Bài giảng của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Thánh lễ truyền Dầu 9/4/2020

1335 lượt xem

Vào lúc 7g sáng thứ Năm Tuần Thánh, ngày 09/04/2020, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh Lễ Làm Phép Dầu tại Nhà thờ Chính Tòa Văn Hạnh. Đồng tế với ngài có cha JB. Nguyễn Khắc Bá, Tổng Đại diện Giáo phận, cha Antôn Nguyễn Xuân Hồng, quản xứ Thọ Ninh và là Trưởng ban Phụng vụ Giáo phận, cùng cha quản xứ chính tòa và quý cha trong Tòa Giám mục.

Thánh lễ Làm Phép Dầu là dịp để tất cả các linh mục trong Giáo phận quy tụ chung quanh Giám mục, vị chủ chăn của Giáo phận, để cùng nhắc lại những lời tuyên hứa mà các ngài đã cam kết trong ngày thụ phong, và cũng để nói lên tinh thần hiệp thông với vị chủ chăn Giáo phận.

Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, nên Thánh lễ trọng thể làm phép dầu không có sự hiện diện của tất cả các Linh mục trong Giáo phận, cũng không có sự tham dự của tu sĩ và giáo dân. Tuy nhiên, qua màn hình trực tuyến, cộng đoàn con cái Giáo phận đã tham dự Thánh lễ và cùng hiệp thông với vị cha chung trong thánh lễ này.

Trong thánh lễ này Đức Giám mục làm phép Dầu bệnh nhân (Oleum infirmorum = OI); dầu dự tòng (Oleum catechumenorum : OC) và thánh hiến dầu thánh (Sanctum chrisma = SC). Sau đó, dầu được gửi về tại các Giáo xứ để cho các linh mục sử dụng khi cử hành các Bí tích: Bí tích Rửa tội, Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Dầu SC để Giám mục xức lên tay các linh mục trong ngày lễ truyền chức Linh mục, để Giám mục xức cho thụ nhân trong cử hành Bí tích Thêm sức… Đó là ý nghĩa của ngày lễ Truyền dầu.

Tất cả những tâm tình đó đã được Đức cha Phaolô trình bày trong bài giảng lễ sáng nay.

Sau đây là toàn văn Bài giảng.

Trong Lễ Truyền Dầu hôm nay chúng ta kỷ niệm biến cố Thiên Chúa Cha đã trao ban Thánh Thần đến xức dầu tấn phong Con Một Chúa làm Đấng Thiên Sai và làm Đức Chúa. Theo thánh Luca, được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Đức Giêsu trở về quê hương Nazareth và long trọng công bố sứ điệp của Isaia: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi / vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi / sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ / băng bó những tấm lòng tan nát / công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm / ngày phóng thích cho những tù nhân / công bố năm hồng ân của Đức Chúa”.

Đọc xong, Người ngồi xuống và tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Thật vậy, ngôn sứ Isaia dù sao chỉ là hình bóng. Chính Đức Giêsu Kitô mới là Đấng được Xức dầu và được Tấn phong để khai mở thời đại mới, trong đó con người được giao hòa với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với vũ trụ vạn vật.

Lễ Dầu hôm nay là một Thánh Lễ đặc biệt biểu lộ sự hiệp thông giữa giám mục với linh mục đoàn, cũng như giữa hàng giáo phẩm với các tín hữu và giữa tất cả chúng ta với Đức Kitô Thượng tế. Đây cũng là cơ hội đặc biệt để chúng ta nhớ lại lời nguyện Thánh hiến của Đức Kitô, rồi cùng Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha tâm tình cảm tạ.

Thánh Gioan cho biết, trong giờ phút linh thiêng, cao cả và thân tình của Tiệc Ly, Đức Kitô đã ngước mắt lên trời, rồi tha thiết đọc lời nguyện Thánh hiến: Lạy Cha chí thánh “xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (17,17-19)

Lời cầu nguyện này không phải chỉ dành cho các Tông đồ, mà còn cho tất cả cộng đồng Dân Chúa, đặc biệt cho các tư tế trong suốt lịch sử cứu độ. Bởi vì, “do bí tích Truyền Chức Thánh (…), một số Kitô hữu được đặt làm thừa tác viên có chức thánh (…), họ được thánh hiến và được chỉ định, mỗi người tùy theo cấp bậc của mình, để hướng dẫn đoàn dân Chúa, bằng cách chu toàn các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và lãnh đạo nhân danh Đức Kitô là Đầu” (GL 1008).

Anh em linh mục thân mến,

Trong ngày kỷ niệm Đức Kitô chia sẻ chức vụ tư tế của Người cho chúng ta, tất cả chúng ta được mời gọi nhìn lại bản thân, nhìn lại ơn gọi và cách thế thi hành sứ vụ linh mục. Chúng ta có thực sự bước theo Đức Kitô khiết tịnh, khiêm hạ, khó nghèo, từ bi nhân hậu hay không? Chúng ta có noi gương Ngài quảng đại từ bỏ bản thân và luôn cố gắng trung thành với lời cam kết? Chúng ta có trở nên bàn tay nối dài của Thiên Chúa để chúc phúc, tha tội và ủi an những người lầm than, u sầu, khốn khổ?

 Mấy câu hỏi sau đây của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI luôn luôn phải là đề tài suy niệm cho chúng ta: “Lời Chúa có tác động gì trong cuộc đời chúng ta? Chúng ta có thật sự thấm nhuần Lời Chúa? Lời Chúa có thực sự là lương thực nuôi sống chúng ta, hơn cả cơm bánh và những thực tại trần gian không?… Chúng ta có nghĩ đến Lời Chúa, có để cho Lời Chúa thực sự đào tạo cuộc đời và đẽo gọt tâm trí chúng ta không? Hay tâm trí chúng ta vẫn không ngừng mô phỏng tất cả những gì người đời nói năng và hành động?…”

Xuất thân từ cộng đoàn Dân Chúa, nhất là từ những vùng quê hẻo lánh và khiêm hạ, chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường như các thành phần khác trong cộng đoàn. Chắc chắn chúng ta không thể có tất cả các năng khiếu hay “toàn thể các đặc sủng”, như một số người lầm tưởng. Vì lợi ích của Giáo Hội, chính Chúa đã mời gọi và hỗ trợ đắc lực để chúng ta có thế vươn tới “đặc sủng của toàn thể”, nghĩa là đặc sủng để duy trì hiệp nhất, để xây dựng cộng đoàn, để sống và loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta được cắt cử đảm nhận một số trách vụ quan trọng hay được sai đi dấn thân phục vụ tại những vùng biên cương, tất cả chỉ là hồng ân và phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhằm phục vụ Cộng đoàn Dân Chúa.

Chúng ta còn nợ Chúa và Cộng đoàn Dân Chúa nhiều lắm. Phải thành thật thú nhận rằng, trong thời gian gần đây, một số giáo sĩ biến chất đã có những hành động sai trái, làm ô danh Chúa, gây tang thương cho Giáo Hội và khổ đau, thất vọng, nhục nhã cho cộng đoàn Dân Chúa. Dĩ nhiên, họ chỉ là là một thiểu số ít ỏi. Trong hàng giáo sĩ hôm nay vẫn có rất nhiều thành viên thánh thiện, luôn hăng say sống Tin Mừng, can đảm bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền và hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại, đặc biệt những người nghèo khổ hay đang bị gạt ra bên lề xã hội. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, con sâu vẫn làm rầu nồi canh. Hàng giáo sĩ chúng ta đau buồn và có trách nhiệm về hiện tượng biến chất đó. Trong Thánh Lễ đặc biệt này, một lần nữa, chúng ta phải thành tâm xin lỗi Chúa và cộng đoàn Dân Chúa, bằng quyết tâm sống tốt hơn ơn gọi linh mục, đồng thời cầu nguyện nhiều hơn cho các anh em đã sai đường lạc lối.

Anh em linh mục thân mến,

Chúng ta đang chứng kiến đại dịch Corona Vũ Hán lan tràn khắp thế giới, theo cấp số nhân, mà chưa có thuốc đặc trị và cũng chẳng có thuốc chủng ngừa. Sự hoảng loạn, nỗi lo, nỗi sợ … cũng nhanh chóng được toàn cầu hóa và đã thấm vào mọi tế bào của cá nhân, gia đình, xã hội cũng như thế giới. Với tư cách là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không thể giữ thái độ bàng quan, vô cảm, sống chết mặc bay… mà phải tích cực nhập cuộc, chia sẻ nỗi đau và đồng trách nhiệm với mọi người để chống đại dịch này.

Qua 3 thông báo của Tòa Giám mục, anh em đã đọc các qui định giảm thiểu, thậm chí tạm ngưng một số hoạt động mục vụ, phụng vụ và hội họp đông người. Chắc chắn, chưa bao giờ chúng ta phải cử hành Lễ Dầu một cách dị thường như hôm nay: Vỏn vẹn 7 linh mục, vài chủng sinh, vài nữ tu và một ít giáo dân, trong một ngôi thánh đường rộng mênh mông. Chúng ta có lý để đau buồn trước những hạn chế hay giảm thiểu các Thánh Lễ, các nghi thức cử hành truyền thống, cũng như những sinh hoạt cộng đồng đang khởi sắc. Tuy nhiên, với tinh thần yêu thương, liên đới và trách nhiệm, chúng ta phải cố gắng tuân thủ các biện pháp phòng dịch để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và tránh nguy cơ đại dịch Covid-19 lan tràn sang cộng đồng.

Từ viễn tượng đức tin, rất có thể đây cũng là cơ hội giúp chúng ta đào sâu chiều kích nội tâm của đời sống linh mục, chuyên cần cầu nguyện, ở lại bên Chúa lâu hơn, học hỏi nhiều hơn và thực thi bác ái hăng say hơn.

Đối với anh chị em giáo dân, bất chấp những đau thương và chết chóc, rất có thể đại dịch này sẽ giúp chúng ta nhìn lại chính mình, nghĩ đến thân phận con người, đến trách nhiệm đối với môi trường và mối tương quan với Thiên Chúa. Phải chăng đã đến lúc phải nghĩ đến một cấu trúc xã hội liên đới, công bằng, nhân ái và thân thiện với môi trường hơn? Phải chăng cần thay đổi não trạng và chọn lối sống lành mạnh hơn? Thật vậy, Covid-19 không phải là thứ thiên tai như sóng thần, động đất hay bão tố lũ lụt, mà là thứ tai vạ mang dấu ấn của con người hay do con người gây nên.

Chắc chắn trong những ngày vừa qua, anh chị em nhớ những tiếng chuông nhà thờ và rất buồn khi không được tham dự những Thánh Lễ trọng thể trong Tuần Thánh. Tôi cũng rất đau lòng khi phải quyết định cử hành Thánh Lễ với rất ít người tham dự. Nhưng nhà thờ vẫn không đóng cửa. Ít nhất, anh chị em vẫn có thể viếng Chúa một cách âm thầm, riêng tư hay từng nhóm nhỏ, nhưng luôn tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch. Bất chấp tất cả, trong giai đoạn này, xin anh chị em giữ bình tĩnh và gia tăng cầu nguyện cho thế giới, cho giáo phận, cho các nạn nhân của trận dịch. Xin ơn trên luôn phù hộ chúng ta.

Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận