Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC): Những quan tâm Thần học Mục vụ – Quá trình và viễn tượng

1537 lượt xem

LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU (FABC)
NHỮNG QUAN TÂM THẦN HỌC MỤC VỤ:
QUÁ TRÌNH VÀ VIỄN TƯỢNG[1]

Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân
Tham dự viên Đại hội 50 năm FABC

1. Thiết lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu2. Quá trình

3. Viễn tượng

1. Thiết lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu

Hội đồng Giám mục Việt Nam đáp lời mời của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), đã cử sáu Giám mục, một chuyên viên thần học thuộc Ủy ban Giáo lý Đức Tin, tham dự Đại hội FABC tại Baan Phu Waan, Bangkok, từ ngày 12-30 tháng 10 năm 2022. Đại hội này cử hành Kim Khánh Thành Lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (1970-2020) thay cho năm 2020 vì đại dịch CoViD-19.

Giáo hội tại Việt Nam phần nào chưa quen thuộc với FABC nên người viết, dựa trên những suy tư thần học và mục vụ, muốn đưa độc giả tiếp xúc và nghiệm ra tầm quan trọng của FABC, thực thể hướng tới phối kết các hoạt động chung tại châu Á.

Thánh Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh vai trò của các Giáo hội địa phương trong lòng Giáo hội Công giáo toàn cầu. Với tâm thức này, các Giám mục Công giáo châu Á đã quy tụ tại Manila năm 1970, nhân dịp cuộc thăm viếng Philippines của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Các Giám mục đã xác nhận sự cần thiết mối hiệp thông sâu xa hơn giữa các Giám mục và các giáo phận của các ngài. Trong sự khích lệ của Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, các Giám mục châu Á đã đạt thành quả đặt nền móng khai sinh ‘Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á’ (FABC), năm 1970, bao gồm các Hội đồng Giám mục tại Nam Á, Đông-Nam Á, Đông Á, Trung Á, và các vùng miền đang trong tiến trình hình thành một Hội đồng Giám mục.

Các Giám mục châu Á ý thức những biến động sau Thánh Công đồng Vaticanô II mệnh danh ‘The angry Seventies’ (Thập niên nổi loạn ‘70’), đồng thời đón nhận tinh thần liên kết tập thể và đối thoại của Thánh Công đồng, xác tín ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần, đã khám phá con đường mới để phục vụ hữu hiệu hơn không những các cộng đoàn Công giáo mà còn các dân tộc, ẩn tàng nơi mình vừa những trăn trở vừa những kỳ vọng. Sự khôn ngoan ‘Tin Mừng’, vốn là tình yêu và quyền năng tự trao hiến, là lòng cảm thương đoàn dân đông đảo, gặp gỡ tư tưởng khôn ngoan của các bậc hiền nhân châu Á, ‘đã vác lấy các nỗi đau thương của ta’ (Mt 8,17) để mọi người được sống sung mãn.

Ngay từ ngày khai sinh, FABC đã xác tín bộ mặt luôn đổi thay của con người hiện đại và tình trạng tại châu Á: Nghèo đói, tật bệnh, những vết thương chiến tranh và bất an… giữa những nền văn hóa, tôn giáo với lịch sử và truyền thống kỳ cựu như tấm áo muôn màu của ông Giuse xưa. Giáo hội tại châu Á đã nghe và nghiệm ‘thời khắc chuyển mình’ của châu Á với ý thức tự lập mới, khám phá và khẳng định căn tính, vận dụng quá khứ bồi đắp tương lai. Trực giác về sự liên đới toàn cầu, FABC nhấn mạnh sự thức tỉnh hạ giải những tường rào ngăn cách các dân tộc để làm nên một cộng đồng, với Giáo hội là nguyên tố, thấu hiểu và cảm thông với nhau như những ‘dân tộc-chị em’ (sister-nations)[2]

Trải qua hành trình nửa thế kỷ, cứ mỗi bốn năm, FABC mở một Hội nghị Toàn thể. Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng lặp lại giáo huấn Thánh Công đồng Vaticanô II rằng thần học cần phải ‘nhập thể’ mạch sống của Giáo hội địa phương. Các giáo huấn FABC đóng góp vào nền thần học và mục vụ ‘Thế giới thứ Ba’.

2. Quá trình

Hội nghị Toàn thể đầu tiên, năm 1974, tại Đài Bắc, Đài Loan, FABC công bố mối quan tâm ‘Loan Tin Mừng Giữa Thế Giới Châu Á Hiện Đại’ (Evangelization in Modern Day Asia). Ý thức bối cảnh châu Á hiện đại chuyển mình quá nhanh chóng, giữa trào lưu thế tục, sự đổ vỡ các hình thái xã hội cổ truyền, nền công nghiệp gây vong thân và phân hóa cuộc sống, tạo nên tâm trạng hoang mang mất hướng và thất vọng… Giáo hội biết mình là thành phần nội tại trong thế giới, xuôi dòng lịch sử nhân loại, cùng chung vận mạng với mọi người. Trong ánh sáng của ‘Lời’ và Thánh Thần, Giáo hội đọc các dấu chỉ thời đại: Tự thâm tâm, người đương đại truy tìm ý nghĩa cuộc sống, phương thức vượt thắng những bạo lực hủy hoại, con đường giải phóng những cơ cấu trói buộc tự do, nhục mạ phẩm giá và triệt tiêu những tương quan nhân văn.

FABC tuyên xưng chỉ trong và nhờ Chúa Kitô qua Tin Mừng, với ân huệ Thánh Thần, nhân loại mới gặp được giải đáp. Đức Kitô, Đấng ‘đến trần gian chiếu soi mọi người’ (Ga 1,9), là ‘con Đường, sự Thật, và sự Sống’ (Ga 14,6). Sứ mạng khẩn trương loan Tin Mừng tập trung vào ba lãnh vực: Gây dựng Giáo hội địa phương bằng một Giáo hội nhập thể, bản địa (incarnate, indigenous). Lãnh vực thứ hai, đối thoại với những truyền thống tôn giáo kỳ cựu và đối thoại với những người nghèo bị bỏ rơi và bị áp bức. Lãnh vực thứ ba, đào tạo những tông đồ thừa sai, một ‘ân huệ’ mà đồng thời một ‘nhiệm vụ’ được hân hạnh đảm trách.

Giữa đất nước mang truyền thống chiệm niệm, tại Calcutta, Ấn Độ, năm 1978, FABC giáo huấn về ‘Cầu Nguyện’. Sứ vụ loan Tin Mừng đặt nền trên cầu nguyện. Chúa Giêsu suốt đời, riêng tư hay giữa đoàn dân, ở mọi thời điểm trong ‘an bình’ hay ‘dậy sóng’, đã chìm sâu vào cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, tín hữu hội nhập vào Chúa Ba Ngôi, Thánh Thể, Giáo hội, hy tế bản thân, những chiều kích nhân văn. Hội nhập những tinh hoa của các truyền thống và văn hóa theo hướng dẫn của Giáo hội. Chú tâm đào tạo đời nguyện cầu, đời sống nội tâm với Thiên Chúa, cho các ứng sinh sống đời thánh hiến và cho dân Chúa.

Năm 1982, tại Sampran, Thailand, FABC khao khát Giáo hội là ‘Cộng Đoàn Đức Tin’. Giáo hội bắt rễ vào sự thông hiệp với Chúa Ba Ngôi, thực tại ân sủng, được Tin Mừng và Thánh Thần quy tụ, thường trực được nuôi dưỡng bằng các bí tích của Đức Tin nhất là bí tích Thánh Thể, hợp nhất với ‘Phêrô’ với các chủ chăn và Giáo hội toàn cầu, chung thao thức hoán cải và loan Tin Mừng (kérygma). Giáo hội châu Á không co cụm vào bản thân nhưng đặt mình trong tinh thần ‘Diakona’, hội nhập văn hóa, trách nhiệm… trong thế giới.

Học hỏi mối quan tâm và chiều hướng sâu sắc của Thánh Công đồng Vaticanô II, Hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ (Lumen Gentium), năm 1986, tại Tokyo, Nhật Bản, FABC suy tư về ‘Ơn Gọi và Sứ Mạng của Giáo Dân’. Trong tâm thức lời kinh Chúa dạy: ‘Nước Cha Trị Đến’ (Lc 11,2), FABC đặt mình vào giữa lòng châu Á, một châu Á như đấu trường của những xung đột, chia rẽ, một thế giới như chợ búa bóc lột, một đại lục những người khổ đau… đồng thời FABC cũng luôn nghiệm được một châu Á là chiếc nôi khai sinh nhiều tôn giáo sâu sắc, miền đất mênh mông đang thức tỉnh đảm nhận những trách nhiệm mới và to lớn. FABC đánh thức vai trò năng lực giáo dân, tham gia chính trị theo học thuyết xã hội Công giáo, như men ‘Tin Mừng’ trong bột trần thế, hướng tới công ích và nhằm cho ‘Nước Cha trị đến’. Châu Á mang chân dung trẻ trung vì 60% là người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24. Bức tranh đời sống người trẻ lộ rõ những tiêu cực. Họ không được hưởng nền giáo dục tương xứng, bị tổn thương trước những mời mọc hưởng thụ duy vật nhất thời, bị giật dây bởi các ý thức hệ lừa gạt, thất nghiệp, bị cuốn vào nghiện ngập, buông thả luân lý… Tuy nhiên những tín hữu trẻ đang tập hợp lại hoạt động biến đổi xã hội, thức tỉnh lương tâm các dân tộc, lãnh đạo các phong trào công lý hòa bình và bảo vệ ngôi nhà chung trái đất. Họ là những giáo lý viên, các nhóm mục vụ, những người dấn thân cho những giá trị cao cả, như những hạt giống Nước Trời.

FABC mời gọi giáo dân sống ơn gọi gia đình Kitô, là Giáo hội tại gia (Domestic Church), quan tâm đến giáo dục bằng gương lành vì ‘the more effective is not the one who simply teaches, but the one who also witnesses’ (x. Evangelii Nuntiandi), ý thức tầm quan trọng của truyền thông đầy quyền lực lèo lái thay đổi não trạng và xã hội, chuyên chăm lao động góp phần vào tiến trình tạo dựng của Thiên Chúa với lương tâm nghề nghiệp và tình liên đới. Giáo dân cần nền linh đạo, sống thân tình với Chúa Giêsu, nỗ lực hoạt động cho sứ mạng cứu thế giải phóng…

Bước vào thập niên 1990s, tại Bandung, Indonesia, FABC đi vào một chủ đề nhức nhối: ‘Những Thách Đố Nổi Bật…: Lời Gọi Giải Đáp’. Hội nghị hồi tưởng đã 35 năm thành lập của Phong Trào Không Liên Kết như lực lượng thứ ba giữa thế giới thứ nhất ‘tư bản’ và thế giới thứ hai ‘cộng sản’. Ngày nay bức tường Bá Linh đã sụp đổ, biểu tượng bình minh kỷ nguyên mới, Hội nghị thấy đây là dịp thích hợp hoạt động cho một trật tự quốc tế mới và công bằng. Mọi quốc gia phải được tôn trọng và chung sống hòa bình.

Một Giáo phụ nhận định: đi đến với con người, bạn sẽ gặp Thiên Chúa và Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II xác tín con người là con đường của Giáo hội. Giáo hội đối diện thách đố làm men muối định hướng cho những đổi thay trước chủ nghĩa hiện đại, duy vật, tiêu thụ, thế tục hóa… Giáo hội cần nhập cuộc trước thách đố những bất công triền miên: nghèo đói ‘tập thể’, khai thác tàn phá môi trường sống tinh thần và vật chất, kỳ thị màu da sắc tộc giới tính, buôn bán ‘phụ nữ’, chiến tranh gây nên chết chóc ly tán.

Giữa mịt mù những vấn đề, thách đố, Giáo hội nhận diện vẫn có những hy vọng. Những nhận thức mới nơi những người bị gạt ra bên lề, dân chúng liên kết lại chống những bất công, những trào lưu dân chủ đòi quyền sống, năng lực của những người trẻ tạo nên sức sống vượt mọi rào ngăn cách.

Châu Á là ngôi nhà của những truyền thống chiêm niệm sâu sắc. Giáo hội đi trên con đường đối thoại, đi vào trung tâm đời sống tâm linh là đem mầu nhiệm nhập thể và nguồn tính bí tích Kitô làm hồn sống cho các nghi lễ. Giáo hội đáp ứng niềm khát khao gặp Đấng siêu việt trong mọi thực tại. Nền thần học tạo dựng xây đắp các phong trào về môi sinh trái đất.

Đối diện một đại lục mênh mông, dân số đông đúc, các vấn đề phức tạp, người ta dễ cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên bằng con mắt lòng tin, Giáo hội nhận thức nhiều dấu chỉ hy vọng và đòi hỏi quan tâm sứ mạng loan Tin Mừng, cập nhật phương pháp và hun đúc nhiệt huyết tông đồ thừa sai. Đổi mới cảm thức thừa sai trước hết đặt trên lòng tin Thiên Chúa quá yêu trần gian đến nỗi ban Chúa Con nhập thể cứu độ. Thánh Thần là nguyên lý sống, thánh hóa, luôn hiện diện trong Giáo hội và là ‘hạt giống’ của ‘Lời’ nơi các tôn giáo và văn hóa.

Thách đố quan trọng và nhất thiết phải thực hiện là chứng từ và chứng nhân. Mỗi tín hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (Christlike) trong tư tưởng lời nói hành động giữa đồng bào. Mỗi Giáo hội địa phương vun đắp hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo hội toàn cầu, thực hiện tính ‘Công giáo’ đón nhận mọi dân tộc thế giới.

Cũng tại nơi 25 năm trước khai sinh, năm 1995, FABC họp tại Manila suy tư về ‘Phẩm Hạnh Người Môn Đệ Chúa Kitô: Phục Vụ Sự Sống’. Phần tư thế kỷ qua đã là thời gian FABC dấn thân phục vụ sự sống. Châu Á vốn mang sức sống phong phú cần được bảo vệ và thánh hóa.

Giáo hội chống lại các thế lực và văn hóa sự chết để tôn trọng phẩm giá con người từ lòng mẹ đến khi qua đời. Giáo hội cảnh báo nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng thế lực thị trường, khai thác thiên nhiên vô trách nhiệm, để đồng hành với những di dân, công nhân, thổ dân, sắc tộc thiểu số. Giáo hội loại bỏ những thế lực cổ động tiêu thụ, sống buông thả, phá hoại gia đình để đề cao nếp sống lành mạnh, hướng tới những giá trị nhân văn và siêu nhiên.

Nhãn quan FABC: Hợp nhất trong đa dạng. Sống chung tương kính. Sự sống là thánh thiêng. Nhân phẩm. Từ tâm tương trợ. Cảm thức linh thánh. An bình nội tâm.

Để thực hiện những nhãn quan trên, FABC nhận thức người môn đệ cần phải họa cuộc đời Chúa Giêsu vào cuộc đời mình:

Như Chúa Giêsu, người môn đệ cần được đầy Thánh Thần. Chúa Giêsu nhập thể trong lòng  Trinh  Nữ  Maria  bởi  quyền  năng Thánh Thần (Lc 1,35; Mt 1,20), được xức dầu Thánh Thần (Mc 1,10), vào hoang địa chuẩn bị sứ mạng do Thánh Thần soi dẫn (Mc 4,1). Được sai đi loan Tin Mừng cứu độ bởi tác động Thánh Thần (Lc 4,18.19). dược sung mãn sự sống trong biến cố sống lại, Chúa Giêsu thổi hơi Thánh Thần vào các Tông đồ (Ga 20,22) biến các ông thành người thông hiệp vào cuộc đời và sứ vụ của Chúa.

Phẩm hạnh người môn đệ đầy Thánh Thần như Chúa Giêsu sẽ

dõi bước Chúa Giêsu:

– Khắc ghi trong lòng mục tiêu sống cho Nước Thiên Chúa.

– Thông hiệp trọn vẹn với Chúa Cha ‘Who Jesus is, what He does, where He ends up, are all found in a passion for communion with Abba’.

– Giải thoát và tái tạo hiệp thông với mọi người: Trừ quỷ, giải cứu tội nhân, chữa lành bệnh nhân, phục sinh kẻ chết… Một nhân loại mới được khai sinh.

– Chết cho mọi người, trở nên ‘Thân Mình bị nộp’ và ‘Máu đổ ra’ (x. Lc 22,19; Mc 14,24)

– Sống lại chiến thắng cái chết.

– Trao ban hồng ân Thánh Thần sự sống.

Tại Samphran, Thái Lan, năm 2000, vào bình minh của thiên kỷ thứ ba, FABC biểu lộ lòng khát khao canh tân Giáo hội trong sứ mạng yêu thương và phục vụ trải dài ba mươi năm qua. Hội nghị đã hướng tới 8 điểm quan trọng:

– Giáo hội dành ưu tiên cho người nghèo và giới trẻ (x. FABC, Manila, Philippines, 1970)

– Giáo hội thực sự mang tính địa phương ‘nhập thể, bản địa, hội nhập văn hóa’ (x. 2 FABC, Calcutta, 1978)

– Giáo hội cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ, thể hiện trong phục vụ và yêu thương, hội nhập những điểm son phù hợp đức Tin nơi các nền văn hóa và tôn giáo (x. 2 FABC, Calcutta, 1978)

– Giáo hội trưởng thành trong đức Tin, bắt rễ vào Chúa Ba Ngôi, hợp nhất với Đức Thánh Cha và Giáo hội toàn cầu. (3 FABC, Bangkok, 1982)

Giáo hội nhiệt thành loan Tin Mừng trong ý thức mới về  sứ mạng

– Giáo hội chung tay trong cánh đồng Nước Thiên Chúa với tín hữu giáo dân, những người sở trường trong các lãnh vực dân sự, chính trị kinh tế, xã hội (x. 4 FABC, Tokyo, 1986)

– Giáo hội phủ nhận những thế lực dẫn đến chết chóc và chủ trương văn hóa sự sống bao hàm cả sự chăm sóc ‘Mẹ trái đất’, Tin Mừng sự sống thánh thiêng an hòa và liên đới Chúa Giêsu hứa ban và thực hiện (6 FABC, Manila, 1995)

– Giáo hội dấn thân vào cuộc đối thoại ba lãnh vực: với các niềm Tin khác, với những người nghèo và với các nền văn hóa.

Từng bước theo thời gian, Giáo hội tại châu Á trải nghiệm hoạt động đổi mới của Chúa Thánh Thần. Lời sách Khải Huyền ‘Này Ta đổi mới mọi sự’ (Kh 21,5), đổi mới mọi sự, mọi thời đại hướng tới hình thành ‘Trời mới, Đất mới’ (Kh 21,1; Is 65,17).

Daejeon, Hàn Quốc, năm 2004, hân hạnh được chọn tổ chức FABC lần thứ VIII với chủ đề ‘Gia Đình tại Châu Á Hướng Về Nền Văn Hóa Bảo Toàn Sự Sống’. Dù giữa những khó khăn dường như không thể vượt qua, các gia đình châu Á vẫn sống niềm hy vọng và niềm vui. Phải chăng đây là dấu chỉ sự hiện diện tác sinh của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa củng cố sự thân mật, hòa hợp và các giá trị tích cực bền bỉ trong các gia đình.

Người dân châu Á nhìn nhận gia đình là thánh thiêng. Con cái được nâng niu như những kho tàng và tặng phẩm từ Thiên Chúa. Cha mẹ sẵn lòng vất vả vì con cái và con cái thảo kính mẹ cha. Gia đình là bí tích, là kết ước tình yêu, thông hiệp, trao ban theo mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nhà Nazareth rực sáng mẫu gương gia đình. Gia đình góp phần làm nên mỗi con người và hướng tới tỏa sáng Tin Mừng.

Dầu vậy, mối dây huyết thống chặt chẽ của gia đình kéo theo những tiêu cực. Chế độ ‘gia trưởng’, ‘chồng chúa vợ tôi’ phổ biến. Phụ nữ và các em gái không được đối xử công bằng. Xã hội ngày nay, sự phát triển khoa học kỹ thuật và sinh học… đang xâm phạm ‘sự sống thánh thiêng’, xói mòn giá trị gia đình về luân lý, lòng tin tôn giáo, sự chung thủy.

Gia đình châu Á đối diện tình trạng vợ chồng khác nhau về văn hóa, tôn giáo, vợ chồng ly thân kéo theo sự việc tái hôn, vợ chồng phải xa nhau do công việc lao động… con cái không được hưởng không khí tình yêu cần có của đời người.

Một vấn nạn lớn đối với gia đình là sự nghèo đói. Cái đói dường như không thể thoát khỏi. Nhiều gia đình khởi đầu trong thiếu thốn, tại thành thị cũng như tại thôn quê. Nhiều gia đình không có lấy ‘một mảnh đất sống’. Trẻ em phải lao động sớm. Môi sinh bị tàn phá nặng nề.

Ngày nay bệnh nan y HIV/AIDS, tệ nạn phá thai, tuyên truyền ngụy tạo cổ xúy ngừa thai nhân tạo… xảy ra như hậu quả của sự suy đồi luân lý. Giáo hội ý thức hiện diện giữa những xung đột gia đình, nỗ lực tìm phương dược chữa trị từ bình diện quốc gia, luật pháp, giáo lý, và lòng thương cảm chăm sóc bệnh nhân

Một giải đáp đặc biệt FABC đề xuất BEC / BHC (Basic Ecclesial Communities / Basic Human Communities) như phương thức hiện diện mới của Giáo hội. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và là cộng đoàn căn bản của Giáo hội, Giáo hội chính là tổ ấm. BEC / BHC hội nhập gia đình vào công cuộc loan Tin Mừng. Giáo hội bắt đầu từ gia đình, các liên gia, qua đó làm thành giáo xứ.

Chủ đề ‘Sống Thánh Thể tại Châu Á’ được quan tâm và suy tư trong Hội nghị FABC tại Manila, 2009. Thánh Giáo hoàng Gioan- Phaolô II qua thư luân lưu ‘Giáo hội sống Thánh Thể’, năm 2003, (Ecclesia de Eucharistia), sau đó, năm 2004, Đức Thánh Giáo hoàng ban Tông thư ‘Lạy Chúa, xin ở lại cùng chúng con’ (Mane nobiscum, Domine) để cử hành năm sống Thánh Thể, và triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục XI với chủ đề ‘Thánh Thể: Nguồn Ngọn của Đời Sống và Sứ Mạng của Giáo hội’. Đức Thánh Cha Bênêđictô, Đấng kế vị Đức Gioan-Phaolô, tiếp tục cổ võ tư tưởng Thánh Thể với Tông huấn hậu Thượng Hội đồng ‘Bí tích Tình Mến’ (Sacramentum Caritatis). FABC vui mừng tận hưởng giáo huấn phong phú của Mẹ Giáo hội.

Giáo hội tại châu Á nổi bật trong đặc tính tìm kiếm sự sống, đấu tranh cho sự sống đích thực, mang dấu ấn sự sống linh hoạt với sự phong phú và chiều sâu nơi các nền văn hóa và tôn giáo. Nơi đây cũng diễn ra nhiều thách đố trước sự phát triển kỹ thuật, kinh tế, công nghiệp, khuynh hướng lợi ích nhóm, chính trị độc tài, phát triển bất quân bình giữa thành phố và thôn quê.

Sống Thánh Thể đi đôi với sống lòng tin. Lòng tin đi đôi với cử hành. Cử hành lòng tin ban sự sống. Điểm chủ chốt của Thánh Thể chính là Chúa Kitô hiến mình để trở thành đời sống của chúng ta. Người là Bánh từ trời, là tặng phẩm từ Chúa Cha, đem lại sự sống đời đời. Thánh Thể là chính sự sống Thiên Chúa thông ban cho nhân loại.

Bước vào cử hành Thánh Thể, chúng ta được quy tụ thành gia đình hiệp nhất, vượt trên mọi chia rẽ. Từng bước theo tiến trình cử hành Thánh Thể, chúng ta nhận biết Thiên Chúa và chính mình để khiêm tốn xin lòng Chúa thương xót. Với phụng vụ của ‘Lời’, chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu mạc khải tình thương cứu độ, xác tín Chúa chính là ‘Lời’. Phần đáp ca biểu lộ lòng tin đáp lời và sau đó tuyên xưng đức tin (Chúa nhật và lễ trọng). Giáo hội tiến dâng của lễ với tâm tình chúc tụng xin Chúa tái tạo phẩm giá ‘hoa màu’ tạo vật, như dấu chỉ hy vọng giữa những bất công. Kinh nguyện Thánh Thể chú tâm vào biến cố trung tâm Chúa Giêsu bị trao nộp, Đấng đã chịu đóng đinh trên Thập giá và đã sống lại, hoàn tất Thánh Ý Cha và cứu sống trần gian. Thưa cùng Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu mạc khải mối tương quan độc đáo và Người dạy chúng ta cùng sống tương quan ấy với lời nguyện cầu ‘Lạy Cha chúng con…’ Trong lời kinh này, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Cha ban lương thực hằng ngày và Cha đã ban chính Chúa Giêsu, Bánh hằng sống, suốt hành trình cuộc đời ta. Từ sự thông hiệp mầu nhiệm trong ‘Lời’ và Thánh Thể, chúng ta dấn thân vào sứ mạng loan Tin Mừng, chia sẻ niềm vui ân huệ đã lãnh nhận và đã trải nghiệm.

Thánh Thể mời gọi ta bước vào mầu nhiệm Giáo hội, đón nghe ‘Lời’, sống lòng Tin lòng Cậy, và lên đường chia sẻ niềm vui được thông hiệp cùng Thiên Chúa.

Kỷ niệm 40 tuổi, FABC mở Hội nghị Toàn thể tại Xuân Lộc và tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Trong tâm tình Giáo hội toàn cầu cử hành ‘Năm Đức Tin’, theo ý muốn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đào sâu lòng Tin hướng tới Tân Phúc Âm hóa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Thánh Công đồng Vaticanô II (1962-1965) và 20 năm ban hành ‘Sách  Giáo  lý  Hội  Thánh  Công Giáo’

FABC hồi tưởng hành trình đã qua trong niềm tri ân, qua chín Hội nghị Toàn thể, cung cấp những hướng đi chính cho cuộc canh tân các Giáo hội tại châu Á. 3% dân Chúa tại châu Á trở thành chứng nhân trước ba thực tại triền miên trong xã hội châu Á: Khối đông dân chúng nghèo khổ, các nền văn hóa tôn giáo và những truyền thống triết lý sâu sắc. Dân Chúa tại châu Á dấn thân vào cuộc đối thoại ba phương diện: Đối thoại với dân chúng nghèo khổ nhằm giải phóng toàn diện, đối thoại với các nền văn hóa để hội nhập và đối thoại với các nền triết lý tôn giáo để cùng thấu hiểu và lan tỏa Tin Mừng. Chủ thể chính thực hiện đề xuất này là Giáo hội tại địa phương, nhập thể vào dân tộc mình, phân định điểm mạnh điểm yếu trong ánh sáng của ân sủng chữa lành cứu chuộc của Chúa Kitô.

Giáo hội cần thấm nhuần Thánh Thần trong nguyện cầu chiêm niệm, trở thành cộng đoàn đức Tin hiệp thông, đề cao vai trò tông đồ của tín hữu giáo dân, hướng về Chúa Giêsu và chủ trương đối thoại làm phong cách thi hành sứ mạng tại châu Á. Gia đình đóng vai trò đặc biệt trong Giáo hội và xã hội, mang linh đạo hiệp thông và văn hóa sự sống. Giáo hội không bao giờ rời xa Thánh Thể nhưng sống Thánh Thể trong cả ba bình diện: cá nhân, cộng đoàn và xã hội.

Tại Colombo, Sri Lanka, 2016, FABC suy tư và sống cảm thức: ‘Gia Đình Công Giáo : Giáo Hội Tại Gia của Người Nghèo Dấn Thân Vào Sứ Mạng Lòng Thương Xót’. FABC xác tín Thánh Thần Chúa Giêsu đã linh hứng cho Giáo hội tại châu Á tầm nhìn về gia đình Công giáo. Gia đình là tâm điểm loan Tin Mừng hướng tới văn hóa sự sống toàn vẹn (FABC, Daejeon, 2004). Gia đình sống Thánh Thể và trở thành ‘Thánh Thể’ bằng tình yêu, sẻ chia, phục vụ đặc biệt người nghèo đói túng thiếu (FABC, Manila, 2009). Thánh Thần gọi gia đình châu Á dấn thân vào sứ mạng ‘Tân Phúc Âm hóa toàn vẹn’ (FABC, Xuan Loc, 2012)

FABC quan niệm Giáo hội của người nghèo: Nghèo vật chất, nghèo tinh thần ‘nghèo theo Tin Mừng’. Mọi người cần nhận thức tất cả là hồng ân từ Chúa. Giáo hội của người nghèo, đặt mình trước Thiên Chúa, nhìn nhận tội lỗi và biết mình tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa. Giáo hội của người nghèo chọn người nghèo, liên đới với người nghèo, đấu tranh cho quyền lợi và phẩm giá người nghèo. Giáo hội của người nghèo nhận biết Chúa Giêsu của mình trở nên nghèo để chúng ta được giàu ân sủng của Người.

Các gia đình châu Á bị bao vây bởi nhiều trào lưu: Thế tục, cá nhân, duy vật, triết lý hậu hiện đại… Gia đình châu Á liệu có rơi vào thái độ dửng dưng hay còn bảo tồn được cảm thức năng động sâu xa của cộng đồng, lòng từ tâm và cảm thông?

Các gia đình Công giáo là một thiểu số rất nhỏ nhưng cũng đã chia sẻ được những giá trị và những đặc tính Công giáo, đứng lên được giữa sự đa dạng về văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Các gia đình duy trì tình nghĩa họ hàng, chăm sóc nhau, nhất là ông bà đã cao tuổi, đau bệnh. Cảm thức gia đình thánh thiêng giúp tôn trọng sự sống từ khi là bào thai đến cái chết tự nhiên và duy trì sự chung thủy.

Bình diện nội tại, các gia đình châu Á, những Giáo hội tại gia của người nghèo có thể thực thi hiệu quả lòng từ nhân và cảm thông của Chúa, nhờ thấm nhuần mầu nhiệm tự hiến, lễ vượt qua, Chúa chết và sống lại, được cử hành trong lễ Thánh Thể. Giáo hội tại gia cần nội lực lòng tin, thi hành Thánh Ý Chúa, khát khao được sai đi tới tận ‘ngoài biên’ của nhân loại (EG 20-21.24.49). Các gia đình cần thể hiện ‘hôn nhân là họa ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta’ (Amoris Laetitia 121).

Bình diện ngoại tại, Gia đình châu Á hành động theo Chúa Giêsu, Đấng tự xác nhận là ‘Người phục vụ’ (Lc 22,27), thể hiện lòng cảm thông và nhân ái giữa cộng đồng, có khả năng ‘kể truyện’ Giêsu cho các gia đình khác (x. JP II, Giáo hội châu Á n. 23). Chúa giáo huấn, nuôi dân đói khát, chữa lành người đau bệnh, chữa lành và đưa người bệnh phong hội nhập cộng đồng, cảm thương tội nhân, tiếp nhận Giakêu và Matthêu… đi vào mối tương quan ‘misera et misericordia’ (nỗi khốn cùng và lòng xót thương) như Chúa Giêsu trước phụ nữ bị kết án ném đá (x. Augustinô, chú giải Tin Mừng Gioan).

Đứng trước thách đố bạo lực và cực đoan tôn giáo, gia đình Giáo hội châu Á xác tín Thiên Chúa luôn ở cùng, kiên trì hy vọng và chân tình đối thoại. Đứng trước thách đố nghèo đói, ly tán, gia đình Giáo hội châu Á chia sẻ ‘cơm áo’, bảo vệ quyền người nghèo, cổ động công bằng xã hội; tạo nhịp cầu giữa hai quốc gia, nơi người dân rời xa và nơi di dân đến, để giúp đỡ họ; loại trừ thái độ xung đột chia rẽ và những ý thức hệ thống trị. Đứng trước thách đố toàn cầu khí hậu thay đổi ấm lên, mọi gia đình và mỗi cá nhân đều cần hợp lực chống những tập đoàn khai thác hủy hoại ‘Mẹ Trái Đất’, cộng tác bảo toàn làm sạch công trình tạo dựng, tiết kiệm điện nước, loại trừ lối sống phí phạm vô trách nhiệm, tăng cường giáo dục lương tâm.

3. Viễn tượng

FABC đã cử hành trang trọng kỷ niệm 50 năm thành lập. Chủ đề Đại hội nói lên viễn tượng cho ngày mai: ‘Journeying Together as Peoples of Asia’ (Tiến bước cùng nhau trong tư cách con dân châu Á). FABC cảm nhận mình đang đụng chạm đến tâm thức châu Á, muốn đáp lời trước những thách đố triền miên của xã hội loài người, của châu Á, và củng cố Giáo hội tại châu Á mênh mông và huyền nhiệm.

Con đường FABC đã đề ra và tiếp tục thực hiện là tạo nên sự hiểu biết, tình bằng hữu, tình liên đới giữa các Giám mục và các Giáo hội địa phương, mỗi ngày tăng triển thành ‘các Giáo hội – chị em’. FABC cổ võ những trao đổi thần học, mục vụ, tầm nhìn qua các hoạt động của những Học viện và những Trung tâm. Đặc biệt FABC hiệp thông chặt chẽ với Đấng kế nhiệm Thánh Phêrô, Tòa Thánh, Giáo hội toàn cầu.

Tâm thế Liên Hội đồng Giám mục Á châu chăm lo hoán cải canh tân, dấn thân đi ra vùng ngoại biên, đồng hành với các gia đình nhất là những mảnh đời ‘lênh đênh bấp bênh’. Giáo hội sống phong cách đối thoại an hòa với các nền văn hóa và tôn giáo, làm nhịp cầu gặp gỡ cho các chính quyền và các nhóm hội thiện chí phục vụ con người và công ích.

Đặc biệt tiếp ứng niềm khát khao của Đức Thánh Cha Phanxicô qua Thông điệp ‘Laudato Si’, FABC thấu hiểu thế nào là sự thay đổi khí hậu ấm nóng toàn cầu, tiếng kêu than quằn quại của ‘Mẹ Trái Đất’, của thiên nhiên, bị tổn thương trầm trọng bởi sự khai thác vô độ vô tâm của nhóm tài phiệt. Muốn sống còn, nhân loại phải chăm sóc ‘Mẹ Trái Đất’ đúng mức và bền vững.

Viễn tượng của Liên Hội đồng Giám mục Á châu kết tinh lại vừa như lời nguyện cầu và vừa như những ước mơ: Trong nỗ lực cộng tác với ơn Chúa định hướng mục vụ, khi phân định những dấu chỉ thời đại, chúng ta xin ơn khôn ngoan. Trong đức Tin, khi trầm tư trước các thách đố phục vụ, chúng ta xin ơn soi dẫn. Và thấm nhuần tâm não hiệp hành, khi đáp lời trước trăn trở của Chúa Giêsu trên Thập giá ‘Ta khát’ (Ga 19,28), chúng ta xin ơn quảng đại và can trường.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 133 (Tháng 1 & 2 năm 2023)

Nguồn:hdgmvietnam


[1] X. FABC, Fifty Years of Asian Pastoral Guidance, Collection of the Statements of Asian Bishops’ Meeting and the Plenary Assemblies of the Federation of Asian Bishops’ Conferences (FABC) (1970-2020), Ed. Vimal Trimanna, CSsR. Hemmarus Prepress, Bangkok, Thailand, 2020.

[2] Asian Bishops’ Meeting, Message and Resolutions of the Asian Bishops’ Meeting, n.12, Manila, Philippines, 23th to 29th Nov. 1970

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận