5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 5/2019

1378 lượt xem

01/05/19 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Th. Giu-se thợ
Mt 13,54-58

MỘT BÁC THỢ CAO QUÝ

“Ông không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,54)

Suy niệm: Bộ bách khoa Wikipedia cho biết: trên thế giới hiện nay có 56 thể loại nghề nghiệp, chia thành năm nhóm. Số lượng nghề nghiệp thật phong phú, phải không bạn? Không hiểu sao Chúa Cha không chọn cho Con mình một người cha nuôi có một nghề sáng giá hoặc thuộc hàng đẳng cấp trong xã hội, mà chọn một người thợ mộc! Chắc chắn Đức Giê-su sau này làm nghề thợ mộc do cha nuôi của mình cũng làm nghề này. Trước mặt Thiên Chúa, nghề thợ mộc có giá trị không kém gì các nghề xã hội thời ấy cho là cao quý như luật sĩ, thượng tế. Đối với Ngài, làm nghề nào không quan trọng, quan trọng là cung cách ta làm. Thánh Giu-se là mẫu gương lao động cho ta qua cung cách siêng năng làm việc để nuôi sống gia đình, để chia sẻ với tha nhân, và góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Mời Bạn: “Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống mình bằng việc làm và tài năng” (Vatican II, Vui Mừng và Hy Vọng). Hãy phát triển đời sống mình và những người lân cận qua công ăn việc làm và trau dồi tài năng. Đó là những “nén bạc” mà bạn không được phép dành riêng cho mình!

Chia sẻ: Lao động của bạn có những đặc tính như của thánh Giu-se không?

Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ và sống câu Lời Chúa sau đây: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nhận lời thánh Cả Giu-se chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương Người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó, hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành” (Lời nguyện ngày lễ).

———————-

02/05/19 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 3,31-36

“NÓI CHUYỆN TRÊN TRỜI”

“Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ bởi đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất.” (Ga 3,31)

Suy niệm: “Kẻ bởi đất mà ra thì nói những chuyện dưới đất,” và giả như họ có nói “những chuyện trên trời” thì cũng nói theo kiểu “những chuyện dưới đất.” Con người dù có ai thông thái khôn ngoan đến mấy đi nữa, khi nói về Thiên Chúa, cũng phải dùng ngôn ngữ loài người và những khái niệm của con người để phóng chiếu lên tới vô cùng, và giả định như thế là Thiên Chúa. Do đó, con người vẫn thường vô tình tạo ra những thần linh theo hình ảnh, sở thích của mình để rồi tôn thờ chính “những thần linh do tay mình làm ra.” Chỉ có Đấng từ trời xuống mới đủ khả năng, đủ thế giá để nói về những sự trên trời. Vì thế, nếu chúng ta muốn biết điều chi về Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể tìm biết từ chính Con Một của Người, Đấng từ trời mà xuống. Và nếu chúng ta muốn đến với Thiên Chúa, chúng ta cũng chỉ có thể đến qua Đức Giê-su Ki-tô, Đấng duy nhất đã chết, sống lại và lên trời. Quả thật, Đức Giê-su Ki-tô là “Đấng Cứu Độ Duy Nhất” của nhân loại.

Mời Bạn: Khi mọi lời nói của chúng ta đều bất cập trước mầu nhiệm vô biên của Thiên Chúa thì bạn vẫn còn một phương thế để đạt tới Thiên Chúa đó là dựa vào chính Lời Chúa và nhờ Thánh Thần hướng dẫn, để hiểu biết và đón nhận thánh ý Ngài.

Sống Lời Chúa: Trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thần Khí Đức Ki-tô trên chúng con, cho chúng con luôn xác tín quê hương đích thực của chúng con ở trên trời, và để chúng con biết say mê những sự trên trời, biết dùng của cải đời này mà đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

———————-

03/05/19 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14

THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA

“Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,10a)

Suy niệm: Giống như Tô-ma đòi hỏi phải “xem tận mắt, bắt tận tay” thì mới tin, ông Phi-líp-phê cũng nài xin: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,6). Hẳn Đức Giê-su đã tỏ ra mối tương quan gắn bó hết sức thân thiết với Chúa Cha đến nỗi các môn đệ cảm thấy bị thu hút mãnh liệt và khao khát được “thấy Chúa Cha” dù chỉ một lần cũng đã mãn nguyện rồi. Về phương diện này, có thể nói Chúa Giê-su đã “tiếp thị” thành công. Thế nhưng về phía các môn đệ thì vẫn còn bất cập. Diễm phúc mà các ông khao khát đang ở trong tầm tay các ông mà các ông không biết. Một thoáng buồn ẩn trong lời trách nhẹ nhàng của Chúa Giê-su: “Thầy ở với anh em bấy lâu mà anh chưa biết Thầy ư?” Ngài mạc khải cho các ông một chân lý, đồng thời hé mở một cánh cửa để đạt thấu điều các ông mong ước đó: “Ai thấy Thầy là Chúa Cha.” Và bí quyết để đạt được sự kết hợp diễm phúc với Chúa Cha là “tin vào Thầy” và “tuân giữ Lời Thầy.”

Mời Bạn: Bạn có khao khát gặp được Chúa không? Bạn chỉ khao khát suông hay khao khát cảm nhận được vị ngọt của Tình Yêu Thiên Chúa thấm đẫm trong linh hồn của bạn?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian suy gẫm Lời Chúa, để nhận ra và kết hợp với Chúa Cha trong Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, không có Chúa chỉ đường, con cũng không tìm được Chúa Cha và thánh ý để soi lối cuộc đời của con. Xin cho con biết mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa để con từng bước cảm nếm được Thiên Chúa đang ở đây, ngự trị trong tâm hồn và trong thân xác của con. Amen.

———————-

04/05/19 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Ga 6,16-21

“THẦY ĐÂY! ĐỪNG SỢ!”

Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ.” (Ga 6,19-20)

Suy niệm: Các môn đệ hẳn đã mang tâm trạng hoang mang và có khi bất bình nữa khi bị Chúa Giê-su “bắt buộc xuống thuyền qua bờ bên kia” Biển Hồ Ti-bê-ri-a sau khi Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều (Mc 6,45): Tại sao Thầy không nhân dịp rất tốt này để hiện thực giấc mơ phục hưng thời hoàng kim của vương triều Đa-vít? Giờ đây, lênh đênh trên biển hồ, suốt đêm vất vả chèo chống với sóng to gió lớn, họ đâm ra hụt hẫng. Những chỗ dựa tưởng là vững chắc trên trần đời này: của cải, quyền lực… giờ đây giống như mây khói. Thế nên, khi đối diện với Đấng thần linh – Chúa Giê-su đi trên mặt nước đến với các ông – các ông lại tưởng là ma quái! Một lời trấn an của Chúa đã giúp họ trở lại: “Thầy đây! Đừng sợ”. Và với Chúa, họ được bình an, cập bến an toàn.

Mời Bạn: Chúa Giê-su phục sinh không ở xa hay thờ ơ nhưng Ngài đang hiện diện trong đời sống chúng ta, nhất là trong những lúc chúng ta phải đương đầu với những cơn phong ba bão táp  trong đời, sự hiện diện âm thầm tinh tế nhưng đầy quan tâm và thân thiết. Chúa không miễn trừ cho những ai đi theo Ngài khỏi những thử thách cam go. Ngài muốn họ lớn lên trong tin yêu và trông cậy, với lòng dũng cảm và khiêm cung.

Sống Lời Chúa: Trong những hoàn cảnh khó khăn, mời bạn bình tâm, cầu nguyện để nhận ra Chúa đang đồng hành với bạn và sẵn sàng vâng ý Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa đồng hành với những gia đình đang gặp khó khăn. Xin cho họ giữ vững niềm tin và biết cộng tác với nhau sống qua những tháng ngày gian khổ. Amen.

———————-

05/05/19 CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – C
Ga 21,1-19

NHẬN RA ĐẤNG PHỤC SINH

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (Ga 21,4)

Suy niệm: “Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã thấy Ngài, nhưng chẳng biết Ngài.” (Lm Thành Tâm, bài hát Trên đường Em-mau). Cũng giống như hai môn đệ Em-mau trên đường về quê không nhận ra Chúa Ki-tô phục sinh đang đồng hành với họ, các tông đồ Chúa cũng đã không nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc sống của mình. Phải chăng đây cũng là điều mà mỗi người chúng ta đều trải nghiệm? Phải chăng chúng ta đang mải mê theo đuổi một mục tiêu trần thế nào đó – bổng lộc, tiền tài, chức quyền, danh vọng, lạc thú – mà không nhận ra Ngài đồng hành trong cuộc sống của mình?

Mời Bạn: Hai môn đệ đã được Lời Chúa sưởi ấm trước khi nhận ra Ngài là Đấng Ki-tô phục sinh khi Ngài bẻ bánh. Để bức màn của những lo toan trần thế không che khuất sự hiện diện của Đấng Vô Hình, không cản trở nguồn sức sống của Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi học hỏi kinh nghiệm này của hai môn đệ làng Em-mau: đó là dành thời gian cho Lời Chúa trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày, một mình với Chúa hay cùng với gia đình, cộng đoàn của mình; đó là dành chỗ cho Chúa Ki-tô Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên, và nếu được, hằng ngày.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp công việc và thời gian để có thể: – cầu nguyện hằng ngày trong gia đình; – tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên hơn trong các ngày trong tuần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa vẫn sống và hiện diện trong cuộc đời chúng con, để chúng con nhờ tin mà được cứu độ.

———————-

06/05/19 THỨ HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29

HỒN AN XÁC MẠNH

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27)

Suy niệm: Dù ý thức hay không thì những hoạt động của chúng ta đều nhằm đến một tương lai tốt đẹp hơn: ăn uống, học hành, thể dục, tích lũy của cải… Điều tốt đẹp lý tưởng không chỉ là tiến lên từ chỗ “ăn no mặc ấm” đến chỗ “ăn ngon mặc đẹp,” mà phải là niềm hạnh phúc của con người một cách toàn diện và vững bền, nghĩa là – như người ta thường nói – được cả hồn an lẫnxác mạnh. Nếu thân xác cần được cung cấp đầy đủ thức ăn thì linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng như vậy. Thường thì người ta dễ nhận ra và lo lắng về sự tiều tụy của cơ thể, sự xuống cấp của nhan sắc hơn là sự èo uột của linh hồn! Và do đó dễ đi đến chỗ thiên lệch “được phần xác, nhếch nhác phần hồn.” Lời Chúa dạy chúng ta phải lo làm việc chăm lo cho phần xác nhưng không phải chỉ vì “của ăn mau hư nát” mà để thân xác cũng được thánh hóa và cùng với linh hồn hưởng phúc trường sinh.

Mời Bạn: Để có được của ăn nuôi sống linh hồn luôn đòi chúng ta có những hy sinh đáng kể về mặt thể xác; chính những nỗ lực này làm cho chúng ta trở nên cao cả hơn. Cái chết của Đức Ki-tô là để chúng ta đạt được sự cao cả đó. Một Ki-tô hữu sống lè tè ‘sát đất’ là làm méo mó hình ảnh của Đức Ki-tô vậy.

Chia sẻ: Nhận định xem những hoạt động nào của bạn chỉ phục vụ thân xác mà không bồi bổ cho tâm hồn.

Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu gây cản trở cho việc trưởng thành tâm linh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con khát khao những hoạt động đem lại lợi ích thiêng liêng để con dễ dàng từ chối những đam mê ti tiện ở đời này. Amen.

———————-

07/05/19 THỨ BA TUẦN 3 PS
Ga 6,30-35

TẤT CẢ VÌ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Đức Giê-su nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)

Suy niệm: Một quan chức – miễn nêu tên – trong một chuyến công cán nước ngoài tuyên bố rằng dân ta chỉ cần ăn no cái bụng, còn những giá trị tinh thần thì không cần thiết, nếu không nói là đồ xa xỉ. Nói thế có nghĩa là phải xây cái “hạ tầng cơ sở” là những nhu cầu vật chất vững chắc đã, rồi mới “leo” lên những bậc thang giá trị cao hơn. Thế nhưng theo bà Natulla, một nhà nghiên cứu xã hội học, thì người ta có thể “đạt tới những nhu cầu cấp cao hơn” ngay cả khi những nhu cầu cấp thấp chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhận định đó mở đường cho chúng ta đón nhận lời Chúa. Theo tính tự nhiên, người ta phải thoả mãn nhu cầu cơm bánh: muốn có một thứ lương thực ăn vào sẽ không phải đói, không phải khát nữa. Chúa Giêsu cho biết tìm kiếm lương thục trường sinh là nhu cầu tối thượng, vượt trên cả nhu cầu về cơm bánh. Và Ngài là thứ bánh trường sinh đó.

Mời Bạn: Cha ông chúng ta có nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” Phải dám khước từ cả tiền lẫn quyền để giữ cho được cái “sạch,” cái “thơm” xứng đáng với phẩm giá con người. Cũng thế phải dám hy sinh những nhu cầu cấp thấp nếu chúng cản trở không cho chúng ta đạt được nhu cầu tối thượng là sự sống đời đời. Phải chăng lắm khi chúng ta vì nặng về miếng cơm manh áo mà đóng cửa lòng mình, không dám chia sẻ với những người bất hạnh, hoặc tệ hơn nữa, làm điều gian dối, bất công cho anh chị em mình?

Sống Lời Chúa: Suy niệm mầu nhiệm Chúa phục sinh và xin ơn sống sao cho đạt được sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.

———————-

08/05/19 THỨ TƯ TUẦN 3 PS
Ga 6,35-40

LỘ TRÌNH THIÊNG LIÊNG

Chúa Giê-su nói: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)

Suy niệm: Các xe hơi đời mới hiện nay đều có gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS nhận tín hiệu từ 21 vệ tinh bay chung quanh trái đất, nhờ đó tài xế biết đường nào ngắn nhất tới nơi mình định đến, đường nào một chiều, chỗ nào có thể kẹt xe, v.v… Chúa Giê-su đã tặng ban cho chúng ta một hệ thống định vị thiêng liêng khi Ngài mạc khải ý định của Chúa Cha là cứu rỗi “tất cả nhữngai thấy và tin” vào Chúa Con. Quả vậy, khi chiêm ngắm Đức Giê-su và đi theo lộ trình thập giá của Ngài, chúng ta không sợ bị lạc trong mê cung của những đam mê, cám dỗ; chúng ta cũng có thể cùng Ngài vượt qua được những hầm bẫy, những chướng ngại vật giăng mắc trên đường. Chỉ dẫn của Chúa Giê-su thật rõ ràng: mục tiêu nhắm tới là thực hiện ý Chúa Cha và lộ trình chính là con đường thập giá.

Mời Bạn: Để kiểm định lại chiếc xe cuộc đời của bạn, mời bạn xét xem mình có đang bị cuốn hút theo lối sống của chủ nghĩa tiêu thụ hay không, mà đặc điểm của nó là: – làm cho mình hưởng thụ thật nhiều mà quên chia sẻ và giúp tha nhân thăng tiến; – và hưởng thụ ở trần thế này đến độ quên điểm đến của mình là “sự sống muôn đời,” “sự sống lại trong ngày sau hết.” Mời bạn xét xem mình đã gắn kết với Chúa Giê-su và lộ trình thập giá của Ngài chưa.

Chia sẻ: Đâu là đặc điểm của lối sống kitô chống lại chủ nghĩa tiêu thụ?

Sống Lời Chúa: Xét mình về cách tiêu dùng của cải hằng ngày của mình, của gia đình hay cộng đoàn của mình.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.

———————-

09/05/19 THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51

BÁNH HẰNG SỐNG

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,50-51)

Suy niệm: Suốt 40 năm, dân Ít-ra-en đi trong hoang địa được Chúa ban man-na để nuôi sống. Sáng sáng, họ ra khỏi lều trại, thu lượm man-na đủ ăn mỗi ngày. Nhưng man-na chỉ nuôi phần xác và là hình bóng tiên báo thứ bánh mà Chúa Giê-su sẽ ban cho con người, để ai ăn vào thì được sống muôn đời. Phép lạ hoá bánh ra nhiều quả thực là khúc dạo đầu để chuẩn bị cho mạc khải về thứ Bánh Hằng Sống ấy, là chính Thân Thể Ngài mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong bữa Tiệc Ly.

Mời Bạn: Mình Thánh Chúa thực sự là thần lương nuôi dưỡng đời sống con người. Việc rước Mình Thánh Chúa sẽ đem lại cho bạn ánh sáng, sức mạnh nội tâm và ân sủng để lấy lại những nhân đức và vẻ đẹp đã bị mất vì tội lỗi. Khi rước Mình Thánh Chúa, bạn trở nên một với Ngài, bạn trở nên giống Chúa hơn, nhờ đó bạn cũng quảng đại hiến thân phục vụ và làm việc lành phúc đức cho người khác trong cuộc sống hàng ngày. Như tấm bánh Chúa Giê-su bẻ ra cho muôn người được sống, bạn cũng được mời gọi hy sinh tấm bánh đời mình để đem sự sống và tình thương của Chúa đến cho nhiều người khác.

Chia sẻ: Bạn đã chia sẻ vật chất và tình yêu cho người khác như thế nào?

Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ hàng ngày. Khi không thể được thì bạn rước lễ thiêng liêng để có thêm sức mạnh từ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ý thức khi rước lấy Mình Thánh Chúa, để con được sống với Chúa, nhờ Chúa và như Chúa. Amen.

———————-

10/05/19 THỨ SÁU TUẦN 3 PS
Ga 6,52-59

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,54)

Suy niệm: Chàng Rô-bin-sơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Nhưng đối với chàng thổ dân này thì “ăn gì bổ nấy”: ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm. Chả trách gì mà người Do Thái bị “xốc” khi Chúa Giê-su tuyên bố thịt máu Chúa là của ăn nuôi sống con người. Đúng là có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình. Nhưng để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa” dù là dưới dạng Bánh và Rượu của bí tích, thì phải được ơn ban đức tin. Vì thế, cần có lòng tin mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và hơn nữa cần có lòng mến để có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn.

Mời Bạn: Mỗi lần lên rước lễ, bạn có chuẩn bị xứng đáng để đón nhận Chúa Ki-tô không? Bạn có tin rằng, bạn được Ngài yêu mến, bạn được ở trong Ngài hay không? Một sự thật không thể chối cãi được, đó là nhờ sự kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, mà Ngài ở trong bạn như một người bạn thân tình và đầy yêu mến.

Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn trong sạch để có đủ điều kiện rước lễ mỗi khi đi tham dự Thánh lễ. Cầu nguyện với Chúa Giê-su cách thân tình, mỗi khi tiếp rước Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương lấy Mình Máu Chúa làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho mọi người chúng con khi tiếp nhận sự sống thần linh của Chúa cũng biết hiệp nhất yêu thương để hy sinh và phục vụ lẫn nhau.

———————-

11/05/19 THỨ BẢY TUẦN 3 PS
Ga 6,51.60-69

THEO CHÚA TRỌN CUỘC ĐỜI

Chúa Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6,67-68)

Suy niệm: Lời Chúa không phải khó hiểu, nhưng khó chấp nhận. Theo Chúa thì phải vác thập giá, theo Chúa thì phải yêu thương kẻ thù, theo Chúa thì phải sống nhờ Mình và Máu Thánh Chúa; nhiều môn đệ thấy khó chấp nhận lời Chúa nên đã rút lui không đi theo Chúa nữa. Đối diện với thực trạng nhiều người thẳng thừng bỏ Ngài mà đi đó, Chúa Giê-su không nao núng; trái lại, Chúa đòi hỏi các tông đồ và những người theo Ngài phải có một chọn lựa quyết liệt: “Anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Chúa không cho phép môn đệ của Ngài lưỡng lự hay nước đôi. Ngài muốn mỗi người có một quyết định dứt khoát: chọn Chúa hay bỏ Chúa? Phê-rô đã đại diện cho mọi môn đệ thưa với Chúa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” Phê-rô không nói bỏ Thầy thì chúng con đi đâu, nhưng nói “chúng con biết đến với ai?” Điểm cốt lõi của đức tin là đi theo Chúa chứ không phải đi đâu, là trung thành sống với Chúa chứ không phải bám lấy một công việc hay một chức vụ, dù có lớn lao mấy đi nữa.

Mời Bạn: Bạn đang đi theo ai? Đối với bạn, Chúa Giê-su là Đấng yêu thương bạn, là Đấng ban cho bạn ơn cứu độ, là Đấng luôn ở với bạn trong mọi nẻo đường hay chỉ là là một tên gọi, một nhân vật lịch sử?

Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng trước mặt Chúa và chân thành trả lời câu hỏi của Chúa: “Cả con nữa, con cũng muốn bỏ đi hay sao?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn chân thành thưa với Chúa rằng: chỉ có Chúa là Đấng con tin theo.

———————-

12/05/19 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – C
Chúa Chiên Lành. Cầu cho Ơn Thiên Triệu
Ga 10,27-30

TÂM TÌNH MỤC TỬ

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10,27)

Suy niệm: Những khi xuất hiện gặp gỡ dân chúng, một số chính khách thường có những cử chỉ ân cần hỏi han các cụ già, xoa đầu thân thiện với các em bé, v.v… Thật ra đó chỉ là những “chiêu” để “tranh thủ” lá phiếu của cử tri dành cho mình. Chúa Giê-su giới thiệu cho chúng ta một hình ảnh khác về Ngài, hình ảnh thật đơn sơ, giản dị, nhưng rất thân thương: “Ta là Đấng chăn chiên lành.” Vị mục tử này biết rõ từng con chiên, có thể gọi tên từng con một; con chiên nào cũng được Ngài chăm sóc ân cần như thể cả đàn chiên chỉ có một mình nó: “Con nào mập béo, Ta chăm sóc, con nào đau yếu, Ta chữa lành, con nào đi lạc Ta tìm về…” (Ed 34,16); Ngài dám bỏ cả đàn chiên để đi tìm có mỗi một con chiên lạc, và khi tìm được rồi thì khoác nó lên vai đem về nhà và mở tiệc ăn mừng. Thảo nào qua bao thời đại biết bao người nghe tiếng gọi, và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi ấy và bước theo Chúa chiên lành, bởi sức cuốn hút của vị Mục tử này.

Mời Bạn nhìn ngắm Thầy Giê-su, Chúa Chiên Lành, và học nơi Ngài tâm tình mục tử để biết yêu thương, quan tâm chăm sóc “đàn chiên” mà Chúa giao cho bạn; đó là những người thân trong gia đình, cộng đoàn của bạn, là đồng nghiệp, là bạn bè và cả những anh em lương dân là những“con chiên chưa thuộc về ràn này”  nữa (x. Ga 10,16).

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm xem cách sống của tôi có đối lập với hình ảnh Chúa Chiên lành không? Cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ, cho Cha xứ của bạn và cho những ai mà bạn có trách nhiệm với họ.

Cầu nguyện: Đọc Tv 23 hoặc hát một bài tương tự (Chúa chăn nuôi tôi…).

———————-

13/05/19 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Đức Mẹ Fatima
Ga 10,1-10

CỬA ĐÓNG VÀ CỬA MỞ

“Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.” (Ga 10,7)

Suy niệm: Cửa ràn chiên có lúc đóng, có lúc mở. Cửa đóng, nhất là ban đêm là để bảo vệ chiên khỏi thú dữ, và kẻ trộm. Chiên ở trong ràn đóng cửa là được an toàn. Cửa mở là để chiên được đi ra và đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối mát. Chiên được thảnh thơi tung tăng dưới ánh mặt trời. Nhờ cửa mở mà chiên có những điều kiện thuận tiện cho sự phát triển và lớn lên. Cửa ấy chính là Đức Giê-su như Người khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào.”Mục đích của Cửa “đóng hay mở” là để cho chiên “ra vào”, nhờ đó “chiên được sống và sống dồi dào.”

Mời Bạn: Cửa đóng và mở ấy gợi cho ta những quy định luật lệ mà Đức Giê-su và Thân Mình của Người là Giáo Hội lập ra để bảo vệ và nuôi dưỡng con cái mình. Ngày nay không ít người coi Thiên Chúa đã chết và Giáo Hội là bà mẹ già lỗi thời, nên họ gạt bỏ lề luật và sống theo ý mình muốn. Mười điều răn Đức Chúa Trời, Năm điều răn Hội Thánh, Tám mối phúc thật, đó là những quy luật “đóng/mở” của ràn chiên Chúa. Những ai yêu mến Đức Giê-su và Giáo Hội, sẽ vui lòng tuân giữ. Họ “đi ra, đi vào” đều qua cánh cửa Giê-su và nhờ đó họ có sự sống đời đời.

Chia sẻ: Ngày nay, điều luật nào của Chúa hay bị vi phạm nhất? Tại sao?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời” (Tv 118,1).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ví mình là cửa ràn chiên, và đồng thời cửa ấy là cửa “hẹp”. Xin ban thêm cho chúng con lòng can đảm dám hy sinh đón nhận cửa hẹp, ngõ hầu chúng con được dưỡng nuôi và lớn lên trong Chúa.

———————-

14/05/19 THỨ BA TUẦN 4 PS
Th. Mát-thi-a, tông đồ
Ga 15,9-17

VỊ TÔNG ĐỒ ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái anh em tồn tại.” (Ga 15,16)

Suy niệm: Thoạt nhìn, dường như sự có mặt của Mát-thi-a trong số các tông đồ chỉ để điền vào chỗ trống cho tròn con số 12 chẵn chòi đẹp đẽ. Sẽ là quá nông cạn nếu nghĩ số 12 chỉ như một con số để “lấy hên”. Mát-thi-a được chọn vào nhóm Mười Hai sau khi các tông đồ hiệp thông cầu nguyện. Mát-thi-a còn là người đã từng cùng các tông đồ theo Chúa ngay từ những ngày đầu và do đó đủ tư cách làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô phục sinh. Như thế, sự hiện diện của Mát-thi-a trong hàng ngũ Mười Hai tông đồ làm cho lời chứng của các tông đồ được toàn vẹn. Lời tuyên xưng của một Phê-rô hay một cá nhân tông đồ nào khác được cả cộng đoàn các tông đồ chứng thực, bảo đảm cho lời chứng các ngài là xác thực. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã mang đặc tính duy nhất và tông truyền.

Mời Bạn: Dù bạn là người vô danh tiểu tốt trong cộng đoàn, lời chứng của Hội Thánh vẫn còn thiếu nếu không có sự góp phần của bạn. Dù bạn chỉ hiện diện trong sự hiệp thông với mọi chi thể khác của Hội Thánh khi bạn trung thành sống cuộc sống chứng tá cho một niềm tin công giáo và tông truyền, bạn đang làm công việc không khác gì một tông đồ chính hiệu.

Chia sẻ về một kinh nghiệm cho thấy việc làm chứng tập thể mang lại rất nhiều hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng (vd. Cả nhóm/giáo xứ bạn cùng làm chung một công việc bác ái nào đó).

Sống Lời Chúa: Chọn một việc tông đồ cho cả nhóm làm chung.

Cầu nguyện: Hiệp thông với Giáo Hội, bạn sốt sắng đọc kinh Tin Kính.

———————-

15/05/19 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Ga 12,44-50

TIN VÀO ĐẤNG ĐÃ SAI THẦY

“Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi.” (Ga 12,44)

Suy niệm: Cuộc sống nhập thể của Chúa Giê-su làm để thực hiện ý muốn của Chúa Cha: “Tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Nhiều lần Ngài cho biết Thiên Chúa là Cha Ngài và là một với Ngài (Ga 8,54; 10,30). Sự duy nhất đó thật sâu xa mật thiết: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 13,11). Chính vì để thực thi chương trình cứu độ mà Ngài vâng lời Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá(x. Pl 2,8). Vì thế, “ai tin vào Ngài là tin vào Đấng đã sai Ngài” và nhờ đó, được hưởng ơn cứu độ.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không chỉ mạc khải cho chúng ta biết Chúa Cha mà Ngài còn cho chúng ta trở nên con cái trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi khi dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Khi phục sinh Chúa Giê-su cho biết mối tương quan thân thiết đó đã thành hiện thực khi Ngài nói với bà Ma-ri-a Mác-đa-la: “Đi gặp anh em của Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Chúng ta có Thiên Chúa là Cha toàn năng và yêu thương như thế. Bạn và tôi đón nhận lời mạc khải yêu thương của Chúa Giê-su như thế nào?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, đọc kinh Lạy Cha, ít là một lần, với tâm tình sốt sắng, để lắng nghe tiếng Chúa Cha và quyết tâm sống hiếu thảo với Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng con biết về Thiên Chúa là Cha chúng con. Xin Chúa soi trí mở lòng để chúng con cảm nhận được tình Chúa, và xin giúp luôn vâng phục thánh ý Cha với tâm tình con thảo. Amen.

———————-

16/05/19 THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Ga 13,16-20

MỐI QUAN HỆ DÂY CHUYỀN

“Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)

Suy niệm: Muốn gặp được Thiên Chúa, thì hãy tìm gặp Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà Chúa Cha sai đến. Cũng thế, muốn gặp được Đức Ki-tô, phải tìm gặp Người nơi những người Đức Ki-tô sai đến, đó là các tông đồ, các môn đệ, những người tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Có một mối hiệp thông duy nhất giữa Chúa với những người tin Chúa, nhờ cùng chung một sức sống thần linh chuyển thông qua các Bí tích. Hệ quả là các tín hữu kết hiệp với Chúa và với nhau trở nên một thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh. Vì thế, đón tiếp người môn đệ Chúa chính là đón tiếp Chúa. Bằng mối liên hệ dây chuyền này, Chúa Giê-su đã chứng minh cho thánh Phao-lô hiểu rằng “bắt bớ” các tín hữu cũng là “bắt bớ” chính Đức Ki-tô. Và cũng nhờ đó thánh nhân cảm nghiệm được Hội Thánh chính là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Tiếp nối mối quan hệ giây chuyền ấy, người ki-tô hữu phải tiếp tục làm chứng cho Chúa bằng chính sự hiện diện qua cuộc sống đời thường của mình. Từ đó phát sinh một vấn nạn luôn luôn chất vấn chúng ta: Cuộc sống của tôi đã thực sự trở thành một lời chứng cho Đức Ki-tô hay chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy biến “công thức” sau đây thành cụ thể: đời sống ki-tô hữu = kết nối với Đức Ki-tô trong cầu nguyện và Bí tích + kết nối với tha nhân bằng phục vụ và chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, Chúa đã sống lại để ban cho chúng con sự sống mới. Xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đang sống và đồng hành. Và xin cho chúng con biết đón tiếp Chúa khi chúng con yêu thương phục vụ người anh em bên cạnh chúng con.

———————-

17/05/19 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Ga 14,1-6

ĐI THEO CON ĐƯỜNG GIÊ-SU

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)

Suy niệm: Cuộc đời chúng ta gắn liền với những con đường. Đó có thể là con đường phố với đèn xanh đèn đỏ, hay con đường quê, đường núi nơi các buôn làng, hoặc “vô hình” hơn, đó có thể là những con đường biển, đường hàng không. Những con đường đó, chúng ta sẽ bỏ lại sau lưng một khi chúng ta đã đi qua chúng. Lại có những con đường gắn liền với cuộc sống, chạy xuyên suốt cuộc đời, là chính cách ăn nết ở của chúng ta. Có khi đó là con đường tội lỗi của cuộc sống gian dối bất công. Có khi đó là con đường lành thánh của cuộc sống lương thiện và nhân ái. Chính theo nghĩa này mà Chúa Giê-su nói Ngài là “con đường, là sự thật và là sự sống.” Con đường của Chúa bao hàm lời mời gọi kết hiệp với Ngài để đồng nhất cuộc sống mình với cung cách sống của Chúa, và cùng đi con đường thập giá để cùng sống với Ngài trong cuộc phục sinh vinh quang.

Mời Bạn: Con đường nào dù có tốt mấy đi nữa cũng không thể đưa bạn đến đích nếu bạn cứ ngồi lỳ không chịu theo nó mà bước tới. Chúa Giê-su là con đường đưa đến sự Thật toàn vẹn và sự Sống vĩnh cửu cũng mời gọi bạn làm môn đệ của Ngài nghĩa là đi theo con đường thập giá của Ngài. Con đường mang tên Giê-su đó đã trở thành con đường của bạn, con đường cho bạn chưa?

Chia sẻ: Trước một việc chung, cùng nhận định trong nhóm: Đâu là cách làm việc này theo đường lối Đức Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm cuối ngày và nhận định cuộc sống của tôi hôm nay có đi trên con đường Ki-tô không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dẫn dắt chúng con luôn đi trên con đường của Chúa, cũng là đường dẫn chúng con đến sự sống đời đời. Amen.

———————-

18/05/19 THỨ BẢY TUẦN 4 PS – C
Ga 13,31-33a.34-45

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Suy niệm: “Yêu”, đó là chuyện xưa như… chuyện nguồn gốc con người. Từ khi con người xuất hiện, có dân tộc nào mà trong ngôn ngữ lại không có từ “yêu”? Thế nhưng mấy ai hiểu được thế nào mới là yêu. Chẳng vậy mà nhà thơ Xuân Diệu đã phải bâng khuâng tự hỏi: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” Giới răn yêu thương mà Chúa gọi là “điều răn mới của Chúa” phải chăng cũng chỉ là một trong những lời cắt nghĩa “Tình Yêu” mà nói xong vẫn không ai hiểu “Tình Yêu” là gì? Vậy thì “điều răn mới” của Chúa Giêsu “mới” ở chỗ nào? Không khó để thấy được điều “mới” đó qua chính lời nói và việc làm của Ngài: 1/ đó là một tình yêu khiêm tốn phục vụ: trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã rửa chân cho các môn đệ và còn dạy các ông “cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). – 2/ Đó là một tình yêu tự hiến: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Điều “mới” đó thực sự có giá trị và hiệu lực bởi vì Chúa đã thực hiện lời Ngài nói qua việc chính Ngài chịu khổ nạn trên thập giá, chịu chết và sống lại.

Mời Bạn: Nội dung của điều răn mới “yêu thương như Thầy đã yêu” chính là “tự hạ và tự hiến” để phục vụ anh chị em mình. Việc đó dù có khó nhưng vẫn có thể làm được nếu bạn thường xuyên kết hiệp và tiếp nhận nguồn sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể. Bạn đã coi việc thực thi điều răn mới đó là một mệnh lệnh bắt buộc đối với bạn chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc tự hạ, tự hiến để phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Xin giúp con bắt chước Chúa hiến thân vì Chúa và tha nhân.

———————-

19/05/19 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – C
Ga 13,31-33a.34-35

YÊU NHƯ CHÚA YÊU

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Suy niệm: Yêu thương theo kiểu con người là yêu có điều kiện. Phản bội, yêu làm sao được? Vô ơn, yêu thế nào được? Chúng ta chỉ yêu những ai hợp ý và hợp những tiêu chuẩn chúng ta yêu cầu. Chúa Giê-su phê phán: lối yêu thương như thế không phải là yêu thương theo chuẩn mực của Thiên Chúa. Những người không biết, không tin Chúa, cũng yêu được như thế. Hôm nay Chúa Giê-su giới thiệu một lối yêu thương mới được Ngài làm gương, đó là yêu nhau như Chúa yêu chúng ta. Đây không chỉ là lời giới thiệu, mà còn là một mệnh lệnh của Chúa dành cho những ai muốn theo Chúa. Yêu như Chúa yêu là điểm mới mẻ của luật yêu thương của Chúa Giê-su. Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu bền vững, dẫu con người đang phản bội, dẫu họ khó yêu, Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng. Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu luôn đi bước trước. Ngài yêu chúng ta đang lúc chúng ta phản bội Ngài. Thánh Phao-lô đã viết: “Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Do đó, yêu như Chúa yêu vừa là một lời kêu gọi, vừa là mệnh lệnh dành cho những ai muốn làm môn đệ Chúa.

Mời Bạn: Bạn đang có mối bất hòa với ai? Chúa mời bạn đi bước trước đến làm hòa và bền vững yêu thương họ như Chúa yêu thương bạn và yêu thương họ.

Sống Lời Chúa: Chào hỏi người đang có mối bất hòa hay bất đồng với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trở nên khí cụ tình yêu của Chúa, luôn vui tươi, thân thiện với mọi người.

———————-

20/05/19 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục
Ga 14,21-26

ĐÒI BUỘC CỦA TÌNH YÊU

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23-24)

Suy niệm: Tình yêu không bao giờ chỉ là một thứ tình cảm thuần túy nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà lại không có bất cứ một “hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy mẫu gương diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giê-su. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi ông phải diễn tả tình yêu của mình bằng hành động cụ thể, đó là: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (c. 23).

Mời Bạn: Bạn hãy tự vấn chính bản thân mình: Tôi đã yêu Chúa thật lòng hay chưa? Nếu tôi thực lòng yêu mến Chúa thì chắc hẳn tôi đã giữ các điều răn của Ngài, tôi đã sống theo lời Ngài dạy, tôi đã siêng năng tham dự thánh lễ, tôi đã chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa. Nếu tôi yêu mến Chúa thì chắc hẳn tôi đã quên mình phục vụ anh em và yêu thương tất cả mọi người… Bạn đã làm gì để chứng tỏ mình đang yêu mến Chúa thật sự?

Sống Lời Chúa: Nếu bạn chưa có hành động gì cụ thể như những điều vừa mời gọi bạn ở phần trên đây, bạn hãy có hành động cụ thể ngay hôm nay. Chúa muốn bạn yêu mến Ngài bằng “hành động” chứ không chỉ bằng cảm xúc hay lời nói suông mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến Chúa. Xin cho mọi suy nghĩ và việc làm của con đều thể hiện rằng con yêu mến Chúa. Amen.

———————-

21/05/19 THỨ BA TUẦN 5 PS
Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê, linh mục, tử đạo
Ga 14,27-31a

“MỘT CÕI ĐI VỀ” VỚI CHÚA KI-TÔ

“Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.”(Ga 14,28)

Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với một tâm hồn nhạy cảm sâu sắc, đã diễn tả nỗi niềm khắc khoải, hết “lên non cao” lại “về biển rộng,” đi khắp cõi nhân gian “chưa từng độ lượng” này để tìm về chốn quê nhà vĩnh cửu:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Thế nhưng ông vẫn ngậm ngùi như đang lạc vào cõi hư vô:

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.

Để đáp lại nỗi niềm của những tâm hồn thao thức đó, Đức Kitô Phục sinh cho thấy ý nghĩa mới cho cuộc nhân sinh này. Ngài bộc lộ “cõi đi về” của Ngài là chính Chúa Cha, Đấng mà Ngài gọi tên với tất cả tình yêu mến: “Abba, Cha ơi!” Thật vậy Ngài “từ Chúa Cha mà đến thế gian,” và giờ đây Ngài “lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 17,28). “Cõi đi về” của Chúa Kitô cũng là“cõi” dành cho chúng ta, bởi vì: “Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).

Mời Bạn: Bạn có đang khắc khoải tìm về Đấng Phục Sinh không? Hay bạn đang gặp trở ngại trên con đường trở về của bạn: bất mãn chán nản vì gương xấu của ai đó? vì thất bại, vì rủi ro trong cuộc sống? vì một tật xấu cố hữu?

Sống Lời Chúa: Viếng Thánh Thể và đọc Tv 121 để cảm nghiệm niềm vui “Một Cõi Đi Về” với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi; đi về nhà Chúa, ôi bao nhiêu mến thương ngập trời. (Trầm Hương)

———————-

22/05/19 THỨ TƯ TUẦN 5 PS
Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu
Ga 15,1-8

THẦY LÀ CÂY, ANH EM LÀ CÀNH

“Thầy là cây nho, anh em là cành.” (Ga 15,5)

Suy niệm: Nếu Đức Giê-su sinh sống ở Việt Nam, Ngài sẽ không nói: “Thầy là cây nho,” nhưng sẽ dùng một loại cây quen thuộc hơn: “Thầy là cây mít, là cây ổi, là cây xoài… còn anh em là cành,” để diễn đạt hình ảnh cây và cành có cùng sự sống, luân lưu chung dòng nhựa cây. Ngài cũng đã dùng một động từ để chỉ sự kết hợp này: “ở lại trong Thầy.” Động từ ấy được lặp đi lặp lại sáu lần trong bài Tin Mừng như lời mời gọi thiết tha, như tiếng van nài khẩn thiết, bởi vì Ngài biết rằng đời ta chỉ có giá trị, sinh hoa trái tốt lành khi ở lại trong Ngài. Muốn sinh hoa trái tốt tươi, cây nho phải được cắt tỉa. Cũng vậy, ta phải vui vẻ để Chúa Cha cắt tỉa mình, cắt đi cái tôi muốn bành trướng cách lộ liễu, tỉa bớt cái bản ngã muốn âm thầm vươn cao, lấn át Chúa và người lân cận.

Mời Bạn: Hãy ở lại trong Chúa qua: 1/ tham dự thánh lễ, đỉnh cao là giây phút hiệp lễ. Lúc ấy, Máu Thịt Chúa hòa lẫn với máu thịt bạn, thân xác Chúa hòa quyện với thân xác bạn. Bạn nên một với Ngài. Giây phút quý giá nhất trong ngày sống hay tuần lễ của bạn; 2/ tiêu hóa Lời Chúa, “ănLời Ngài, để Lời ấy trở thành lương thực, nhựa sống, thấm vào mọi ngóc ngách tâm hồn, giúp bạn sinh hoa trái qua việc phụng sự Chúa và phục vụ người khác.

Sống Lời Chúa: Tôi ý thức đời tôi có giá trị, ý nghĩa, sinh hoa trái cho đời khi tựa như cành nho gắn liền cây nho. Từ nay tôi sẽ ở lại trong Chúa qua việc thực hành hai điều trên đây: siêng năng suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho, con là cành nho. Đời con chỉ sinh hoa trái tốt tươi khi để Chúa Cha cắt tỉa đi tính ích kỷ của con. Amen.

———————-

23/05/19 THỨ NĂM TUẦN 5 PS
Ga 15,9-11

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,10)

Suy niệm: Cành nho nối liền với thân nho và trổ sinh hoa trái ngon ngọt là dấu hiệu phát triển lành mạnh. Chính Chúa Giê-su giải mã những hình ảnh đó của dụ ngôn cây nho: cành nho ở trong thân nho là hình ảnh của người môn đệ ở lại trong tình yêu của Chúa. Giống như một chuỗi phản ứng khiến cho sức sống từ gốc nho được chuyển qua thân nho và chuyển hoá thành hoa thơm trái ngọt, người môn đệ ở trong Chúa Ki-tô cũng thế: ai yêu Chúa thì giữ các điều răn Chúa, và ai giữ các điều răn Chúa thì ở trong tình yêu Chúa. Tất cả đều khởi đầu từ tình yêu và cũng hoàn tất trong tình yêu.

Mời Bạn: Chúng ta thường hay nghĩ rằng “theo đạo” phải giữ biết bao là luật lệ. Thật là nặng nề! Thế là tìm cách lách luật để chỉ phải giữ luật ở mức tối thiểu. Thế nhưng bạn có biết chăng là các giới răn cũng chỉ đề ra một hạn mức tối thiểu đấy thôi. Này nhé: luật xưng tội rước lễ buộc một năm ít là một lần. Buộc như thế không phải để chúng ta dừng lại ở mức tối thiểu đó mà là để vươn tới sự thánh thiện như Cha chúng ta ở trên trời. Lời Chúa mở ra cho chúng ta một giải pháp: việc giữ các giới răn Chúa không còn là nặng nhọc khi có tình yêu là động cơ thúc đẩy. Bạn hãy đổi mới cung cách sống đạo của mình bạn bằng động lực tình yêu này.

Chia sẻ: “Khi yêu người ta muốn làm cho nhau tối đa thay vì chỉ giữ ở mức tối thiểu.” Bạn hãy chia sẻ nhận định này.

Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh, một việc tốt tự nguyện vì yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn sẵn sàng làm mọi việc chỉ vì yêu mến Chúa chứ không phải vì bất cứ phần thưởng nào khác.

———————-

24/05/19 THỨ SÁU TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)

Suy niệm: Mẹ thánh Tê-rê-xa Can-cut-ta là một nữ tu dáng dấp bình dân hiền hậu, suốt một đời theo gương Thầy Giê-su, sống yêu thương phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh nhất trong số những người nghèo khổ của xã hội. Vừa qua đời, mẹ đã được thỉnh nguyện tôn phong hiển thánh dù chưa tới hạn 5 năm như luật định. Bí quyết nên thánh của mẹ thể hiện qua châm ngôn sống này: “Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là an bình.” Quả thật, mẹ Tê-rê-xa chính là mẫu gương sống động thực hiện lời dạy yêu thương của Chúa: không chỉ yêu những người mình thích, cũng không yêu theo ý riêng mình hay bất cứ cách nào khác, mà là “yêu thương như Thầy đã yêu.

Mời Bạn: Người đi tu yêu như Đức Ki-tô hiến mạng sống vì người mình yêu bằng cách sống kết hiệp sâu xa với Ngài và dấn thân phục vụ tha nhân. Người sống bậc gia đình thể hiện tình yêu vợ chồng chung thuỷ như Chúa Ki-tô yêu thương Hội Thánh. Để đạt tới vinh quang phục sinh bạn có dám dấn thân quên mình để sống triệt để giới răn yêu thương mà Chúa đã mời gọi chưa?

Chia sẻ: Bạn có tâm tình nào, hành động nào để yêu như Chúa yêu trước những thảm cảnh khủng bố, nạn đói trên thế giới, các thai nhi vô tội bị giết hại…? Và những người gần bên bạn, bạn làm gì để yêu họ như Chúa yêu?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc cụ thể để thể hiện tình yêu như Chúa yêu đối với người sống cạnh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thánh hoá con để con trở nên con người của tình yêu, dám vì Chúa mà dấn thân quên mình phục vụ tha nhân.

———————-

25/05/19 THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Th. Bê-đa Khả Kính
Ga 15,18-21

THỰC TẾ PHŨ PHÀNG!

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của no.” (Ga 15,18-19)

Suy niệm: Có một điều hiển nhiên đó là: làm người chẳng ai muốn mình bị thù ghét. Thế nhưng, một điều khác hiển nhiên không kém đó là một khi đã đi theo Đức Ki-tô để thuộc về Ngài thì: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Một thực tế phũ phàng không có lựa chọn nào khác. Càng phũ phàng hơn, sự thù ghét lại xảy ra nơi chính những người thân trong gia đình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Mt 10,21). Dĩ nhiên, Chúa Ki-tô không chọn cách sống để bị thù ghét, mà là chọn sự thật, một sự thật đến từ Chúa Cha, và cũng trong chính sự thật ấy người ta đã ghét Ngài. “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,19).

Mời Bạn: Mang thân phận là Ki-tô hữu, bạn phải đối diện với sự thù ghét của thế gian, nếu không bạn chỉ là Ki-tô hữu “hữu danh vô thực.” Vấn đề không phải sống làm sao để đừng bị ghét, mà phải ứng phó với thực tế ấy thế nào? Chúa Ki-tô vẫn yêu thương con người đến cùng. Ngài sẵn sàng đón nhận sự thù ghét, chấp nhận chết để thực hiện ơn tha thứ, kể cả với kẻ ghét mình. Đó cũng là con đường Ngài mời gọi chúng ta bước theo, nếu muốn trở thành môn đệ của Ngài, là Ki-tô hữu thực thụ.

Sống Lời Chúa: Làm một việc thể hiện sự tích cực, thân thiện cho người tôi khó ưa hoặc cho người không ưa thích mình.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

———————-

26/05/19 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – C
Ga 14,23-29

HIỆN DIỆN TRONG TÌNH YÊU

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

Suy niệm: Có ai nghe những lời yêu đương mà dùng tam đoạn luận để phân tích lý sự đâu, phải không bạn? Vì thế khỏi cần cắt nghĩa dài dòng, bạn chỉ cần lắng nghe, cảm nghiệm để thấm thía càng lúc càng sâu và để lòng tràn ngập niềm vui hạnh phúc về lời tâm tình này của Chúa Giê-su:“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Vâng, Thiên Chúa chỉ yêu thích đến và ở lại với ai biết mở lòng ra đón nhận lời Ngài và tuân giữ.

Mời Bạn: Bạn là người đang được Chúa yêu và được Chúa đến cư ngụ, mời bạn đưa những tâm tình nồng nàn, thắm thiết của người đang yêu và được yêu đó vào khung cảnh gia đình bạn, cộng đoàn bạn để biến những nơi đó thành những tổ ấm mọi người yêu thương, hoà hợp với nhau, sống trung thành hy sinh cho nhau để mọi người cùng hạnh phúc vì được hiện diện trong tình thương mến nhau. Còn lời chứng nào cho tình yêu Chúa hùng hồn hơn cảnh một cộng đoàn hiện diện trong tình yêu Thiên Chúa, phải không bạn?

Sống Lời Chúa: Ôn lại tâm tình nồng nàn yêu thương mà bạn có được trong giờ suy niệm và chia sẻ với tha nhân qua một nghĩa cử bác ái phục vụ.

Cầu nguyện: Ôi Giê-su, cám ơn Chúa về bài học yêu thương Chúa dạy con hôm nay: Chúa không ưa thích ngự nơi các đền thờ bằng gỗ đá quý mà chỉ ưa thích ở lại trong tâm hồn con, khi con biết yêu thích sống Lời Chúa! Xin cho ánh sáng sự hiện diện của Chúa trong nhiều người biết sống lời Chúa ngày một nồng nhiệt và toả sáng hơn.

———————-

27/05/19 THỨ HAI TUẦN 6 PS
Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
Ga 15,26-16,4a

CẢ ANH EM NỮA CŨNG LÀM CHỨNG

“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến nơi anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí Sự Thật xuất phát từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng sẽ làm chứng.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Cha khi Ngài sai Con Một Ngài là Đức Giê-su loan báo cho nhân loại biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, để “ai tin thì được cứu độ” (x. Ga 3,36). Để chứng thực cho sứ mạng của mình, Chúa Giê-su nói Ngài có Thánh Thần làm chứng. Quả thật, Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, làm chứng bằng cách tác động bên trong con người giúp họ hiểu biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa Cha được Chúa Giê-su loan truyền. Hạnh phúc cho Hội Thánh khi được Thiên Chúa không chỉ cứu độ nhưng còn tuyển chọn để tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Thiên Chúa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Hội Thánh mới có khả năng thực hiện sứ mạng này.

Mời Bạn: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” Chúa Giê-su cũng mời bạn tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Ngài đấy. Thư Gio-an nói có ba nhân chứng cho Đức Ki-tô: Thánh Thần, Nước và Máu (1 Ga 5,7-8). Trong sứ mạng truyền giáo, bạn được Chúa Thánh Thần tác động, nhưng bạn nhớ, làm chứng không chỉ bằng Nước (bí tích rửa tội) mà còn bằng Máu nghĩa là bằng những hy sinh và việc phục vụ của bạn kết hợp với thập giá của Chúa Ki-tô nữa.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ để thực thi sứ mạng truyền giáo.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.

———————-

28/05/19 THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11

SỰ HIỆN DIỆN MỚI MẺ

“Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.”(Ga 16,7)

Suy niệm: Động từ “ra đi” trong bản văn Tin Mừng được nhắc đến nhiều lần, nhưng mang hai nghĩa khác nhau. Trước hết, “ra đi” là đi về cùng Chúa Cha; thứ đến, “ra đi” là không còn ở với các môn đệ một cách thể lý nữa. Có “ra đi” thì có trở về. Thầy Giê-su, sau cuộc Khổ nạn và Phục sinh, sẽ đến với các môn đệ, nhưng đó là sự hiện diện mới mẻ, thiêng liêng hơn và cũng thân mật hơn, thâm sâu hơn. Thầy sẽ gởi Thánh Thần đến dạy dỗ các môn đệ, cho các ông biết rằng từ nay Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến, ngự trị nơi tâm hồn con người. Thánh Thần cũng sẽ làm chứng về Thầy Giê-su, soi sáng cho các môn đệ hiểu được những lời Thầy mình dạy ngày nào. Rốt cùng, đặt thế gian trước một lựa chọn: hoặc tin vào Đức Giê-su để được cứu rỗi, hoặc cứng lòng ở lì trong tội lỗi.

Suy niệm: Tuần Thánh năm nay được ghi dấu bởi sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy. Cây Thánh Giá nơi cung thánh vẫn còn nguyên vẹn giữa đống đổ nát. Bên ngoài, các tín hữu quỳ gối cầu nguyện. Cũng vậy, Thánh giá vẫn luôn chiếu sáng, Thánh Thần vẫn hoạt động chờ đợi bạn nhận ra sự hiện diện mới mẻ của Thiên Chúa trong đời bạn, qua những sự kiện đang diễn ra, để bạn hoán cải cách triệt để hơn.

Sống Lời Chúa: “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên những đường cong.” Bạn dành ít phút hồi tâm về một biến cố đã xảy đến, và cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong đời bạn thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ để đón nhận một biến cố đau lòng. Nhưng con tin chắc Chúa, qua đó, cho con có cơ hội để hoán cải, nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi bản thân con và trong thế giới này. Amen.

———————-

29/05/19 THỨ TƯ TUẦN 6 PS
Ga 16,12-15

ĐỂ THÁNH THẦN DẪN DẮT ĐẾN SỰ THẬT TOÀN VẸN

“Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,13)

Suy niệm: Đức Giê-su là mạc khải trọn vẹn về Chúa Cha. Nhưng các môn đệ Người có khả năng tiếp nhận trọn vẹn mạc khải ấy hay không là một chuyện khác. Người xác nhận rằng các ông chưa “có sức chịu nổi” sự thật toàn vẹn. Người hứa rằng Thần Khí sự thật, tức Chúa Thánh Thần, sẽ đến – nhưng không phải để trao ‘cú một’ nguyên gói sự thật, mà là để dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Như thế, việc khám phá sự thật là một quá trình cần phải được tiếp tục không ngừng trong sự dẫn dắt của Thánh Thần; và thái độ đúng đắn của người môn đệ Chúa Giê-su là khiêm tốn, ngoan ngoãn lắng nghe sự dẫn dắt – thường một cách rất tế nhị và từ những phía rất bất ngờ – của Chúa Thánh Thần. Thái độ hãnh thắng, tự mãn, coi mình hoàn toàn đúng và kẻ khác hoàn toàn sai… chắc chắn không phải là thái độ của một người ở trong Thần Khí sự thật.

Mời Bạn: Nhìn lại chính mình để nhận diện những triệu chứng ‘sở hữu toàn bộ sự thật’ bộc lộ nơi mình. Thái độ này gây cản trở thế nào cho sự trưởng thành tâm linh và cho sứ vụ cúa bạn?

Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng chúng ta cần phải khiêm tốn hơn và ngoan ngoãn hơn đối với Chúa Thánh Thần để có thể đi vào cuộc đối thọai với những người khác, nhất là với các tôn giáo khác, một cách triển vọng hơn không? Tại sao?

Sống Lời Chúa: Đáp lại ước muốn của Chúa Giê-su, bạn hãy sẵn sàng hơn để lắng nghe Chúa Thánh Thần và cho phép Chúa Thánh Thần dẫn dắt bạn nhiều hơn.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi” hoặc hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần”.

———————-

30/05/19 THỨ NĂM TUẦN 6 PS
Ga 16,16-20

Ý NGHĨA CỦA THỜI GIAN

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy; rồi lại ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” (Ga 16,16)

Suy niệm: Một ngày của mỗi người đều có 24 giờ. Thế nhưng thời gian có ý nghĩa và độ dài khác nhau tuỳ từng người; đối với người đang trĩu nặng ưu phiền, thời gian dài lê thê; còn đối với kẻ đang vui hưởng hạnh phúc, thời gian nhanh như bóng câu cửa sổ. Thật ra, thời gian tự nó không có ý nghĩa gì. Nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi có liên quan với cuộc sống con người. Chúa Giê-su có “giờ” của Ngài. Chúa Giê-su cho các môn đệ biết sẽ có một khoảng thời gian họ không thấy Ngài vì Ngài về cùng Chúa Cha. Cùng trải qua một khoảng thời gian, nhưng các môn đệ thì than khóc, còn thế gian lại vui mừng. Các ông sẽ buồn sầu khi Ngài từ giã các ông, nhưng nỗi buồn của các ông sẽ trở thành niềm vui khi các ông khám phá ra Ngài vẫn ở với các ông trong Lời Ngài, trong Thánh Thể, trong Hội thánh… và nhất là niềm vui trong ngày Ngài lại đến. Như thế Chúa Giê-su làm cho thời gian có ý nghĩa: thiếu vắng Ngài, các môn đệ ưu sầu, có Ngài các ông lại mừng vui.

Mời Bạn: Bạn hãy tìm kiếm Chúa Giê-su để Ngài trở thành ý nghĩa cho cuộc sống của bạn.

Chia sẻ: Bạn đã từng cảm thấy niềm vui khi được Chúa ở cùng không? Mời bạn chia sẻ về kinh nghiệm ấy.

Sống Lời Chúa: Bạn đã nhận ra tình yêu Chúa qua mỗi biến cố trong đời bạn và cảm tạ Ngài chưa ? Sau mỗi việc, dù thành công hay thất bại, bạn hãy dành một phút để cảm tạ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thắp lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa, để con không còn u sầu thất vọng, nhưng mãi mãi đời con tràn ngập niềm vui vì được sống trong biển ân tình Chúa.

———————-

31/05/19 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét
Lc 1,39-56

THĂM VIẾNG NHƯ MẸ MA-RI-A

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)

Suy niệm: “Đừng bao giờ bước vào nhà người khác với đôi giày dính bụi cũng như với những mong đợi ích kỷ trong trái tim” (Nhà văn S. Stafford). Vội vã  đi lên miền núi, vượt quãng đời dài 160km, Đức Ma-ri-a đến nhà bà Ê-li-sa-bét với đôi dép dính bụi, nhưng cũng với trái tim yêu thương, hướng về người chị họ của mình. Ngài đến không phải để kiểm chứng lời thiên sứ nói có đúng hay không, nhưng để chia vui với người chị họ cao niên, cũng như với dự tính ba tháng ở lại phục vụ người chị họ cao niên ấy. Vậy mà người lớn tiếng chúc mừng không phải là Đức Ma-ri-a, mà là bà Ê-li-sa-bét, được ơn Thánh Thần soi sáng, lại nhận ra người em họ bình thường ngày nào của mình bây giờ lại là Mẹ Thiên Chúa! Thai nhi Gio-an cũng “đồng lòng” với mẹ mình, “nhảy mừng” trong dạ mẹ khi được gặp thai nhi Giê-su trong cung lòng Đức Ma-ri-a.

Mời Bạn: Bạn đã thực hiện biết bao cuộc thăm viếng trong đời mình, ngắn hạn cũng có mà dài lâu cũng nhiều. Bạn có mang những tâm tình như Đức Ma-ri-a: chia vui sẻ buồn, phục vụ yêu thương, ủi an, khích lệ khi đi thăm viếng người anh em không? Bạn có ra khỏi những mong ước ích kỷ của mình để nhận ra ân huệ Chúa ban cho người khác hầu ca tụng Ngài không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ đi thăm viếng nhau với tình yêu thương, với mục đích đem niềm vui và Chúa đến cho nhau.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, cuộc thăm viếng của Mẹ là khuôn mẫu cho con trong tương quan với người khác. Xin cho con biết ra khỏi mình khi đến với nhau, biết đem niềm vui, khích lệ cho nhau trong cuộc đời. Amen.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận