử hành lễ Thánh gia thất, mang nhiều ý nghĩa: trong phạm vi thần học, lễ này làm nổi bật mầu nhiệm nhập thể; trong khía cạnh phụng vụ, lễ này hướng về Giáo hội như là gia đình tế tự và cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa; và sau cùng theo ý nghĩa tu đức, nhờ gương gia đình thánh tại Na-da-rét, các gia đình công giáo biết sống trưởng thành trong đức tin, đức cậy, đức ái, giữa các phần tử trong gia đình và trong mọi cảnh huống, khi hạnh phúc may lành cũng như khi hoạn nạn khổ đau, như trong Lời nguyện hiệp lễ đọc như sau: Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh thể, xin cho chúng con hằng noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh cả Giu-se hưởng vinh phúc muôn đời. Amen.
3. CÙNG NHAU CHU TOÀN BỔN PHẬN – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu
Hôm 25 tháng 12 chúng ta cùng nhau mừng ngày Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Hôm nay, chúng ta cùng nhau mừng gia đình của Chúa Giêsu. Đó là gia đình Thánh Gia, khuôn mẫu cho mọi gia đình trần gian.
Gia đình Thánh Gia gồm có những con người mẫu mực là Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Sự mẫu mực của gia đình này được diễn tả qua việc chu toàn bổn phận là thanh tẩy mình và dâng con cho Thiên Chúa theo luật Chúa truyền tại Đền thờ Giêrusalem.
Không chỉ có thế, Giuse và Maria còn dưỡng nuôi và giáo dục Đức Giêsu trở thành một người con hiếu thảo: “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và người ta.”
Vâng, bổn phận của vợ chồng là phải yêu thương nhau và giúp nhau nên thánh.
Bổn phận của cha mẹ là yêu thương con cái và giáo dục con cái theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh.
Bổn phận của con cái là phải vâng lời và hiếu thảo với cha mẹ.
Đức Giêsu, thánh Giuse và Mẹ Maria trong gia đình Thánh Gia đã làm được chuyện đó. Còn gia đình chúng ta thì sao?
Người làm chồng có yêu thương vợ mình và người làm vợ có phục tùng chồng mình như luật Chúa Kitô dạy không? Nếu có thì làm sao diễn ra cảnh cãi vã, đánh lộn, ngoại tình, ly thân, ly dị, thậm chí là giết nhau, khiến con cái bơ vơ không nơi nương tựa.
Cha mẹ có hết lòng yêu thương và giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội Thánh không? Nếu có thì làm sao con cái lại bỏ học văn hóa, bỏ học giáo lý và bỏ gia đình, để chơi bời lêu lổng, sa đà vào các tệ nạn xã hội, khiến “càng lớn càng hư”, chứ không như trẻ Giê-su “càng thêm tuổi càng thêm không ngoan và nhân đức”.
Con cái có hiếu thảo và vâng lời cha mẹ trong mọi sự không ? Nếu có thì làm sao cha mẹ phải buồn tủi và cô đơn, bị ngược đãi và đánh đập…
Có thể nói, tất cả những sự xấu ác xảy ra trong gia đình và ngoài xã hội đều là hậu quả của sự vô trách nhiệm, lỗi bổn phận của những bậc cha mẹ trong việc sinh thành và dưỡng dục con cái về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh.
Riêng về phận đức dục và tâm linh, khi lần giở lại những Thư chung của HĐGMVN nói về Hôn nhân và Gia đình trong những năm gần đây, tôi thấy Thư chung năm 2008, với chủ đề “Môi trường giáo dục – gia đình công giáo”, số 14 có viết như sau:
“Thiên chức làm cha mẹ nhắn nhủ những bậc phụ huynh có trách nhiệm thông truyền đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Chính cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên cho con cái. Hãy giới thiệu cho con cái biết Thiên Chúa ngay khi chúng còn bé qua những lời nguyện bập bẹ đơn sơ và cử chỉ đơn giản (làm dấu Thánh giá, chắp tay, cúi đầu…)
Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện nền tảng lấy từ Thánh Kinh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo cho các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này.
Không lấy thế làm đủ, cha mẹ còn có trách nhiệm phải hướng dẫn, nhắc nhở con cái mình đi học giáo lý, tham gia các hội đoàn đạo đức (tại giáo họ giáo xứ) , để trưởng thành hơn trong đời sống đức tin.
Hình ảnh một gia đình công giáo Việt Nam được ghi đậm nét do việc mọi thành viên cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ cầu nguyện chung giúp các thành viên trong gia đình gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cầu nguyện chung là yếu tố hoà giải những mâu thuẫn gia đình và làm cho mọi người dễ tha thứ cho nhau.
Sinh hoạt đạo đức này đang bị mai một vì nhiều lý do, nhất là vì công việc, vì học hành, vì không cùng một tôn giáo trong một gia đình, vì ham mê giải trí. Chúng tôi kêu gọi anh em Linh mục, các bậc phụ huynh và những cộng sự viên tông đồ hãy nhiệt thành cổ võ và khôi phục lại việc đọc kinh tại gia đình. Những câu kinh lời nguyện, những bài đọc Lời Chúa, nếu được thực hiện thường xuyên trong gia đình sẽ tạo nơi giới trẻ một thói quen cầu nguyện. Những thực hành đạo đức ấy sẽ theo các em suốt đời, kể cả khi các em rời xa gia đình để sống tại một môi trường khác. Lời cầu nguyện mỗi ngày vang lên từ gia đình, sẽ làm tăng thêm hạnh phúc và niềm vui vì qua những sinh hoạt đạo đức này, chúng ta làm cho gia đình trở nên đền thờ của Thiên Chúa Tối Cao.”
Mong rằng nhờ gương sáng của gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình Công giáo biết chu toàn bổn phận của mình, để mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm yêu thương, là nền tảng xây dựng Giáo Hội vững mạnh và xã hội tốt đẹp.
Lạy Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh cả Giuse, xin cầu cho gia đình chúng con. Amen.
4. GIA ĐÌNH SỐNG HIỆP THÔNG – Lm. Giuse Lê Danh Tường
Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 2, 22-40) trong ngày lễ Thánh Gia Thất diễn tả về sự hiệp thông sâu xa trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính sự hiệp thông trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là nền tảng cho đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình Thánh đã đặt nền tảng, niềm hy vọng và nguồn bình an của mình trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Thánh Gia Thất là gương mẫu cho mọi gia đình chúng ta.
Đối với Do thái giáo, tất cả những người phụ nữ sau khi sinh con đều phải lên đền thờ để thanh tẩy. Người con trai đầu lòng phải dâng cho Thiên Chúa. Và sự thường, cha mẹ của em bé sẽ chuộc em lại. Đó là lý do vì sao gia đình Thánh gia đã lên đền thánh Giêrusalem để dâng lễ tế.
Tuy nhiên, chúng ta thấy có nhũng điểm thật lạ trong đoạn Tin mừng của thánh Luca hôm nay.
Sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa
Thánh Luca hầu như không nói một cách rõ ràng Đức Maria lên đền thờ để thanh tẩy. Ngài cũng không nói đến việc chuộc lại hài nhi Giêsu. Ngài chỉ nói đến việc dâng hài nhi cho Thiên Chúa.
Đây là chủ đích của thánh Luca. Ngài muốn làm nổi bật hình ảnh Chúa Giêsu là vị Thượng tế. Việc giữ luật Môisen chỉ là dịp thuận tiện, là cái cớ để Chúa Giêsu bày tỏ mình ra trong vai trò Thượng tế. Ngài không nhắc đến việc chuộc lại Giêsu vì Giêsu thuộc về Thiên Chúa.
Một điểm nữa chúng ta thấy trong bài Tin mừng là hình ảnh Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần hằng ở cùng ông Simêon và thúc đẩy ông vào đền thờ để được gặp Giêsu (x. Lc 2, 25-27). Xuyên qua những hình ảnh trên, chúng ta nhận ra sự tương quan khắng khít giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ cung lòng Chúa Cha sinh xuống làm người và giờ đây Giêsu lại được dâng lại cho Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần hằng luôn bên cạnh Giêsu trong mọi hoàn cảnh. Sự hiệp thông trong tương quan tình yêu của Ba Ngôi luôn dồi dào và duy nhất.
Nền tảng của Gia đình Thánh
Nhìn vào Gia đình Thánh chúng ta cũng thấy các Ngài đã gắn bó với nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh cả Giuse đã đón nhận Maria về nhà mình không phải theo sự tính toán của con người nhưng là do lòng tín thác vào Thiên Chúa. Thánh cả đã đồng hành với Maria và Hài nhi Giêsu trong những chặng đường khó khăn gian khổ: bảo vệ Maria trước dư luận về thai nhi; cùng Maria về quê khai nhân khẩu; khi sinh Giêsu nơi hang đá: khi đưa hai mẹ con chạy chốn sang Aicập; và những năm tháng tại làng quê Nazareth. Thánh nhân đã luôn gắn bó với gia đình bằng tất cả lòng yêu mến và trách nhiệm.
Đức Maria càng nồi bật hơn về lòng tín thác và chăm sóc con. Mẹ đã chấp nhận gian khó trong tình yêu mến. Mẹ luôn luôn hiện lên trong một dung nhan dịu hiền, âm thầm, kín đáo. Mẹ tin tưởng ở sự chở che của thánh cả Giuse. Mẹ theo con mình trên từng bước con đi. Mẹ cảm nhận và tỏ ra thấu hiểu con mình. Maria đã thực sự trở nên một người phụ nữ gương mẫu trong đời sống gia đình, luôn tín thác nơi Thiên Chúa và hết mình lo lắng cho con.
Với Hài Nhi Giêsu thì chúng ta phải thốt lên sự ngạc nhiên về lòng vâng phục của Ngài. Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Giêsu đã chấp nhận hạ mình xuống làm con một người nữ. Và dưới mái nhà nơi miền Nazareth, Giêsu đã luôn vâng phục Giuse và Maria. Ngài đã luôn vâng phục trong tình yêu mến để hầu chương trình cứu chuộc nhân loại được thực thi.
Gia đình ấy quả thực là một Gia đình Thánh, một gia đình luôn yên vui đầm ấm. Mọi thành viên luôn gắn bó với nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn nâng đỡ nhau trong tình yêu mến, trên thuận dưới hoà. Còn gì đẹp hơn một đời sống gia đình như thế; một gia đình luôn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa và gắn bó với nhau trong tình yêu vị tha, không lo cho mình mà chỉ lo cho người khác.
Một gương mẫu cho mọi gia đình
Đời sống gia đình trong xã hội ngày hôm nay đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tỷ lệ các cặp hôn nhân đổ vỡ có nguy cơ cao hơn các cặp chung thuỷ. Những trẻ nhỏ được sinh ra đang chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục hay ít dở nhiều, gian dối hơn là thành thật. Vợ chồng coi trọng hưởng thụ thân xác hơn là những đứa con. Nhiều người sẵn sàng giết con khi còn trong bụng để đỡ phiền hà. Các thành viên trong một gia đình ít có cơ hội để ngồi xuống cùng chung một bàn ăn. Tất cả đang làm cho định chế đời sống gia đình trở nên gánh nặng trong cuộc sống.
Các gia đình sẽ đứng vững trong sự bình an khi biết dập khuôn theo mẫu gương Gia đình Thánh.
Người chồng biết lắng nghe và sống tinh thần trách nhiệm. Anh biết noi gương Thánh Giuse, luôn trở nên cột trụ trong gia đình; sẵn sàng đương đầu với những khó khăn để nâng đỡ vợ con; luôn biết cảm thông với vợ trong những lúc vợ yếu đau, mệt mỏi. Đặc biệt, anh biết chạy đến với Thiên Chúa khi phải đối mặt với những thực tại phũ phàng mà đôi khi chỉ vì vợ chồng không hiểu nhau. Biết lắng nghe Thiên Chúa và quan tâm đến vợ con hết mình là bổn phận của người chồng.
Người vợ luôn sống dịu hiền, yêu thương chồng, chăm sóc cho con. Hình ảnh Đức Maria luôn là lời mời gọi cho chị biết đi vào đời sống cầu nguyện để nhận biết con đường thật mà dẫn dắt con cái; biết dõi bước theo con của mình đế uốn nắn dạy dỗ chúng nên người. Chị biết lo cho chúng không chỉ học thức nhưng còn biết dẫn con mình tới bàn thờ Thiên Chúa để chúng được gặp gỡ nguồn cội của mình. Thái độ thương yêu của chị dành cho chồng luôn là những làn gió mát làm xua tan những cơn nóng giận của anh. Một người vợ luôn biết yêu thương và hết mình chăm sóc con cái là chiếc nôi bảo đám cho gia đình yên vui hạnh phúc.
Những người con trong gia đình chỉ có thể trưởng thành đầy đù khi biết tôn trọng và tùng phục cha mẹ trong tình yêu mến. Chính trong gia đình mà người con mới học được thế nào là yêu thương; thế nào là trên, thế nào là dưới. Sự vâng phục cha mẹ luôn đảm bảo cho người con có những bước đi vững chắc bước vào đời. Bạn hãy yêu mến cha mẹ mình, đừng bao giờ để cho người đã sinh ra mình, nuôi mình lớn lên phải buồn phiền vì mình.
Có được như vậy, đời sống gia đình chúng ta sẽ đẹp biết bao. Gia đình sẽ là chiếc nôi để ươm trồng sự sống, là không gian cho tình yêu triển nở, là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Lạy thánh cả Giuse, Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng, xin các Ngài chi dẫn và nâng đỡ gia đình chúng con.
5. MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH – Trầm Thiên Thu
Albert Einstein đã xác định: “Môi trường là tất cả những gì không phải là tôi.” Cái gì không phải của mình thì không ai có quyền phá, nếu phá sẽ phạm trọng tội – vì không chỉ liên quan Tạo Hóa mà còn ảnh hưởng tha nhân. Will Durant nói: “Chuẩn mực đạo đức tự biến đổi phù hợp với điều kiện môi trường.”
Bất cứ cái gì – hữu hình và vô hình – cũng có sự liên đới. Môi trường phải sạch thì con người mới có thể sống khỏe mạnh, có khỏe mạnh thì mới có thể sống vui, có vui sống thì mới có thể sống hữu ích. Môi trường ô nhiễm thì nguy hiểm về mọi thứ. Môi trường gia đình cũng không ngoài sự liên đới như vậy.
Ai cũng có gia đình nên cảm thấy bình thường, nhưng thật ra gia đình rất quan trọng, vì gia đình là tế bào gốc đối với cả xã hội và tôn giáo, cả đời thường và tinh thần. Thánh Phanxicô Salê nói: “Bậc gia đình là bậc sống đòi phải nhân đức và kiên trung hơn bất kỳ bậc sống nào khác. Đó là một cuộc thực hành khổ chế trường kỳ.” Mẹ Teresa Calcutta đặt vấn đề: “Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.”
Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu đã chọn cách sinh ra trong một gia đình bình thường, với những con người sống bình thường nhưng sống thánh thiện. Điều đó chứng tỏ gia đình quan trọng lắm. Gia đình là một cộng đồng nhỏ, gồm những người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục.
Thánh Gia là mẫu gương cho mọi gia đình, cho riêng mỗi thành phần trong gia đình – từ người cao niên nhất tới người trẻ tuổi nhất. Bộ ba “cha – mẹ – con” như một tam giác liên quan lẫn nhau mọi khía cạnh và mọi góc độ, và như chiếc kiềng giữ vững gia đình trước mọi nghịch cảnh.
Nhận xét của nữ phi công Amelia Mary Earhart (1897-1937, Hoa Kỳ) có liên quan gia đình: “Người ta càng làm nhiều, thấy nhiều và cảm nhận nhiều, người ta càng có thể làm được nhiều, và càng biết đánh giá chân thực về những điều cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng hành.” Nữ tác giả Karen Armstrong (sinh năm 1944, Anh quốc) nhận định: “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác.” Vâng, gia đình là Bến Bình An của bất cứ ai, và cũng là nơi trú ẩn an toàn giữa xã hội nhiễu nhương ngày nay.
Nói đến gia đình thì không thể bỏ qua chữ hiếu – bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với song thân phụ mẫu. Sống hiếu đễ có nhiều ích lợi, Kinh Thánh cho biết: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân.” (Hc 3:3-7) Cha mẹ quan trọng bởi vì họ là những người đại diện Thiên Chúa để dưỡng dục con cái. Ai cũng chỉ có một gia đình, nhưng người ta không thể chọn cha mẹ và gia đình, mặc dù có thể tự chọn nhiều thứ. Cha và mẹ đều có một vị trí quan trọng riêng, không thể thay thế, nhưng bổ túc lẫn nhau. Tuy nhiên, người mẹ luôn gần gũi và ảnh hưởng tới con cái nhiều. Người ta có thể lừa vài người mọi lần, và có thể lừa mọi người vài lần, nhưng không ai có thể lừa được người mẹ. Mắt người mẹ mờ dần vì tuổi tác nhưng lại sáng hơn và nhìn thấu suốt con cái.
Mặc dù con cái PHẢI hiếu kính cha mẹ, nhưng Thiên Chúa vẫn coi đó là “công trạng” của con cái: “Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời.” (Hc 3:14-15) Ngược lại, bất hiếu là trọng tội, tất nhiên Thiên Chúa sẽ trừng trị: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa. Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” (Hc 3:16-17) Thiên Chúa rất công bằng và nghiêm minh.
Rất chí lý với câu nói về chữ hiếu trong Kinh Phật: “Tột cùng thiện, không gì bằng có hiếu; tột cùng ác, không gì bằng bất hiếu.” Thế nhưng trong thực tế đời thường, chúng ta vẫn thấy có những nghịch tử dám hành hạ mà thậm chí còn sát hại cha mẹ mình. Tội ác tày trời! Tục ngữ ví von giản dị mà thâm thúy: “Có cha, có mẹ thì hơn – Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.” Dây đàn đứt thì còn nối lại được, cha mẹ mất rồi thì con mãi mãi mồ côi, không gì có thể khỏa lấp. Vậy mà vẫn có những người con độc ác, bởi vì họ quá ích kỷ.
Có thể nói được rằng mọi thứ khởi đầu từ gia đình. Gia đình là tế bào yêu thương, thực sự cần thiết để nuôi dưỡng cuộc sống và tạo nên Tổ Ấm. Thánh Vịnh gia nói: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.” (Tv 128:1-2) Gia đình như cây cối, mỗi thành viên là những rễ nuôi cả thân cây. Thân cây có cành và lá – mỗi thành viên gia đình: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.” (Tv 128:3) Mọi thứ được thể hiện rõ nét tại bàn ăn, cũng vì thế mà bữa ăn rất quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Đối với các Kitô hữu, có bàn tiệc khác còn quan trọng hơn: Bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Các giờ kinh trong gia đình, thường là giờ kinh tối, cũng là một “bàn tiệc” cần thiết để nối kết nhau.
Đó là hạnh phúc gia đình, là hồng ân, là “phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv 128:4) Tất cả đều “nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài” như Chúa Giêsu xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Lời cầu chúc này thực sự quan trọng với mọi người: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128:5-6) Quả thật, gia đình quan trọng khôn tả, đến nỗi người ta không thể sống nổi nếu không có gia đình.
Gia đình là tế bào của xã hội và Giáo Hội. Tế bào là đơn vị cấu tạo cơ bản của sự sống. Trong cơ thể con người có hàng nghìn tỷ tế bào, chúng giúp cơ thể tạo dưỡng chất từ thức ăn, chuyển hóa dưỡng chất thành năng lượng, và đem lại các chức năng đặc biệt. Tế bào còn chứa nguyên liệu di truyền và khả dĩ tự tạo nhiều bản sao từ chính chúng. Tế bào khỏe thì cơ thể mạnh, tế bào yếu thì cơ thể đuối, và tinh thần cũng ảnh hưởng. Tế bào đột biến, phát triển không theo quy trình tự nhiên, có thể gây ung thư và dẫn tới cái chết. Tế bào cần thiết thế nào thì gia đình cũng cần thiết như vậy, không gì có thể thay thế.
Đối với Kitô hữu, gia đình không chỉ là “tế bào gốc” mà còn là “tế bào thánh.” Tại sao? Bởi vì mọi thứ của gia đình đều được dâng lên Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3:12a). Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm lẫn nhau: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3:12b-15)
Chúng ta nhận được điều ước rất đặc biệt của Thánh Phaolô: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:16-17) Nhiều lần thánh nhân đã đề cập tâm tình tạ ơn, vì tạ ơn là điều quan trọng. Lời tạ ơn của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng lại sinh ích lợi cho chính phần rỗi của chúng ta. Thật kỳ diệu vô cùng!
Thánh Phaolô khuyên những người sống đời hôn nhân: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3:18-21)
Còn trong Ep 5:21-28, Thánh Phaolô đề cập việc sống đạo trong gia đình và nhấn mạnh sự tùng phục lẫn nhau với lòng kính mến Đức Kitô: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình, yêu vợ là yêu chính mình.” Đức Maria và Đức Giuse là gương sáng về đời sống phu thê.
Rất đặc biệt là chính Con Thiên Chúa đã sinh sống trong một gia đình, và Ngài cũng giữ luật như mọi người. Trình thuật Lc 2:22-40 cho biết: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy (tẩy trần) theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem Con Trẻ lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa theo luật truyền: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa.” Và hai ông bà cũng giữ đúng luật: dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Hôm đó, có ông Simêôn là người công chính và sùng đạo, ông luôn mong chờ niềm an ủi của Israel. Ông được Thánh Thần báo cho biết rằng ông sẽ không chết trước khi được thấy Đấng Kitô. Và ông lên Đền Thờ sau khi được Thần Khí thúc đẩy.
Cũng vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục theo luật truyền, ông Simêôn ẵm lấy Hài Nhi và hân hoan chúc tụng Chúa qua bài ca “An Bình Ra Đi” – Nunc Dimittis: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài.” Ông mãn nguyện và mãn nhãn, không còn mong gì ở đời này nữa. Một khi đã cảm nghiệm Thiên Chúa, người ta không cần gì khác nữa. Ông Simêôn thật diễm phúc lúc cao niên, thật tuyệt vời!
Lúc đó chắc hẳn ai cũng thấy lạ. Chính Đức Maria và Đức Giuse cũng rất ngạc nhiên về lời của ông Simêôn nói về Hài Nhi Giêsu. Sau đó, ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà và nói với với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. Và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Lời tiên tri kỳ lạ, đáng suy tư lắm.
Và Thánh Luca còn cho biết thêm rằng, hôm đó cũng có nữ ngôn sứ Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase, nhiều tuổi rồi. Sau khi xuất giá, bà sống với chồng được 7 năm rồi ở goá, nay đã 84 tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, luôn ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Ngay lúc ấy, bà tiến đến, cảm tạ Thiên Chúa, và cũng nói về Hài Nhi cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Thời điểm lịch sử đáng nhớ. Lời tiên tri hàng ngàn năm trước giờ đây đã ứng nghiệm, rõ ràng Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Độ và là tặng phẩm tuyệt đối dành cho nhân loại.
Thi hành xong mọi việc theo luật truyền, Đức Maria và Đức Giuse đưa Con Trẻ trở về Nadarét. Kinh Thánh cho biết một điều đặc biệt: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” Ước mong mỗi chúng ta cũng được như vậy, đồng thời trưởng thành cả về đức tin và đức ái.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận thức và ý thức về vai trò của mình trong gia đình riêng, trong gia đình xã hội, và trong đại gia đình Giáo Hội, để chúng con có thể tự bảo vệ mà không lây nhiễm cái xấu cho người khác. Xin Ngài ban những ơn cần thiết cho mọi người phát triển đúng định hướng của Ngài mị lúc và mọi nơi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
Có thể bạn quan tâm
Hội dòng MTG Vinh: Mừng hồng ân Thánh hiến và Bế mạc Năm..
Th11
Thánh Lễ Tạ Ơn Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Khe Ngang
Th11
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh..
Th11
Thánh lễ tạ ơn Công bố Quyết định Thành lập Giáo họ độc..
Th11
Thánh lễ tạ ơn hồng ân thánh hiến tại Cộng đoàn MTG Chân..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Chúa Giêsu Kitô, Vua..
Th11
Đức Thánh Cha Thành Lập Ủy Ban Tòa Thánh Về Ngày Thế Giới..
Th11
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11