Hầu hết các giáo xứ đều có ca đoàn hoặc thừa tác viên âm nhạc phụ trách phụng vụ trong Thánh lễ Chúa nhật. Tuy nhiên, đôi khi ca đoàn hoặc người phụ trách âm nhạc không hoàn thành sứ mệnh của họ là những nhạc sĩ của Chúa.
Sau đây là 5 lời khuyên của tôi, cả về phụng vụ và tâm linh, dành cho những ai phụng sự Chúa qua âm nhạc.
1. Hãy ý thức rằng chúng ta là công cụ của Chúa
Có thể chúng ta đã từng gặp những ca viên hoặc nhạc công trong ca đoàn muốn trở thành ngôi sao, chỉ muốn hát vào Lễ Hiện Xuống hoặc vào dịp lễ trọng nào khác, một người luôn muốn nổi bật trong ca đoàn, muốn giọng ca của mình vang hơn người khác, muốn độc tấu guitar trong thánh lễ….
Đối với những người như vậy, tôi muốn dành lời khuyên đầu tiên này, mang tính thiêng liêng: Thánh lễ không phải là dịp để chúng ta thể hiện tài năng của mình cho người khác. Đây là một Bí tích, trong đó Chúa Kitô hiện diện, trong thân xác, linh hồn và thần tính dưới hình Bánh và Rượu. Do đó, Thánh lễ không phải là một buổi hòa nhạc. Trung tâm của Thánh lễ là Chúa Kitô, ngôi sao chính là Ngài.
Để khắc phục vấn đề này, tôi khuyên các bạn nên cầu nguyện như thánh Phanxicô Assisi: “ Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ của Chúa…” Nếu bạn đang tìm kiếm danh tiếng, những tràng pháo tay, fan hâm mộ, thì bạn đang lãng phí thời gian. Hãy đầu tư nó vào điều gì đó tốt đẹp hơn, mặc dù không có gì tốt hơn việc hát mừng Chúa.
2. Phân định
Là những nhạc sĩ của Thiên Chúa, chúng ta phải luôn phân định, cả trong đời sống hằng ngày lẫn trong phụng vụ, để hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xuất sắc với tư cách là những nhạc sĩ Công giáo. Khó đó, nhưng không phải là không thể, để trở thành những nhạc sĩ giỏi của Chúa. Việc thường xuyên tham dự các bí tích, đọc Lời Chúa mỗi ngày và lần chuỗi Mân Côi là điều vô cùng quan trọng về mặt thiêng liêng.
Phân định các bài hát luôn có thể thực hiện được khi mở lòng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, trước và trong khi cử hành phụng vụ. Hãy cân nhắc xem nên hát bài nào sao cho phù hợp với các bài đọc trong ngày, với Tin mừng, với suy tư của linh mục. Câu hỏi để phân biệt các bài hát này là: hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta điều gì? Chúng ta không thể hát bất cứ bài hát nào, bài hát đầu tiên xuất hiện hay bài hay nhất. Không phải vậy. Các bài hát luôn là kết quả của nguồn cảm hứng thiêng liêng nơi người nhạc sĩ chứ không phải sở thích cá nhân của họ.
Hãy luôn nhớ rằng, đừng biến thánh lễ thành một buổi hòa nhạc. Bạn phải làm tốt công việc của mình, đừng lấy làm vui khi công việc dỡ chừng, luôn chuẩn bị các bài hát cho thánh lễ và cũng đừng chỉ trích bất kỳ bài hát nào vì nó quá cũ hoặc nhịp điệu có vẻ buồn thảm. Hãy luôn nhớ rằng chính Chúa là người nói qua lời ca tiếng hát.
3. Cầu nguyện và học hỏi
Cầu nguyện là nguồn năng lượng cho tâm hồn chúng ta, không có nó, chúng ta không thể đi theo con đường của Chúa. Một Kitô hữu không dành một giây phút nào trong ngày để cầu nguyện là kẻ đang thua cuộc trong trận chiến thiêng liêng. Chúng ta phải cầu nguyện mỗi ngày, giao tiếp với Chúa mọi nơi và mọi lúc. Đừng viện lý do để không cầu nguyện. “Người nói rằng mình không có giờ để cầu nguyện thì không phải là không có giờ mà do thiếu tình yêu” (Thánh Gioan Phaolô II).
Học hỏi? Đúng vậy, bạn phải học hỏi…. nhưng học cái gì? Âm nhạc, phụng vụ, giáo huấn của Giáo hội, cuộc đời các thánh, có rất nhiều điều để học. Trong ca đoàn, cần phải dạy cho các ca viên một số kiến thức về âm nhạc cơ bản, phải nghiên cứu Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Công đồng Vatican II, “Musicam Sacram”, và các tài liệu khác của Giáo hội nói về âm nhạc.
4. Đừng hời hợt
Sứ mệnh của các nhạc sĩ của Chúa không chỉ là hát trong thánh lễ, giờ chầu, các buổi hòa nhạc, v.v. Ca đoàn phải dạy cho người khác về âm nhạc và ca hát. Tương tự, họ cũng có thể tổ chức các buổi thuyết trình về phụng vụ và âm nhạc – tùy theo mức độ học vấn của họ – tại các giáo xứ khác cho các ca đoàn hoặc các thừa tác viên âm nhạc mới bắt đầu công việc phục vụ tuyệt vời này. Ngoài ra, họ cũng hãy cố gắng đến thăm các viện dưỡng lão và bệnh viện để mang lại niềm vui Tin Mừng.
Ca đoàn cũng phải hỗ trợ tổ chức các cuộc rước kiệu trong Tuần Thánh, Tuần Cửu nhật tháng 12, lễ bổn mạng cùng các hoạt động khác của giáo xứ. Ca đoàn hoặc thừa tác viên không chỉ hát Thánh lễ ngày Chúa nhật.
5. Hãy hát mừng Chúa, không chỉ bằng giọng ca của bạn mà bằng chính cuộc sống
Chúng ta hãy hát mừng Chúa bài ca tình yêu
“Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, ngợi khen Ngài trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung. Chúng ta được khuyến khích hát mừng Chúa một bài ca mới. Duy con người mới biết bài ca mới này có ý nghĩa gì. Bài ca là biểu lộ niềm vui và nếu suy gẫm kỹ hơn thì nó là biểu hiện của tình yêu. Vì thế, ai có khả năng yêu mến cuộc sống mới thì người đó có khả năng hát bài ca mới. Vì vậy, chúng ta phải hiểu cuộc sống mới này gồm những gì để có thể hát bài ca mới. Thật ra, mọi thứ đều liên quan đến một vương quốc duy nhất, con người mới, bài hát mới, Giao ước mới. Vì vậy, con người mới phải hát bài ca mới vì nó thuộc về Giao ước mới.
Ai mà không biết yêu, nhưng điều quan trọng là đối tượng yêu thương của họ là gì. Chúng ta không được dạy đừng yêu, nhưng được dạy phải chọn người để yêu. Nhưng làm sao chúng ta có thể chọn được, nếu trước đó chúng ta không được chọn? Vì để yêu, trước hết chúng ta phải được yêu. Hãy nghe điều mà Tông đồ Gioan đã nói: Ngài đã yêu chúng ta trước. Nếu chúng ta đi tìm lý do yêu mến Chúa đến từ đâu thì lý do duy nhất chúng ta tìm thấy là vì Chúa đã yêu chúng ta trước. Ngài đã hiến mình để trở nên đối tượng cho tình yêu của chúng ta và ban cho chúng ta khả năng để yêu Ngài. Tông đồ Phaolô còn dạy chúng ta rõ hơn cách Chúa đã ban cho chúng ta sức mạnh để yêu mến Ngài như thế nào: Tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta. Tình yêu ấy do ai tuôn đổ? Bởi chúng ta chăng? Không, chắc chắn là không. Thế thì bởi ai? Bởi Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta.
Với lý do vững vàng như vậy, chúng ta hãy yêu mến Chúa bằng chính tình yêu đến từ Ngài. Hãy nghe Thánh Gioan diễn tả cách rõ ràng ý tưởng này như sau: “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy”(1 Ga 4:16). Nói rằng tình yêu đến từ Thiên Chúa là lối nói giảm nhẹ. Và ai trong chúng ta dám nói điều mà thánh sử khẳng định: Thiên Chúa là tình yêu? Ngài khẳng định điều đó vì ngài biết mình sở hữu điều đó.
Thiên Chúa tự hiến mình cho chúng ta. Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta: “Hãy yêu mến Ta và các con sẽ có Ta, vì các con không thể yêu mến Ta nếu các con không có Ta”.
Hỡi anh em! Hỡi con cái của Thiên Chúa! Hạt giống phổ quát, hạt giống thiên đàng và thánh thiện, những người đã được sinh ra trong Chúa Kitô để sống cuộc sống mới, cuộc sống đến từ trên cao, hãy lắng nghe tôi, hay đúng hơn, hãy cùng tôi hát cho Chúa một bài ca mới. Bạn trả lời “Tôi đang hát nó”. Vâng, bạn đang hát nó, đó là sự thật, tôi đã nghe thấy nó. Nhưng ước gì đời sống của bạn không mâu thuẫn với lời bạn hát.
Hãy hát bằng giọng nói, bằng trái tim, bằng môi miệng và bằng hành vi của mình: Hãy hát mừng Chúa một bài ca mới. Bạn tự hỏi nên hát những lời khen ngợi nào về người mình yêu? Bởi vì, chắc chắn, bạn muốn bài hát của mình lấy từ chủ đề mà bạn yêu thích. Bạn tự hỏi chúng ta nên hát những lời ca ngợi nào? Bạn đã nghe: Hãy hát mừng Chúa một bài ca mới. Bạn thắc mắc khen ngợi điều gì? Hãy để lời ngợi khen vang lên giữa cộng đoàn những kẻ hiếu trung. Bạn có muốn ca ngợi Chúa không? Hãy sống theo những gì môi bạn thốt ra. Chính cuộc đời các bạn sẽ là lời khen ngợi tốt nhất mà bạn có thể dâng lên Ngài, nếu cách sống của bạn tốt”.
Trích Bài giảng của Thánh Augustinô , giám mục (Bài giảng 34, 1-3.5-6; 41, 424-426).
Cuối cùng, tôi chia sẻ với các bạn lời cầu nguyện của Thánh Inhaxiô Loyola:
“Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại; xin dạy con biết phục vụ Chúa như Chúa đáng được phục vụ: biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không bận tâm đến vết thương của mình, biết làm việc mà không tìm cách nghỉ ngơi, biết cống hiến mà không đòi phần thưởng, chỉ mong biết rằng con đang làm theo ý Chúa. Amen”.
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ: catholic-link.com
Nguồn: gpquinhon.org
Có thể bạn quan tâm
Công bố Logo Năm Thánh 2025
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C
Th12
Thư Ngỏ Của Ủy Ban Thánh Nhạc Gửi Các Nhạc Sĩ Công Giáo
Th12
Thánh Phanxicô Xaviê, Vị Tông Đồ Miền Đông Á (1506-1552)
Th12
Ý Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng – Tháng 12/2024
Th12
Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải
Th12
Giáo phận Hà Tĩnh: Chương trình Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12/2024)
Th12
Đời sống đạo của các Kitô hữu ở Triều Tiên giống thời đế..
Th11
THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG 2024
Th11
Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục Cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ..
Th11
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính)
Th11
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C
Th11
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 11/2024
Th11
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp Sẽ Được Phong Chân Phước
Th11
10 điều bạn cần biết về Mùa Vọng
Th11
Đôi nét về Mùa Vọng
Th11
Thánh Lễ Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội Lần Thứ XX,..
Th11
Ghi Chú Của Đức Thánh Cha Phanxicô Kèm Theo Tài Liệu Cuối Cùng…
Th11
Thánh Lễ Cao Điểm Tuần Chầu Đền Tạ Giáo Xứ Nghĩa Yên
Th11