Phía Sau Nắm Tro Tàn

2022 lượt xem

PHÍA SAU NẮM TRO TÀN

Hình hài xác thân phảng phất nắm tro tàn
Đến khi hóa bụi, gì sót lại phía sau?

Khi ngọn lửa thiêu đốt, vạn vật rụi tàn. Ngọn lửa làm cho cái tươi tốt không mảy may tồn tại, những gì là hào nhoáng không còn, những gì là cao sang biến mất. Tàn đóm tán loạn mỗi khi gió thổi qua thổi lại quăng quật đống lửa. Và rồi, cái còn sót lại sau mỗi trận cháy là “đống tro tàn vô dụng”. Con người không phải là ngoại lệ. Để biết sự hư không của mình, không gì nát tan và nghiệt ngã cho bằng việc chứng kiến thân xác ai đó bị hỏa táng. Chỉ trong một vài nốt nhạc, thi thể bị nghiền nát, tan rã hoàn toàn và bỗng trở thành “nắm tro tàn”. Ai rồi cũng sẽ trở thành nắm bụi tro như nhau, không có tro thượng hạng, cao cấp; cũng không có loại tro hạ đẳng, thấp hèn. Nếu không phải là hỏa thiêu, con người ta khi chết đi, cái thân xác được ướp này ướp nọ, xử lý bằng công nghệ cao cỡ nào thì rồi ra cũng sẽ chỉ thành bụi đất. Bởi vậy, hằng ngày, những người sống đang bước đi trên tầng tầng lớp lớp tro bụi của bao kiếp người tiền nhân. Cứ nghiền ngẫm về tro bụi cuộc đời là lòng người lại rấm rứt nhói đau và như muốn né tránh khỏi sự thật phũ phàng là cái chết.

Tro chẳng có gì hay ho, vậy Giáo Hội tìm gì ở đó? Nhiều người ngoại giáo không hiểu được những người Công Giáo đang tìm gì nơi nắm tro tàn mà cứ vào dịp cử hành nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục đến giáo dân, tất cả đều khiêm hạ cúi mình nhận lãnh một chút tro trên đầu. Phải chăng nghi thức này là một lời tuyên xưng hay một sự nhìn nhận rằng: “Con người, bất kể ai, địa vị gì thì cũng chỉ là thân phận bụi đất, hư vô mà thôi”? Màu của bụi tro xám đen buồn thảm, là biểu hiệu của cái gì hoang tàn và chết chóc, nhưng nó lại gợi ra bao suy tư sâu sắc và nhắc nhớ con người về nguồn gốc cũng như bản chất của mình là “xác đất vật hèn” (x.St 3,19).

Trước hết, tro chỉ sự chóng vánh của cuộc đời. Trong Mùa Chay, chúng ta nghe nhiều lần lời thánh vịnh 102 nói lên sự mong manh của kiếp con người, giống như loài hoa sớm nở chiều tàn, không có gì là trường cửu: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 102,15-16). Thế rồi, tro cũng là lời nhắc nhở về sự lụi tàn và sự chết như lời Chúa đã phán xưa: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19. x. Gb 34,4 ; Gr 6,26; Is 58,5).

Khi nhận ra được thân phận hữu hạn của mình, thì việc xức tro là để khiêm nhường bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Ngày nay, Giáo hội chỉ dùng một chút tro tượng trưng để nhắc nhở ta. Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn  để lòng ta xót xa, đau đớn, hối hận vì những tội lỗi đã phạm. Tuy vậy, chúng ta cũng đừng để lớp tro bụi làm ngột ngạt tâm hồn. Không nên bi quan, không yếm thế, không chán nản, không buồn lo trước cuộc sống tạm bợ, mong manh này. Thân xác con người là một “hình tro sống động” nhưng cái tinh túy vô hình là linh hồn, đó mới chính là đáp số cuối cùng cho vận mệnh của mỗi người. Sự thật về “nắm tro tàn” không là bản án bi thảm của cuộc đời chóng qua, nhưng là bản trường ca tình yêu và niềm hy vọng hồng phúc trông đợi vào sự tái sinh trong Ngày Cánh Chung. Nhưng để có thể đi đến viễn tượng ấy, chúng ta phải sống chính danh người Kitô hữu bằng cách gia tăng các việc thực hành đạo đức và những hành động chứng tá đức tin trong nếp sống thường nhật. Cách đặc biệt, trong 40 ngày Chay Thánh này, Mẹ Giáo hội muốn chúng ta sống mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Giêsu và hướng về sự Phục Sinh vinh hiển của Người thông qua việc thực thi cầu nguyện bằng chính nội tâm sâu thẳm, ăn chay thể lý lẫn tâm hồn và làm phúc bố thí cách đại lượng cho tha nhân.

Cuộc đời chúng ta dù là cuộn phim ngắn hay dài tập, dù có thăng hoa hay le lói buồn, dù được cả triệu lượt xem hay chỉ vu vơ vài người biết tới, thì rồi ra cũng chỉ đi tới một cái kết duy nhất là “nắm tro tàn”. Cái phần tiếp theo phía sau đời này mới là quan trọng, ai sống sao thì hưởng vậy, tiền có thể chạy vạy nhưng công phúc thì không. Giá để vào Nước Trời thì phải được trả bằng chính “sức lao động của con tim và sự giàu có của tâm hồn”. Bạn và tôi, trước ngưỡng cửa Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ trù liệu thế nào để tìm kiếm một giá trị gì đó cao cả và linh thánh hơn trong hình hài của một nắm tro tàn?

Maria Diệu Huyền, MTG Vinh

Có thể bạn quan tâm