Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng

3313 lượt xem

CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH CỦA VĂN KIỆN ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG

Michael Fitzgerald, M. Afr[1]

Văn kiện Đối thoại và Rao giảng: Nguồn gốc và tính hợp thời của nó trong thế giới hôm nay

Đối Thoại và Rao Giảng (Dialogue and Proclamation – D&P), được công bố ngày 19 tháng 5, 1991, là văn kiện chính thức đầu tiên được soạn thảo bởi Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Trước đó vào năm 1984 đã có một văn kiện nhan đề Thái độ của Hội Thánh đối với các tín đồ của các tôn giáo khác. Các suy tư và đường hướng về đối thoại và sứ vụ (The Attitude of the Church towards the Followers of Other Religions. Reflections and Orientations on Dialogue and Mission – DM), nhưng văn kiện này đã được phát hành trong thời kỳ mà cơ quan đặc trách đối thoại liên tôn còn được gọi là “Văn phòng cho những người ngoài Kitô giáo”.

Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Văn phòng cho những người ngoài Kitô giáo do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1964 lại phải mất một thời gian dài như thế để tạo ra một văn kiện chính thức. Thời kỳ đầu của cơ quan này, dưới quyền chủ tịch của Hồng y Paolo Marella (1964-1973), là thời gian đặt nền móng. Hồng y Marella cảm thấy công cuộc đối thoại thực sự phải được thể hiện ở cấp địa phương, nhưng ngài nhận ra rằng các Giáo hội địa phương trước hết phải xác tín rằng dấn thân vào các mối quan hệ với tín đồ của các tôn giáo khác thì phải phù hợp với đức tin Công giáo. Nhiệm vụ này đã được đảm nhiệm bởi Văn phòng qua tập san Bulletin, trong đó mục đích của đối thoại có thể được cắt nghĩa. Số đầu tiên của Bulletin bao gồm một bài bằng tiếng Latinh, nói về giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về các tôn giáo ngoài Kitô giáo[2]. Một phụ trương của tờ Bulletin cung cấp một bài trình bày về đức tin Công giáo để có thể được chia sẻ với tín đồ của các tôn giáo khác[3]. Một cuốn sách cũng được phát hành để thúc đẩy một sự hiểu biết tốt hơn về các tôn giáo khác[4]. Trên hết, Văn phòng đã soạn ra một chuỗi các “hướng dẫn” cho việc đối thoại với các tín đồ Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và các tín đồ của Tôn giáo Truyền Thống tại Châu Phi.

Mỗi Bộ của Giáo triều Rôma có một số thành viên được tuyển chọn giữa các giám mục trên thế giới để tạo thành ban điều hành của bộ mình. Hồng y Marella thì cho rằng tất cả các giám mục trên thế giới đều là những cộng tác viên của Văn phòng, nên đã không đề xuất bổ nhiệm một thành viên nào. Người kế nhiệm ngài, Hồng y Sergio Pignedoli (1973-1980), đã thay đổi chính sách này, và năm 1979, Hội nghị toàn thể đầu tiên của Văn phòng này đã diễn ra. Hội nghị này yêu cầu có một “Chỉ nam Đối thoại”, có thể là dựa theo các đường nét của quyển “Chỉ nam Đại kết” đã được soạn bởi Văn phòng Hiệp nhất Kitô hữu. Tuy nhiên, cuối cùng Hội nghị đã quyết định soạn thảo một bản tuyên bố khuyến khích đối thoại trong Hội Thánh. Sau khi trải qua nhiều bản thảo, tài liệu này đã được hoàn chỉnh tại Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Văn phòng vào năm 1984, lúc bấy giờ dưới quyền chủ tịch của Hồng y Francis Arinze, và sau khi được phê chuẩn chính thức, nó được công bố trong Acta Apostolicae Sedis (“Công Báo Tòa Thánh”) cùng năm ấy.

Dưới nhan đề đầy đủ là Thái độ của Hội Thánh đối với các tín đồ của các tôn giáo khác: Các suy tư và đường hướng về đối thoại và sứ vụ, đã được công bố trong một số đặc biệt của tờ Bulletin không chỉ bằng tiếng Ý, nhưng cũng bằng các tiếng Ả Rập, Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha[5]. Đây là một văn kiện truyền cảm hứng sâu sắc, nó định nghĩa đối thoại như là một tiến trình “trong đó các Kitô hữu gặp gỡ các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác để cùng nhau tiến bước tới Sự Thật và cùng nhau hoạt động trong các dự án quan tâm chung” (DM 13). Văn kiện đặt việc đối thoại vững vàng trong sứ vụ toàn thể của Hội Thánh, trình bày vắn tắt nền tảng và các hình thức đối thoại, và cắt nghĩa rằng mục tiêu cuối cùng là “hoán cải” được hiểu theo nghĩa Kinh Thánh là “cõi lòng khiêm tốn và sám hối trở về với Thiên Chúa trong ước muốn suy phục cuộc đời mình một cách quảng đại hơn đối với Thiên Chúa” (DM 37).

Mặc dù đã được nhìn nhận chính thức, văn kiện DM vẫn đặt ra những vấn nạn trong tâm trí của một số Kitô hữu. Nếu đối thoại được định vị trong các hoạt động chính dòng của Hội Thánh, hay đúng hơn, nếu nó được nhìn nhận một vị trí hợp pháp trong các hoạt động này, vậy thì nó được liên kết như thế nào với bổn phận rao giảng Đức Giêsu Kitô? Phải chăng việc rao giảng này bây giờ đã lỗi thời rồi? Phải chăng đối thoại đã trở thành tên gọi mới của sứ vụ? Về phía các tín đồ của các tôn giáo khác, câu hỏi nảy sinh là phải chăng đối thoại được coi là một công cụ của truyền giáo, được hiểu theo nghĩa là một cơ hội để rao giảng Đức Giêsu Kitô để tạo sự hoán cải cho người ta đến với đức tin Kitô giáo và gia nhập Hội Thánh. Đây là những câu hỏi quan trọng không thể tránh né. Một đàng, nó làm cạn sinh lực truyền giáo của Hội Thánh, và đàng khác nó có nguy cơ làm cho các tín đồ của các tôn giáo khác nghi ngờ mục đích của đối thoại. Vì vậy đã có quyết định chuẩn bị một tài liệu mới để nghiên cứu mối tương quan giữa đối thoại và rao giảng. Đây chính là nguồn gốc phát sinh văn kiện nhan đề Đối Thoại và Rao Giảng. Các suy tư và đường hướng về đối thoại liên tôn và rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô (Dialogue and Proclamation: Reflections and Orientations on Interreligious Dialogue and the Proclamation of the Gospel of Jesus Christ – D&P).

Tại Hội nghị toàn thể 1987, một bản sơ thảo của tài liệu mới này đã được trình bày. Một thách thức đến từ một phía không ngờ trước. Hồng y Josef Tomko, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng các Dân tộc (CEP) và là một thành viên de jure của PCID, tuyên bố rằng PCID không có quyền làm ra một văn kiện như thế vì văn kiện ấy liên quan đến các materia mixta (nội dung hỗn hợp), cả đối thoại và rao giảng, vì thế nó cũng thuộc mối quan tâm của CEP (Bộ Loan báo Tin Mừng các Dân tộc). Vì vậy ngài đề nghị văn kiện được soạn thảo liên kết bởi hai Bộ.

Đề xuất này lập tức được Hồng y Arinze ủng hộ, vì ngài cảm thấy rằng càng nhiều người ủng hộ văn kiện trước khi nó được công bố thì nó càng dễ dàng được đón nhận hơn. Thế là ý tưởng về một văn kiện mới đã được cứu xét. Nhưng việc thỏa thuận về sự chuẩn bị liên kết đã dẫn đến một sự thay đổi trong thành phần uỷ ban soạn thảo, hai thành viên được chỉ định bởi PCID và hai được chỉ định bởi CEP, với vị Thư ký của PCID làm thư ký biên soạn.

Một bản thảo mới được viết ra, mở đầu với vấn đề đối thoại, rồi quay sang vấn đề rao giảng, và cuối cùng thảo luận mối liên hệ giữa hai yếu tố của sứ vụ Hội Thánh. Bản thảo cũng có một phát biểu giải thích để xua tan những mối nghi ngờ:

Nếu đối thoại được trình bày trước, không phải vì nó ưu tiên hơn rao giảng. Lý do đơn giản chỉ là vì nó là mối quan tâm chủ yếu của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn (PCID), là cơ quan khởi xướng việc soạn thảo văn kiện này (D&P 3).

Chiếu theo nguyên tắc của Hồng y Arinze đã nhắc đến ở trên – phải đạt sự đồng thuận càng cao càng tốt trước khi công bố – bản thảo mới đã được gửi đến tất cả các HĐGM trên thế giới để lấy ý kiến. Bản thảo sau đó được chỉnh sửa dựa theo những nhận xét này khi thấy là phù hợp. Các giám mục Canada kêu gọi chú ý nhiều hơn tới tính chất đặc biệt của việc đối thoại với người Do Thái giáo. Câu trả lời trong trường hợp này là PCID không có thẩm quyền trong việc đối thoại Do Thái-Kitô giáo,  đây là lãnh vực thuộc Ủy ban Liên lạc Tôn giáo với người Do Thái dưới thẩm quyền của Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo. Một ghi chú cho vấn đề này đã được thêm vào trong văn kiện cuối cùng (D&P 12). Quan tâm của văn kiện là đối thoại với mọi tôn giáo, không nhắc rõ ràng tới tôn giáo nào. Thực ra, cũng nói đến một sự hạn chế: đối thoại không đề cập đến “các phong trào tôn giáo mới”; tham chiếu được ghi lại trong bản báo cáo liên bộ về vấn đề này (x. D&P 13).

Cuối cùng, bản thảo đầy đủ của văn kiện đã được trình lên cho các thành viên của các phiên họp toàn thể của PCID và CEP và đã được phê chuẩn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cũng đang có sự chuẩn bị cho một thông điệp truyền giáo của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ưu tiên được dành cho thông điệp này, nó được công bố dưới nhan đề Redemptoris Missio vào ngày 7 tháng 12, 1990. Việc công bố văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng được dời tới lễ Hiện Xuống năm sau, ngày 19 tháng 5, 1991. Không có sự thay đổi nào trong bản văn đã được phê chuẩn bởi các Giám mục của PCID, ngoại trừ việc ghi lại trong bản văn sự kiện công bố Thông điệp của Đức thánh cha:

Khi bản văn này đang ở trong những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để được công bố, Đức thánh cha Gioan Phaolô II cống hiến cho Hội Thánh Thông điệp Redemptoris Missio của ngài, trong đó ngài đề cập đến các vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa. Bản văn này (D&P) khai triển chi tiết hơn các giáo huấn của Thông điệp về đối thoại và mối tương quan của nó với việc rao giảng (x. RM 55-57). Vì vậy phải đọc nó trong ánh sáng của Thông điệp này (D&P 4).

Bây giờ là lúc chúng ta tìm hiểu nội dung của Đối Thoại và Rao Giảng (D&P) và xét xem nó có còn hợp thời trong thế giới hôm nay hay không.

Những đoạn đầu của D&P tạo thành phần dẫn nhập gồm hai mục: cắt nghĩa nguồn gốc văn kiện (D&P 1-7) và minh giải các thuật ngữ được sử dụng trong văn kiện (D&P 8-13). Các lý do để soạn thảo văn kiện này đã được nêu trong bài này rồi, nên không cần khai triển thêm nữa. Chỉ cần vạch ra rằng chính văn kiện D&P khơi dậy tầm quan trọng của Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vaticanô II với giáo huấn về tầm quan trọng của đối thoại liên tôn, đồng thời nhấn mạnh bổn phận của Hội Thánh phải rao giảng sự cứu rỗi trong Đức Giêsu Kitô. D&P tham chiếu văn kiện Đối Thoại và Sứ Vụ (DM), trong đó có lời dạy rằng “cả các yếu tố cấu thành và các hình thức đích thực của một sứ vụ duy nhất của Hội Thánh… đều hướng tới việc thông truyền chân lý cứu độ” (D&P 2). Sau đó văn kiện cắt nghĩa để cho thấy các suy xét xa hơn về hai yếu tố này và mối liên hệ hỗ tương giữa chúng đang được hai cơ quan PCID và CEP cùng nhau cống hiến cho chúng ta như thế nào. Còn có sự khích lệ từ giáo huấn của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong và sau cuộc cử hành Ngày Thế giới cầu cho Hòa bình diễn ra ở Assisi ngày 27 tháng 10, 1986.

Phần dẫn nhập cũng cung cấp cho chúng ta các lý do cho việc công bố văn kiện này vào lúc ấy: một ý thức mới về sự đa nguyên tôn giáo trong một thế giới mà lãnh vực truyền thông gia tăng mau lẹ, các dân tộc di chuyển ngày càng nhiều hơn, và sự tương thuộc lẫn nhau cũng tăng cao; một nhu cầu kích thích đối thoại vì tình trạng do dự trong một phần của thế giới Kitô giáo; đồng thời có nhu cầu tương ứng là cung cấp sự hướng dẫn giáo lý và mục vụ (x. D&P 4). Có thể chỉ ra ở đây rằng các lý do này vẫn còn hợp thời hôm nay, như được xác nhận bởi lời dạy của Đức giáo hoàng Phanxicô, đặc biệt trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ở đó ngài minh nhiên đề cập đến vấn đề đối thoại liên tôn (EG 147-254) và gần đây hơn, trong Fratelli Tutti, ngài dành chương cuối để nói về Các tôn giáo để phục vụ tình huynh đệ trong thế giới chúng ta (FT 271-287).

Một đặc điểm của D&P là sự cẩn thận định nghĩa các thuật ngữ sẽ được sử dụng trong văn kiện. Văn kiện lưu ý rằng thuật ngữ Phúc âm hóa (evangelization) có thể có cả nghĩa rộng là đem Tin Mừng vào trong mọi lãnh vực của nhân loại để biến đổi nhân loại từ bên trong, và một nghĩa chuyên biệt hơn, đó là “sự rao giảng rõ ràng và không mập mờ về Chúa Giêsu” (Evangelii Nuntiandi 22). Và văn kiện nói rằng “thuật ngữ evangelizing mission (“sứ vụ phúc âm hoá”) được sử dụng trong D&P để chỉ về Phúc âm hóa theo nghĩa rộng” (D&P 8). Rồi văn kiện cũng nói rằng đối thoại có thể được hiểu theo các cách khác nhau: như là sự truyền thông lẫn cho nhau; như là một thái độ tôn trọng và thân thiện, “tinh thần đối thoại”; và sau cùng, định nghĩa dùng trong D&P và được lấy từ Đối Thoại và Sứ Vụ (DM): “tất cả các mối quan hệ tích cực và xây dựng với các cá nhân và các cộng đồng thuộc các tín ngưỡng khác hướng tới sự hiểu biết và làm giàu lẫn cho nhau” (DM 3), và viết thêm câu này: “trong sự vâng phục sự thật và tôn trọng tự do” (D&P 9). Rao giảng (Proclamation) là thuật ngữ được chọn để biểu thị nghĩa chuyên biệt hơn của việc Phúc âm hóa, như đã nói ở trên. Văn kiện nhìn nhận rằng hoán cải có thể hiểu theo các cách khác nhau: như là một chuyển động chung đi tới Thiên Chúa, hay như là một sự thay đổi lòng trung thành với đạo của mình. Ở đây văn kiện không đưa ra sự chọn lựa; văn kiện chỉ nói rằng ngữ cảnh sẽ cung cấp đủ dấu chỉ để hiểu ý nghĩa muốn nói. Sau cùng, có ghi chú về các tôn giáo hay truyền thống tôn giáo đã nói đến ở trên, nó cắt nghĩa tại sao trong văn kiện không có tham chiếu về việc đối thoại với Do Thái giáo hay với các tín đồ của các Phong Trào Tôn Giáo Mới.

Phần I

Phần I của D&P trình bày vấn đề Đối Thoại Liên Tôn. Phần này được chia thành ba tiết mục. Tiết mục I cung cấp một cách tiếp cận Kitô giáo đối với các truyền thống tôn giáo. Nó mở đầu với giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, nhưng cảnh báo rằng “ý nghĩa chính xác của các khẳng định của Công đồng cần phải được xác định cẩn thận và chính xác” (D&P 15). Sự thận trọng của D&P phản ánh sự cẩn thận trong quá trình soạn thảo bản văn này. Cũng nên nhớ rằng, giống như với bất cứ văn kiện nào liên quan đến các vấn đề đức tin, trước khi được công bố nó đã được trình lên cho Bộ Giáo lý Đức tin xem xét. Vì vậy tính đáng tin cậy của nó không thể bị nghi ngờ.

Các suy tư quan trọng mang tính thần học được cống hiến dựa trên giáo huấn của Vaticanô II. Trước hết, đó là “theo một cách bí nhiệm nào đó, ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô là một thực tại được mở ra cho mọi người thành tâm thiện chí”. Tiếp đến, văn kiện trích dẫn một câu từ Gaudium et Spes dạy rằng “Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi” (GS 22 dẫn trong D&P 15). Sau đó, văn kiện nói rằng hoạt động của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn vào những cá nhân nhưng cũng được mở rộng cho các truyền thống tôn giáo mà các cá nhân ấy thuộc về (x. D&P 17). Hội Thánh nhìn nhận “những gì chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo ấy” (NA 2) và có bổn phận hoàn thiện những yếu tố này trong Chúa Kitô. Đây là một trong những mục tiêu của đối thoại mà qua đó các Kitô hữu phải “nhìn nhận, bảo tồn và khuyến khích những điều tốt lành thiêng liêng và đạo đức có nơi những người ngoài Kitô giáo, cũng như các giá trị xã hội và văn hóa của họ” (NA 2). Điều này vô cùng quan trọng bởi vì nó có nghĩa là các Kitô hữu không được phép coi các tôn giáo khác như là những kẻ thù phải tiêu diệt, nhưng phải đối xử với các thành viên của các tôn giáo này như là những người anh chị em của mình.

Tiếp theo là một vài chỉ dẫn về cơ sở Kinh Thánh cho các giáo huấn của Vaticanô II, cả trong Cựu Ước và Tân Ước (x. D&P 19-23). D&P không phải là một bản văn chú giải Kinh Thánh, vì thế các đoạn này đương nhiên khá sơ lược. Nhưng cách tiếp cận thận trọng của văn kiện vẫn được nhận thấy rõ ràng, vì nó nói rằng các tham chiếu trong Tân Ước về các tôn giáo khác “xem ra có vẻ tương phản nhau, nhưng có thể thấy rằng chúng bổ sung cho nhau” (D&P 23). Có lẽ cũng có thể nói như thế về thái độ của các Giáo phụ mà văn kiện chỉ dành cho hai đoạn ngắn (D&P 24-25); các ngài cũng cho thấy những thái độ khác nhau về các tôn giáo khác. Rồi văn kiện quay trở về với các giáo huấn gần đây của Hội Thánh, cung cấp “cơ sở thần học cho cách tiếp cận tích cực đối với các truyền thống tôn giáo khác và việc thực hành đối thoại liên tôn” (D&P 27), bằng cách nhấn mạnh mầu nhiệm hợp nhất của loài người và sự duy nhất của ơn cứu rỗi. Một điểm đáng chú ý là ở mục này không có một tham chiếu nào về Redemptoris Missio. Lý do là vì, như đã nói trên, bản thảo cuối cùng của D&P đã được chuẩn bị trước khi Thông điệp của Đức giáo hoàng được công bố, vì thế không thể trích dẫn được gì từ Thông điệp. Nhưng có thể thấy rằng D&P hoàn toàn đồng thuận với tầm nhìn thần học của Redemptoris Missio, đặc biệt liên quan đến giáo huấn của Thông điệp về vai trò của Chúa Thánh Thần mà Thông điệp này khai triển theo hướng của văn kiện Dominum et vivificantem, một Thông điệp trước đó của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Các đoạn cuối của tiết mục này chứng tỏ tính chất thận trọng rất thực tế của D&P. Ví dụ, văn kiện khẳng định rõ ràng: “Nói rằng các tôn giáo khác cũng có những yếu tố ân sủng không có nghĩa là mọi sự trong các tôn giáo ấy đều là kết quả của ân sủng” (D&P 31). Có thể coi khẳng định này là một lời cảnh báo chống lại một thái độ quá phấn khích trong đối thoại khi nó chỉ được nhìn như là một sự xác nhận cái đẹp của các tôn giáo khác. Thực ra, văn kiện vạch ra rằng đối thoại có thể bao gồm một sự thách thức đối với một số niềm tin và việc thực hành, nhưng luôn luôn trong một tinh thần ôn hòa. Hơn nữa, “ngay cả các Kitô hữu cũng phải để cho mình bị chất vấn… [bởi vì] cách mà người Kitô hữu đôi khi hiểu và sống đạo của mình có thể cần được thanh tẩy” (D&P 32).

Tiết mục 2 của Phần I nhìn vào Vị trí của Đối thoại Liên tôn trong Sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh. Đây là một cắt nghĩa chi tiết hơn về lời khẳng định trong Đối Thoại và Sứ Vụ (DM) rằng đối thoại liên tôn là một yếu tố cấu thành của sứ vụ Hội Thánh (x. DM 13). Nó nhấn mạnh lời dạy của Vaticanô II rằng Hội Thánh là “bí tích cứu rỗi phổ quát” (LG 48), chỉ về mối quan hệ “bí nhiệm và phức tạp” giữa Hội Thánh và Nước Thiên Chúa, và lặp lại lời khẳng định rằng các thành viên của các tôn giáo khác “hướng tới” Hội Thánh (x. LG 16) “khi họ đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa như được nhận ra từ lương tâm của họ” (D&P 35). Do đó đối thoại liên tôn thực sự là “một sự đối thoại cứu rỗi” (D&P 38, 40). Từ đó dẫn tới một nhận định quan trọng: “Đối thoại liên tôn không chỉ đơn thuần nhắm tới sự hiểu biết lẫn nhau và các mối quan hệ thân thiết”; nó còn đi xa hơn tới “một sự hoán cải của mọi người về với Thiên Chúa” (D&P 40-41). Nhưng người Kitô hữu cần phải tham gia đối thoại với thái độ khiêm tốn, đồng thời nhìn nhận rằng Hội Thánh lữ hành không hoàn hảo nhưng luôn luôn cần canh tân và cải tạo, “luôn luôn tiến tới sự thật viên mãn của Thiên Chúa” (DV 8). Các Kitô hữu thường thích trích dẫn những lời của Chúa Giêsu: “Tôi là Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), và như thế họ cho rằng họ đã có trọn vẹn sự thật. Ở đây, văn kiện D&P muốn cung cấp một sự chính xác quan trọng: “Sự thật viên mãn chúng ta nhận được trong Đức Giêsu Kitô không cống hiến cho cá nhân người Kitô hữu sự bảo đảm rằng họ đã nắm bắt được sự thật một cách trọn vẹn. Suy cho cùng, chân lý không phải là một sự vật chúng ta sở hữu, nhưng là một con người mà chúng ta phải để cho mình được người ấy chiếm hữu” (D&P 49). Đức giáo hoàng Phanxicô cũng có một khẳng định tương tự trong Thông điệp Fratelli Tutti: “Không ai có thể chiếm hữu toàn thể chân lý hay thỏa mãn mọi ước muốn của mình, vì cao vọng ấy sẽ dẫn đến việc hủy diệt người khác bằng cách phủ nhận các quyền lợi của họ” (FT 221).

Tiết mục 3 trình bày vắn gọn các hình thức đối thoại khác nhau (D&P 42). Nó chỉ ra rằng các hình thức này có thể phân biệt với nhau nhưng không thể tách rời nhau, vì chúng liên kết mật thiết với nhau. Văn kiện kêu gọi chú ý tới đối thoại liên văn hóa (x. D&P 45), là lãnh vực sẽ được nhấn mạnh nhiều hơn dưới triều Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Văn kiện cũng khẳng định rằng “cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại cho sự phát triển toàn diện, cho công bằng xã hội, và cho sự giải phóng con người” (D&P 44), là điều đánh dấu triều đại của Đức giáo hoàng Phanxicô khi ngài đã kết hợp các văn phòng khác nhau của giáo triều để tạo thành Bộ Phục vụ sự Phát triển Toàn diện Con Người.

Tiết mục 4 trình bày Các Thái độ cho đối thoại liên tôn và các hiệu quả của nó. Văn kiện kêu gọi “một thái độ quân bình… không phức tạp hay quá phê phán, nhưng cởi mở và dễ tiếp thu” (D&P 47). Thái độ này không có nghĩa là từ bỏ các xác tín của mình; trái lại, “sự chân thành trong đối thoại liên tôn đòi hỏi rằng mỗi người đi vào đối thoại với đức tin toàn vẹn của mình” (D&P 48). Những người tham gia đối thoại trong tinh thần này sẽ thấy rằng “đối thoại chân thực không làm suy yếu đức tin của mình, nhưng sẽ khiến nó trở nên sâu xa hơn” (D&P 50).

Tiết mục cuối của Phần I lưu ý tới Những Trở ngại cho đối thoại. Những trở ngại này được liệt kê dưới mười tiêu đề. Một số trở ngại phản ánh những sự yếu đuối của cá nhân, như thiếu hiểu biết hay thiếu xác tín, ngờ vực hay thiếu bao dung khiến cản trở những sự trao đổi cởi mở, một số khác có nguồn gốc xã hội, như những nhân tố xã hội-chính trị hay một bầu khí thờ ơ tôn giáo. Tiết mục này cho thấy tính chất thực sự của văn kiện này, đó là thái độ thực tế và tích cực, như được phản ánh bởi lời phát biểu sau đây: “Hơn nữa, những trở ngại, mặc dù có thật, không thể khiến chúng ta đánh giá thấp các khả năng của đối thoại hay coi nhẹ những kết quả đã đạt được.” (D&P 54).

Phần II

Phần II của văn kiện trình bày việc Rao giảng Đức Giêsu Kitô. Với nhiều tham chiếu từ Tân Ước, phần này trình bày: 1. Huấn lệnh của Chúa Phục Sinh (55-57); 2. Vai trò của Hội Thánh (58-59); 3. Nội dung của việc Rao giảng (60-63); 4. Sự Hiện diện và Quyền năng của Chúa Thánh Thần (64-65); 5. Tính cấp bách của việc Rao giảng (66-67). Rồi nói đến Cách thức Rao giảng (68-71), cho thấy cần phải tự tin, trung thành, khiêm tốn, tôn trọng, có đối thoại và hội nhập văn hóa, luôn luôn bắt chước Đức Giêsu Kitô và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Giống như với đối thoại, việc rao giảng cũng có những trở ngại được vạch ra: chúng có thể là từ bên trong, như khoảng cách giữa lời nói và hành động, hay cũng có thể là từ bên ngoài, như trong hoàn cảnh bị bách hại (D&P 72-74). Mục cuối của Phần II định vị việc Rao giảng trong sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh (D&P 75-76). Đây là “một bổn phận chính và thánh thiêng mà Hội Thánh không thể sao nhãng” (D&P 76).

Phần III

Phần III của văn kiện cống hiện một ít suy tư về mối tương quan giữa đối thoại và rao giảng (D&P 77-85). Hai hoạt động này liên kết mật thiết với nhau, vì đối thoại chứa đựng yếu tố làm chứng về đức tin của mình, và rao giảng thì phải được thể hiện trong một phong cách đối thoại. “Chúng liên kết mật thiết với nhau, nhưng không thể hoán đổi cho nhau.” Chúng vẫn phân biệt với nhau, vì mục tiêu của mỗi hoạt động là khác nhau. Đối thoại có một số mục tiêu: sống chung hòa bình, hợp tác trong việc phục vụ loài người, hoán cải bên trong; trong khi rao giảng có một mục tiêu duy nhất: dẫn đến sự đón nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa và Đấng Cứu Chuộc và sự gia nhập Hội Thánh. Cả hai hoạt động này là những yếu tố đích thực của sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh, và trên thực tế “cùng một Hội Thánh địa phương, cùng một người, có thể tham gia vào cả hai hoạt động này” (77).

Nhận xét cuối cùng của đoạn trên được dựa trên kinh nghiệm. Đó là kinh nghiệm của bản thân tôi khi làm việc trong một giáo xứ Công giáo tại Bắc Suđan. Chúng tôi tham gia cùng một lúc vào hoạt động mục vụ cho các Kitô hữu và tổ chức một chương trình dự tòng cho những Kitô hữu tiềm năng, và khi cung cấp việc giáo dục cho người lớn với sự trợ giúp của các giáo viên Hồi giáo cho tất cả những ai muốn tận dụng cơ hội này, dù là Kitô hữu hay người Hồi giáo. Ý hướng của chúng tôi không chỉ là phục vụ cho cộng đồng nhỏ bé các Kitô hữu, nhưng cũng giúp vun trồng các mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng dân cư Hồi giáo rất đông đảo.

Cơ sở thần học để biện minh cho cách tiếp cận kép này chính là tầm quan trọng cơ bản của ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, và cái nhìn về Hội Thánh như là bí tích phổ quát. Nếu Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, thì chắc chắn Người phải cung cấp các phương tiện cho sự cứu rỗi này. Do đó, những người không phải vì lỗi của họ mà không thể minh nhiên chấp nhận Đức Giêsu là Chúa và Đấng Cứu Độ thì họ vẫn phải có thể đi vào Mầu Nhiệm Vượt Qua là con đường cứu rỗi. Rao giảng sẽ là việc thích hợp và hiệu quả nếu Chúa Thánh Thần mở lòng họ ra cho Tin Mừng. Đối thoại sẽ khai triển sự chú ý tới những yếu tố nào trong các truyền thống tôn giáo khác mà góp phần cho sự tham dự hiện sinh vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, và như thế sẽ thực sự là một sự đối thoại cứu rỗi.

Phần Kết của văn kiện (D&P 87-89) lưu ý một trong những giới hạn của nó: văn kiện vẫn còn dừng lại ở bình diện chung chung. Văn kiện đề nghị cần có các nghiên cứu về mối quan hệ giữa đối thoại và rao giảng liên quan đến mỗi tôn giáo, và cả trong mỗi vùng miền địa lý, với bối cảnh văn hoá-xã hội cụ thể của nó. Bản thân tôi đã thử làm việc này cho mối quan hệ giữa Kitô giáo và Hồi giáo[6]. Tôi không có thông tin về việc liệu có những nghiên cứu nào khác đã được thực hiện liên quan đến các tôn giáo khác hay không.

Một giới hạn khác nữa là thiếu sự chú ý dành cho các hình thức đối thoại khác ngoài hình thức đối thoại song phương. Có thể nói sự thiếu sót này đã có từ văn kiện Nostra Aetate của Công đồng Vaticanô II khi văn kiện này xem xét các tôn giáo khác nhau theo thứ tự nối tiếp nhau. Có lẽ là vì không có cách nào khác để xem xét các tôn giáo này, nhưng nó tạo ấn tượng là chỉ có đối thoại song phương là hình thức duy nhất. Điều này không thực sự phản ánh kinh nghiệm có thể cho thấy là nó đa dạng hơn rất nhiều.

Trước tiên là hình thức đối thoại ba bên giữa các tín đồ của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Mặc dù cách tiếp cận Ápraham trong mỗi tôn giáo này thì khác nhau, nhưng vẫn có ý nghĩa khi xét rằng cả ba tôn giáo này đều là các tôn giáo Ápraham, như được gợi nhớ bởi các tên của một số hiệp hội là thành viên của ba tôn giáo này: Huynh hội Ápraham, Con cái Ápraham, Diễn đàn ba niềm tin, v.v… Hội đồng Giáo hoàng PCID, cùng với Uỷ ban các Mối Quan hệ với Do Thái giáo (thuộc Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo), và liên kết với Hội đồng Thế giới các Giáo hội và Liên đoàn Thế giới Hội Thánh Lutheran, đã tổ chức hai hội nghị giữa những người Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, hội nghị lần đầu về tầm quan trọng thiêng liêng của Giêrusalem, lần thứ hai về các viễn tượng cho tương lai[7]. Dù có khó khăn, các cuộc gặp gỡ này đã tỏ ra rất hữu ích.

Rồi cũng có hình thức đối thoại đa phương được thực hành khá thông thường, đặc biệt tại Châu Á, nơi mà tại các nước như Ấn Độ, Mã Lai và Singapore, đối thoại song phương được coi là hình thức ngoại lệ. Cũng tại nước Anh, quê hương tôi, ở cấp địa phương có các hội đồng liên tôn đã được thiết lập, và các cuộc gặp gỡ của các lãnh đạo các tôn giáo khác nhau đã được coi là chuyện bình thường.

Một ví dụ đặc sắc về đối thoại đa phương được cung cấp bởi Hội đồng Thế giới về các Tôn giáo vì Hòa bình. Hội nghị đầu tiên của phong trào này được tổ chức năm 1970 tại Kyoto, Nhật Bản. Hội đồng PCID đã liên kết với phong trào này từ những năm 1980, tham dự trong mỗi hội nghị quốc tế 5 năm một lần. Một dịp đáng nhớ nhất là hội nghị lần thứ sáu được tổ chức tại Riva del Garda, Italia, năm 1994. Lễ khai mạc diễn ra tại Vatican với sự hiện diện của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

PCID cũng đã tổ chức một số cuộc tọa đàm trên cơ sở đa phương, chẳng hạn về hôn nhân và gia đình, và về các nguồn lực thiêng liêng cho hòa bình. Có lẽ cuộc gặp gỡ ý nghĩa nhất là Hội nghị Liên tôn được tổ chức vào tháng 10 năm 1999, trước thềm Đại Năm Thánh 2000. Hội nghị này quy tụ khoảng 200 người từ rất nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Hội nghị kết thúc với một cuộc gặp gỡ tại quảng trường Thánh Phêrô, dưới sự chủ trì của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II[8].

Các hình thức đối thoại khác nhau này có những điểm thuận lợi cũng như những điểm khiếm khuyết của chúng. Hình thức đối thoại song phương giúp tập trung sắc nét hơn vào cả những điểm tương đồng cũng như những khó khăn, nhưng đôi khi nó có thể tạo nên căng thẳng. Đối thoại ba bên và đa phương đôi khi có thể có vẻ hời hợt hơn, nhưng lại có thể tạo được một tinh thần hòa hợp dẫn tới một sự hợp tác tốt đẹp hơn.

Như Đức Phanxicô từng nhắc nhở: “Đối thoại liên tôn là một điều kiện cần cho hòa bình trên thế giới, và vì thế nó là một bổn phận đối với người Kitô hữu cũng như các cộng đồng tôn giáo khác” (Evangelii Gaudium 250). Thật khích lệ khi thấy rằng Văn kiện về Tình Huynh Đệ Nhân Loại cho Hòa Bình Thế Giới và Sống Chung, được ký chung ngày 4 tháng 2, 2019 bởi Đức giáo hoàng Phanxicô và Tiến sĩ Ahmad al-Tayyeb, lãnh tụ Hồi giáo của al-Azhar, được hai vị coi là “một lời mời gọi hòa giải và tình huynh đệ giữa mọi tín đồ, thực ra là giữa những người có tín ngưỡng và những người không có tín ngưỡng, và giữa mọi người thành tâm thiện ý.”

Với cách tiếp cận thực tế và quân bình của nó, Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng vẫn còn có thể cung cấp những hướng dẫn để đạt mục tiêu này.

Thư tịch chọn lọc

Arinze, Francis, “Dialogue and Proclamation. Two Aspects of the Evangelizing Mission,” in Bulletin. Secretariatus pro Non Christianis 77(1991) 201-203.

Burrows W.R. (ed.), Redemption and Dialogue, Maryknoll, New York, Orbis,1993.

Dupuis, Jacques, The Church, the Reign of God and the “Others”, in Pro Dialogo 85-86 (1994) 107-130.

Id., Toward a Christian Theology of Religious Pluralism, Maryknoll, New York, Orbis, 1997, especially 360-377.

Fitzgerald, Michael, “PCID/CEP: Dialogue and Proclamation. Introducing a document on the Evangelising Mission of the Church” in Chidi Denis Isizoh (Ed.), Milestones in Interreligious Dialogue. A Reading of Selected Catholic Church Documents on Relations with People of Other ReligionsEssays in honour of

Francis Cardinal Arinze. A Seventieth Birthday Bouquet, RomeLagos, Ceedee Publications,2002, pp. 209-217.

Fitzgerald, Michael, Dialogue and Proclamation, in Bulletin. Secretariatus pro Non Christianis 82(1993) 23-33, with further bibliography.

Mbuka, Cyprian, Annonce et Dialogue interreligieux: une compréhensioninclusive, in Pro Dialogo 88(1995) 54-68.

Thottakara A. (ed.), Dialogical Dynamics of Religions, Rome, CIIS, 1993.

Tomko, J., Dialogue and Proclamation. Its Relation to Redemptoris Missio, in BulletinSecretariatus pro Non Christanis 77(1991) 204-209.

Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)

Nguồn: hdgmvietnam

————————————————–

[1] Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

[2] PROSSANO, “Quid de non christianis Oecumenicum Concilium Vaticanum II docuerit”, SECRETARIATUS PRO NON CHRISTIANIS Bulletin 1(1966) 15-22.

[3] P. ROSSANO, La speranza che è in noi, Bulletin supplement 1967; cũng được xuất bản bởi Editrice Esperienze, Fossano 1968, và cũng được dịch sang các ngôn ngữ khác.

[4] SECRETARIATUS PRO NON CHRISTANIS, Religioni. Temi fondamentali per una cono-scenza dialogica, Fossano, Editrice Esperienze 1970; cũng được xuất bản bằng tiếng Anh và Pháp.

[5] Bulletin 56 (1984). Thường được tham chiếu dưới tên gọi Dialogue and Mission (DM, Đối thoại và sứ vụ).

[6] Cf. Michael Louis FITZGERALD, M.Afr. “Dialogue and Proclamation” “A reading in the Perspective of Christian-Muslim Relations” trong Daniel KENDAL & Gerald O’COLLINS (eds.) In Many and Diverse Ways. In Honor of Jacques Dupuis, Maryknoll, New York, Orbis Books, 2003, pp.181-193; cũng được công bố trong Pro Dialogo 115 (2004) pp. 39-53.

[7] Về hội nghị thứ nhất, diễn ra tại Glion, Thuỵ Sĩ, xem Hans Ucko (ed.), The Spiritual Significance of Jerusalem for Jews, Christians and Muslims, World Council of Churches, 1994. Về hội nghị thứ hai, tại Tessalonica, Hi Lạp, xem bản tường trình Islamochristiana 22(1996), ptr. 224-5.

[8] Ủy ban Trung ương cho Đại Năm Thánh 2000, HĐGH về Đối thoại Liên tôn, Towards a Culture of Dialogue. Interreligious Assembly, Vatican City, 25-28 October 1999, Vatican City, 2000.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận