Những nấm mồ trên mạng xã hội

2827 lượt xem

NHỮNG NẤM MỒ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

  1. Từ một tài liệu của Bộ Truyền thông

Cách đây ít tháng, tôi đi họp Bộ Truyền thông của Tòa thánh. Một trong những việc của Hội nghị là thảo luận về một Tài liệu hướng dẫn của Bộ Truyền thông về mạng xã hội. Điều làm tôi thắc mắc là tài liệu nói về mạng xã hội nhưng khung dẫn dắt suy tư lại là dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37). Dụ ngôn này có liên quan gì đến mạng xã hội? Khi đọc kỹ, tôi khám phá hai điều quan trọng:

Thứ nhất, ngày nay, mạng xã hội đã trở nên thành phần không thể thiếu vắng trong cuộc sống con người, nhất là người trẻ: “Thế giới kỹ thuật số là thành phần quan trọng trong căn tính và lối sống của người trẻ ngày nay”; “Mạng xã hội ngày nay là môi trường ở đó con người tương tác với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp những mối tương quan”; “Mạng xã hội có vai trò quyết định vì là bối cảnh trong đó những giá trị, niềm tin, ngôn ngữ, những giả định của chúng ta được chia sẻ”. Hãy thử nhìn lại xem nhận định của Bộ Truyền Thông có đúng không? Một ngày giới trẻ dành bao nhiêu giờ cho mạng xã hội?

Thứ hai, Lời Chúa dù được viết ra cách đây 20 thế kỷ vẫn rất hợp thời, có thể soi sáng cho cuộc sống của ta và cả trên mạng xã hội. Cụ thể, hãy đọc dụ ngôn Người Samari nhân hậu và đối chiếu với những gì diễn ra trên mạng xã hội:

– Dụ ngôn kể chuyện một nạn nhân bị đánh nhừ tử rồi bị bỏ bên vệ đường. Trên mạng xã hội ngày nay có tình trạng như thế chăng? có những người bị đánh nhừ tử vả bị bỏ rơi trên đường, nằm đó nửa sống nửa chết không?

Mới đây CDC Mỹ công bố tài liệu về tình trạng khủng hoảng sức khỏe tâm thần nơi giới trẻ Mỹ, cách riêng là nữ (nam bị ít hơn, khoảng một nửa của nữ): 57% cho biết thường xuyên buồn bã; 30% có ý định tự tử và 13% đã tự tử nhưng cứu được. Nguyên nhân lớn là mạng xã hội, nhất là những nền tảng Instagram và TikTok, qua đó (những hình ảnh, bài viết, comments) người ta đưa ra những chuẩn mực về hình ảnh bản thân và hình thể, lại là những hình ảnh quá lý tưởng, khiến trẻ nữ thấy mặc cảm thua kém, không bằng người ta, sinh ra trầm cảm, không muốn sống!

Cũng mới đây, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Việt Nam về tình hình tội phạm gia tăng trong giới thiếu niên 14-16 tuổi, tăng về số lượng và cả về mức độ độc ác, người được phỏng vấn là một tiến sĩ, ông cho biết một trong những nguyên nhân lớn là mạng xã hội với những thông tin và hình ảnh xấu độc, đã gây tác động nơi các em thiếu niên.

– Rồi trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu, Chúa Giêsu nói đến những cách ứng xử khác nhau của nhiều người khi nhìn thấy nạn nhân nằm bên vệ đường: thầy tư tế, thầy Levi, người Samari… Trên mạng xã hội ngày nay, chúng ta cũng có thể thấy những phản ứng như các nhân vật trong dụ ngôn chăng, và bản thân chúng ta ứng xử thế nào? chúng ta có giống thầy tư tế, thầy Lêvi giỏi lề luật và chăm lo việc đền thờ nhưng đi qua mà không ngó ngàng gì tới nạn nhân? Hay chúng ta giống người Samari ngoại đạo nhưng lại lo chăm sóc cho người khác tôn giáo, lập trường với mình, và chăm sóc đến nơi đến chốn?

Vì mạng xã hội đã trở thành thế giới của người trẻ ngày nay và Lời Chúa vẫn luôn là ánh sáng soi đường, nên hôm nay khi chiêm ngắm Chúa Giêsu đứng trước mộ Lazaro (Ga 11,1-45), tôi cũng muốn nói đến những nấm mồ trên mạng xã hội.

  1. Đến những nấm mồ trên mạng xã hội

Không thể phủ nhận điều này là mạng xã hội có rất nhiều nét tích cực: loan truyền tin tức rất nhanh; giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết; kết nối chúng ta trong những hành động đầy tình liên đới: chẳng hạn thời Covid-19, khi bị cô lập, mạng xã hội là khí cụ kết nối tuyệt vời, đồng thời giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn. Nhưng mạng xã hội cũng có nhiều điều tiêu cực đến độ có người gọi nó là quái vật frankenstein của thời đại! Hãy thử nói đến một vài nấm mồ trên mạng xã hội.

(1) Nấm mồ của thế giới ảo

Plato, một triết gia thời thượng cổ, kể câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng: Đám người bị nhốt trong hang đá, khóa chân tay, trước mắt là bức tường trắng, xa xa sau họ là những ngọn lửa. Họ nhìn trên tường, thấy những hình dạng đi lại, hoạt động trên tường và nghĩ đó là thực tại. Có người thoát khỏi hang và thấy rõ vẻ đẹp rực rỡ của các thực tại dưới ánh mặt trời, nhưng khi quay lại kể cho mọi người nghe thì không ai tin, lại còn mắng mỏ và muốn hủy diệt.

Plato dùng ngụ ngôn này để trình bày quan điểm triết học của ông nhưng ở đây chúng ta không nói tới chuyện đó, chỉ muốn mượn để nói về thế giới thực và thế giới ảo. Những người trong ngụ ngôn của Plato sống trong hang đá, chỉ nhìn thấy những hình bóng trên tường và nghĩ đó là thật, đến nỗi phủ nhận thế giới thực! Liệu chúng ta có rơi vào tình trạn đó chăng, suốt ngày lăn lộn torng thế giới ảo đến nỗi phủ nhận, quên thế giới thực:

Quên tương quan thật trong nhà: cả nhà cùng ngồi bàn cơm, mỗi người một điện thoại! Kết nối (connect) ở đâu chứ không kết nối với người trước mặt.

Quên trách nhiệm giáo dục con cái: quăng cho cái điện thoại là xong! Riết rồi đứa trẻ sống trong thế giới ảo chứ không có khả năng sống trong thế giới thực. Khi đó than phiền mà không biết chính mình góp phần tạo ra.

Vì thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với chúng ta:  “Mạng xã hội là sự bổ túc – chứ không thay thế – cho sự gặp gỡ cụ thể sống động qua ánh mắt, cái nhìn và hơi thở con người. Nếu một gia đình sử dụng mạng để nối kết với nhau hơn, thì rồi hãy gặp nhau ở bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, đó sẽ là nguồn phong phú”.

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, nhất là khi có bạn trẻ lập luận rằng đi lễ online là đủ rồi: “Thánh Thể không phải là điều gì đó chúng ta có thể chỉ “nhìn”, nhưng là để được nuôi dưỡng” (Ibid).

(2) Nấm mồ của sự gian dối

Fake News, tin giả, chẳng phải là điều gì mới mẻ. Ngay ở những trang đầu của Kinh Thánh đã xuất hiện ông vua tin giả là con rắn dụ dỗ bà Eva: “Ăn trái cấm chẳng sao đâu, chỉ là Chúa sợ ông bà nên như các vị thần thôi”. Con rắn ấy là hình ảnh của ma quỷ nên Kinh Thánh gọi ma quỷ là “cha sự gian dối”.

Tin giả không phải là chuyện mới mẻ, nhưng vấn đề là trong thời đại thông tin ngày nay, cách riêng trên mạng xã hội, tin giả loan truyền rất nhanh với tốc độ chóng mặt và vì thế gây ra hậu quả khủng khiếp! Có những fake news chỉ để vui đùa, giải trí (kiểu nói dối ngày cá tháng tư), nhưng lại có những tin giả có chủ đích kinh tế, chính trị, văn hóa… Cả trong Giáo Hội cũng có không ít tin giả, những tin tức giật gân từ trung ương, kể cả tin về ĐGH bị bắt cóc, ĐGH Phanxicô là Giáo hoàng giả) đến địa phương (chuyện Giáo phận này, linh mục kia…). Có khi lại còn núp bóng dưới những tâm tình hết sức đạo đức: xin các bạn cầu nguyện cho!!! Và có khi chính các nguồn mang danh Công giáo nhưng lại loan truyền tin giả về Giáo Hội.

Có thể chúng ta không phải là người tung tin giả nhưng nguy cơ là ở chỗ ta có thể trở thành kẻ đồng lõa trong việc loan truyền tin giả: (1) không suy nghĩ cho thấu đáo, không kiểm chứng thông tin, chỉ hành động theo cảm tính; (2) hoặc có khi vì muốn tỏ ra mình là người nhanh nhạy, biết nhiều tin tức: nhấn nút like và share! ĐGH Phanxico nói là loan truyền tin giả là vô tình đồng lõa với cái ác! (x. Sứ điệp Truyền Thông 2018).

Vì sự nguy hại của tin giả nên đã có một giám mục đề nghị phải có mandatum (bài sai) như việc giảng dạy thần học trong các đại học công giáo đòi phải có; Bộ Truyền thông cũng từng bàn đến chuyện phải có tên miền mở rộng .catholic vì ngay cả các trang mạng lấy danh nghĩa công giáo nhưng lại chống đối Giáo Hội.

Để không trở thành kẻ đồng lõa với cái ác, hãy chịu khó kiểm chứng thông tin qua những nguồn chính thức; đồng thời không vội vã like và share khi chưa hiểu rõ vấn đề.

(3) Nấm mồ của hận thù và chia rẽ

Lý tưởng của mạng xã hội là kết nối nhưng thực tế lại là gây chia rẽ! Kết nối là một từ trung tính, câu hỏi phải đặt ra là kết nối để làm gì? Những tên khủng bố và những kẻ lừa đảo cũng kết nối vậy, và giỏi hơn chúng ta nhiều ! Cho nên phải đặt câu hỏi kết nối để làm gì? Để xây dựng hay phá hủy, chữa lành hay hủy diệt, cổ võ yêu thương hay gieo rắc hận thù…?

Trong thực tế, người ta thấy mạng xã hội đang làm cho sự hận thù loan truyền nhanh hơn nhiều. Giám mục R. Baron dùng hình ảnh so sánh: ngày xưa giận ai thì viết thư chửi bới rồi gửi, người nhận đọc thư, tức quá, ném vào xọt rác. Ngày nay giận ai thì lên mạng xã hội chửi bới, chỉ một nút nhấn, cả thế giới biết, rồi like và share! Đổ dầu vào lửa!

Những thuật toán được áp dụng cho các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần tạo hận thù và chia rẽ, vì cung cấp cho người dùng những thông tin, hình ảnh, bài viết, suy nghĩ giống như những gì ta vừa đọc và xem. Điều đó khiến ta ngày càng thu mình trong quan điểm quen thuộc của mình và từ chối tiếp nhận những góc nhìn khác để có thể có sự gặp gỡ và đối thoại chân thành, mang tính xây dựng. Ngoài ra những thuật toán ấy còn thúc đẩy các nội dung và đề tài gây tranh cãi…nhờ đó thu hút người tham gia và họ có lời!

Có thể thấy những hận thù và chia rẽ ấy cũng đang diễn ra ngay trong lòng Giáo Hội. Cùng là con cái Chúa và là anh chị em với nhau nhưng sẵn sàng dành cho nhau những lời lẽ nặng nề và thậm tệ nhất thay vì sự đối thoại chân thành.

Vì thế cần lắng nghe lời khuyên của Vị Cha chung: Hãy vứt bỏ những gì gây chia rẽ và hận thù; hãy cổ võ những điều tốt đẹp, những gì thúc đẩy sự hiệp thông và liên đới (ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Truyền Thông 2018).

  1. Lắng nghe tiếng gọi: Hãy ra khỏi mồ

Nói đến những nấm mồ trên mạng xã hội làm cho chúng ta dễ có cảm giác Giáo Hội không có thiện cảm với mạng xã hội, và khuyến khích chúng ta tẩy chay mạng xã hội.

Không! Không phải thế. Giáo Hội không tẩy chay mạng xã hội vì mạng xã hội có thể mang lại rất nhiều lợi ích và làm cho đời sống chúng ta phong phú hơn. Hơn nữa đây còn là sứ mạng của Giáo Hội: loan báo Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông, hiện diện ở nơi con người đang hiện diện: “Người trẻ – cũng như các thế hệ lớn hơn – xin Giáo Hội gặp gỡ họ nơi họ đang hiện diện, gồm cả mạng xã hội”. Vấn đề là hiện diện như thế nào? Chúa muốn chúng ta hiện diện như thế nào trên mạng xã hội?

Suy nghĩ về mạng xã hội trong ánh sáng Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy hình dung Chúa Giêsu đang đứng trước cánh cửa tâm hồn mỗi người giống như Ngài đứng trước mồ của Lazaro, và Ngài cũng kêu lên “Hãy ra khỏi mồ”.

(1) Hãy ra khỏi nấm mồ của thế giới ảo; hãy ra khỏi nấm mồ của gian dối; hãy ra khỏi nấm mồ của hận thù và chia rẽ!

(2) Hãy bước vào mạng xã hội trong tư cách môn đệ của Chúa, nghĩa là trở thành người loan báo sự thật và gieo rắc tình yêu trong thế giới mạng xã hội.

Nguồn: hdgmvietnam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận