Giáo phận Hà Tĩnh: Hướng dẫn một tiến trình thỉnh ý hiệp hành tại giáo xứ và cộng đoàn tu trì

2153 lượt xem

 

HƯỚNG DẪN MỘT TIẾN TRÌNH THỈNH Ý HIỆP HÀNH
TẠI GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Linh hoạt viên Giáo phận Hà Tĩnh

Toàn thể Dân Chúa khắp nơi đang tích cực tham gia tiến trình Thượng Hội Đồng lần thứ 16 ở cấp giáo phận. Ngay từ đầu, Giáo phận Hà Tĩnh chúng ta cũng đã tiến hành học hỏi, chuẩn bị thực hiện tiến trình hiệp hành trong toàn giáo phận. Nay Ban Linh hoạt Giáo phận xin gợi ý ở đây một số hướng dẫn như là những điểm nhấn quan trọng, giúp soi sáng cho chúng ta thực hiện việc thỉnh ý Dân Chúa và sống kinh nghiệm hiệp hành theo đúng định hướng và tinh thần mà Thượng Hội Đồng mời gọi.

I. NGUYÊN TẮC

1. Hiểu và đồng nhất về khái niệm hiệp hành

“Hiệp hành – synodality” là một khái niệm còn mới mẻ đối với phần lớn tín hữu Công Giáo Việt Nam. Trước hết, xin giải thích về việc dịch từ “hiệp hành” trong tiếng Việt. Vì có nhiều người nói dịch như vậy là sai, không có cơ sở ngôn ngữ, thần học và Kinh Thánh.

Hạn từ synodality có thể dịch ra tiếng Việt là tính đồng nghị, tính công nghị, tính hiệp hành. Có người dịch là tính đồng nghị, tính công nghị, hay đồng hành. Tại sao Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch từ này là “hiệp hành” mà không dịch là tính đồng nghị, đồng hành? Thiết tưởng đây là cách dịch theo nội hàm của nó vì những lý do sau:

Theo từ nguyên, trong tiếng Hylạp, hạn từ σύνοδος (synodus), được cấu tạo bởi giới từ συν (với) và danh từ όδός (con đường), nó diễn tả ý nghĩa là cùng nhau tiến bước trên một con đường. Nên từ “hiệp hành” diễn tả ý nghĩa ấy: hiệp là cùng, và hành là con đường.

Theo ý nghĩa Giáo Hội học, hiệp hành diễn tả mô hình Hội Thánh của Công Đồng Vaticanô II: Theo đó, Hội Thánh như là Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước, chứ không phải mô hình Hội Thánh theo kim tự tháp hoặc chỉ giảm thiểu Hội Thánh theo cơ chế phẩm luận (Xem logo Thượng Hội Đồng diễn tả: 15 hạng người biểu tượng Đoàn dân cùng tiến bước, có Đức Kitô như là Đường, là Người hướng dẫn…).

Σύνοδος cũng diễn tả ý nghĩa thần học, đề cập đến Chúa Giêsu, Đấng tự giới thiệu mình là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), dẫn đến Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 16,13) và thực tế là các Kitô hữu, môn đệ của Người, ban đầu được gọi là “những người đi theo Đường” (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).[1]

Như vậy, Hội Thánh là Dân do Chúa Ba Ngôi triệu tập, được kêu gọi và được gọi là Dân Thiên Chúa để lên đường thi hành sứ vụ.

Nên tính hiệp hành là phương thức sống và hành động (modus vivendi et operandi) của Hội Thánh, Dân Thiên Chúa, nó chứng tỏ và làm cho Hội Thánh là sự hiệp thông khi tất cả các thành viên của Hội Thánh cùng nhau hành trình, tụ họp và tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết: “Con đường của tính hiệp hành chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba.”[2]

Như vậy, hiệp hành có nghĩa là cùng nhau tiến bước để truyền giáo, một Hội Thánh đi ra, một Hội Thánh luôn ở “trên đường” để thi hành sứ vụ, trong khi từ đồng hành – cumpanio, theo nghĩa chặt, có nội hàm là chia sẻ; còn từ đồng nghị muốn diễn tả sự đồng thuận nhờ hội nghị. Chúng ta đón nhận cách dịch này của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vì những lý do trên và cũng là cách thức bày tỏ cùng cảm thức với Huấn Quyền Hội Thánh.

2. Sự mới mẻ của Thượng Hội Đồng XVI

Theo định hướng canh tân của Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh cần hoán cải không ngừng, nghĩa là phải thay đổi luôn, bởi lẽ, thay đổi là quy luật phát triển, đó là “cuộc hoán cải mục vụ và truyền giáo; cuộc hoán cải này liên quan đến việc canh tân não trạng, thái độ, lối thực hành và cấu trúc, để ngày càng trung thành với ơn gọi và sứ vụ của mình.

Việc thay đổi cách thức tổ chức Thượng Hội Đồng lần này là một trong những nổ lực canh tân về thực hành và cơ cấu của Hội Thánh. Trước đây, Thượng Hội Đồng thường chỉ quy tụ các Giám mục trên thế giới về Rôma, quy tụ bên Đức Giáo hoàng cầu nguyện và suy tư về tình hình của Hội Thánh, rồi ra những tài liệu để hướng dẫn Dân Chúa.

Nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mọi người tín hữu đều được mời gọi tham gia. Mỗi Kitô hữu đều là “nghị phụ,” là tham dự viên của Thượng Hội Đồng.

Như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn khởi đi từ một Hội Thánh từ dưới lên, bắt đầu Dân chứ không khởi đi từ trên xuống, đây là Hội Thánh theo mô hình kim tự tháp được đảo ngược.

3. Tiến trình thực hiện thỉnh ý mang tính hiệp hành

a. Tham gia

Về thành phần tham gia: Thượng Hội Đồng mời gọi mọi tín hữu đều tham gia. Tại sao? Vì những lý do sau:

Theo Lumen Gentium: “Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa” (LG, 13).

Trước hết, xét về phẩm giá, mọi người được rửa tội đều bình đẳng với nhau, đều có quyền lợi và bổn phận trong Hội Thánh. Tất cả mọi Kitô hữu, do việc lãnh nhận bí tích rửa tội, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, khác nhau về chức năng, nhưng xét về phẩm giá thì tất cả đều bình đẳng (x. LG 32).

Thứ đến, vì toàn Dân Chúa có sensus fidei, nghĩa là “toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu nên không thể sai lầm trong đức tin về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá” (x. LG 12). Chúa Thánh Thần nói qua sensus fidei, thế nên, vox poluli, vox Dei!

Nên mục tiêu của giai đoạn cấp giáo phận là thỉnh ý Dân Chúa để tiến trình hiệp hành được thực hiện qua việc lắng nghe mọi người đã được rửa tội. Đặc biệt, cần chú ý đến những ai có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, những người Công Giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin v.v…

b. Lắng nghe

“Một Hội Thánh hiệp hành là một Hội Thánh lắng nghe… các tín hữu, các Giám mục, Giám mục Rôma: tất cả lắng nghe nhau; và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần.”

Chúa Thánh Thần yêu cầu chúng ta lắng nghe những thắc mắc, mối quan tâm và hy vọng của mọi thành phần Hội Thánh, của mọi người, mọi quốc gia, của thế giới.

Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Người chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Nguời; Lắng nghe Dân Người cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó.”

Tiến trình hiệp hành mang lại cho chúng ta cơ hội mở lòng ra để thực sự lắng nghe, mà không dùng những giải pháp đã có hay những quyết định rập theo công thức có sẵn.

c. Phân định

Ở đây nhấn mạnh đến sự phân định cộng đoàn, phân định mục vụ, dưới ánh sáng Lời Chúa và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần theo nguyên tắc: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28).

Sự phân định này phải được thực hiện trong một không gian cầu nguyện, suy gẫm, suy tư và nghiên cứu, mà chúng ta cần nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần; bằng cách đối thoại chân thành, thanh thản và khách quan với anh chị em của chúng ta. Đỉnh cao của phân định là biết nhận ra điều gì đẹp lòng Chúa và thực thi (x. Ep 5,10).

Thượng Hội đồng là cuộc thao luyện phân định của Hội Thánh: Nên việc thỉnh ý Dân Chúa cũng chính là việc thao luyện phân định mục vụ của công đoàn. Sự phân định cộng đoàn cho phép chúng ta khám phá tiếng gọi của Thiên Chúa trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mình.

Như vậy, tiến trình hiệp hành, lắng nghe là phương pháp và biện phân là mục đích, thì tham gia là con đường.

4. Thái độ tham gia

Để thi hành tốt sứ vụ truyền giáo trong bối cảnh hôm nay và để việc thỉnh ý mang tính hiệp, chúng ta được mời gọi hoán cải thái độ mục vụ hay mặc lấy những thái độ phù hợp sau đây:

a. Thái độ khiêm tốn, cởi mở và bao gồm

Một thái độ chính yếu trong cuộc đối thoại hiệp hành là sự khiêm tốn, một thái độ hướng mỗi người phải vâng phục ý muốn của Thiên Chúa và vâng phục lẫn nhau trong Chúa Kitô. Theo thánh Phaolô, kẻ thù của sự khiêm tốn là tính ghen tị và hư danh, chúng là nguyên nhân gây chia rẽ và xáo trộn trong cộng đoàn. Trái lại, khiêm tốn là coi người khác hơn mình và đặt thiện ích chung lên hàng đầu (x. Pl 2,3-4).[3] Lòng khiêm tốn giúp mỗi người gặp gỡ và lắng nghe nhau trong kiên nhẫn và bình thản.

Tinh thần hiệp hành cũng được thể hiện qua thái độ cởi mở và bao gồm, nghĩa là không khép kín, co cụm; là không loại trừ, cực đoan, nhưng tích hợp và đón nhận tất cả. Chúng ta cần có thái độ mở rộng để không bị đóng khung trong định kiến cá nhân cũng như không bị giới hạn trong một quan niệm thần học thiên lệch. Cần giữ sự quân bình.

Cũng thế, trong cộng đoàn, không được quyền loại trừ nhau, nhưng tôn trọng sự khác biệt, ôm ấp cả những người đối kháng, lắng nghe cả những tiếng nói khác mình. Người đứng đầu đừng để tiếng nói của mình ngăn chặn tiếng nói của các thành viên, đừng tạo ra bức tường cách âm.[4]

b. Thái độ lắng nghe đi đôi với việc can đảm nói ra

Mọi tham dự viên đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói.

Nhưng cả người nói lẫn người nghe đều được mời gọi để nói và biết lắng nghe trong tinh thần hiệp hành. Cần làm chủ những cảm xúc của bản thân. Vì cảm xúc có thể làm méo mó sự thật, nhất là những cảm xúc tiêu cực. Cần có tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản và bình an.

Với thái độ khiêm tốn và cởi mở, chúng ta được mời gọi can đảm nói thẳng nói thật trong tinh thần xây dựng và trong tinh thần bác ái (Ep 4,15). Vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta, nên dám nhìn vào sự thật và dám nghe sự thật mà không biện minh hay chạy trốn.

Khi phát biểu, chúng ta thường có cám dỗ khi phát biểu là trút ra những phẫn nộ, bức xúc hay tố giác, lên án nhau, hay hạ bệ nhau, tấn công người khác, làm thầy đòi hỏi người khác. Hay người phát biểu là để chứng minh mình giỏi hơn người khác, hay để bảo vệ quan điểm riêng mà loại trừ ý kiến người khác bằng những lý lẽ cộc cằn v.v… Đó là điều trái ngược với tinh thần hiệp hành. Ở đây, khi nói cũng như khi nghe, chúng ta được mời gọi phát biểu hay chia sẻ là tìm kiếm và diễn tả bất cứ điều gì dường như đã được Chúa Thánh Thần gợi ý là hữu ích cho sự phân định cộng đoàn, đồng thời biết cởi mở đón nhận bất cứ điều gì đã được cùng Thánh Thần gợi ý trong ý kiến của người khác, vì thiện ích chung” (1 Cr 12,7).[5]

Tóm lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị: cần có 3 f: free (tự do), frank (thẳng thắn), friendly (thân thiện) khi phát biểu. Nhiều lúc chúng ta chỉ có 2 f đầu mà thiếu f cuối! Nên tạo sự căng thẳng không đáng có.

c. Sẵn sàng hoán cải và thay đổi

Thông thường, chúng ta có cám dỗ là ngại thay đổi vì cho rằng như thế cũng không có gì tốt hơn và chống lại những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đón nhận. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận, khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dự vào những cách thức hoạt động xưa cũ. Đặc biệt, cần vượt thắng khỏi tai hoạ “giáo sĩ trị” trong Hội Thánh và bỏ thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi: Không thể cứ mãi an phận với thứ “mục vụ bảo tồn” lâu đời mà không dám “hoán cải mục vụ” (Niềm vui Tin Mừng, ss. 25-27) để nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ. Không thể cứ khư khư bảo vệ cơ chế và duy trì não trạng cũ kỹ để dửng dưng đứng ngoài cuộc, nhưng can đảm thay đổi theo sự gợi mở của Chúa Thánh Thần.

Mục tiêu ở đây “không cần thiết phải tạo ra một Hội Thánh khác, nhưng phải tạo ra một Hội Thánh khác biệt” (Yves Congar, True and False Reform in the Church). Chúng ta cần thay đổi để trở nên một Hội Thánh khác biệt, đó là một Hội Thánh lắng nghe, gần gũi, thương xót và dịu dàng.[6]

II. CÁCH THỨC TỔ CHỨC MỘT BUỔI HIỆP HÀNH – THỈNH Ý

(Xem hướng dẫn của Cẩm Nang, phần Phụ lục B)

Vì hoàn cảnh đại dịch covid, các cuộc gặp thỉnh ý hiệp hành có thể được tổ chức theo hoàn cảnh cụ thể của từng giáo xứ và cộng đoàn:

Có thể tổ chức theo nhiều nhóm khác nhau trong một giáo xứ, từng cộng đoàn dòng tu, theo từng giáo họ, hoặc theo các tổ liên gia.

Sau đây là phác thảo chung về các bước có thể được thực hiện.

  1. Thành lập một ban tổ chức (có thể Cha xứ, linh hoạt viên, thư ký) để lên kế hoạch và thực hiện tiến trình thỉnh ý: chọn cách thức tiếp cận với dân Chúa và phương pháp phù hợp nhất thúc đẩy đối thoại và tham gia kinh nghiệm hiệp hành đích thực.
  2. Khuyến khích mọi người tham gia qua các thông báo của giáo xứ, phương tiện truyền thông đại chúng, thư mời v.v… Cần hết sức nỗ lực để xác định và liên hệ với những người đã không thường xuyên liên lạc với cộng đoàn, những ai bị loại trừ, hay không được lắng nghe.
  3. Thành phần lý tưởng của nhóm tham dự viên là những người đến từ các cộng đồng và nền văn hóa khác nhau, với kinh nghiệm khác nhau, thuộc độ tuổi và tầng lớp trong xã hội khác nhau (nhóm lớn hay nhỏ tùy thuộc vào địa điểm sẵn có và số lượng điều phối viên).
  4. Các tài liệu chuẩn bị cho việc cầu nguyện và suy tư nên được gửi đến tất cả các tham dự viên khoảng 2-3 tuần trước khi họp mặt. Các tài liệu: một bài trình bày ngắn gọn về nền tảng và ý nghĩa của tính hiệp hành, (các) câu hỏi suy tư then chốt, phương thức gợi ý cầu nguyện và phân định những câu hỏi đó, bao gồm cả các đoạn Kinh Thánh được đề xuất.
  5. Các câu hỏi suy tư phải thích đáng và ngắn gọn. Cần ít câu hỏi có ý nghĩa sâu xa để khám phá thì tốt hơn là có nhiều câu hỏi mang nội dung hời hợt. Thượng Hội đồng này đặt ra 10 chủ đề với 10 câu hỏi.

Tuy nhiên, trong cuộc họp của Ban Linh hoạt viên với các Cha quản hạt, chúng ta đã chọn 4 chủ đề chính với 4 câu hỏi căn bản theo hoàn cảnh của Giáo phận. Việc thỉnh ý cấp giáo xứ dựa theo 4 câu hỏi này. Ngoài ra, có những câu hỏi khác đã được soạn, tuỳ hoàn cảnh và nhu cầu, mỗi giáo xứ hay cộng đoàn có thể dùng để thỉnh ý.

Sẽ rất hữu ích khi các tham dự viên phản ánh về hành trình của cộng đồng địa phương của họ từ trước cho đến nay. Lịch sử đời sống đức tin của cộng đoàn ra sao? Cộng đồng đó đã tiến bước thế nào để đến vị trí hiện nay? Thiên Chúa đã hiện diện với họ theo cách thế nào? Thông thường việc cùng nhau hồi tưởng những chuyện đã qua sẽ giúp cộng đồng xây dựng và định hướng con đường phía trước.

  1. Cần đảm bảo rằng có đủ nhóm điều phối viên ứng với phương pháp và hình thức đã chọn cho cuộc họp thỉnh ý, đồng thời cũng bảo đảm rằng họ đã được chuẩn bị đầy đủ để hướng dẫn tiến trình này. Mặt khác cần xác định trước nhóm nhân sự sẽ chuẩn bị đúc kết cuộc thỉnh ý.
  2. Tại buổi họp nhóm, việc cộng đoàn cùng cầu nguyện và cử hành phụng vụ sẽ đóng một vai trò trọng yếu. Việc lắng nghe nhau phải dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Có thể dùng các hình thức cầu nguyện ý nghĩa, nài xin Thiên Chúa hướng dẫn và soi sáng, đồng thời để Ngài liên kết chúng ta hiệp thông sâu sắc với nhau. Cùng tham dự phụng vụ và nhau suy niệm Kinh Thánh có thể là những cách thức rất hữu ích cho việc này.
  3. Có thể sử dụng phương pháp phù hợp cho việc đối thoại theo nhóm vốn tương thích với các nguyên tắc hiệp hành. Chẳng hạn, phương pháp Chia sẻ tâm linhsẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực, lắng nghe chăm chú, phát biểu chín chắn và sự biện phân thiêng liêng.

Chia các tham dự viên thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 6 -7 người có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau.

Buổi chia sẻ tâm linh sẽ kéo dài ít là một giờ và bao gồm ba vòng. (Xin xem Phụ lục B).

  1. Sau cuộc hội thảo, các thành viên trong nhóm tổ chức/điều phối có thể họp lại để xem xét toàn bộ kinh nghiệm và chuẩn bị soạn thảo bản tóm kết dựa trên phản hồi của tất cả các nhóm nhỏ. Sau đó, họ có thể chuyển bản tóm kết của mình đến các điều phối viên của giáo phận.
  2. Đối với những người không thể tham dự cuộc họp trực tiếp hoặc trực tuyến, nên cố gắng liên hệ với họ qua tin nhắn, điện thoại, radio hoặc các phương tiện thích hợp khác. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng hết sức để lắng nghe tiếng nói của mọi người, đặc biệt là những người bị loại trừ khỏi xã hội.

III. THỰC HÀNH MỘT BUỔI THỈNH Ý

  1. Kinh cầu nguyện cho Thượng Hội đồng: Adsumus Sancte Spiritus
  2. Điều phối viên giải thích ý nghĩa, nội dung và mục đích của buổi gặp gỡ thỉnh ý:
  • Công bố đoạn Lời Chúa được chọn
  • Suy niệm vắn và thinh lặng (3 phút).

NHỮNG CÂU HỎI THỈNH Ý

– Cẩm Nang gợi ý 10 câu hỏi theo 10 chủ đề khác nhau, nhưng tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi giáo phận, chúng ta có thể chọn hoặc đặt ra những câu hỏi thiết thực và hữu ích nhất đối với giáo xứ và cộng đoàn của mình. Sau đây là 4 câu hỏi được Giáo phận Hà Tĩnh ưu tiên chọn để thỉnh ý Dân Chúa:

– Vị chủ tọa nêu lên từng câu hỏi để chia sẻ. Sau khi đọc mỗi câu hỏi, cộng đoàn tham dự thinh lặng 3 phút để lắng nghe Chúa Thánh Thần dạy bảo, rồi mỗi người chia sẻ điều muốn nói theo câu hỏi đó.

1. Về đời sống đạo: Anh chị em có đánh giá hay suy nghĩ gì về thực trạng đời sống đạo của giáo xứ (cộng đoàn) trong bối cảnh hiện nay?

2. Về sứ vụ truyền giáo: Anh chị em làm gì để truyền giáo trong hoàn cảnh hiện nay?

3.Về việc đối thoại:

a) Trong giáo xứ (hay cộng đoàn), chúng ta có đối thoại và lắng nghe nhau như thế nào?

b) Đâu là những khó khăn và cách thức nào để đối thoại với chính quyền?

4. Về sử dụng quyền bính: Linh mục và Hội đồng Mục vụ (bề trên) sử dụng quyền bính của mình trong việc hướng dẫn giáo xứ (cộng đoàn) như thế nào? Cần phải làm gì để mọi người có thể đồng tham gia xây dựng cộng đoàn?

Ngoài ra, còn có những câu hỏi khác, tuỳ hoàn cảnh và nhu cầu, các giáo xứ (cộng đoàn) có thể chọn để thỉnh ý:

  1. Về đồng hành: Trong giáo xứ (cộng đoàn), chúng ta có đồng hành với nhau và với những người bị bỏ rơi không?
  2. Về lắng nghe: Linh mục có lắng nghe ý kiến của giáo dân, phụ nữ và nữ tu không? Giáo dân mong muốn gì nơi giám mục và linh mục?
  3. Về phát biểu: Trong cộng đoàn, mỗi người có được tự do phát biểu ý kiến để xây dựng Hội thánh không?
  4. Về cử hành: Trong cộng đoàn, mỗi người có tham dự phụng vụ cách đầy đủ và tích cực không?
  5. Về đại kết: Chúng ta có thái độ nào đối với những anh chị em khác tôn giáo?

Quyết định: Khi ra quyết định mục vụ, chúng ta tự quyết hay thỉnh ý rồi mới quyết định?

IV. KẾT THÚC BUỔI CỬ HÀNH

Kết thúc buổi cử hành thỉnh ý bằng việc cử hành Thánh lễ hoặc giờ chầu Thánh Thể hoặc một cử hành khác.

V. ĐÚC KẾT THỈNH Ý

Lưu ý quan trọng: việc thỉnh ý không phải là cuộc trưng cầu dân ý, cũng không phải là để thu thập những bản báo cáo về giáo xứ hay cộng đoàn, nhưng là ghi lại những cảm nhận, suy tư và kinh nghiệm chân thực, cả tích cực lẫn tiêu cực được phản hồi, qua việc lắng nghe nhau, để từ đó lắng nghe Chúa Thánh Thần nói gì với chúng ta qua phản hồi này. Nên mục đích chính của thỉnh ý là sống kinh nghiệm hiệp hành trong tinh thần tham gia, lắng nghe và phân định.

Vì thế, cha xứ (bề trên dòng tu) chọn người thư ký có khả năng để tổng hợp cách trung thực các ý kiến tích cực và tiêu cực của các tham dự viên, sau đó cùng với cha xứ đúc kết lại văn bản (dưới 10 trang A4) theo tinh thần đó và gửi về Văn phòng Tòa Giám mục trước ngày 21/4/2022.

—————————–

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn Phòng Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục, Cẩm nam cho Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành,2021.
  2. Thượng Hội Đồng Giám Mục, Tài Liệu Chuẩn Bị, 2021.
  3. Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch), Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, Nxb. Đồng Nai, Tp. HCM 2021.

[1] X. Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, Nxb. Đồng Nai, 10-11.

[2] ĐGH. Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập định chết Thượng Hội đồng Giám mục (17/10/2015), 1139.

[3] X. Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, Nxb. Đồng Nai, 102.

[4] ĐTGM, Giuse Nguyễn Năng, Hiệp Hành Là Lối Sống của Hội Thánh, (07/01/2022).

[5] X. Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, Nxb. Đồng Nai, 101.

[6] ĐGH. Phanxicô, Bài phát biểu khai mạc Thượng Hội Đồng Giám mục XVI, (09/10/2021).

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận