Người trẻ Công Giáo Việt Nam học được gì từ thánh Augustinô?

2284 lượt xem

NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ THÁNH AUGUSTINÔ?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Thời nào cũng thế, người trẻ luôn bị đặt trong thế giằng co giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Họ muốn thay đổi chính mình và xã hội theo những hoài bào lớn lao và tốt lành. Ngược lại, trong mỗi người trẻ luôn có tư tưởng “nổi loạn” chạy theo những bản năng trụy lạc. Mối giằng co ấy chúng ta thấy rất rõ nơi một vị thánh nổi tiếng trong lẫn ngoài Giáo Hội: Thánh Augustinô hay Thánh Âu-Tinh.

Thánh nhân sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 nước Algeria, phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là người ngoại đạo, quý tộc và muốn cậu dấn thân vào con đường học thức. Chắc hẳn ngài quá may mắn có được người mẹ là Monica, một tín hữu công giáo đạo hạnh, gương mẫu và giàu nhân đức. Monica đã kiên trì cầu nguyện với rất nhiều nước mắt để xin cho chồng con sớm trở về với Thiên Chúa.

Là người thông minh từ bé, Augustinô luôn là niềm hãnh diện của người cha, nhưng lại là nỗi lo cho người mẹ khi cậu mỗi ngày lún xâu vào con đường tội lỗi. Thành phố Carthage lúc ấy là vùng đất phồn thịnh, đủ trò ăn chơi, cư dân ở đây phần lớn là đa thần. Bối cảnh ấy đã đưa Augustinô tập tành lối sống kiêu xa, mời mọc cậu vào con đường trụy lạc. Augustinô bị cuốn vào cuộc sống phóng túng, buông thả. Khi còn ở Carthage, Augustinô từng có con riêng với một cô nhân tình.

Về phương diện học thức, người ta trầm trồ ngưỡng mộ tài năng của Augustinô. 19 tuổi Augustinô đã trở thành giáo sư triết học, tài giỏi trong thuật hùng biện. Là người đam mê tri thức và muốn truy tìm chân lý đến cùng, Augustinô suốt 9 năm làm tín đồ của bè rối Manikê vốn chống lại Giáo Hội. Nhận ra những bất cập của Manikê, 29 tuổi, Augustinô âm thầm trốn mẹ sang thành phố Rôma để tiếp xúc với những nhà hùng biệnt trứ danh. Sau đó Augustinô nhận được một công việc giảng dạy tại Milan, nước Ý. Thế là trong vai trò giáo sư cho thành phố Milan, Augustinô phải làm việc gần gũi với vị giám mục Milan là Ambrosiô. Không yên tâm với con mình nơi đất khách quê người, Monica lên đường để tìm kiếm và tiếp tục khuyên nhủ con. Thế là Augustinô lúc này vừa có Mẹ bên cạnh như nguồn tình cảm nâng đỡ cho cậu, vừa có Đức Giám mục như nguồn tri thức giúp cậu nhận ra chân lý.

Thực ra Monica có lý để theo Augustinô như hình với bóng. Đơn giản vì Mẹ không muốn con rơi vào đường tội lỗi. Mẹ muốn Augustinô yêu mến Thiên Chúa khi cậu truy tìm chân lý. Chứng kiến đời sống tâm linh và luân lý của con mình, Monica không ngừng lo lắng, cầu nguyện và khuyên bảo Augustinô. Hậu thế ngưỡng mộ tình yêu và sức chịu đựng của Monica dành cho Augustinô! Đúng như nhận xét của thánh nhân: “Làm sao Chúa có thể nhắm mắt khi bà khóc, những giọt lệ khẩn khoản không phải xin vàng bạc, hay danh vọng trần gian mau qua, nhưng chỉ cho đứa con xa lạc được cứu rỗi?” (trích Tự Thuật).

Trong những năm khủng hoảng đức tin (384-387) Augustinô may mắn nghe được những bài giảng huyền nhiệm của Giám mục Ambrôsiô. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại nhà thờ Milan. Là con Chúa, dĩ nhiên cuộc đời Augustinô hạnh phúc dường bao! Ngài diễn tả niềm vui ấy trong những câu nói mà hậu thế thường lấy làm tâm đắc: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” (sách Tự Thuật). Hoặc, thánh nhân nói: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Có lần Augustinô đã kêu lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!” Với lòng hăng say truy tìm tri thức và lòng mến Chúa thiết tha, thánh nhân đã dành quãng đời còn lại để phục vụ Thiên Chúa và giúp tha nhân đến gần với Đấng là nguồn mọi tri thức.

Thánh nhân yên nghỉ trong Chúa ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngày 20 tháng 9 năm 1295, Đức Giáo Hoàng Bonifacius VIII đã phong thánh cho Augustinô, đồng thời đặt ngài là Tiến Sĩ của Hội Thánh.

Nhìn lại cuộc sống của một vị thánh với nhiều biến cố thăng trầm trong hành trình đức tin, chúng ta ước gì người trẻ cũng có thể học được nhiều điều từ thánh nhân. Là người trẻ, dường như ai cũng có hoài bão, có ước mơ học tập và tìm ra hướng đi cho cuộc đời. Tuy nhiên không phải người trẻ Việt Nam nào cũng có đam mê tìm kiếm chân lý, say mê học tập để phục vụ Thiên Chúa và con người. Hơn nữa, không phải người trẻ nào cũng có người mẹ tuyệt vời luôn đồng hành và cầu nguyện cho mình. Bởi đó, giữa dòng xoáy cuộc đời, nhiều người trẻ Việt Nam dường như bơ vơ, lạc lối và loay hoay với cuộc sống mưu sinh.

Giữa xã hội như thế, người trẻ Công giáo Việt Nam không mất hy vọng. Ngược lại, mỗi người cố gắng cùng với Giáo Hội tìm ra lối nẻo để hòa nhập vào xã hội, đọc được dấu chỉ của thời đại. Thực vậy, Thiên Chúa luôn ngỏ lời và trao ban cho người trẻ những kế hoạch. Từ đó, họ cũng bắt chước thánh Augustinô trang bị cho mình những tri thức, những ước mơ. Thiên Chúa mong chờ người trẻ phát triển tài năng. Ngài làm cho người trẻ trở nên công cụ cứu độ thế giới này, và Ngài hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc tròn đầy. Rồi đến một lúc nào đó, Thiên Chúa cho những ước mơ ấy trổ sinh hoa trái.

Để được như thế, Thiên Chúa và Giáo Hội chắc hẳn luôn cần những người trẻ tài đức, dám dấn thân vào con đường tri thức và đứng vững trên đôi chân của mình sau những lần vấp ngã. Cùng với Thiên Chúa, họ dám đương đầu với những khó khăn, họ dựng xây Giáo Hội và Xã Hội với những khả năng tuyệt vời của mình. Cũng như thánh nhân, hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi người trẻ hãy theo Ngài. Có lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của mình, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới. Sau cùng, như thánh Augustinô, hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho người trẻ Công Giáo Việt Nam!

Nguồn:dongten.net

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận