Quyền bính là để phục vụ

1203 lượt xem

Bước theo Đức Giêsu chúng ta cần phải được thanh luyện liên lỉ mỗi ngày để những toan tính, những suy nghĩ nặng tính thế tục của chúng ta ngày càng giảm bớt: không kiếm tìm quyền bính, không mong cầu danh vọng… nhưng là dấn thân một cách tự do với một tinh thần hy sinh phục vụ vô vị lợi.

Các môn đệ của Đức Giêsu khi xưa cũng vậy, họ được thầy Giêsu thường xuyên huấn luyện để giảm bớt những thói thường của người đời. Bởi họ theo Đức Giêsu nhưng ý niệm về Đấng Messia nơi họ còn rất mơ hồ. Thậm chí họ chỉ kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá hầu mang đến cho họ những vinh hoa phú quý trần thế mà thôi. Vì thế, trong cuộc loan báo thương khó lần thứ nhất, Phêrô đã kéo thầy ra và can ngăn thầy đừng dại dột mà đi lên Giêrusalem để cho người ta bắt bớ đánh đập; còn trong cuộc loan báo thương khó lần thứ hai, các môn đệ vẫn không hiểu ý Ngài nói và các ông tỏ ra rất buồn phiền. Các ông buồn vì thực tế không như các ông mong đợi trong những ngày đầu bỏ mọi sự mà theo thầy. Việc các ông đi theo Đức Giêsu là hoàn toàn tự nguyện, nhưng một Đức Giêsu mà các ông tìm kiếm và đi theo lại mang một dung mạo khác với một viễn ảnh tương lai khác. Và hôm nay, cuộc loan báo thương khó lần thứ ba, Chúa Giêsu nói về cuộc Thương Khó với nhiều chi tiết nhất. Dường như, với thời gian, Ngài cũng nhận ra mỗi lúc một rõ hơn những gì sẽ chờ đợi mình ở phía trước. Nhưng cũng như hai lần trước, Chúa Giêsu vẫn chỉ nhận được những đáp trả rất hời hợt của các môn đệ. Nghĩa là họ vẫn mang não trạng của một con người nặng tính trần thế và theo đuổi một tương lai đem lại sự vinh thân phì gia mà thôi. Cụ thể, hôm nay, hai anh em Giacôbê và Gioan, người thì muốn được ngồi bên hữu, người thì muốn được ngồi bên tả thầy mình trong Nước Trời. Tất cả còn đang rất mơ hồ đối với họ, chén thầy uống họ cũng nghĩ như một ly rượu nho thơm ngon, ghế thầy ngồi họ cũng cứ tưởng là ở vị thế của một nguyên thủ quốc gia. Vì đấng Messia mà họ mong đợi chỉ là một người sẽ giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma và tái thiết Do thái trong sự cường thịnh như thời hoàng kim Salomon. Chính vì thế mà họ xầm xì bàn tán với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời để có quyền hưởng bổng lộc; rồi khi thấy hai anh em Giacôbê và Gioan đang sắp đặt vị trí số một, số hai, nhất phẩm nhị phẩm trong Nước Trời thì mười người kia tỏ ra bực tức.

Các môn đệ của Đức Giêsu sau thời gian theo thầy, được gần gũi bên thầy, được thầy mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời… nhưng họ vẫn chưa thoát ra khỏi não trạng vụ lợi và cầu vinh. Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Đức Giêsu và các môn đệ về quan niệm sống. Với Đức Giêsu, sống là phục vụ và hy sinh; còn với các môn đệ, sống lại là tìm kiếm danh lợi. Vì thế, một đàng Chúa Giêsu hướng tới con đường Thập Giá để trở nên nhỏ bé, để tự xóa mình đi, để dâng hiến và phục vụ. Đàng khác, nơi các môn đệ, lại tồn tại một giấc mơ quyền bính, và điều này tất yếu kéo theo sự ganh tị, tranh chấp và loại trừ nhau.

Lịch sử nhân loại cho chúng ta thấy cơn khát quyền bính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc đấu đá tranh giành, chiến tranh, và gieo rắc tàn phá trên thế giới. Từ ngàn xưa trong lịch sử nhân loại, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh dành quyền bính. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm giáo, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, bằng chiến tranh lạnh, bằng những cuộc cách mạng màu, bằng bàn tay nhung. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền bính để thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn. Và lịch sử Giáo Hội cũng đã trải qua giai đoạn bị các thế lực tranh dành quyền bính thao túng và lộng hành, biến Giáo Hội trở thành một định chế quyền lực hầu như tuyệt đối vào thời trung cổ. Những khúc mắc, lấn cấn trong cộng đoàn vì quyền bính; những mưu đồ phế lập vì tìm kiếm quyền bính; những cáo trạng không ngại ‘nhân danh Thiên Chúa’ để tranh giành quyền bính; những chối bỏ, phủ nhận, tiêu diệt nhau vì cơn khát quyền bính. Giáo Hội bị nhấn chìm trong cơn khát quyền bính, những thứ quyền bính vắng bóng Yêu Thương, không xây dựng Hiệp Nhất và không tìm kiếm Chân Lý,… Những thứ quyền bính biến thành mãnh lực đàn áp, phủ nhận đồng loại vì tư lợi, vì vinh quang cá nhân. Trong bối cảnh đó Giáo Hội đã không sống đúng với Tám Mối Phúc như lời rao giảng và lòng mong ước của Đức Giêsu.

Có lẽ trong chúng ta đây không ai nuôi giấc mơ quyền bính như thế, nhưng ít nhiều chúng ta cũng có những gắn bó và quyến luyến đi ngược với con đường Thập Giá của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn phải soi mình vào Đức Giêsu chịu đóng đinh để được Ngài biến đổi. Bởi thực tế cho thấy, nhiều khi chức thánh cũng được hiểu như là một thứ quyền bính: Quyền thánh hoá, quyền giáo huấn, quyền quản trị…

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương tuyệt vời trong việc hy sinh phục vụ, xin cho chúng con biết noi gương Chúa mà sống đời phục vụ trong âm thầm hy sinh. Amen./. 

BBT

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận