Suy Niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ (1/11)
Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a
Bài đọc 1 Kh 7,2-4.9-14
Tôi thấy : Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
2 Tôi là Gio-an, tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng gọi bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả. 3 Thiên thần ấy nói : “Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. 4 Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn : một trăm bốn mươi bốn ngàn người thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en.
9 Sau đó, tôi thấy : một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. 10 Họ lớn tiếng tung hô : “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” 11 Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô 12 rằng :
“A-men ! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta
lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
danh dự, uy quyền và sức mạnh,
đến muôn thuở muôn đời ! A-men !”
13 Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi : “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu đến ?” 14 Tôi trả lời : “Thưa Ngài, Ngài biết đó.” Vị ấy bảo tôi : “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.”
Đáp ca Tv 23,1-2.3-4ab.5-6 (Đ. x. c.6)
Đ.Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi
những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài.
1Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
2Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Đ.Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi
những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài.
3Ai được lên núi Chúa ?
Ai được ở trong đền thánh của Người ?
4abĐó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng.
Đ.Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi
những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài.
5Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
6Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
Đ.Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi
những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài.
Bài đọc 2 1 Ga 3,1-3
Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
1Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
– mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.
2Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
3Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô
thì làm cho mình nên thanh sạch
như Người là Đấng thanh sạch.
Tung hô Tin Mừng Mt 11,28
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Chúa nói : Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng hôm nay
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 5,1-12a
1 Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng :
3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12aAnh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”
Mọi Người Được Mời Gọi Nên Thánh
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Phụng vụ hôm nay mừng trọng thể lễ các Thánh Nam Nữ trên trời. Lễ Các Thánh là ngày cử hành niềm vui của chúng ta, bởi vì Các Thánh là những thành viên trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn chúng ta. Các ngài đã được vinh thăng.
1. Các Thánh Nam Nữ
Họ là ai? Họ không chỉ là những vị đã được phong thánh bởi Giáo Hội và được ghi trong lịch phụng vụ hằng năm. Họ là tất cả những người đã được cứu độ và nay đang được hưởng hạnh phúc trong Thiên Đàng. Họ là những người đã sống một cuộc đời thánh thiện trong sự âm thầm, hy sinh và phục vụ mà nhiều người không biết đến nhưng đã được Thiên Chúa vinh thăng, thưởng công cho họ. Họ làm thành “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9).
Làm sao họ được vinh thăng? Sách Khải Huyền cho chúng ta biết: Họ “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Các Thánh là những người đã trung thành và kiên nhẫn sống các giá trị Tin Mừng, đặc biệt sống trọn vẹn các mối phúc như được nói ở bài Tin Mừng. Các Thánh đã sống tinh thần nghèo khó vì Nước Trời. Các Thánh là những người hiền lành vì Nước Trời. Các Thánh là những người phải chịu sầu khổ vì Nước Trời. Các Thánh là những người chịu bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ (x. Mt 5,10).
Khi nói về gương của các Thánh Nam Nữ, thánh Bênađô cho rằng: “Chúng ta không được chậm trễ trong việc bắt chước các Thánh là những người mà chúng ta vui mừng cử hành.” Vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để chúng ta suy niệm về “ơn gọi phổ quát của mọi Kitô hữu tới sự thánh thiện.”
2. Quan niệm về việc nên thánh
Điều đầu tiên chúng ta phải làm khi nói về ơn gọi nên thánh là chúng ta phải loại bỏ trong tâm trí chúng ta những suy nghĩ và nỗi sợ hãi này: nên thánh là lời mời gọi chỉ dành cho các linh mục và các nữ tu mà thôi, vì họ có điều kiện sống gần Chúa hơn, còn giáo dân sống giữa đời ô trọc đủ thứ bụi đời, chân lấm tay bùn, không thể nào nên thánh được. Hoặc có người suy nghĩ rằng nên thánh là hiện tượng ngoại thường và phi thường dành cho những ai có ơn gọi đặc biệt. Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng: “Mọi người đều được mời gọi nên thánh.” Nên thánh nằm trong khả năng của mỗi người và làm nên sự bình thường của đời sống Kitô hữu.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh: “Anh em hãy nên thánh bởi vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi là Đấng Thánh (Lv 19,2). Thiên Chúa là “Đấng Thánh” và là “nguồn mọi sự thánh thiện.”
Trong Cựu Ước, từ Qadosh gợi lên sự tách biệt và khác biệt. Thiên Chúa là thánh và ba lần thánh bởi vì Người hoàn toàn khác biệt so với những gì con người có thể nghĩ, nói hay làm. Theo đó, ý nghĩa thánh thiện trước hết được hiểu theo nghĩa luân lý và phụng tự. Trung gian sự thánh thiện của Thiên Chúa là những đồ vật, nơi chốn và những lề luật. Chẳng hạn như núi thánh, sách thánh, đồ thánh trong đền thờ…
Vào thời đại Chúa Giêsu, ý tưởng này vẫn còn thống trị nơi những người Pharisêu. Họ cho rằng sự thánh thiện và công chính hệ tại ở sự thanh sạch thuộc phụng tự và việc cẩn thận tuân giữ lề luật.
Trong Tân Ước, chúng ta thấy có một sự thay đổi sâu xa. Sự thánh thiện không còn hệ tại ở phạm vi nghi lễ và luân lý nữa, mà còn thuộc phạm vi bản tính và ơn gọi; nên thánh không chỉ đến từ bàn tay, nhưng đến từ trái tim; nó không phát xuất từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong con người, và nó được tóm tắt trong đức ái. Trung gian sự thánh thiện Thiên Chúa không còn là những nơi chốn (Đền Thờ Giêrusalem, hoặc là Núi Thánh), các nghi lễ, đồ vật hay lề luật, nhưng là một con người, Đức Giêsu Kitô. Trở nên thánh thiện không còn hệ tại trong việc phải tách biệt khỏi điều này điều kia, nhưng là hệ tại trong việc kết hợp với Chúa Giêsu Kitô. Trong Chúa Kitô, sự thánh thiện đích thực của Thiên Chúa ban cho chúng ta trong một con người, chứ không phải qua việc hồi tưởng lại những biến cố xa xôi. Chúa Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). Người là Đấng làm cho chúng ta nên thánh thiện.
3. Cách thế nên thánh
Nhờ Chúa Kitô, chúng ta được nên thánh thiện theo hai cách thế. Cách thế thứ nhất là nhờ ân sủng và cách thế thứ hai là nhờ sự bắt chước. Sự thánh thiện trước hết là ân sủng, là hồng ân. Chúa Kitô đã đến, chết và phục sinh để làm cho chúng ta trở nên thánh thiện. Người thuộc về chúng ta và cho chúng ta. Vì thế, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng sự công chính của chúng ta hay sự thánh thiện không phải do việc giữ luật, nhưng là do đức tin vào Chúa Kitô (x. Pl 3,5-10). Chúa Kitô trở thành sự công chính, sự thánh thiện và ơn cứu độ chúng ta (x. 1 Cr 1,30). Chúng ta có thể nói rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu là của chúng ta. Nên chúng ta cần kết hợp với Chúa Giêsu để được nên thánh thiện như Người và Người tiếp tục làm cho chúng ta nên thánh qua các bí tích mà chúng ta cử hành.
Cách thế thứ hai là bắt chước Chúa Giêsu. Chính Người là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta. Vì thế, nên thánh cũng có nghĩa là nên giống Người, noi gương và sống như Người, tuân giữ những gì Người đã truyền dạy và nhất là thực thi bác ái đối với tha nhân. Thánh Phaolô căn dặn:
“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm… để sống cách thánh thiện và trong danh dự” (1 Tx 4,3-4).
Theo nghĩa này, sự thánh thiện cũng chính là kết quả của sự cố gắng của bản thân mỗi người chúng ta. Như Chúa đã mời gọi:
“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Kết luận
Như thế, ơn gọi nên thánh vừa là lời mời gọi của Chúa dành cho mọi người, vừa là sự đòi buộc cao cả, hay là sự đòi hỏi tự bản tính con người. Sinh ra để nên thánh. Vì chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi nên giống Người. Đây không còn là vấn đề luân lý nữa, mà là vấn để thuộc bản tính và ơn gọi. Nếu không nên thánh, chúng ta thất bại và là kẻ thất bại nhất trong đời. Đó là sự vong thân nền tảng. Mẹ Têrêxa đã có lý khi trả lời với một nhà báo hỏi về sự thánh thiện, mẹ nói: “Sự thánh thiện không phải là điều xa xỉ, nó là sự cần thiết.” Amen!
Hội Vui Của Con Cái Chúa
Lm. Hoa Thập Tự
Hôm nay cùng với đạo binh Thiên Quốc, chúng ta mừng chư thánh, những anh chị em chúng ta đã thành nhân và được đi vào trong vinh hiển của Thiên Chúa. Đó là những người mà tác giả thư gửi tín hữu Dothai gọi là “những người đã tới thành đô Thiên Chúa (…), tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòn của Thiên Chúa, những kẻ đã được ghi tên trên trời…” (Hr 12,22-23). Nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolo, hôm nay, cùng với Mẹ Giáo Hội, chúng ta mừng những anh chị em chúng ta đã đạt tới mức trưởng thành, những người “đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin, trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm mức viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13-14). Trong ý nghĩa đó và cùng sứ điệp Lời Chúa của cử hành phụng vụ hôm nay, xin gợi lên 3 điểm suy niệm:
- Hướng vọng trời cao ngợi ca chúc tụng Chúa
Đây là tâm tình trước tiên mà Lời tiền tụng lễ Các Thánh hôm nay mời gọi mời chúng ta: “Hôm nay, chúng con được vui mừng chiêm ngưỡng Giêrusalem thiên quốc, là Mẹ chúng con, nơi anh chị em chúng con là toàn thể các thành muôn đời ca ngợi Cha”.
Chúng ta ca ngợi tạ ơn Chúa vì sự cao cả, linh thánh mà Thiên Chúa ban cho ơn gọi nhân linh, là được mời gọi dự phần trong vinh quang Thiên Chúa, nghĩa là được hiệp thông với Người. Lại nữa, chúng ta hoan hỷ ca ngợi tạ ơn Chúa bởi “bao phần tử ưu tú của Hội thánh được Vinh quang. Bởi thế, vịnh gia 112 mời gọi chúng ta “hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi. Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi. Ca tụng danh Thánh Chúa từ rạng đông tới lúc chiều tà. Chúa siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm”, những “kẻ mọn hèn Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi. Ai nghèo túng Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quí. Hàng quyền quí dân Người”.
- Hướng vọng trời cao để khẩn nài sự trợ giúp và noi gương
Cùng với tâm tình tạ ơn Chúa, ngày mừng vui hôm nay chúng ta tìm đến ơn phụ trợ của Chúa qua sự chuyển cầu của các thánh, đồng thời để rập theo gương lành của các ngài. Quả vậy, Đức Kitô là mẫu mực của chúng ta, là hình ảnh đích thực mà chúng ta phải vươn tới và các thánh là những người đã bước theo dấu chân Đức Kitô và trở nên hình ảnh của Người. Nơi các ngài, chúng ta tìm được những cách thế để nên hoàn thiện: từ tâm tình đơn thành của những trẻ thơ đế đức cao vọng trọng của các bậc đại thánh; từ những việc tâm thường đến việc chiêm niệm thần hiệp; từ trong bức tường kín tu viện cho đến những bước chân trải dài trên các vùng truyền giáo xa xôi; từ những kẻ thường dân đến những bậc quyền quí…
Họ là dòng dõi những người kiềm tìm Chúa. Đó là tiên tổ, ông bà cha mẹ, anh chị em, là mọi thành phần trong Giáo hội như thánh Gioan diễn tả: có “một trăm bốn mươi bốn ngàn người thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en, được đóng ấn” “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,4).
Họ là những người đã bước đi theo con đường hẹp của Tin Mừng, những người từ đau khổ lớn lao mà đến. Ho giặt và tẩy áo mình trong Máu con Chiên” (Kh 7,14). Các ngài đã được thừa kế đất hứa vĩnh cửu, tức là Nước Trời, nhờ tìm kiếm và bước đi trên nẻo đường của các Mối phúc: Đó là những người đã được lên cao sơn Chúa nhờ khước từ vinh hoa lợi lộc trần thể để tìm kiếm gia sản Nước Trời; đã phản chiếu khuôn mặt hiền từ, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa cho anh chị em mình, nên đã được miền đất hứa làm sản nghiệp riêng; là những người đã không ngừng tìm kiến đức công chính và đã được no phỉ trong Đấng là nguồn chính trực công minh; đã được lấp đầy cơn khát siêu việt sau những cuộc quằn quại, rên siết trong lòng; là những người có “bàn tay sạch, tấm lòng thanh”, nên đã được cư ngụ trong đền thánh cao sang; đó là những người đã không ngừng tìm kiến và kiến tạo hòa bình, nên đã được nếm hướng sự dịu ngọt của bình an, hoan lạc trong Thánh Thần; các thánh là những người được hỷ hoan, trào tràn niềm vui trong nhà Cha, bởi đã vượt qua những cơn sầu khổ lớn lao, đã trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa sau khi chịu nhiều cực hình vì chính đạo.
Tóm lại, các thánh là những người đã hoàn tất ơn gọi của mình, đã thực sự là thọ tạo mới trong Đức Kitô. Trong vinh quang Thiên Chúa, các ngài đang hướng về chúng ta để chuyển cầu cho chúng ta trong cuộc lữ hành tiến về quê trời.
- Hướng vọng trời cao, tìm về cùng đích
Mừng lễ chư thánh, chúng ta chiêm ngưỡng đám đông hằng hà sa số những người đã được Chúa Kitô cứu chuộc, đồng thời cũng cho ta thấy trước tương lai mà chúng ta đang hướng tới. Thánh Bernad, viện phụ nói:
“Thật ra, chúng ta kính nhớ các ngài thì ích lợi cho chúng ta chứ không phải cho các ngài. Phần tôi, tôi phải thú thật là khi tưởng nhớ các ngài, tôi cảm thấy bừng lên trong tôi một khát vọng mãnh liệt, đó là mong được họp đoàn với các ngài, được xứng đáng làm người đồng hương và làm bạn hữu với các thánh, được liên kết với chư vị tổ phụ, với hàng ngôn sứ, với bậc tông đồ, với hàng hàng lớp lớp các vị tử đạo, với cộng đoàn các vị tuyên xưng đức tin, với đoàn trinh nữ. Đó là cộng đoàn các con đầu lòng của Thiên Chúa đang đợi chúng ta, thế mà chúng ta vẫn vô tình! Các thánh đang mong chúng ta, thế mà chúng ta lại coi thường! Các bậc công chính đang đợi chúng ta, thế mà chúng ta vẫn hờ hững” (Bài đọc Kinh sách lễ Các thánh).
Quả vậy, các thánh là những người đã đi trước chúng ta theo Đấng đã mở đường là Đức Kitô, mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, hãy hướng lòng trí về những thực tại thiêng liêng, là cùng đích của chúng ta. Nơi đó chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan Chúa với các ngài. Thánh Gioan trong bài đọc thứ hai mời gọi chúng ta sống niềm hy vọng này: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”, và Ngài khẳng định: “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3,2-3), nghĩa là sẽ được cư ngụ nơi cao sơn Chúa.
Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh, giúp chúng ta hết lòng khát khao và bền chí tìm kiếm vinh quang đích thực nơi các thánh đang được hoan hưởng nguồn sung mãn, đồng thời chứng thực cho nhân loại một nơi ở vĩnh cửu nơi không còn đau khổ và nước mắt.
Nguồn: dcvphanxicoxavie.com
Xem thêm:
Có thể bạn quan tâm
VPTGM-GPHT: Thông báo Lễ cầu nguyện cho các Đấng bậc và Ân nhân..
Th10
Halloween và Lễ Các Thánh
Th10
ĐTC Phan-xi-cô gửi điện chia buồn về sự ra đi của Đức Hồng..
Th10
Tháng Các Đẳng Linh Hồn Và Những Ước Nguyện
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm B
Th10
Ủy Ban Phụng Tự Giải Thích Về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu..
Th10
Suy Niệm Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (2/11) –..
Th10
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm..
Th10
Bảo vệ Trẻ vị thành niên: Báo cáo đầu tiên kêu gọi phản..
Th10
Đức Cha François Pallu: Chứng Nhân Của Tình Yêu
Th10
Suy Niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ (1/11) – Mọi Người Được Mời..
Th10
Chút tâm tình cuối tháng Mân Côi
Th10
ĐTC Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân..
Th10
Hội Thánh Dạy “Nên Thánh” Cách Nào?
Th10
Giới Thiệu Cử Điệu, Bài Ca Chủ Đề Đại Hội Giới Trẻ Giáo..
Th10
Thượng Hội Đồng: Đức Phanxicô Đưa Giáo Hội Vào Thiên Niên Kỷ Thứ..
Th10
Buổi Họp Báo Về Thượng Hội Đồng: Tài Liệu Cuối Cùng Của Thượng..
Th10
Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn: Người Việt Nam đang chờ đợi..
Th10
Tấn phong Giám mục Phó của Giáo phận Bắc Kinh
Th10
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ – lễ kính
Th10