Tưởng nhớ cha Phêrô Lê Duy Lượng nhân dịp giỗ 11 năm: Thắm thiết tình anh em

1943 lượt xem

“Thưa tòa, tôi nhận vì tôi đã tù lần thứ 2, đời tôi như thế này cũng không trông mong gì cao xa nữa, còn em tôi đang tuổi học hành, tôi nhận trách nhiệm về mình, để em tôi được về tiếp tục học hành theo nguyện vọng”.

Đó là câu trả lời của thầy Cao (anh trai) nhận tội thay cho người em trai của mình lúc đó là thầy Phêrô Lê Duy Lượng, sau này ngài trở thành Linh mục, cha giáo, Bề trên Đại chủng viện Vinh – Thanh (1999-2007), một trong những con người đóng góp lớn cho Giáo phận Vinh trong một giai đoạn lịch sử đầy thách đố nhưng rất đỗi tự hào.

Hôm nay, lễ giỗ 11 năm Cha Cố Bề trên Phêrô Lê Duy Lượng (21/02/2008 – 21/02/ 2019). Thiết nghĩ, đây là dịp thuận tiện để tạ ơn Thiên Chúa đã gửi đến cho giáo phận một người Mục tử:

“…Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên
Đem tình thương người Mục tử nhân hiền
Dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc…” (Thánh thi Kinh Sáng Mục Tử).

Lần giở lại những trang Hồi ký của Cha Cố Phêrô, ta bắt gặp một con người mà ngài gọi là “một người anh trai hết sức đặc biệt”, đã hy sinh tính mạng của mình để cho người em đạt được nguyện vọng thiên chức Linh mục – Anh trai đó tên là Lê Thế Cao.

1/ Giấc mơ linh mục giang dở

Gia đình Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng có 8 anh chị em. Trong đó, thầy Lê Thế Cao sinh 04/03/1922, là người con thứ Tư trong gia đình (cha Lượng là người con thứ sáu). Thuở nhỏ, chú Cao ở với Linh mục Bùi Hậu. Sau đó, chú Cao được theo học ở Tiểu chủng viện, rồi làm thầy giảng giúp thừa sai Kính – Laygue quản lý. Sau một thời gian, thầy vào Đại chủng viện tu học. Tưởng như dòng đời êm ả, giấc mơ trở thành Linh mục đang dần trở thành hiện thực, đùng một cái, mấy tháng sau thầy Cao xin rút lui vì lý do sức khỏe. Cũng thời điểm đó, cách mạng tháng Tám nổ ra, thầy Cao tích cực tham gia hoạt động trong “Liên Đoàn Công Giáo Vinh”. Đặc biệt, thầy Cao từng giữ chức chủ tịch Liên đoàn Công Giáo hạt Nghĩa Yên, một tổ chức với tôn chỉ: Phụng sự Thiên Chúa và Phục vụ Tổ quốc. Theo nhận định của Cha Cố Phêrô, anh trai Lê Thế Cao là một con người đạo đức, tư cách đứng đắn, có lập trường rõ ràng. Điều đó được thể hiện sau một thời gian hoạt động sôi nổi trong Liên đoàn Công Giáo, thầy Cao bị bắt ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trước câu hỏi của vị tòa án:

– Chủ trương của Dân chúng liên hiệp là gì?

Thầy Cao trả lời dứt khoát:

– Chủ trương của Dân chúng liên hiệp là: thân Mỹ, bài Pháp, diệt Cộng (Trích từ Hồi ký Sau tuổi 75 nhìn lại).

Sau một hồi nghị án, tòa tuyên án Lê Thế Cao bị tử hình. Thế nhưng, may mắn thay, sau hiệp định Giơnevơ, có điều khoản trao trả tù nhân, thầy Lê Thế Cao được trả về quê hương.

2/ Đi tù thay em

Giữa biến động của thời cuộc, thầy Lê Duy Lượng và một số người khác bị bắt liên quan đến “Lá đơn khiếu nại lên ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát thi hành hiệp định Giơnevơ”. Chính quyền tìm cách buộc tội thầy Lượng: “Vu khống chính quyền trước ủy ban quốc tế, vì trong đơn nói chính quyền cản trở không cho đi Nam theo như hiệp định cho phép”. Đứng trước sự vu khống của quan quyền, anh trai Lê Thế Cao đã tìm cách nhận tội thay em. Khi được tòa hỏi:

– Tại sao việc thảo đơn gửi ủy ban quốc tế, em của anh đã nhận nó thảo, mà anh nhận là anh thảo?

Thầy cao trả lời:

– Thưa tòa, tôi nhận vì tôi đã tù lần thứ 2, đời tôi như thế này cũng không trông mong gì cao xa nữa, còn em tôi đang tuổi học hành, tôi nhận trách nhiệm về mình, để em tôi được về tiếp tục học hành theo nguyện vọng.

Câu trả lời đó cũng là bản án tử hình đang chờ thầy Cao phía trước. Quả đúng như thế,  sau giây lát nghị án, tòa tuyên án:

– Về phần Lê Thế Cao, không kể đến tội lỗi lần trước, riêng tội lần này, thì dù Lê Thế Cao có 2 đầu cũng phải rơi cả 2 cho nhân dân!

Trước tấm lòng cao cả của người anh trai, lòng thầy Lượng se thắt lại, nước mắt đầm đìa vì quá thương anh trai một cuộc đời ‘sống cho người khác’, để rồi chấp nhận hy sinh bản thân mình để giấc mộng linh mục của người em trai nên trọn. Nước mắt đó trào tuôn như diễn tả một niềm tự hào, sung sướng. Một quyết tâm trong thầy Lượng nổi lên: “Tôi sẽ quyết đền đáp sự hy sinh cao cả của anh tôi. Sau này khi được tha về, tôi sẽ cố gắng làm việc thật nhiều với đèn sách, và khi làm linh mục, tôi nguyện sống chức linh mục thật tích cực để đền ơn anh tôi, vì chức linh mục của tôi một phần lớn là kết quả do hy sinh của anh tôi…” (Trích từ Hồi ký).

3/ Hạt lúa miến rơi vào lòng đất…

Sau giây phút nhận tội thay em, từ đây thầy Lê Thế Cao và người em thầy Lê Duy Lượng tiếp tục sống mãnh liệt triệt để triết lý sống ‘hạt lúa miến’ theo hai cách thế khác nhau. Thầy Lượng trở lại chủng viện tu luyện, đêm ngày làm bạn với đèn sách, mong đến ngày bước lên bàn thánh. Còn thầy Cao bị gông cùm, di chuyển hết nhà tù này đến nhà tù khác, nhưng thầy không một chút nao núng hay than van. Đường đến traij giam Cổng Trời (Hà Giang) tuy heo hút, chốn rừng thiêng nước độc, nhưng trong lòng thầy Cao luôn trào dâng một niềm hy vọng: – Em tôi sẽ trở thành Linh mục!

Sự khát mong của thầy Cao đã được Chúa đoái thương nhìn đến. Cuối năm 1963, thầy Phêrô Lê Duy Lượng được thụ phong linh mục. Chức Linh mục đó là nhờ “kết tinh nguồn phước lộc ơn trên/là thành quả chuỗi kinh dài vô tận” (Thơ của thầy Tôma Lê Văn Lộc), trong đó nhờ sự hy sinh to lớn của chính thầy Cao. Có thể nói rằng: sự giang dở đời tu của thầy Cao giờ đây đã được Chúa thành toàn nơi người em trai của mình – cha Phêrô Lê Duy Lượng.

Thật kỳ diệu thay, lúc cha Phêrô bắt đầu sứ vụ linh mục như ngọn nến cháy hao mòn từng ngày trên bàn thờ vì phần rỗi các linh hồn, cũng là lúc thầy Lê Thế Cao đi trọn triết lý sống của hạt lúa miến theo thánh ý Chúa nhiệm mầu. Quả thế, tháng 3 năm 1964, tức chỉ sau vài tháng người em trở thành linh mục, thầy Cao đã được Chúa gọi về. Thầy chết trong “tư thế ngồi” ở nhà tù Quyết Tiến (Hà Giang). Cái chết trong tư thế ngồi như nói lên được cái khí phách của một bậc quân tử, của một đấng hùng anh, đau đáu cho tiền đồ của dân tộc. Giữa nhiễu nhương của thời cuộc, thầy tựa như bông sen tỏa ngát hương thơm, sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hơn ai hết, chính thầy Cao đã sống trọn vẹn Lời Chúa: “Hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (x. Ga 15,13).

Đặc biệt, cái chết của thầy, một cách nào đó, đã ‘sinh ra’ thiên chức linh mục, đó là Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Thành quả của Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng để lại cho Giáo phận, cách riêng cho Chủng viện hôm nay được đan dệt bởi hy sinh của biết bao con người, trong đó có thầy Cao. Hạt lúa đó vẫn luôn sống mãi nơi thế hệ con cháu, như lời sách Khôn ngoan xác tín: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi, nhưng thật ra họ đang hưởng bình an” (Kn 3, 1-2a.3b).

Đức La

***

Bài giảng của cha Phêrô Trần Phúc Chính trong thánh lễ giỗ 11 năm cha cố Phêrô Lê Duy Lượng tại giáo xứ Chân Thành tối ngày 21 tháng 2 năm 2019

Kính thưa anh chị em,

Cái chết là kết thúc của đời người. Kết thúc này là tất yếu vì thân xác vật chất không đi ra ngoài định luật “có sinh có tử.”

Có nhiều cách kết thúc. Có những kết thúc như đứt gánh giữa đường. Có những mùa xuân chưa trọn tuổi. Có những ra đi bất đắc dĩ. Nhưng cũng có những kết thúc đầy đặn tròn trịa. Có những kết thúc đúng thời điểm. Có những kết thúc như hoa quả chín đã đến độ.

Kết thúc cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu là một kết thúc tốt đẹp. Lời cuối cùng Ngài thốt ra trên thập giá “mọi sự đã hoàn tất” là một lời loan báo sứ mạng thành công. Đức Giêsu xuống trần để thực hiện thánh ý Chúa Cha trong việc cứu nhân độ thế. Trọn cuộc đời Ngài hiến mình vâng phục Cha yêu thương nhân loại. Ngài vâng phục Cha cho đến chết trên Thập Giá. Ngài yêu thương nhân loại đến cùng. Ngài vượt qua tất cả mọi thử thách gian nan, vượt qua cái chết đớn đau tủi nhục để đi đến cùng đích. Giây phút trút hơi thở cuối cùng là giây phút chiến thắng. Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng trong thánh ý Chúa Cha.

Hôm nay chúng ta về đây, cùng với anh em linh tông huyết tộc và giáo xứ Chân Thành, dâng thánh lễ giỗ lần thứ mười một cho Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng. Chúng ta, mỗi người có một mối quan hệ đặc biệt đối với Cha cố Phêrô, và đều khẳng định một điều chắc chắn về cha cố Phêrô là ngài đã nói như Chúa Giêsu trước khi tắt thở: “Mọi sự đã hoàn tất”. NGÀI ĐÃ HOÀN TẤT SỨ MẠNG ĐỜI MÌNH.

Ngài hoàn tất sứ mạng đời mình không phải chỉ vì đã sống trọn 25 năm làm linh mục quản xứ, cũng không phải vì đã hoàn thành xuất sắc 20 năm trong cương vị giáo sư triết học, giáo sư Kinh Thánh…, mà trong bất cứ vai trò nào ngài đảm nhận như Tuyên uý Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh, hoặc đại diện tư pháp Giáo phận, ở cương vị nào, giữ chức vụ gì ngài cũng luôn để lại dấu ấn trổi vượt.

Nhân đức của cha Phêrô không những sáng chói trong 45 năm linh mục mà ngay tuổi thiếu thời ngài đã là cậu học sinh ngoan nguỳ chăm chỉ, đầy triển vọng. Mười ba tuổi chú Phêrô đã xa cha mẹ, xa quê hương ở giúp cha già Hậu tại xứ Phú Linh. Sau một năm, chú thi đậu vào chủng viện dự bị Xuân Phong. Đến năm 1944 chú được nhập Tiểu Chủng Viện Xã Đoài. Cách mạng tháng tám năm 1945 Tiểu Chủng Viện Xã Đoài bị đóng cửa thầy Phêrô phải trở về quê 28 tháng học tại trường Đậu Quang Lĩnh. Năm 1949 đến năm 1952 thầy tiếp tục học Tiểu Chủng Viện Xã Đoài. Trong biến cố chính trị của đất nước từ năm 1951 đến năm 1958 thầy đã vượt qua bao cảnh lao ly để rồi tháng 8 năm 1958 thầy được gọi vào Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê Giáo phận Vinh. Ngày 21 tháng 12 năm 1963 thầy thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Xã Đoài.

Được sinh ra trong một gia đình Công Giáo đạo đức, cha cố Phêrô đã được dạy cho biết mọi khả năng của con người là do Thiên Chúa ban và con người có trách nhiệm phải phát huy các khả năng Chúa giao để phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại. Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh trong một bài giảng lễ giỗ Cha cố Phêrô đã nói: “Dù không du học nước ngoài, không ngồi ở giảng đường đại học, nhưng cứ túc tắc tự học, Cha đã trở thành một học giả, một cuốn từ điển bách khoa, một nhà dịch thuật tầm cỡ với nhiều cuốn sách chứa đựng tư tưởng thần học và triết lý sâu xa…”.

Đến đây ta có thể tóm tắt cuộc đời của ngài vào hai chữ “TRUNG TÍN.”

Ngài đã trung tín trong kiên nhẫn chờ đợi. Không chờ bổng lộc chức tước. Không chờ danh vọng vinh quang. Ngài chỉ chờ đợi thánh ý Thiên Chúa. Sự chờ đợi biểu hiện rõ nét trong từng chặng cuộc đời. Năm 1955 trong thời gian các Chủng viện bị đóng cửa ngài đã gửi tâm tư của mình vào mấy câu thơ:

Bao giờ bóng tháp sum vầy?
Bao giờ nến cháy ngất ngây rộn bừng?
Bao giờ bếp rực than hồng?
Giá lòng sưởi ấm tơ lòng chắp xe?
Bao giờ thắm lại đồng quê?
Trong veo tiếng hát đê mê cung đàn?
Xứ nhà rộn rịp liên hoan
Gia đình họp mặt an nhàn vui ca
Bắc nam thống nhất một nhà.

Khó khăn do hoàn cảnh gây nên cộng với sự vất vả của nhiệm vụ cha Phêrô luôn phó thác theo ý Chúa. Và hy vọng sẽ có ngày tươi sáng. Trải qua bao khó khăn nhưng không bao giờ ngài buồn lòng nản chí. Trong những lúc bị kiểm soát chặt chẽ ngài vẫn hoàn thành được mọi nhiệm vụ. Dù gặp biết bao khó khăn nhưng chưa bao giờ thấy ngài than phiền về những điều ngài gặp phải. Dù bị bạc đãi bất công do nghi kị ngài vẫn bình tĩnh xử sự như không có gì xảy ra. Ngài luôn tìm thấy niềm vui trong mọi biến cố, ngài tìm được hy vọng trong từng hoàn cảnh, đường ngài đi luôn luôn có Chúa đồng hành. Ngài là tấm gương cho chúng ta. Ngài là linh mục gương mẫu cho mọi linh mục, là người thầy mẫu mực cho giới giáo dục, là người bạn trung thành kiên nhẫn thông cảm với hết mọi người, ngài là mẫu mục cho bất kì ai đã tiếp xúc với ngài.

Bị thuyết phục bởi đời sống thánh thiện của Cha cố Phêrô, giáo sư triết học Stêphanô Nguyễn Khắc Dương đã dùng hai câu thơ để vịnh đời ngài:

Mai sau cát bụi hoàn nguyên thuỷ
Nguyện lót êm chân khách bộ hành.

Cha cố Phêrô của chúng ta có được đời sống đạo đức và tri thức như thế là vì cha đã sống chân lý hạt lúa mì. Cha cố Phêrô đã chịu mục nát để sinh ra bao nhiêu bông hạt tròn trịa thơm tho trên chính bản thân mình, trên Giáo phận Vinh và trên tất cả những ai biết ngài.

Với đời sống như thế, nên sau hồi chuông báo tử của nhà thờ chính toà Xã Đoài và sau khi văn phòng Toà giám mục Vinh báo tin Cha qua đời, liền có nhiều điện văn, thư từ trong và ngoài nước, tập thể cũng như cá nhân, gửi đến chia buồn với gia đình Giáo phận Vinh và thân nhân của Cha.

Ngay cả thời tiết trong buổi lễ an táng cũng như muốn tôn vinh ngài. Bởi chưng lúc linh cửu ngài còn quàn tại nhà hưu dưỡng thời tiết đang rét đậm rét hại, nhưng khi tiễn đưa ngài tới nơi an nghỉ cuối cùng thì thời tiết đột ngột nắng ấm như cùng muốn với gia đình Giáo phận Vinh tiếc xót một cây cao bóng cả đã đổ xuống. Quả vậy, Cha cố Phêrô ra đi Giáo phận Vinh mất đi một cây cổ thụ toả bóng mát cho bao khách lữ hành.

Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một người Cha, một người Thầy một người anh em, luôn là tấm gương sáng về đời sống trung tín của người con Chúa. Chúng ta noi gương ngài, một người luôn biết kiên nhẫn chờ đợi, luôn mau mắn vâng phục và luôn khiêm nhường phục vụ.

Ước gì mỗi chúng ta khi nhắm mắt lìa đời cũng bắt chước ngài nói lời Chúa Giêsu: “Mọi sự đã hoàn tất”.

Lạy Chúa xin thương linh hồn Cha cố Phêrô của chúng con. Amen./.

Lm. Phêrô Trần Phúc Chính

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận