Đức thánh cha Phanxicô là chứng tá hy vọng cho Phi châu

1170 lượt xem

ĐHY Pietro Parolin

Sáng thứ tư mùng 4/9, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu chuyến viếng thăm 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice. ĐTC trở lại châu lục nơi thường bị thương tích vì chiến tranh, xung đột, bệnh tật, nghèo đói, nhưng cũng là nơi có khả năng xây dựng một hiện tại và tương lai hy vọng. Đây chính là lý do thúc đẩy ĐTC viếng thăm các nước này và cũng là điều người dân các nước này chờ đợi nơi cuộc viếng thăm của ngài.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News hôm 29/8, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận định rằng chuyến viếng thăm của ĐTC mang lại hy vọng cho châu Phi.

* Thưa ĐHY, những chủ đề chính của chuyến viếng thăm này là gì?

– Hình ảnh châu Phi mà chúng ta biết và thường được loan truyền, đó là một châu lục đầy những vấn đề: các xung đột, bệnh dịch… Tôi tin rằng châu Phi, trên hết, là miền đất giàu tình người, miền đất giàu các giá trị, miền đất giàu đức tin và theo tôi, ĐTC viếng thăm châu Phi chính vì những cảm nghĩ này.

Tôi muốn nói rằng những điểm nổi bật của chuyến đi này, về cơ bản, có ba điều. Đầu tiên là nhấn mạnh về chủ đề hòa bình, sau đó chắc chắn là chủ đề về chăm sóc Thụ tạo, theo thông điệp Laudato si ‘, và sau đó là văn hóa gặp gỡ và tất cả điều này được nhìn dưới  chiều kích của hy vọng. Vì vậy, ĐGH sẽ muốn chỉ ra và thúc đẩy tất cả những dấu hiệu hy vọng có ở đây, tất cả những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết rất nhiều xung đột, vì sự phát triển bền vững, vì sự tôn trọng và chăm sóc Thụ tạo. Theo cách nói của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, chúng ta có thể nói rằng Châu Phi giống như một phòng thí nghiệm phát triển toàn diện. Tôi muốn nhấn mạnh chiều kích hy vọng này và cái nhìn về tương lai, bắt đầu từ nhiều dấu hiệu tích cực tại lục địa này.

* Tại Mozambique, sau nhiều thập kỷ xung đột nội bộ, nội chiến đã kết thúc, một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa chính phủ và cựu phiến quân Renamo, ngày nay là đảng đối lập chính. Thưa ĐHY, liệu chuyến thăm này cũng mang lại sức mạnh cho một tương lai mới không?

– Chúng tôi hy vọng như vậy, bởi vì thật sự là mới đây,  một trang mới đã được mở ra trong lịch sử của Mozambique. Một câu chuyện rất phức tạp, rất rắc rối. Chúng ta nghĩ trước hết đến cuộc chiến giành độc lập, ngay sau đó là cuộc nội chiến bùng nổ giữa hai lực lượng chính là Frelimo và Renamo, kết thúc vào năm 1992 với các hiệp định tại Roma, nhưng rồi sự bất ổn vẫn tiếp tục, cuộc xung đột tiếp tục. Gần đây, nhờ thiện chí của các bên, một thỏa thuận hòa bình mới đã đạt được. Rõ ràng, trong tất cả những điều này, Giáo hội đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Bây giờ đã có sự tiến bộ, phát triển, công nhận vai trò của Giáo hội, về tự do tôn giáo và mong muốn hòa bình đã được thể hiện gần đây. Tôi tin rằng Đức Giáo hoàng thực sự muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại nói chung nhưng đặc biệt là liên quan đến tình trạng ở trong nước. Tầm quan trọng của đối thoại, từ bỏ một lần cho tất cả lối lý luận xem vũ khí, bạo lực như một phương pháp giải quyết và giải quyết các xung đột, giải quyết sự khác biệt tồn tại giữa phe này và phe kia, thay vào đó, nghiêm túc mời gọi theo con đường lắng nghe và hợp tác với nhau, con đường hợp tác vì sự phát triển toàn diện của dân chúng. Tôi tin rằng đây là điều đúng đắn, để thay đổi lối lý luận, điều này rất quan trọng, ở Mozambique cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới nơi mà chúng ta chứng kiến nhũng xung đột. Đây là những gì Đức Giáo hoàng yêu cầu chúng ta: một tâm thức mới, một cách tiếp cận mới cho những tình huống này.

* Một Giáo hội nghèo cho người nghèo là một Giáo hội mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tìm thấy ở Madagascar. Công giáo chiếm khoảng 1/3 dân số. Nạn phá rừng và hạn hán gây thiệt hại cho đất nước này, rồi cả những khủng hoảng chính trị. Chuyến thăm của Giáo hoàng có ý nghĩa gì trong bối cảnh này, thưa ĐHY?

– Tôi nhớ Madagascar với rất nhiều cảm xúc bởi vì tôi đã có cơ hội đến thăm nó vài năm trước và tôi nhận ra đó là một đất nước rất sinh động, một đất nước trẻ đang đối mặt với nhiều thách thức. Thử thách đầu tiên chính là thử thách của tuổi trẻ, một đất nước phải có thể cống hiến những cơ hội, sự phát triển và tương lai cho nhiều người trẻ. Tiếp đến, sự nghèo khổ: cần phải vượt qua khoảng cách lớn giữa một số ít giàu có và phần lớn dân chúng đang trong tình trạng nghèo khổ. Tôi tin rằng chuyến viếng thăm của Đức  Giáo hoàng sẽ thúc đẩy nỗ lực nhằm tìm ra phương cách để mang lại cho tất cả mọi người, nhưng trên hết là nhiều người trẻ, khả năng phát triển này và cơ hội của tương lai. Ngay cả Giáo hội cũng nghèo nhưng đồng thời cố gắng trở thành một sự hiện diện đáng kể, đặc biệt là thông qua các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức giáo dục: đây là một dấu hiệu hy vọng cho dân nước này. Vì vậy, cũng ở đây, Đức Giáo hoàng đến để củng cố và tăng cường cam kết và nỗ lực này, về phía Giáo hội.

* Ngày 9/9, Đức Giáo hoàng sẽ đến Cộng hòa Maurice, một ngã tư lịch sử của các dân tộc. Một nửa dân số là theo Ấn giáo, tiếp đến là Công giáo và chưa đến 1/5 theo Hồi giáo. Thưa ĐHY, trọng tâm của chuyến thăm này là gì?

– Tôi muốn nói rằng đó chính là chiều kích thứ ba mà tôi nhắc đến trước đây, nền văn hóa gặp gỡ, một cách tự nhiên, có giá trị cho tất cả các quốc gia mà Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm. Ở Mozambique là cuộc gặp gỡ giữa các lực lượng chính trị đối lập, còn ở đây là cuộc gặp gỡ vì sự hình thành của hòn đảo: một sự kếp hợp đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa. Khía cạnh này của cuộc gặp gỡ giữa những khác biệt sẽ trở nên đặc biệt rõ ràng – Đức Giáo hoàng chắc chắn sẽ nhấn mạnh điều này – khi vượt qua mọi hình thức phân biệt đối xử: ví dụ về khía cạnh chấp nhận cởi mở đối với người di dân, những người thường đến từ nước ngoài để tìm kiếm chất lượng cuộc sống tốt hơn. Và rồi đây cũng là cuộc đối thoại cũng giữa các tôn giáo khác nhau, một cuộc đối thoại phải nhắm hợp tác để đối diện và giải quyết các vấn đề của xã hội và thế giới nói chung.

* Sẽ có sáu ngày căng thẳng. Một câu hỏi nghi thức: mong muốn cá nhân của ĐHY cho chuyến đi này là gì?

Tôi vui mừng với chuyến đi này, tôi hạnh phúc khi đi cùng Đức Thánh Cha đến châu Phi. Châu Phi là trải nghiệm đầu tiên của tôi, mặc dù Tây Phi chứ không phải Đông Phi, nhưng một chút con tim của tôi vẫn gắn bó với lục địa đó, vì vậy tôi rất sẵn lòng đi. Tôi muốn nói hai điều, những điều cơ bản của bất kỳ cách tiếp cận nào với châu Phi. Đầu tiên là người châu Phi phải nhận thức được trách nhiệm của họ trong việc tìm kiếm, ngay trong xã hội, quốc gia của họ, các giải pháp cho các vấn đề châu Phi. Đó là nhận thức rằng vận mệnh của châu Phi, tương lai của nó nằm trong tay người châu Phi: một đảm nhận về trách nhiệm theo nghĩa này để chống lại tất cả những hiện tượng cản trở sự phát triển và hòa bình. Hy vọng khác là sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Châu Phi cần có những người bạn của châu Phi, không phải là những người quan tâm, nhìn nó bằng con mắt quan tâm, nhưng những người thực sự cố gắng giúp lục địa này thực hiện tất cả các nguồn lực của mình, tất cả sức mạnh để tiến bộ, tiến về phía trước. Tiếp đến, nét đẹp sẽ là cuộc gặp gỡ với các cộng đồng Kitô giáo, với người Công giáo, sống trải nghiệm niềm vui và sức sống này, kinh nghiệm về sự hiệp thông tuyệt vời với các cộng đồng Công giáo đặc trưng cho các cộng đồng ở châu Phi. Đó cũng sẽ là một khoảnh khắc rất đẹp. Và giúp Giáo hội này phát triển và giúp nó phục vụ hơn nữa, Tin Mừng và xã hội nơi họ sống.

Hồng Thủy

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận