Tòa Thánh lặp lại lời kêu gọi mở hành lang nhân đạo bảo vệ người tị nạn Ucraina

901 lượt xem

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York

 TÒA THÁNH LẶP LẠI LỜI KÊU GỌI
MỞ HÀNH LANG NHÂN ĐẠO BẢO VỆ NGƯỜI TỊ NẠN UCRAINA

 Hồng Thủy

Vatican News (04.3.2022)  Trước tình trạng số thường dân chết trong cuộc chiến ở Ucraina ngày càng gia tăng, cũng như thiệt hại đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, lặp lại lời kêu gọi mở các hành lang nhân đạo để đảm bảo sự an toàn và bảo vệ hàng ngàn người Ucraina đang chạy trốn khỏi bạo lực đang diễn ra ở nước này.

Ngày 01/3/2022, phát biểu tại buổi “Cùng phát động Lời kêu gọi nhân đạo và Kế hoạch về vấn đề người tị nạn trong khu vực cho Ucraina”, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý rằng số người đang tiếp tục chạy trốn khỏi các hành động thù địch và trốn sang các nước láng giềng đang nhanh chóng lên tới 700.000 người, và có khả năng tăng lên khi hệ thống cung ứng của địa phương, các dịch vụ thiết yếu, khả năng tiếp cận thực phẩm và các hàng hóa cơ bản khác bị ngưng lại.

Khẩn cấp cần mở các hành lang nhân đạo

Nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, đại diện Tòa Thánh nhấn mạnh sự khẩn cấp cần mở các hành lang nhân đạo, cũng như đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ, an toàn và không bị cản trở cho các tổ chức nhân đạo để hỗ trợ những người dân thường gặp khó khăn.

Tinh thần liên đới

Ngài khen ngợi các quốc gia đang đón nhận người tị nạn trong “tinh thần liên đới” cũng như những quốc gia cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết. Ngài nhấn mạnh rằng đón tiếp, bảo vệ và hỗ trợ người tị nạn là trách nhiệm chung và phải theo luật quốc tế và trên cơ sở không phân biệt đối xử.

Nỗ lực của Giáo hội Công giáo

Đức Tổng Caccia cũng cùng với các quốc gia Thành viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng ngay các hành động thù địch và trở lại với ngoại giao và đối thoại. Ngài ghi nhận những nỗ lực của Giáo hội Công giáo và các tổ chức của Giáo hội, và sự giúp đỡ mà họ đang cung cấp cho hàng ngàn người khốn khổ.

Đàm phán và hòa giải

Ngài nhắc lại rằng Liên Hiệp Quốc được thành lập “để cứu các thế hệ tiếp theo khỏi tai họa chiến tranh” và “cùng nhau chung sống hòa bình với nhau như những người láng giềng tốt”. Do đó, “nhiệm vụ của tất cả các Quốc gia là tìm cách giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác, ngay cả khi chiến tranh đã bắt đầu.”

Về vấn đề này, Quan sát viên Thường trực bày tỏ sự tin tưởng của Tòa thánh rằng luôn có thời gian cho thiện chí, có chỗ cho thương lượng, và “một nơi để thực hiện một sự khôn ngoan có thể ngăn chặn lợi ích đảng phái chiếm ưu thế, bảo vệ nguyện vọng chính đáng của mọi người, và giải thoát thế giới khỏi sự điên cuồng và khủng khiếp của chiến tranh.”

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận