Người nghèo không phải là hình ảnh để cảm thương mà là những người cần phẩm giá

1320 lượt xem

NGƯỜI NGHÈO KHÔNG PHẢI LÀ HÌNH ẢNH ĐỂ CẢM THƯƠNG MÀ LÀ NHỮNG NGƯỜI CẦN PHẨM GIÁ
Văn Yên, SJ – Vatican News
Sáng 13/6, Phòng báo chí Toà Thánh đã công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Người Nghèo lần VII, sẽ được cử hành vào ngày 19/11, trong đó ngài kêu gọi đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước những người gặp khó khăn như trẻ em sống trong vùng chiến sự, những người thiếu điều kiện sống, những người bị bóc lột tại nơi làm việc và những tù nhân trẻ tuổi của một văn hóa khiến họ cảm thấy thất bại.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Cái nhìn của một người nghèo làm đổi hướng đi của những người gặp họ nhưng chúng ta phải có can đảm để nhìn vào đôi mắt của họ và sau đó hành động bằng cách giúp đỡ, không phải theo nhu cầu của chúng ta hoặc mong muốn giải phóng bản thân khỏi những thứ thừa thãi, nhưng theo những gì người ấy cần.”

Trong sứ điệp với chủ đề “Đừng ngoảnh mặt trước người nghèo”, được lấy từ sách Tobia (4,7), Đức Thánh Cha đưa ra một cách đọc về thực tại nảy sinh từ việc nhận ra “khuôn mặt của Chúa Giêsu” nơi những người mong manh nhất, vượt lên vẻ bề ngoài, màu da, địa vị xã hội và nguồn gốc. Nơi họ, chúng ta nhìn thấy người anh em để gặp gỡ, “loại bỏ khỏi chúng ta sự thờ ơ.”

Người nghèo, hình ảnh có thể đánh động

Thực tế chúng ta đang sống được thổi phồng quá mức về sự sung túc và do đó làm tắt lịm tiếng nói của người nghèo. “Người ta thường bỏ qua tất cả những gì không theo khuôn mẫu cuộc sống, được bày ra nhất là đối với các thế hệ trẻ, những người mong manh nhất trước sự thay đổi văn hóa đang diễn ra”. “Người nghèo có thể trở thành hình ảnh làm người ta xúc động trong giây lát, nhưng khi gặp họ bằng xương bằng thịt trên đường thì người ta cảm thấy khó chịu và gạt họ ra bên lề”. Tuy nhiên, Đức Phanxicô nhấn mạnh, dụ ngôn người Samari nhân lành chất vấn chúng ta và đụng chạm trực tiếp đến ơn gọi của mọi Kitô hữu.

Hành động khi đối mặt với một chính sách không hiệu quả

Nhắc lại đoạn 6 trong Thông điệp Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII, được viết cách đây 60 năm, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo một cuộc sống xứng đáng cho nhiều người. Để những lời này của Đức Thánh Cha Roncalli trở thành hiện thực, thì thậm chí cần phải “thông qua một sự dấn thân nghiêm túc và hiệu quả về chính trị và luật pháp”. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng trước những thất bại chính trị, cần phát triển “tình liên đới và sự bổ trợ của nhiều công dân tin tưởng vào giá trị của việc dấn thân tự nguyện trong việc cống hiến cho người nghèo” nhằm phục vụ lợi ích chung. Hơn nữa, đừng khoanh tay chờ nhận một điều gì “từ trên cao”, “chính những người sống trong cảnh nghèo khó cũng phải được tham gia và đồng hành trong tiến trình thay đổi và trách nhiệm”.

Tình trạng nghèo mới

Trong sứ điệp, Đức Phanxicô mở rộng cái nhìn đến những người nghèo mới. Hãy nhớ đến những trẻ em đang sống trong hiện tại khó khăn và nhìn thấy tương lai của chúng bị chiến tranh tàn phá. Ngài viết: “Không ai sẽ có thể quen với tình cảnh này; chúng ta hãy tiếp tục làm sống động mọi nỗ lực để hòa bình được khẳng định như một món quà từ Chúa Phục sinh và là hoa trái của sự dấn thân cho công lý và đối thoại”. Đức Thánh Cha cũng hướng đến những người phải đối mặt với “sự gia tăng đáng kể về chi phí”, bị buộc phải lựa chọn giữa thực phẩm hoặc thuốc men. Ngài mời gọi hãy lên tiếng để mọi người được hưởng quyền có được cả hai điều này “nhân danh phẩm giá con người”.

Công việc không xứng và những người trẻ “thất bại”

Vì vậy, trẻ em, gia đình và cả những người lao động bị đối xử cách vô nhân đạo với đồng lương không đủ hoặc với sức nặng của sự bấp bênh, hoặc “quá nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn, thường do não trạng thích cái lợi trước mắt mà bỏ qua sự an toàn”. Đức Thánh Cha cũng quan tâm mạnh mẽ đối với những người trẻ tuổi, “có bao nhiêu cuộc sống thất vọng và thậm chí tự tử của những người trẻ tuổi, bị lừa dối bởi một nền văn hóa dẫn họ đến cảm giác ‘lơ lửng’ và ‘thất bại’”. “Chúng ta hãy giúp họ phản ứng lại trước những xúi giục có hại này, để mọi người có thể tìm ra con đường phía trước nhằm có được một căn tính mạnh mẽ và quảng đại”. (CSR_2309_2023)

Nguồn: vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận