Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (09/01/2022) – Hãy bảo vệ căn tính Kitô giáo
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta tưởng niệm phép rửa của Chúa. Có một bài ca Phụng vụ rất hay trong ngày lễ hôm nay, nói rằng: dân Israel đi đến sông Giođan với đôi “chân trần và linh hồn trần”, nghĩa là một tâm hồn muốn được rửa bởi Chúa, không có một sự giàu có nào, nhưng cần có Chúa. Hôm nay, những em bé này cũng đến đây với “linh hồn trần” để nhận được sự công chính của Thiên Chúa, sức mạnh của Chúa Giêsu, sức mạnh để tiến bước trong cuộc sống. Các bé đến để nhận căn tính Kitô. Đơn giản là như thế. Hôm nay, con cái của anh chị em sẽ nhận được căn tính Kitô. Và anh chị em, cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, phải bảo vệ căn tính này. Đây là nhiệm vụ của anh chị em trong suốt cuộc đời mình: bảo vệ căn tính Kitô cho con cái anh chị em. Đó là một dấn thân hàng ngày: làm cho căn tính ấy lớn lên với ánh sáng mà chúng sẽ nhận được ngày hôm nay. Tôi chỉ muốn nói với anh chị em điều đó, đây là thông điệp của ngày hôm nay: hãy bảo vệ căn tính Kitô mà anh chị em đã có và hôm nay làm cho con cái của anh chị em được đón nhận.
Nghi thức này hơi dài, và các bé cảm thấy lạ lẫm khi ở đây trong một môi trường không quen thuộc. Chúng là những nhân vật chính: hãy đảm bảo là các bé không quá nóng, để chúng cảm thấy thoải mái … Và nếu các bé đói, thì cứ cho chúng bú sữa ở đây, trước Chúa, không có vấn đề gì. Và nếu chúng la hét lên, cứ để chúng hét, bởi vì chúng có một tinh thần cộng đoàn, có thể nói là “tinh thần tập thể”, tinh thần chung, và chỉ cần một bé bắt đầu thì ngay lập tức có một dàn nhạc. Hãy để chúng tự nhiên khóc, để chúng cảm thấy tự do. Nhưng đừng để chúng cảm thấy quá nóng và đừng để chúng đói.
Và vì vậy, với sự bình an này, chúng ta tiếp tục cử hành nghi thức. Và đừng quên: chúng sẽ nhận được căn tính Kitô và nhiệm vụ của anh chị em là bảo vệ căn tính Kitô này. Cảm ơn anh chị em.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (09/01/2022) – Cần biết và nhớ ngày rửa tội của mình
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh nơi cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu: Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia, đến bờ sông Giođan và được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau khoảng ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không xuất hiện với một phép lạ nào đó hay ngồi trên ghế giảng dạy. Người xếp hàng với những người đến lãnh nhận phép rửa từ Gioan. Bài ca Phụng vụ hôm nay nói rằng: dân chúng đến để chịu phép rửa với linh hồn và đôi chân trần, một cách khiêm tốn. Và Chúa Giêsu chia sẻ số phận của chúng ta là những kẻ tội lỗi, Người bước xuống về phía chúng ta: Người xuống sông như trong lịch sử thương tích của nhân loại, Người dìm mình trong dòng nước của chúng ta để chữa lành nó và Người dìm xuống với chúng ta, giữa chúng ta. Người không đi trên chúng ta, nhưng bước xuống về phía chúng ta. Người không đi riêng, cũng không với một nhóm đặc quyền. Nhưng Người đi với dân chúng, thuộc về đoàn dân đó và đi cùng với dân chúng để chịu phép rửa với đoàn dân khiêm tốn đó.
Chúng ta hãy dừng lại ở một điểm quan trọng: vào lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa, bản văn cho biết “Người đang cầu nguyện” (Lc 3,21). Thật tốt khi chúng ta suy ngẫm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng bằng cách nào? Người, là Con Thiên Chúa, có cầu nguyện như chúng ta không? Có, Chúa Giêsu – như các sách Tin Mừng lặp lại điều này nhiều lần – dành nhiều thời gian để cầu nguyện: vào đầu mỗi ngày, thường là vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng… Lời cầu nguyện của Người là một cuộc đối thoại, một mối tương quan với Chúa Cha. Như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai thời điểm” của cuộc đời Chúa Giêsu: một đàng, Người bước xuống về phía chúng ta, xuống nước sông Giođan; đàng khác, Người hướng tầm nhìn và con tim lên khi cầu nguyện với Chúa Cha.
Đó là một bài học lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta, đều đắm chìm trong những vấn đề của cuộc sống và trong nhiều tình huống phức tạp, được kêu gọi đối diện với những khoảnh khắc và chọn lựa khó khăn vốn kéo chúng ta xuống. Nhưng, nếu chúng ta không muốn bị đánh bại, chúng ta cần phải nâng mọi thứ lên. Và đây chính là tác dụng của việc cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là một lối thoát, không phải là một nghi thức ma thuật hay lặp đi lặp lại những câu kinh đã thuộc lòng. Nhưng cầu nguyện là cách để Chúa hành động trong chúng ta, để chúng ta nắm bắt được điều mà Người muốn truyền đạt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, để có sức mạnh tiến về phía trước. Cầu nguyện giúp cho chúng ta vì nó liên kết chúng ta với Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Người. Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, lắng nghe Lời Người, là thờ lạy Người: ở đó trong im lặng, phó thác cho Người những gì chúng ta sống. Và đôi khi, cầu nguyện cũng là kêu lên với Người như ông Gióp, thổ lộ ra với Người.
Cầu nguyện sẽ “mở cửa trời” (c. 21) như lối dùng một hình ảnh đẹp của bài Tin Mừng hôm nay: cầu nguyện cung cấp dưỡng khí cho sự sống để hít thở ngay cả khi đang gặp khó khăn và giúp cho chúng ta nhìn mọi sự với một tầm nhìn rộng lớn hơn. Trên hết, cầu nguyện cho phép chúng ta có kinh nghiệm giống như Chúa Giêsu tại sông Giođan: làm cho chúng ta cảm nhận mình là những người con được Thiên Chúa yêu thương. Khi cầu nguyện, Chúa Cha cũng nói với chúng ta, như đã nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Con là con yêu dấu của Cha” (câu 22). Việc chúng ta trở thành con cái bắt đầu từ ngày Rửa tội, cho chúng ta được dìm mình trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa tội của chúng ta! Nếu bây giờ tôi hỏi anh chị em: ngày Rửa tội của anh/chị là ngày nào? Có thể một số sẽ không nhớ. Một điều đẹp là hãy nhớ ngày Rửa tội của mình, bởi vì đó là ngày tái sinh của chúng ta, giây phút chúng ta trở thành con Thiên Chúa với Chúa Giêsu! Nếu không nhớ, khi trở về nhà, hãy hỏi mẹ, dì, ông bà: “Con rửa tội ngày nào?”, và học cách mừng lễ ngày được Rửa tội, để tạ hơn Chúa.
Và hôm nay, trong giây phút này, chúng ta tự hỏi: việc cầu nguyện của tôi thế nào? Tôi có cầu nguyện theo thói quen, miễn cưỡng, chỉ như đọc những công thức không? Hay tôi nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa, đối thoại với Người, lắng nghe lời Người? Giữa bao nhiêu việc chúng ta làm hằng ngày, chúng ta đừng bỏ qua việc cầu nguyện: chúng ta hãy dành thời gian cho cầu nguyện, hãy dùng những lời khẩn cầu ngắn để lặp lại thường xuyên, hãy đọc Tin Mừng mỗi ngày. Cầu nguyện sẽ mở cửa trời.
Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, người đã làm cho cuộc đời của mình trở thành một bài ca ngợi khen Thiên Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (13/01/2019) – Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ
Anh chị em thân mến,
Khi bắt đầu nghi thức Rửa tội, anh chị em được hỏi một câu: “Anh chị em xin gì cho các con của anh chị em?” Và tất cả cùng trả lời “Xin đức tin”. Anh chị em xin Hội thánh đức tin cho con cái, và hôm nay các em sẽ lãnh nhận Thánh Thần, món quà đức tin trong chính tâm hồn, trong chính linh hồn. Nhưng đức tin này phải được lớn lên, phải được phát triển. Vâng, có người nói với cha rằng: “Vâng, vâng chúng con và con cái chúng con phải học biết đức tin…” Đúng, khi các em đi đến các lớp giáo lý các em sẽ được học biết về đức tin, nhưng trước khi được học giáo lý, đức tin phải được thông truyền, và đây là công việc của anh chị em, các cha mẹ. Bổn phận mà hôm nay anh chị em lãnh nhận đó là thông truyền đức tin. Và điều này phải được thực hiện tại gia đình. Bởi vì đức tin luôn luôn được thông truyền qua phương ngữ: phương ngữ của gia đình, trong bầu khí gia đình. Bổn phận của anh chị em: thông truyền đức tin bằng gương lành, bằng lời nói, hãy dạy các em làm dấu Thánh Giá. Điều này rất quan trọng. Nhưng hãy quan sát… có những trẻ em không biết làm dấu Thánh Giá… “Hãy làm dấu Thánh Giá”: và các con hãy lãm một lần như vậy, các em không hiểu điều các con làm. Nhưng đầu tiên hãy dạy chúng điều này.
Điều quan trọng là thông truyền đức tin bằng chính đời sống đức tin của anh chị em: các em sẽ nhìn thấy tình yêu giữa anh chị em, đó chính là sự bình an của gia đình, và chúng sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu ở đó trong gia đình. Cho phép cha cho anh chị em một lời khuyên: đó là đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ. Đừng bao giờ. Tất nhiên đây là chuyện bình thường nếu vợ chồng cãi nhau. Nhưng chỉ giữa hai vợ chồng, và không được để cho con cái nghe thấy được điều này. Anh chị em không biết nỗi đau khổ mà một em bé phải chịu đựng như thế nào khi chúng thấy cha mẹ cãi nhau: lời khuyên của cha giúp anh chị em thông truyền đức tin cho con cái đó là không cãi nhau trước mặt chúng.
Bây giờ, trước khi tiếp tục cử hành phụng vụ cha muốn nói với anh chị em một điều khác: anh chị em biết rằng ngày nay trẻ em cảm thấy mình sống trong một môi trường khác lạ: Các em cảm thấy bị hơi nóng bao phủ nhiều hơn, các em cảm thấy không khí oi bức… Và đây là lý do đầu tiên làm cho các em khóc; lý do thứ hai các em khóc bởi vì các em đói; lý do cuối mà các em khóc là vì “phòng ngừa”. Đây là một sự kỳ lạ, không? Đó là một sự bảo vệ. Cha nói cho anh chị em biết các em ổn cả. Nếu chúng khóc vì đói, hãy cho chúng bú. Với các bà mẹ cha muốn nói với chị em “Hãy cho các em bú, không có vấn đề gì, Thiên Chúa muốn điều đó”. Đối với các trẻ em nếu một em bắt đầu khóc, em khác đáp lại, và lại một em khác, và chúng trở thành một ca đoàn khóc. Cha nhắc lại hãy thông truyền đức tin cho các em bằng mẫu gương sống trong gia đình.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (13/01/2019) – Chúa Giêsu dìm mình
Anh chị em thân mến,
Trong câu chuyện về việc thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giordan, trước tiên chúng ta thấy vai trò của dân chúng. Dân chúng không chỉ là nền của một cảnh, nhưng là một thành phần thiết yếu của biến cố. Trước khi dìm mình vào dòng nước, Chúa Giêsu “dìm mình” trong đám đông, Ngài liên đới hoàn toàn với thân phận của con người, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi. Trong sự thánh thiện của mình, đầy tràn ân sủng và lòng thương xót, Con Thiên Chúa trở thành xác phàm để gánh lấy tội lỗi thế gian. Bởi vậy hôm nay cũng là hiển linh, bởi vì Chúa đến cho Gioan làm phép rửa, hiện diện giữa những người đang sám hối, Chúa Giêsu biểu lộ sự hợp lý và ý nghĩa sứ vụ của Ngài.
Chúa cùng với dân chúng xin Gioan chịu Phép rửa hoán cải, Chúa Giêsu cũng chia sẻ ước muốn sâu sắc đổi mới nội tâm. Và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người “dưới hình chim bồ câu” và cùng với Chúa Giêsu dấu hiệu một thế giới mới, một “tạo dựng mới” bao gồm tất cả những ai đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta được tái sinh với Chúa Giêsu trong Bí tích Rửa tội, Lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Đây là tình yêu của Cha, mà chúng ta đã nhận lãnh trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, là ngọn lửa đã được thắp lên trong tâm hồn chúng ta, và hỏi hỏi phải được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và bác ái.
Sau khi “dìm mình” trong dân chúng và trong dòng nước; yếu tố thứ hai được thánh sử Luca nhấn mạnh đó là Chúa Giêsu “đắm mình” trong cầu nguyện, nghĩa là hiệp thông với Cha. Phép rửa là khởi đầu đời sống công khai, sứ vụ của Chúa Giêsu trong thế giới trong tư cách được Cha sai đến trong thế gian để bày tỏ sự tốt lành và tình yêu của Cha dành cho con người. Sứ mệnh này được Chúa Giêsu hoàn thành trong sự kết hợp liên tục và hoàn hảo với Cha và Thánh Thần. Đây cũng là sứ mệnh của Giáo hội và của mỗi người chúng ta; để trung thành và sinh hoa trái chúng ta được mời gọi “ghép minh” vào Chúa Giêsu. Đó là trong cầu nguyện tiếp tục tái sinh công cuộc loan truyền Tin Mừng và việc tông đồ, để làm chứng kitô giáo một cách rõ ràng không theo kế hoạch của con người mà theo chương trình và cách thức của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha, Ngài có lòng thương xót tất cả. Đức Maria Trinh Nữ, Mẹ của Lòng thương xót là người hướng dẫn và mẫu gương của chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (10/01/2016) – Gia sản đức tin
Anh chị em thân mến
Bốn mươi ngày sau khi sinh ra, Chúa Giêsu được Mẹ Maria và thánh Giuse đưa vào Đền thờ để dâng cho Thiên Chúa. Hôm nay, lễ Chúa chịu phép rửa, anh chị em là các bậc cha mẹ đưa con cái đến đây để lãnh nhận phép rửa tội, để nhận điều mà anh chị em đã xin đầu buổi lễ này, khi tôi đặt câu hỏi cho anh chị em, anh chị em thưa: “Xin đức tin! Con muốn đức tin cho con của con!”. Và như thế đức tin được truyền từ đời này sang đời khác, như một dây xích kéo dài qua các thời đợi.
Các hài nhi nam nữ này, sau nhiều năm, sẽ nhận chỗ của anh chị em với một người con khác, các cháu nội ngoại của anh chị em, và chúng cũng sẽ xin cùng một điều, đó là đức tin; đức tin mà phép rửa mang lại cho chúng ta; đức tin mà Chúa Thánh Thần, ngày hôm nay, mang vào trong con tim, trong linh hồn, trong đời sống của những người con này. Anh chị em đã xin đức tin. Giáo Hội, khi trao cho anh chị em cây nên sáng, sẽ dặn anh chị em hãy gìn giữ đức tin nơi các trẻ em này. Vào sau cùng, anh chị em đừng quên rằng gia sản lớn nhất mà anh chị em có thể cho con cái chính là đức tin; anh chị em hãy cố gắng để đức tin ấy không bị mất đi, hãy làm cho đức tin được tăng trưởng và truyền lại như một gia sản.
Đó là điều tôi cầu chúc anh chị em hôm nay, là một ngày vui mừng cho anh chị em: tôi cầu chúc anh chị em có khả năng làm các trẻ em này được lớn lên trong đức tin và gia tài lớn nhất mà các em sẽ nhận từ anh chị em chính là đức tin.
Tôi xin dặn điều này: khi một em bé khóc, là vì các em đói. Tôi nói với các bà mẹ rằng: Nếu con của bà đói, thì cứ tự do cho con ăn ở đây nhé.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (10/01/2016) – Tác động của Chúa Thánh Thần
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật này sau lễ Hiển Linh chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa và chúng ta kỷ niệm với lòng biết ơn phép rửa chúng ta đã lãnh nhận. Trong bối cảnh đó, sáng hôm nay tôi đã ban phép rửa tội cho một nhóm đông các hài nhi mới sinh: chúng ta hãy cầu nguyện cho các em.
Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu ở trong dòng sông Giordan, ở trung tâm một mặc khải tuyệt vời của Chúa. Thánh Luca viết: “Trong lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa, Ngài cầu nguyện, tầng trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình cụ thể như một chim bồ câu và có một tiếng nói từ trời: “Con là con yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng” (Lc 3,21-22). Qua cách thức đó Chúa Giêsu được Chúa Cha thánh hiến và bày tỏ như một Đấng Messia cứu độ và giải thoát”.
Trong biến cố này, được tất cả 4 sách Tin Mừng chứng thực, đã xảy ra sự chuyển tiếp tục phép rửa của Gioan Tẩy Giả, dựa trên biểu tượng nước, tới phép rửa của Chúa Giêsu “trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Thực vậy, Chúa Thánh Thần trong phép rửa của Kitô giáo chính là tác nhân chính yếu: chính Ngài đốt cháy và phá hủy tội nguyên tổ, trả lại cho người chịu phép rửa vẻ đẹp của ơn thánh Chúa; chính Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tăm tối, nghĩa là tội lỗi, và đưa chúng ta vào vương quốc ánh sáng, nghĩa là tình thương, sự thật và an bình. Chúng ta hãy nghĩ đến phẩm giá mà bí tích rửa tội nâng chúng ta lên! “Chúa Cha đã yêu thương chúng ta dường nào đến độ chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và chúng ta thực sự được như vậy!” (1 Ga 3,1), đó là điều thánh Gioan Tông Đồ đã thốt lên! Thực tại tuyệt vời được làm con Thiên Chúa bao hàm trách nhiệm theo Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Vâng phúc, và tái diễn nơi chúng ta những đường nét của Chúa: hiền từ, khiêm tốn, dịu dàng. Và đây không phải là diều dễ dàng, nhất là quanh chúng ta có bao nhiêu bất bao dung, kiêu hãnh, cứng cỏi. Nhưng với sức mạnh được Thánh Thần ban cho chúng ta, đó là điều có thể!
Chúa Thánh Thần chúng ta lãnh nhận lần đầu tiên trong ngày chịu phép rửa, mở tâm hồn chúng ta đón nhận Chân Lý, tất cả Chân Lý. Chúa Thánh Thần thúc đẩy cuộc sống chúng ta trên con đường cam go nhưng vui tươi, con đường bác ái và liên đới với các anh chị em chúng ta. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự dịu dàng từ ơn tha thứ của Chúa và làm cho chúng ta được tràn ngập sức mạnh vô địch của lòng từ bi Chúa Cha. Chúng ta đừng quên rằng Thánh Thần là sự hiện diện sinh động và ban sức sống nơi người đón nhận Ngài, Ngài cầu nguyện trong chúng ta và làm cho chúng ta được tràn đầu niềm vui tinh thần.
Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta hãy nghĩ đến ngày chúng ta được rửa tội: chúng ta cám ơn Chúa vì hồng ân này, và tái khẳng định lòng gắn bó với Cha Giêsu, với quyết tâm sống như những Kitô hữu, thành phần của Giáo Hội và của một nhân loại mới, trong đó tất cả đều là anh chị em với nhau. Phép rửa chúng ta chỉ lãnh nhận một lần, nhưng cần phải được làm chứng mọi ngày, vì đó là cuộc sống mới cần chia xẻ và là ánh sáng cần thông truyền, nhất là cho những người đang sống trong những tình cảnh không xứng với con người và đang bước đi trên những con đường tối tăm.
Xin Mẹ Maria là nữ môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, giúp chúng ta sống bí tích rửa tội với niềm vui và lòng nhiệt thành tông đồ, hằng ngày đón nhận hồng ơn Chúa Thánh Thần, đấng làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (13/01/2013) – Sự gần gũi của Thiên Chúa
Các anh em thân mến,
Niềm vui tuôn ra từ việc cử hành lễ Giáng sinh được trọn vẹn hôm nay trong Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Một lý do nữa cho sự hân hoan đến với chúng ta, những người đang tụ họp ở đây: quả thật, trong bí tích Rửa tội mà tôi sẽ sớm thực hiện cho những đứa trẻ sơ sinh này được bày tỏ sự hiện diện sống động và tích cực của Chúa Thánh Thần, Đấng làm phong phú Giáo hội với những thành viên mới, làm cho Giáo hội sống động và phát triển Giáo hội, và chúng ta không thể không vui mừng về điều này. Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đến anh chị em, các bậc cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu thân mến, những người đang làm chứng cho đức tin của anh chị em ngày hôm nay bằng cách xin rửa tội cho những đứa trẻ này, để chúng có thể được sinh ra với sự sống mới trong Chúa Kitô và trở thành một phần của cộng đồng các tín hữu.
Bài Tin Mừng tường thuật biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng ta con đường khiêm hạ mà con Thiên Chúa đã chọn lựa để hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha, để vâng phục thánh ý Cha và yêu thương con người trong mọi sự, thậm chí cho đến chết trên thập giá. Khi đến tuổi trưởng thành, Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai của mình khi đến dòng sông Giordan để xin Gioan chịu phép rửa để tỏ lòng ăn năn và sám hối. Điều diễn ra trước mắt chúng ta dường như là một nghịch lý. Đức Giê-su mà cũng cần hoán cải sao? Chắc chắn là không. Thế nhưng, chính Đấng vô tội đã đồng hành với các tội nhân để được chịu phép rửa, để thực hiện hành vi sám hối. Đấng Thánh của Thiên Chúa đã gia nhập đoàn lũ những người nhận thấy mình cần đón nhận ơn tha thứ và xin Thiên Chúa món quà hoán cải, nghĩa là ân sủng để quay lại với Ngài với trọn vẹn con tim để hoàn toàn thuộc về Ngài. Đức Giê-su muốn đứng về phía các tội nhân, liên đới với họ, như là một sự diễn tả gần gũi của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã liên đới với chúng ta, với khao khát đổi đời nơi chúng ta để xóa tan đi nỗi ích kỷ nơi ta và giúp ta ra khỏi xiềng xích của tội và nói cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta đón nhận Ngài vào đời sống của mình, Ngài sẽ nâng chúng ta lên và đưa về cùng với Chúa Cha. Và sự liên đới của Đức Giê-su thì không chỉ dừng lại ở tâm trí và ý muốn. Đức Giê-su đã thực sự dìm mình vào trong điều kiện của con người, Ngài đã sống trọn kiếp người ngoại trừ tội lỗi và do đó Ngài hiểu được những yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta. Do đó, Ngài cảm thấy chạnh lòng thương trước nỗi thống khổ của con người, Ngài cùng chịu đau khổ với họ, và đồng thời Ngài cũng kiên nhẫn với những yếu đuối của họ.
Anh chị em là những bậc làm cha mẹ, anh chị em phải diễn tả và làm chứng cho đức tin của mình, cho niềm vui được trở thành Ki-ô hữu và thuộc về Giáo hội. Đó là một niềm vui, vì việc đón nhận đức tin là một món quà từ Thiên Chúa, món quà đức tin hoàn toàn không do công trạng của chúng ta, nhưng chúng ta được trao ban một cách nhưng không và chúng ta đáp trả với tiếng xin vâng. Đó là một niềm vui, vì khi trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta trở nên con cái của Ngài, chúng ta tin tưởng vào Ngài và cảm thấy ấm áp trong vòng tay yêu thương của Ngài như một người con cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ dành cho mình. Niềm vui này dựa vào mối tương quan cá vị với Đức ki-tô vốn có khả năng hướng dẫn toàn bộ đời sống con người.
Các bậc cha mẹ đỡ đầu thân mến, anh chị em có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cùng với cha mẹ các em đồng hành trong việc chuyển giao chân lý đức tin và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, trong việc nuôi dưỡng các em này lớn lên trong tình bạn với Thiên Chúa. Ước mong anh chị em sẽ trao cho các em những mẫu gương sống động ngang qua việc sống các nhân đức Kitô giáo. Ngày nay, điều đó không dễ, vì trong xã hội chúng ta đang sống, những người tin tưởng vào Đức Giê-su thường bị xem là lỗi thời và lạc hậu. Thậm chí, trong số các Kitô hữu, nhiều người cũng nghĩ rằng, việc theo Đức Kitô là một điều gì đó giới hạn sự tự do nơi con người. Chúng ta thì không vậy, chúng ta hiểu rằng Tình yêu Thiên Chúa giúp chúng ta tự do khỏi sự ích kỷ, chỉ biết quay vào mình, để dẫn chúng ta đến một đời sống trọn vẹn, thông hiệp với Thiên Chúa và mở ra cho người khác. Vì “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (13/01/2013) – Ý nghĩa của việc hạ mình của Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Với thánh lễ Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh, thời gian phụng vụ Mùa Giáng Sinh đã kết thúc: thời gian của ánh sáng, ánh sáng của Đức Kitô chiếu dọi vào con người, vào chân trời của nhân loại, đã xua đi bóng đêm của sự dữ và ngu muội. Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa: Hài Nhi, con của Trinh Nữ, Đấng mà chúng ta đã chiêm ngắm trong mầu nhiệm sinh hạ, hôm nay chúng ta thấy Ngài đã trưởng thành và đang dìm mình vào dòng nước trên dòng sông Giordan và thánh hóa mọi nguồn nước và toàn thể vũ trụ. Nhưng tại sao Đức Giê-su, Đấng không hề vương một dấu vết của tội là phải chịu phép rửa của ông Gioan? Tại sao Ngài muốn thực hiện hành vi sám hối cùng với những con người muốn chuẩn bị để chờ đón Đấng Mê-si-a? Hành vi này chính là con đường của Nhập thể, của việc Thiên Chúa hạ mình từ nơi cao nhất tới vực thẳm của âm ti. Ý nghĩa của việc hạ mình của Thiên Chúa chỉ có thể được tổng hợp nơi một từ: Tình yêu, nghĩa là chính Danh Thánh của Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” và Ngài đã sai con của Ngài “đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,9-10). Đây là lý do giải thích tại sao hành vi đầu tiên trong sứ vụ công khai của Đức Giê-su là đón nhận phép rửa của ông Gioan, người mà khi nhìn thấy Ngài đã nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Tác giả Tin Mừng Luca thuật lại rằng, khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22). Đức Giê-su chính là con Thiên Chúa và đã hoàn toàn dìm mình vào ý muốn yêu thương của Cha. Ngài chính là Đấng chịu chết trên thập giá và phục sinh nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đấng mà giờ đây đang ngự xuống trên Ngài và thánh hóa Ngài. Ngài chính là một con người mới, một con người muốn sống với tư cách là con cái Thiên Chúa, nghĩa là sống trong tình yêu; người mà, đứng trước sự dữ của thế gian, đã chọn con đường khiêm hạ và trách nhiệm, không chọn để cứu chính mình nhưng là để trao ban mạng sống mình cho chân lý và công bình. Trở nên người Ki-tô hữu nghĩa là sống như Ngài, nhưng cách sống này đòi hỏi một cuộc tái sinh từ bên trên, từ Thiên Chúa và ân sủng. Cuộc tái sinh này chính là Bí Tích Rửa Tội, một món quà mà Đức Giê-su đã trao ban cho Giáo hội để trao tặng cho con người một sự sống mới. Một văn bản cổ được cho là của Thánh Hippolytus nói: “Bất cứ ai được dìm xuống nước tái sinh này với đức tin là từ bỏ ma quỷ và cam kết với Chúa Kitô. Anh ta chối bỏ kẻ thù và thú nhận rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa, vứt bỏ sự nô lệ của mình, và được nâng lên vị trí người con thảo” (Discourse on the Epiphany, 10: PG 10, 862).
Theo truyền thống, sáng nay tôi đã có niềm vui khi làm Phép rửa cho một nhóm nhiều trẻ sơ sinh được sinh ra trong ba hoặc bốn tháng qua. Vào thời điểm này, tôi muốn gửi lời cầu nguyện và phước lành của tôi đến tất cả các em bé mới sinh; nhưng trên hết, tôi muốn mời gọi tất cả các bạn hãy nhớ đến Phép Rửa của chính mình, sự tái sinh thần linh đã mở đường cho sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Xin cho mỗi Kitô hữu, trong Năm Đức Tin này, tái khám phá vẻ đẹp của việc được tái sinh từ trên cao, từ tình yêu của Thiên Chúa, và sống như một người con của Thiên Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (10/01/2010) – Dân đang mong đợi
Anh chị em thân mến,
Vào Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm nay, tôi cũng có niềm vui được cử hành bí tích Rửa tội cho một số em bé sơ sinh mà các bậc cha mẹ đem các bé đến Nhà thờ. Xin chào mừng, những người mẹ và người cha thân yêu của các bé này, và các bạn, những người cha đỡ đầu và những người mẹ đỡ đầu, bạn bè và người thân đã tụ tập xung quanh các bé. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hôm nay kêu gọi bảy cô bé và bảy cậu bé này trở thành con cái của Ngài trong Chúa Kitô. Chúng ta hãy bao bọc các bé bằng những lời cầu nguyện và tình cảm và chào đón các bé một cách hân hoan vào Cộng đoàn Kitô giáo, cộng đoàn mà từ nay trở thành gia đình của các bé.
Với Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chu kỳ của việc Chúa tỏ mình vẫn tiếp tục. Việc Chúa tỏ mình bắt đầu vào lễ Giáng sinh với sự ra đời của Ngôi Lời Nhập Thể ở Bethlehem, được Mẹ Maria, Giuse và các mục đồng chiêm ngưỡng trong sự khó nghèo của máng cỏ. Trong Lễ Hiển linh, thì Đấng Mêsia, qua các Đạo sĩ, tỏ mình ra với tất cả các dân tộc, đánh dấu một cột mốc quan trọng. Và vào ngày lễ hôm nay, trên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu tỏ mình cho Gioan và Dân Israel. Đây là lần đầu tiên Ngài công khai tỏ mình với công chúng khi Ngài đã lớn và rời Nazareth. Chúng ta nhìn thấy Ngài và với Gioan Tẩy Giả, người mà dân chúng đang đổ xô đến, trong một cảnh tượng khác thường. Trong đoạn Tin Mừng vừa được công bố, Thánh Luca nhận xét trước hết rằng dân chúng “đang mong đợi” (3:15). Bằng cách này, Thánh Luca nhấn mạnh sự mong đợi của dân Israel và nhấn mạnh niềm khao khát sâu sắc về một thế giới khác trong tâm hồn của những người đã rời bỏ nhà cửa và công việc thông thường của họ; và những lời rao giảng của Gioan dường như tìm thấy câu trả lời chính xác trong những lời của Tiền nhân, những lời rao giảng của Gioan có thể nghiêm khắc và đòi hỏi nhưng lại đầy hy vọng. Phép rửa mà Gioan thực hiện là một phép rửa của sự ăn năn, một dấu chỉ mời gọi cho sự hoán cải, cho sự thay đổi của cuộc sống, bởi vì Đấng sẽ đến là Đấng “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (3:16). Thật vậy, không thể khao khát một thế giới mới trong khi vẫn đắm chìm mình trong sự ích kỷ và những thói quen liên quan đến tội lỗi. Chúa Giêsu cũng rời bỏ nhà cửa và công việc truyền thống hằng ngày của mình để đi đến sông Giôđan. Ngài đến đứng giữa đám đông đang lắng nghe Gioan Tẩy Giả giảng và xếp hàng như những người khác, chờ đợi để được nhận phép rửa.
Ngay khi thấy Chúa Giêsu đến gần, Gioan nhận ra rằng có một điều gì đó rất đặc biệt trong Con Người này, rằng Con Người này là Đấng Bí ẩn mà Gioan đã chờ đợi và là Đấng mà cả cuộc đời Gioan hướng đến. Gioan hiểu rằng trước mặt mình là một Đấng vĩ đại hơn mình, và mình không xứng đáng để cởi quai dép cho Người.
Tại sông Giôđan, Chúa Giêsu tỏ mình với một sự khiêm nhường phi thường, gợi nhớ đến sự nghèo hèn và giản dị của Hài Nhi được đặt trong máng cỏ, và sự khiêm nhường đó còn tiên báo những tâm tình của Người vào những ngày cuối trên hành trình hương thế, Người sẽ đến cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và chịu đựng sự sỉ nhục khủng khiếp của cuộc khổ hình thập giá. Con Thiên Chúa, Đấng không có tội, đặt mình giữa những người tội lỗi, chứng tỏ sự gần gũi của Thiên Chúa với hành trình hoán cải của con người. Chúa Giêsu mang lấy gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại, Người bắt đầu sứ mạng của Người bằng cách đặt mình vào vị thế của chúng ta, vị thế của tội nhân, và trong viễn cảnh của Thập giá.
Trong lúc chìm đắm trong cầu nguyện, sau khi chịu phép rửa, ngay khi Chúa Giêsu lên khỏi nước, thì trời mở ra. Đó là thời điểm được rất nhiều vị tiên tri chờ đợi: Tiên tri Isaiah đã cầu nguyện: “Ôi, phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!” (Is 63:19). Vào thời điểm đó, Thánh Luca dường như gợi ý, lời cầu nguyện này đã được lắng nghe. Quả thật, “Trời đã mở ra, và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người” (Lc 3:21-22); và người ta nghe thấy những lời chưa từng được nghe trước đây: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22). Khi lên khỏi nước, như Thánh Gregory Nazianzen nói, Chúa Giêsu “thấy thiên đàng được mở ra, thiên đàng vốn đã bị đóng lại đối với Ađam và tất cả con cháu của ông” (Bài giảng 39 per il Battesimo del Signore, PG 36). Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống giữa con người và bày tỏ cho chúng ta tình yêu cứu rỗi của Ba Ngôi. Nếu chính các Thiên thần mang đến cho các mục đồng thông tin về sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế, và ngôi sao truyền đạt điều đó cho các Đạo sĩ đến từ phương Đông, thì bây giờ chính tiếng của Chúa Cha chỉ ra sự hiện diện của Con Ngài trên thế giới là vì con người và mời gọi con người nhìn vào Sự Phục sinh, vào sự chiến thắng của Đấng Kitô trên tội lỗi và sự chết.
Niềm vui của Tin Mừng là tiếng vang của tiếng từ bên trên ban xuống. Vì vậy, đúng như chúng ta đã nghe trong Bài Đọc Thứ Hai, Phaolô viết cho Titô: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2:11). Thật vậy, Tin Mừng là một ân sủng cho chúng ta, ân sủng mang lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống, ân sủng đó “dạy chúng ta”, Thánh Phaolô tiếp tục, “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (c.12); nghĩa là, nó dẫn chúng ta đến một cuộc sống hạnh phúc hơn, đẹp đẽ hơn trong tình liên đới lớn hơn, đến một cuộc sống phù hợp với Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Trời đã mở ra cho những em bé được rửa tội hôm nay. Các em sẽ nhận được ân sủng Rửa tội như một món quà và Chúa Thánh Thần sẽ ngự trong các em như trong đền thờ, biến đổi trái tim các em một cách sâu sắc. Từ giây phút này, tiếng nói của Chúa Cha cũng sẽ kêu gọi các em trở thành con cái của Người trong Chúa Kitô, và trong gia đình của Người là Giáo Hội, Người sẽ ban cho mỗi người món quà cao cả của đức tin. Món quà này, mà hiện tại các em không thể hiểu trọn vẹn, sẽ được gieo trong lòng các em như một hạt giống đầy sức sống đang chờ đợi để phát triển và sinh hoa kết trái. Ngày nay các em được rửa tội trong đức tin của Giáo hội, được cha mẹ của các em, cha mẹ đỡ đầu của các em và các Kitô hữu hiện diện ở đây, những người sau đó sẽ dìu dắt các em trong việc theo Chúa Kitô. Ngay từ đầu, nghi thức Rửa tội đã nhắc lại một cách kiên quyết chủ đề đức tin khi vị Chủ sự nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng khi xin Rửa tội cho con cái của họ, thì họ phải cam kết “huấn luyện chúng trong việc thực hành đức tin”. Cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu được nhắc nhở mạnh mẽ hơn về nhiệm vụ này trong phần thứ ba của việc cử hành nghi thức Rửa tội được bắt đầu bằng những lời nói với họ: “Là những bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, anh chị em hãy để tâm giáo dục các em trong Ðức Tin, để sự sống của Chúa khỏi thiệt thòi vì ảnh hưởng tội lỗi, nhưng ngày càng nảy nở trong các em. Vậy nên nhờ Ðức Tin hướng dẫn, anh chị em sẵn sàng đảm nhận bổn phận ấy, thì anh chị em… hãy tuyên xưng Ðức Tin vào Chúa Kitô như Hội Thánh tin; chính trong Ðức Tin này mà các em được rửa tội”. Những lời này của Nghi thức gợi ý rằng, theo một cách nào đó, việc tuyên xưng đức tin và sự từ bỏ tội lỗi của cha mẹ, của cha mẹ đỡ đầu trở nên những tiền đề cần thiết để Giáo hội ban Phép Rửa cho con cái của họ.
Ngay trước khi nước được đổ lên đầu các trẻ sơ sinh, còn có một lời kêu gọi đức tin nữa. Chủ tế hỏi câu hỏi cuối cùng: “Anh chị em có muốn cho con cái anh chị em được rửa tội trong Ðức Tin của Hội Thánh mà tất cả chúng ta vừa tuyên xưng không?”. Và chỉ sau khi có câu trả lời khẳng định thì Bí tích mới được tiếp tục cử hành. Cũng vậy, trong các nghi thức diễn nghĩa: việc xức dầu, mặc áo trắng và thắp nến,… thì đức tin vẫn là chủ đề trung tâm. ” là những bậc làm cha mẹ và đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho những em được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng được ra nghinh đón Người…” Tất cả những điều này được tóm kết bởi Phép lành cuối cùng, nhắc nhở thêm các bậc cha mẹ về trách nhiệm của họ đối với con cái mình, là “trở thành những người trước tiên, dùng lời nói và gương lành, làm chứng tá Ðức Tin cho con cái, trong Ðức Giêsu Kitô”.
Anh chị em thân mến, hôm nay là một ngày quan trọng đối với các em. Với Bí tích Rửa tội, các em trở thành những người tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, các em bắt đầu với Người cuộc hành trình vui tươi và hân hoan của các môn đệ Người. Phụng vụ trình bày nó như một kinh nghiệm về ánh sáng. Thực ra, khi trao cho mỗi người ngọn nến được thắp lên từ ngọn nến Phục sinh, Giáo hội nói: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô!”. Vai trò của Bí tích Rửa tội là soi sáng những người được rửa tội bằng ánh sáng của Chúa Kitô, mở mắt họ trước vẻ huy hoàng của Chúa Kitô và dẫn họ đến với mầu nhiệm Thiên Chúa qua ánh sáng thần thiêng của đức tin. Những em bé sắp được rửa tội phải bước đi trong ánh sáng này suốt cuộc đời, được giúp đỡ bởi lời nói và gương sáng của cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu. Cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu phải cố gắng gìn giữ ngọn đuốc đức tin của các em bằng lời nói và chứng tá cuộc sống của mình nhờ đó các em có thể trở thành tấm gương sáng trong thế giới này, thế giới thường xuyên mò mẫm trong bóng tối của sự nghi ngờ và đem đến thế giới này ánh sáng của Tin Mừng là sự sống và hy vọng. Chỉ bằng cách này, với tư cách là người lớn, các em sẽ có thể đọc với ý thức đầy đủ công thức ở cuối lời tuyên xưng đức tin có trong nghi thức: “Ðó là đức tin của chúng ta. Ðó là đức tin của Hội Thánh. Chúng ta hãnh diện tuyên xưng Ðức Tin ấy, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”.
Trong thời đại chúng ta, đức tin là một hồng ân để tái khám phá, trau dồi và làm chứng. Với việc cử hành Bí tích Rửa tội này, Chúa ban cho mỗi người chúng ta sống vẻ đẹp và niềm vui của việc là Kitô hữu để chúng ta có thể dẫn dắt con cái đã được rửa tội của mình vào sự gắn bó trọn vẹn với Chúa Kitô. Chúng ta hãy phó thác các em này cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp các em, trong tấm áo trắng, dấu hiệu của phẩm giá mới là con cái Thiên Chúa, để các em có thể trở thành môn đệ trung thành của Chúa Kitô và những chứng nhân can đảm của Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Amen.
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (10/01/2010) – Niềm vui vì được làm con cái Chúa
Anh chị em thân mến,
Sáng nay trong thánh lễ cử hành tại nguyện đường Sistina, tôi đã ban bí tích Thánh tẩy cho vài nhi đồng. Tập tục này gắn liền với lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Bí tích rửa tội diễn tả rất chính xác ý nghĩa của các lễ mùa Giáng sinh, trong đó đề tài nổi bật là nhờ Con Một Thiên Chúa đến giữa loài người mà chúng ta trở nên con cái Chúa. Con Thiên Chúa trở nên người để cho con người trở nên con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sinh ra để cho chúng ta được tái sinh. Những tư tưởng này được nhắc đi nhắc lại trong các bản văn phụng vụ mùa Giáng sinh, và trở nên một chủ đề rất phấn khởi cho việc suy tư và hy vọng. Chúng ta hãy nhớ đến điều mà thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galat: “Thiên Chúa đã sai Con của mình, sinh bởi một phụ nữ, sinh ra dưới Lề luật, để cứu chuộc những kẻ sống dưới Lề Luật, ngõ hầu họ được nhận làm nghĩa tử của Chúa” (Gl 4,4-5), hoặc như thánh Gioan viết trong Tự ngôn: “Những ai đón nhận Người, thì Người ban quyền được trở nên con cái Chúa” (Ga 1,12). Mầu nhiệm tuyệt vời ấy – sự sinh lại – việc tái sinh của con người “từ trên cao”, từ Thiên Chúa (xc Ga 3,1-8)- được thực hiện và được tóm lại trong dấu chỉ của bí tích rửa tội.
Nhờ bí tích này con người thực sự trở nên con cái của Chúa. Từ đó, mục tiêu của cuộc đời hệ tại chỗ đạt được cách tự do và ý thức điều mà ngay từ đầu đã được coi là cứu cánh của con người. Nguyên tắc cơ bản của việc giáo dục con người được cứu rỗi nhờ ân sủng là: “bạn hãy trở nên giống với căn cước của mình”. Nguyên tắc này có nhiều điểm tương tự như sự tăng trưởng tự nhiên, nơi mà mối tương quan giữa cha mẹ và con cái phải trải qua nhiều lúc cách ly và khủng hoảng, từ chỗ lệ thuộc hoàn toàn đến chỗ ý thức mình là con cái, đến chỗ nhận biết hồng ân của sự sống mà mình đã lãnh, và đến chô trưởng thành và có khả năng trao ban sự sống. Người tín hữu được sinh vào đời sống mới nhờ bí tích thánh tẩy cũng bắt đầu con đường tăng trưởng trong đức tin đưa đến chỗ kêu cầu Thiên Chúa một cách ý thức rằng “Cha ơi”, bày tò lòng biết ơn với Chúa và sống niềm vui vì được làm con cái Chúa.
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, nảy sinh ra một khuôn mẫu của xã hội, khuôn mẫu huynh đệ. Tình huynh đệ không thể nào được thiết lập bằng một ý thức hệ, lại càng không thể áp đặt bằng một nghị quyết của một quyền lực. Người ta nhìn nhận nhau làm anh em nhờ việc ý thức khiêm tốn nhưng sâu đậm rằng tất cả đều là con cái của một Cha trên trời. Nhò ơn Chúa Thánh Thần được lãnh nhận trong bí tích rửa tội, các Kitô hữu chúng ta nhận được như một món quà và một quyết tâm sống như con cái Chúa và như anh chị em với nhau, để trở thành như là “men” của một nhân loại mới, liên đới và đượm bình an và hy vọng. Điều này được thể hiện nhờ vào ý thức rằng ngoài một Cha chung trên trời, chúng ta có một bà mẹ là Hội thánh, mà đức Maria là một nhân vật tiêu biểu. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ các hài nhi vừa mới được rửa tội cùng với gia đình của các bé, và chúng ta xin cho tất cả mọi người được niềm vui vì được tái snh mỗi ngfy “từ trời cao”, từ tình thương Thiên Chúa biến chúng ta thành anh chị em với nhau.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (07/01/2007) – Liên hệ giữa việc Đức Giêsu chịu phép rửa và việc chúng ta chịu phép rửa
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là lễ kính việc Chúa Giêsu lãnh phép rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Phụng vụ trưng bày cho chúng ta trình thuật Chúa Giêsu lãnh phép rửa ở sông Giorđanô dựa theo bản văn của thánh Luca (xc 3,15-16-21-22). Thánh sử kể lại rằng, khi đức Giêsu đang cầu nguyện sau khi đã lãnh phép rửa, và trước mặt đám đông đến đó vì bị thu hút bởi lời giảng của vị Tiền hô, thì trời mở ra, và Thánh Thần dưới dạng chim bồ câu đáp xuống trên đức Giêsu. Lúc đó vọng lên một tiếng từ trời cao rằng: “Con là người con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng vì con” (Lc 3,22).
Việc Đức Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giorđanô được nhắc nhớ và nêu bật ở trong tất cả bốn tác giả Tin mừng, tuy với những cấp độ khác nhau. Đề tài này là thành phần của bài giảng các thánh tông đồ, bởi vì nó là khởi đầu của toàn bộ những lời giảng và hành động mà các thánh tông đồ phải làm chứng tá (xc. Cv 1,21-22; 10,37-41). Cộng đoàn các thánh tông đồ coi biến cố này rất quan trọng, bởi vì không những vào cơ hội này mà lần đầu tiên mầu nhiệm Chúa Ba ngôi được mặc khải một cách minh bạch và đầy đủ, mà cũng bởi vì nó là biểu tượng báo trước toàn thể hoạt động bí tích qua đó Chúa Cứu thế tác động công cuộc cứu độ của toàn nhân loại. Đó lý do vì sao lễ này thu hút sự chú ý của các giáo phụ, một lễ cổ điển nhất sau lễ Chúa Phục sinh. Phụng vụ hôm nay hát lên trong tiền xướng giờ Kinh Sáng như sau: “Đức Giêsu chịu phép rửa / là cả trần gian được thánh hoá, / chúng ta được tha tội / được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần”.
Có một liên hệ chặt chẽ giữa việc Đức Giêsu chịu phép rửa và việc chúng ta chịu phép rửa. Tại sông Giorđanô, trời mở ra (xc. Lc 3,21) để cho thấy rằng Đấng Cứu thế đã mở cho chúng ta con đường cứu độ, và chúng ta có thể bước vào con đường đó nhờ việc tái sinh “bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3,5) diễn ra nơi bí tích rửa tội. Trong bí tích này chúng ta được kết nạp vào Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, nghĩa là Hội thánh, chúng ta chết và sống lại với Người, chúng ta mặc lấy Người, như thánh Phaolô đã nhiều lần nhấn mạnh (xc 1Cr 12,13; Rm 6,3-5; Gl 3,27). Vì thế nghĩa vụ phát xuất từ bí tích rửa tội là “nghe Chúa Giêsu”, nghĩa là tin vào Người và ngoan ngoãn đi theo Người bằng cách tuân hành ý của Người. Chính bằng cách đó mà mỗi người có thể trở nên thánh, một mục tiêu mà công đồng Vaticanô II nói là ơn gọi của tất cả mọi Kitô hữu.
Xin Đức Maria, thân mẫu của người Con rất yêu dấu của Thiên Chúa, giúp chúng ta biết luôn trung thành với bí tích Thánh Tẩy.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Có thể bạn quan tâm
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025
Th1
Cháy rừng ở Los Angeles phá hủy một nhà thờ, nhiều trường học..
Th1
Bài Giảng Đức Thánh Cha – Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm..
Th1
Mùa Thường Niên bắt đầu khi nào?
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Hồng ân tái sinh
Th1
Trong 2 Tuần Sau Khi Khai Mạc, Có Hơn Nửa Triệu Người Đã..
Th1
Đức cha G.B Nguyễn Huy Bắc dâng thánh lễ tạ ơn tại quê..
Th1
Quý Đức Cha Giáo Tỉnh Hà Nội Họp Mặt Tất Niên Năm Giáp..
Th1
Cáo Phó Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Th1
Mỗi người được hưởng bao nhiêu ơn toàn xá mỗi ngày trong Năm..
Th1
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Sơ Simona Brambilla làm nữ Tổng trưởng đầu..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C
Th1
Hội Ngộ Đồng Hương Giáo Phận Hà Tĩnh Tại Miền Nam 2025
Th1
ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành mở Cửa Thánh Đền..
Th1
Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại 27 Giáo Phận Tại Việt Nam
Th1
VPTGM-GPHT: Thông báo Đăng ký hành hương Tòa Thánh trong Năm Thánh 2025
Th1
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1