Thánh giá, nến, hoa: nên hay không nên đặt trên bàn thờ

1778 lượt xem

Bàn thờ là một trong những vị trí và là dấu chỉ phụng vụ quan trọng nhất nơi cung thánh và toàn bộ nhà thờ.

Câu hỏi của Maria Grazia Iasevoli:

“Tôi đã tận dụng mùa hè để đi nghỉ và cũng có dịp đến thăm nhiều nhà thờ và đền thánh, thậm chí ở nhiều nơi khác nhau. Tôi nhận thấy đôi khi trên bàn thờ có nến, thánh giá, hoa và đôi khi không có gì cả. Lý do dẫn đến sự đa dạng này là gì? Đặc biệt, chẳng phải bắt buộc phải có cây thánh giá trên bàn thờ sao? Và đâu là quyền tự do của cha sở hay linh mục chủ tế về việc xác định các khía cạnh này?”

Linh mục Roberto Gulino, giáo sư Phụng vụ, trả lời

Tôi cảm ơn người bạn độc giả của chúng tôi vì đã cho phép chúng tôi nhắc nhở đến việc chú ý cách bố trí trong nhà thờ của chúng tôi, nơi gian cung thánh, những nơi được nhìn thấy – hoặc cần được nhìn thấy – bên cạnh hay trên bàn thờ.

Như mọi lần, khi chúng ta đề cập đến các khía cạnh liên quan đến Thánh Lễ hoặc các nhà thờ, chúng ta dựa vào những gì được nêu trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, các tiền đề được tìm thấy trong Sách Lễ và chúng cung cấp cho chúng ta các quan điểm thần học, phụng vụ, mục vụ và thiêng liêng về tất cả mọi điều liên quan đến việc cử hành Thánh Thể, với những địa điểm và cách thức cử hành, đều có giá trị ràng buộc và quy chuẩn.

Bàn thờ là một trong những vị trí và là dấu chỉ phụng vụ quan trọng nhất nơi cung thánh và toàn bộ nhà thờ : nó đại diện cho chính Chúa Kitô, trung gian của giao ước mới và vĩnh cửu, vì trên đó “hy lễ thập giá được hiện tại hóa dưới những dấu chỉ bí tích, cũng là bàn tiệc của Chúa, mà dân Chúa được mời đến tham dự trong Thánh lễ. Bàn thờ cũng là trung tâm của việc tạ ơn được thực hiện cách hoàn hảo qua Thánh lễ” (SLRM 296); Bàn thờ “phải được đặt ở vị trí nào đó để có thể thực sự là trung tâm, nơi mà tất cả cộng đoàn tín hữu tự nhiên hướng về” (SLRM 299).

Vì mối liên hệ này giữa bàn thờ và Thiên Chúa, Đấng thực hiện ơn cứu độ cho chúng ta qua mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta nhớ đến trong mỗi khi cử hành, “trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt một Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh cho dân được tập họp nhìn thấy rõ” (SLRM 117 và 308).

Do đó, bàn thờ phải có, phía trên hoặc xung quanh, một thánh giá (và người ta quy định rằng nó không chỉ được cách điệu đơn giản mà còn tượng trưng cho Thân Mình của Chúa), và “để nhắc các tín hữu nhớ đến cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa, nên đặt cây thánh giá này gần bàn thờ, ngay cả khi không cử hành phụng vụ” (SLRM 308).

Chân đèn có nến, được thắp sáng trong mọi hoạt động bí tích như dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, ánh sáng đích thực của thế giới, phải được đặt “trên bàn thờ, hoặc xung quanh bàn thờ, phải chú ý đến cấu trúc của bàn thờ và cung thánh để có sự hòa hợp chung và không ngăn cản tín hữu dễ dàng nhìn thấy những gì đang thực hiện hay đặt trên bàn thờ ” (SLRM 307).

Việc trang trí hoa – bố cục, hoa và/hoặc cây cảnh – “Luôn phải giữ chừng mực trong việc chưng bông và nên đặt bông chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ” (SLRM 305): trường hợp này cũng áp dụng đối với chân nến, chỉ dẫn này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tín hữu có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra trên bàn thờ trong khi cử hành.

Những chỉ dẫn trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nhắc nhở chúng ta về những chú ý cụ thể cần tuân thủ nhằm giúp mọi người hiểu được vẻ đẹp và sự phong phú của sự hiện diện của Chúa, sự hiện diện cũng được thể hiện qua các dấu hiệu và nơi được cử hành.

Võ Tá Hoàng
Link https://www.toscanaoggi.it

Nguồn: hoangcatholic.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận